Vi phạm bản quyền nhạc số: Chuyện chưa có hồi kết
Dư luận mấy ngày qua ồn ào xung quanh việc nhạc sĩ Huy Tuấn gửi bức "tâm thư" cho truyền thông kêu cứu về việc album "Mười tám +" của ca sĩ Văn Mai Hương do ê kíp của anh sản xuất bị phát tán trên mạng khi chưa chính thức phát hành. Sự việc này cho thấy, mặc dù Thông tư liên tịch của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet, mạng viễn thông chính thức có hiệu lực từ ngày 6/8/2012 cũng như việc thu phí tải nhạc đã áp dụng từ 1/11/2012 vẫn chưa đẩy lùi được tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như từng được mong đợi.
Vấn nạn vi phạm bản quyền nhạc số đã được nhắc đến từ lâu nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Sự việc của nhạc sĩ Huy Tuấn và ca sĩ Văn Mai Hương giống như giọt nước tràn ly và sự bức xúc của người trong cuộc cũng là điều có thể hiểu được. "Mười tám +" là album được đầu tư khá công phu cả về công sức lẫn tiền bạc. Mặc dù dự định tháng 8 album mới phát hành thì bất ngờ cuối tháng 7, album đã tràn lan trên rất nhiều trang mạng. Điều đáng nói là sự việc rơi đúng vào nhạc sĩ Huy Tuấn khi anh và nhạc sĩ Quốc Trung là 2 người khởi xướng và đi đầu trong phong trào "Nghe có ý thức" thời gian vừa qua. Thông tin gần nhất về vụ việc này là sau những bức xúc của nhạc sĩ Huy Tuấn được giới truyền thông đăng tải, một số trang mạng sử dụng "chùa" album "Mười tám +" đã tiến hành gỡ album này ra khỏi trang. Tuy nhiên, bất chấp sự cảnh báo của chủ nhân sản phẩm âm nhạc và giới truyền thông, vẫn còn 4 trang nhạc nữa phớt lờ sự nhắc nhở này. Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng tuyên bố trong tuần này, nếu các trang mạng tiếp tục dung túng cho những hành động thiếu ý thức đó, anh và các cộng sự của mình sẽ chính thức khởi kiện.
Có lẽ, khi mà việc vi phạm bản quyền trong âm nhạc đã trở thành căn bệnh nan y, cố hữu thì việc các nghệ sĩ cần có tiếng nói mạnh mẽ như nhạc sĩ Huy Tuấn là điều cần thiết. Mặc dù chiến dịch "Nghe có ý thức" nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo những người hoạt động trong giới nghệ thuật, giới truyền thông nhưng dường như đối tượng quan trọng nhất, đối tượng được ví như cầu nối giữa người sản xuất âm nhạc và người nghe - chủ nhân các website âm nhạc - lại không hào hứng với chủ trương này. Thậm chí, họ quay lưng và tiếp tay cho những hành vi sai phạm. Cho tới thời điểm này, mới chỉ có vẻn vẹn một số ít trang như Zing, Nhaccuatui, nghe nhac, socbay, nhac.vui đồng ý hợp tác, còn lại 150 website nhạc trực tuyến vẫn im hơi lặng tiếng. Hiện tượng vi phạm bản quyền nhạc số phổ biến tới mức hầu hết những ca sĩ, nhạc sĩ đều lắc đầu ngán ngẩm khi công sức, chất xám và cả tiền bạc của họ bỏ ra để làm album lại đổ xuống sông xuống biển bởi vừa phát hành hôm trước, hôm sau đã tràn làn trên mạng. Theo như các ca sĩ từng chia sẻ, làm album là biết trước được hậu quả sẽ lỗ dù có đầu tư hay đến mấy. Cách đây không lâu, việc ca sĩ Thái Thùy Linh mạnh mẽ lên tiếng tố cáo 8 website vi phạm bản quyền và đòi bồi thường số tiền lên tới 400 triệu đồng đã như một sự đánh động vào lối làm ăn chộp giật, thiếu văn minh của nhiều trang mạng âm nhạc. Không bức xúc sao được khi mà sau nửa năm phát hành, album "Bộ đội" của Thái Thùy Linh chỉ bán được 300 bản trong khi lượng nghe/tải lên tới gần 700.000. Sau phản ứng của Thái Thùy Linh, phần lớn các đơn vị đều có phản hồi, dừng vi phạm và đề nghị thương lượng bồi thường. Nhưng những biện pháp như vậy chưa đủ để chủ các trang website thay đổi ý thức trong việc kinh doanh âm nhạc. Hầu hết các trang đều cố tình lờ đi những quy định. Chỉ khi nào bị phát hiện, chỉ đích danh họ mới dừng lại và xin được thương lượng bồi thường để rồi sau đó lại tiếp tục…vi phạm. Như việc trước đó, các trang mạng chỉ chấm dứt xài "chùa" album "Trả lại thời gian - Khúc tình xưa 2" của nữ ca sĩ Lệ Quyên khi cô "đánh tiếng" khiếu nại các trang vi phạm bản quyền và yêu cần bồi thường lên tới 16 tỷ đồng. Hay chuyện ca sĩ Mỹ Tâm thu lại được gần 1 tỷ sau khi gửi văn bản đến Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và một số công ty dịch vụ viễn thông, mạng điện thoại yêu cầu thanh toán thù lao quyền liên quan trong việc kinh doanh dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ và một số dịch vụ khác. Tuy nhiên, số lượng nghệ sĩ lấy lại được tiền tác quyền như thế là rất hiếm hoi. Đa số đều ngậm ngùi nhìn thành quả lao động của mình bỗng chốc biến thành con số không như tuyển tập "71 ca khúc trữ tình" của Cẩm Ly - Quốc Đại vừa cho ra mắt buổi sáng thì buổi chiều đã bị các trang mạng âm nhạc sử dụng toàn bộ để kinh doanh mà không hề xin phép. Thậm chí, khi có công văn yêu cầu các trang này gỡ bỏ thì câu trả lời vẫn là sự im lặng.
Nhiều ca sĩ trẻ hưởng ứng phong trào “Nghe có ý thức” nhưng chủ các Website âm nhạc lại làm ngơ. |
Hậu quả của việc các website sử dụng nhạc không bản quyền, không giấy phép kinh doanh là đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu và uy tín của nhiều nhà sản xuất, nhạc sĩ, nghệ sĩ. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng băng đĩa bị sụt giảm hơn 80%. Nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực này như Hồ Gươm Audio ở phía Bắc hay Bến Thành Audio - Video ở phía Nam đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, một năm sản xuất một vài album với mục đích để công chúng biết đơn vị ấy còn tồn tại. Còn chuyện kinh doanh kiếm lời là điều không tưởng. Một điều nữa cho thấy, mặc dù việc thu phí tải nhạc trực tuyến được áp dụng từ 1/11/2012 nhưng sau gần một năm thực hiện, doanh thu của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng không nhìn thấy dấu hiệu đi lên. Phía VCPMC cho biết, đến hết tháng 5/2012, tổng số tiền thu được từ việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu là dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ cũng chỉ tương đương với cùng kỳ năm 2012. Tức là việc áp dụng thu phí tải nhạc trực tuyến được áp dụng cũng không cải thiện được tình hình.
Mặc dù việc trả tiền sử dụng âm nhạc trên Internet và trong các dịch vụ viễn thông là nghĩa vụ pháp lý của những người sử dụng và khai thác nó, song chủ nhân của những website âm nhạc vẫn phớt lờ. Khách quan mà nói, không thể đổ lỗi cho thói quen nghe, sử dụng bất hợp pháp sản phẩm âm nhạc thuộc về công chúng mà trách nhiệm phải thuộc về những người cố tình tiếp tay cho cách thưởng thức nhạc ấy. Bên cạnh việc chưa có một chế tài đủ mạnh để răn đe những trường hợp vi phạm thì chúng ta còn chưa có được phương thức dễ dàng, tiện dụng cho những người "nghe có ý thức" trả tiền tác quyền.
Nhiều khán, thính giả than phiền rằng nhiều khi họ muốn "nghe có ý thức" cũng không biết làm cách nào. Lâu nay, việc thanh toán tiền bản quyền cho mỗi lần tải nhạc đều bằng hình thức nạp tiền vào tài khoản mua nhạc thông qua thẻ cào, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng hay tin nhắn SMS. Với những ai từng sử dụng vào việc chơi game hay mua hàng trực tuyến thì có thể áp dụng dễ dàng nhưng với những đối tượng chưa biết tới hình thức này, nhất là những khán giả lớn tuổi sẽ thấy trở ngại. Chưa kể, hiện mới chỉ có 43.000 bài hát được đăng ký, còn lại, số lượng các ca khúc không bản quyền trên các website lớn hơn rất nhiều. Việc các trang web này vẫn cho phép người dùng tải nhạc có dung lượng 128kb, chỉ thu phí tải cho dung lượng 320 kb vô hình chung đã tạo kẽ hở cho việc vi phạm bản quyền một cách công khai. Hay nghe nhạc thì miễn phí, chỉ tải nhạc mới mất tiền cũng là một cách làm nửa vời khiến hiệu quả của việc tôn trọng bản quyền tác giả không cao như kỳ vọng.
Một năm trôi qua đủ cho thấy Thông tư 07 hay việc áp dụng thu phí bản quyền tải nhạc chưa mang lại hiệu quả như mong đợi…