Gameshow thuần Việt :

Vì sao khán giả lẫn truyền thông không mặn mà?

Thứ Tư, 29/07/2015, 08:00
Sức hút của "Sao mai" 2015 giảm là điều đã được dự báo từ trước nhưng có lẽ, ngay cả những người trong Ban Tổ chức chương trình cũng không thể ngờ mùa giải năm nay lại diễn ra lặng lẽ như thế. Chương trình "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn" là những chương trình thuần Việt hiếm hoi từng "làm mưa, làm gió" trên truyền hình hơn 10 năm trước đây.

Có lẽ, chưa bao giờ, Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc - Giải Sao mai (sau đây gọi tắt là Sao mai) lại yên ắng như mùa giải năm 2015. Vòng chung kết tại ba khu vực: miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam và miền Bắc kết thúc vào cuối tháng 6 vừa qua, 29 thí sinh xuất sắc nhất đã có trong tay tấm vé bước vào vòng chung kết nhưng thông tin về chương trình lại rất hiếm trên các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, "Việt Nam Idol", "Giọng hát Việt" vẫn đang tưng bừng trên cánh sóng VTV3 mỗi tối chủ nhật. Câu chuyện của Sao mai khiến không ít người "ngậm ngùi" vì cảnh lép vế của gameshow thuần Việt hiện nay.

"Lép vế" trong bão gameshow ngoại

Sức hút của "Sao mai" 2015 giảm là điều đã được dự báo từ trước nhưng có lẽ, ngay cả những người trong Ban Tổ chức chương trình cũng không thể ngờ mùa giải năm nay lại diễn ra lặng lẽ như thế. Chương trình "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn" là những chương trình thuần Việt hiếm hoi từng "làm mưa, làm gió" trên truyền hình hơn 10 năm trước đây.

Một thế hệ ca sĩ trẻ, tài năng như Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Phương Linh, Khánh Linh, Ngọc Anh... đã trưởng thành từ sân chơi này. Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của hàng loạt gameshow nhập ngoại trong lĩnh vực tìm kiếm tài năng âm nhạc như "Việt Nam Idol", "Giọng hát Việt", "Nhân tố bí ẩn", "Hòa âm ánh sáng", "Học viện ngôi sao", "Ngôi nhà âm nhạc"... thì "Sao mai" và "Sao mai điểm hẹn" từng bước mất đi vị trí của mình.

Khán giả Việt vẫn "khát" gameshow thuần Việt. Trong ảnh, một thử thách trong gameshow "Be the Man - Phái mạnh Việt" lên sóng HTV7 thời gian gần đây.

Mặc dù vẫn được coi là chương trình thuần túy âm nhạc với nhiều thí sinh chất lượng cao, nhưng sức hút của "Sao mai", "Sao mai điểm hẹn" thì giảm đi trông thấy, nếu không nói là đang lay lắt tồn tại.

Trong cùng thời điểm này, "Việt Nam Idol" và "Giọng hát Việt" đang lên sóng giờ vàng VTV3 mỗi tối chủ nhật hàng tuần. Dù không tạo ra những cơn bão dư luận như một vài năm trước nhưng sự thay đổi về format, thành phần ban giám khảo... khiến "Việt Nam Idol" và "Giọng hát Việt" vẫn nhận được nhiều đánh giá tích cực của khán giả. Thí sinh tìm đến thử sức tại hai sân chơi này rất đông đảo, trong đó có cả ca sĩ chuyên nghiệp hay ít nhiều đã có tên tuổi trên cộng đồng mạng.

Thí sinh chọn sân chơi "Việt Nam Idol" và "Giọng hát Việt" vì đó không đơn thuần là một cuộc thi ca hát mà sức hấp dẫn từ chương trình có thể giúp họ vụt sáng, trở thành "sao" trong một đêm, hay ít ra, cũng giúp đưa tên tuổi họ đến gần hơn với khán giả. Nhìn ở góc độ này thì "Sao mai" hay "Sao mai điểm hẹn" chưa làm được.

"Đồ rê mí" là một gameshow "made in Việt Nam" dành cho khán giả nhí cũng đang "toát mồ hôi" khi phải cạnh tranh với những sân chơi format ngoại là "Bước nhảy hoàn vũ nhí" và "Giọng hát Việt nhí". Ban Tổ chức "Đồ rê mí" thực sự đã rất nỗ lực để xây dựng sân chơi âm nhạc lành mạnh, trong sáng dành cho các em nhỏ mỗi dịp hè về. Sân khấu "Đồ rê mí" luôn mang đến cho khán giả hình ảnh về tuổi thơ theo đúng nghĩa qua những ca khúc, hình ảnh dành cho trẻ em.

Để tăng sức cạnh tranh, "Đồ rê mí" cũng đã được phát triển thành chương trình truyền hình thực tế nhưng có lẽ, bấy nhiêu thôi chưa đủ để chương trình này bứt phá, vượt qua được "Giọng hát Việt nhí". Quán quân, á quân của "Giọng hát Việt nhí" như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Thiện Nhân... hoàn toàn có thể thành "sao", có show riêng sau cuộc thi còn với quán quân, á quân "Đồ rê mí" thì việc nhớ tên các em cũng là một vấn đề không hề nhỏ, chưa nói đến việc tên tuổi của các em lịm tắt sau cuộc thi đã không gây ra được hiệu ứng lâu dài.

Không có đột phá, khó cạnh tranh

Trong "cơn bão" gameshow nhập ngoại, một điều rất đáng ghi nhận là các Đài truyền hình vẫn tích cực xây dựng và cho ra mắt các gameshow thuần Việt. Chất lượng của chương trình là điều phải tiếp tục luận bàn nhưng đó là hướng đi cần được động viên, khuyến khích.

Thời gian gần đây, Đài truyền hình Vĩnh Long cho ra mắt nhiều chương trình giải trí mới như: Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc "Ngôi sao phương Nam", "Solo cùng Bolero", Chương trình "Tôi là ngôi sao"... "Hò xự xang xế cống", một format thuần Việt về Đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi từ 9 đến 15 tuổi của Đài truyền hình Bạc Liêu cũng đã lên sóng. Tham gia sân chơi này, các em nhỏ không chỉ được tiếp cận nhiều bài hát mới được đặt hàng riêng cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn được trang bị thêm kiến thức thông qua các câu hỏi liên quan đến Đờn ca tài tử, được những chuyên gia hàng đầu về Đờn ca tài tử hướng dẫn, huấn luyện.

Mới đây, kênh HTV7, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng cho ra mắt chương trình truyền hình thực tế thuần Việt đầu tiên dành cho phái mạnh mang tên "Be the Man - Phái mạnh Việt". Chương trình truyền hình thực tế "có format thuần Việt 100%" - "Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015" cũng bắt đầu lên sóng Đài truyền hình Hà Nội vào tháng 6 vừa qua. Đây là chương trình do nhà văn Trang Hạ và nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam trực tiếp xây dựng kịch bản...

Rõ ràng, chúng ta không thiếu những gameshow "made in Việt Nam" nhưng lại rất thiếu gameshow thực sự chất lượng. Nhìn chung, gameshow Việt vẫn bị lệ thuộc về kỹ thuật, ý tưởng từ các kịch bản nước ngoài. Không ít chương trình giống như "bản sao", có "biến báo" đôi chút từ chương trình nào đó của nước ngoài. Những chương trình như "Những bài hát còn xanh", "Tuổi 20 hát", "Vợ chồng mình hát", "Solo cùng bolero", "Tiếng hát mãi xanh"... có chương trình, thể thức thi không khác biệt là bao so với các chương trình về ca hát trên truyền hình hiện nay. Chỉ có điều, mỗi chương trình "nhắm" tới đối tượng riêng. Nếu "Solo cùng bolero" hướng đến cộng đồng những người yêu nhạc "sến", "Tiếng hát mãi xanh" đánh thức niềm đam mê ca hát của những người bậc trung niên thì "Những bài hát còn xanh", "Tuổi 20 hát" đem đến sân chơi cho những bạn trẻ khi thử sức với dòng nhạc truyền thống cách mạng, "Vợ chồng mình hát" là cuộc thi dành cho đối tượng là những cặp vợ chồng.

Hay như chương trình "Be the Man - Phái mạnh Việt" lên sóng HTV7 gần đây nhất cũng chưa tạo được sự lan tỏa như kỳ vọng. Mặc dù quy tụ được nhiều gương mặt nổi bật trong top 10 như "Running man" Vũ Xuân Tiến, vũ công Nguyễn Thanh Tùng, diễn viên, người mẫu Nguyễn Hữu Vi, rapper Phạm Hồng Hải, đạo diễn hình ảnh Hồ Minh Ngọc... cùng dàn giám khảo "hot" là ca sĩ Minh Hằng, diễn viên Hiếu Hiền, ảo thuật gia đường phố Petey Majik Nguyễn nhưng "Phái mạnh Việt" cũng không hút khán giả như những chương trình có định dạng tương tự là "Người đi xuyên tường" hay "Sasuke - Thử thách không giới hạn" đang lên sóng cùng thời điểm.

Sự "lép vế" của gameshow Việt do nhiều nguyên nhân và một trong số đó là trình độ, công nghệ sản xuất của ta còn yếu. Chúng ta đang thiếu những ý tưởng đột phá và hình thức thể hiện còn đơn điệu. Cùng một chủ đề là thi hát nhưng tư duy và cách tiếp cận vấn đề của ta và người nước ngoài hoàn toàn khác biệt. Nếu chúng ta cho rằng, trong cuộc thi hát, mục đích chính là tìm ra người có giọng hát hay, thể hiện thành công tác phẩm thì các gameshow nước ngoài lại chú trọng đến hình thức thể hiện của chương trình. Sự thành công của format "Giọng hát Việt" là một ví dụ.

 Vòng "Đối đầu" của chương trình này luôn gây tò mò và bất ngờ cho người xem, ban giám khảo và cả thí sinh. Việc Ban giám khảo quay lưng lại sân khấu để nghe giọng hát của thí sinh mà không cần biết thí sinh xấu, đẹp ra sao là cách xây dựng chương trình vô cùng sáng tạo. Việc thiết kế sân khấu như đấu trường ở "Vòng đối đầu" cũng làm cho phần thi của thí sinh trở nên kịch tích và hấp dẫn hơn.

Tương tự như vậy, format thi của "Việt Nam Idol" hay "Nhân tố bí ẩn" cũng có cách thể hiện riêng. Rõ ràng, trong những gameshow này, thí sinh không phải là đối tượng tập trung duy nhất mà ngay cả ban giám khảo, thậm chí là khán giả cũng đóng một vai diễn, tạo nên sự thành công của chương trình. Phân tích như vậy để thấy rằng, sự thành công của một gameshow là sự hội tụ của nhiều yếu tố, bên cạnh nội dung tốt cần được thể hiện dưới một hình thức mới, hấp dẫn. Hình thức thể hiện mới, đột phá là điều mà gameshow Việt yếu và thiếu hiện nay.

 Có lẽ, để bắt kịp tốc độ phát triển của gameshow nhập ngoại, gameshow thuần Việt vẫn phải đi một chặng đường dài ở phía trước. Khán giả Việt vẫn "khát" gameshow thuần Việt và không hề quay lưng với chương trình "made in Việt Nam". Chỉ có điều, các chương trình Việt chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút khán giả. Gameshow Việt cần nâng cao tính giải trí thông qua hình thức thể hiện nhưng phải tìm được bản sắc, cách thể hiện riêng, gần gũi với khán giả.

Phạm Thiên Trang
.
.