Vì sao phim "tử tế" thường thất bại?

Thứ Sáu, 21/09/2018, 07:23
Có thêm một tuần ra rạp sau chiến dịch kêu gọi "Cho "Song lang" thêm một tuần nữa" của một số khán giả yêu điện ảnh, nhưng bấy nhiêu thôi, chưa đủ để bộ phim về đề tài cải lương có thể lội ngược dòng. Có lẽ, cái khó đoán định nhất chính là "gu" thưởng thức nghệ thuật của khán giả Việt, những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao lại thất bại khi ra rạp, trong khi phim bị đánh giá là "nhảm, nhạt" lại chiến thắng vang dội tại các phòng vé.


Nỗi buồn "phim tử tế"

Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn về chất lượng phim và sự đầu tư tâm huyết nhưng "Song lang" (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Leon Quang Lê) không thành công ở các phòng vé, thậm chí là "chết yểu" sau thời gian ngắn ra rạp.

Ngay từ đầu, ekip sản xuất "Song lang" đã xác định, cải lương là đề tài khá kén người xem, nhất là khán giả trẻ - những người không có nhiều "thiện cảm" với những môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn kỳ vọng, một bộ phim được đầu tư nghiêm túc sẽ có khán giả riêng.

Khai thác đề tài truyền thống nhưng "Song lang" có cốt chuyện hấp dẫn, đậm chất điện ảnh. Câu chuyện về cải lương, về tình cảm giữa Linh Phụng (Isaac thủ vai), chàng kép chính của Đoàn cải lương Thiên Lý và kẻ chuyên đòi nợ thuê Dũng Thiên Lôi (Liên Bình Phát đóng) được thể hiện rất "tình" trong "Song lang". Nhiều nhà chuyên môn đánh giá rằng, đạo diễn Leon Quang Lê đã tái hiện thành công phố thị Sài Gòn những năm 1980 với những rạp cải lương đông nghẹt khán giả và cuộc sống của những nghệ sỹ với bộn bề cuộc sống phía sau tấm màn nhung lộng lẫy.

"Song lang" có sự chỉn chu, chuẩn mực trong từng thước phim, khuôn hình cũng như âm thanh, ánh sáng. Đạo diễn Leon Quang Lê có sự hiểu biết sâu rộng và tình yêu đặc biệt dành cho cải lương. Anh tập trung vào những chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế của người xem. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tâm huyết của nhà sản xuất phim cũng như đạo diễn Leon Quang Lê không đến được với khán giả.

Một cảnh trong phim "Song Lang" ra rạp trung tuần tháng 8 vừa qua.

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến "Song lang" thất bại chính là ở khâu truyền thông. Qua công tác quảng bá phim, nhiều người nghĩ rằng, "Song lang" là phim kỷ niệm 100 năm cải lương, giống như nhiều phim "cúng cụ" khác hoặc chỉ khai thác đề tài tình yêu đồng tính nam nhạt nhẽo.

Một trong những khán giả tâm huyết của "Song lang" - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói đại ý rằng, khi xem phim, chị thấy phim không như những gì đã đọc, đã nghe. Đó không phải một bộ phim cải lương, một bộ phim về phục hồi nghệ thuật truyền thống, không phải phim về tình yêu đam mỹ và hoàn toàn không phải là bản copy của Bá vương biệt cơ hay gì đó… "Giống như tưởng tượng nó là màu đen, cuối cùng nó là màu trắng hoặc ngược lại. Đó là lý do tôi bắt đầu việc ủng hộ nhà làm phim trong việc đòi lại màu sắc cho bộ phim", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

Phân tích như vậy để thấy rằng, có thể, công tác truyền thông để tiếp cận khán giả của "Song lang" đã khiến khán giả hiểu nhầm thông điệp phim. Và chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến khán giả thờ ơ với một bộ phim đậm chất nghệ thuật như "Song lang".

Trái ngược với sự "ảm đạm" của "Song lang", "Hoán đổi" (Đạo diễn Võ Thái Hòa, với sự tham gia của các diễn viên như Việt Hương, Trấn Thành, Nhã Phương, Ngô Kiến Huy) - bộ phim ra rạp trong cùng thời điểm lại khá thành công với doanh thu gần 20 tỷ đồng sau bốn ngày khởi chiếu. Điều đáng quan tâm là ngay sau khi ra rạp, "Hoán đổi" bị ném đá tơi tả vì nội dung nhạt nhẽo, chọc cười bằng những tình tiết vô lý, mạch phim rời rạc, tâm lý nhân vật thiếu nhất quán. Nhiều trang phân tích, bình luận phim chấm "Hoán đổi" dưới điểm trung bình.

Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với trường hợp của phim "Ống kính sát nhân" (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng với sự tham gia của diễn viên Chánh Tín, Hứa Vĩ Văn, Quang Sự, Diễm My 9X…) và "Lộ mặt" ra rạp hồi giữa năm 2018. "Ống kính sát nhân" là phim về thể loại tâm lý tội phạm, có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản. Phim là nỗ lực đáng ghi nhận của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng trong việc tạo ra sự khác biệt, tìm tòi hướng đi mới. Anh được đánh giá là có tố chất của một đạo diễn trẻ triển vọng. Tuy nhiên, bấy nhiêu chưa đủ để "Ống kính sát nhân" thành công về doanh thu phòng vé.

Trong khi đó, phim hài hành động "Lộ mặt" (đạo diễn Vĩnh Thuyên với sự tham gia của các diễn viên Minh Luân, Vĩnh Thuyên Kim, Lâm Vĩ Dạ, Mạc Văn Khoa, Hứa Minh Đạt…) lại khá tưng bừng tại các phòng vé. "Lộ mặt" kể về câu chuyện với nhiều tình tiết hài hước giữa Phong (Minh Luân đóng), thành viên một băng nhóm buôn bán chất cấm và Trâm (Vĩnh Thuyên Kim đóng), người cầm đầu nhóm chuyên dàn dựng đánh ghen. Nhiều khán giả cho rằng, "Lộ mặt" không khác gì một MV ca nhạc được kéo dài cho đủ thời lượng, chỉ cần xem 15 phút đầu là có thể đoán được 90% đoạn kết.

Phim "ăn xổi" không thể giúp điện ảnh Việt cất cánh

Từ câu chuyện của một số bộ phim ra rạp thời gian gần đây có thể thấy rằng, "gu" xem phim của khán giả Việt vẫn là những tác phẩm có nội dung đơn giản, hài hước thay vì tác phẩm có chủ đề sâu sắc, gai góc. Nhiều khán giả trẻ chia sẻ rằng, họ đến rạp xem phim đơn thuần là để giải trí và mong muốn được xem những bộ phim hài hước, nhẹ nhàng không quá nặng về kịch bản cũng như tình tiết phim.

Điều này lý giải tại sao diễn viên hài nổi tiếng, dàn "hot boy", "hot girl" - những tay ngang trong điện ảnh lại có nhiều đất "dụng võ" đến vậy. Sự dễ dãi trong gu thưởng thức của khán giả "tiếp tay" cho những bộ phim nhảm, nhạt. Sự lên ngôi của những bộ phim giải trí hời hợt không thể giúp điện ảnh Việt đi xa trên con đường nghệ thuật. Đó chỉ là cách đầu tư "ăn xổi", "đánh nhanh thắng nhanh", không tạo ra giá trị bền vững.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt khởi sắc mạnh mẽ. Số lượng phim ra rạp năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt, ít nhiều góp phần tạo thế cân bằng giữa phim Việt với phim nhập ngoại. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận rằng, số lượng phim không tỷ lệ thuận với chất lượng phim. Không nhiều phim thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả.

Điều đáng nói là một số phim ăn khách nhưng không hẳn là phim thuần Việt mà nhiều phim thuộc dòng "remake" (làm lại từ phim ăn khách của nước ngoài). Chúng ta không thể có một nền điện ảnh Việt tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nếu chỉ có những bộ phim ra rạp hời hợt, chạy theo thị hiếu khán giả hoặc là phim có kịch bản "vay mượn" từ những nền điện ảnh tiên tiến khác trên thế giới.

Doanh thu phòng vé có thể coi là thước đo "gu" thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhưng không hẳn đã phản ánh chính xác chất lượng phim. Những bộ phim nghệ thuật, phim được làm "một cách tử tế" thường kén người xem là điều đã được chứng minh bằng chính thực tiễn. Những người làm "phim tử tế" có thể đã sẵn sàng tâm lý để đón nhận thất bại về doanh thu miễn sao được thỏa mãn niềm đam mê với nghề. Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại, không ai đủ kiên nhẫn, đam mê, tận tâm cống hiến khi những đứa con tinh thần của mình ra đời bằng sự yêu thương, tâm huyết lại luôn bị khán giả quay lưng.

Suy cho cùng, yêu, ghét là quyền của mỗi người và khán giả có quyền đưa ra quyết định có nên rút hầu bao mua vé vào rạp xem phim hay không. "Gu" thưởng thức nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có lẽ, phải rất lâu nữa, "phim tử tế" Việt mới tìm được tiếng nói chung với phần lớn khán giả. Khi nào, chất lượng phim đi đôi với doanh thu phòng vé thì điện ảnh Việt mới có thể phát triển bền vững.

Tường Phạm
.
.