Vì một xã hội dân sự văn minh

Thứ Hai, 27/04/2015, 08:00
Nếu thử đánh cụm từ "xã hội dân sự blog" trên google, tức là cố tình kiếm tìm kết quả của những tranh luận mang tính diễn đàn (blog) về chủ đề xã hội dân sự, chúng ta sẽ nhận được gần một triệu kết qủa. 

Gần một triệu kết quả, tức là số lượng những chủ đề về đề tài trên chiếm hơn 1% dân số Việt Nam và nếu mỗi chủ đề có khoảng vài chục trao đổi bình luận kéo theo, chúng ta có thể hiểu rằng người Việt hiện đại quan tâm đến vấn đề xã hội dân sự thế nào. Và khi một đề tài nóng được quan tâm nhiều đến mức như vậy, nó chắc hẳn sẽ là một thúc ép xã hội thực sự yêu cầu được nhìn nhận một cách xác đáng, yêu cầu được hình thành một cách thích đáng.

Song, vượt trên hết, muốn được nhìn nhận và được hình thành, nó cần phải được hiểu một cách sâu sắc và được thực hành bằng hành động cụ thể chứ không thể chỉ bằng những lời nói suông hay những đòi hỏi thay đổi nào đó.

Các bạn trẻ tham gia phong trào bán dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi.

Về bản chất, xã hội dân sự là một diễn đàn chung giữa những cá nhân trong xã hội, từng gia đình trong xã hội, các tổ chức xã hội, môi trường xã hội, thị trường…, nơi tất cả những con người trong xã hội ấy cùng bắt tay nhau vì một lợi ích chung thực sự. Tất nhiên, với hoàn cảnh môi trường Việt Nam hôm nay, để tạo nên một xã hội dân sự lý tưởng là điều còn xa vời, và còn cần nhiều thời gian cũng như nỗ lực chung từ nhiều phía. Song, dường như đang tồn tại một tình trạng chung hiện nay là người Việt đang đòi hỏi có một xã hội dân sự bằng những thảo luận suông thay vì chính họ tự bắt tay vào hành động từ những điều nhỏ nhặt nhất để tạo nên sự khởi đầu cho một xã hội dân sự mà họ mong muốn có.

Đơn cử như chuyện gần đây, có những cá nhân đơn lẻ, tự nguyện, nhờ vào lợi thế công việc mà họ đang làm, giúp cho nông dân trồng dưa hấu miền Trung tiêu thụ dưa hấu trong mùa vụ khủng hoảng này. Đó chính là một hành vi mang tính chất chân xác nhất của bản chất một xã hội dân sự khi nó là sự bắt tay nhau vì một mục đích chung, ý thức chung và lợi ích chung.

Một quốc gia mà dân cư của nó giàu có, quốc gia ấy nhất định không thể yếu kém và một quốc gia mà dân cư của nó nghèo đói, quốc gia ấy nhất định không thể hùng cường. Vậy thì vì một mục đích chung, ý thích chung, lợi ích chung là giúp những người nông dân đang khủng hoảng, đang cận kề cái nghèo, cái đói thoát khỏi hoàn cảnh đó, dù chỉ là tạm thời, hành động ấy xứng đáng được coi là một hành động văn minh để cấu thành một xã hội dân sự văn minh.

Ấy vậy mà không ít ý kiến sau đó cho rằng hành động của những người tự nguyện kể trên là "không xứng tầm" với câu hỏi thách thức đầy vặt vãnh kiểu như "có đủ sức giúp nông dân bán cả thanh long, mía đường vvv không? Sao không làm điều gì lớn lao hơn đi thay vì đi bán vặt vãnh kiểu đó?". Thử hỏi, nếu việc nhỏ còn làm không xong, làm sao có đủ năng lực, nỗ lực và cả ý thức thực sự để làm việc lớn.

Xem ra, hình thành xã hội dân sự không phải nhờ vào chỉ trích, phiếm đàm kiểu cảnh vẻ cao sang như thế mà cần nhờ vào hành động nhiều hơn.

Một ví dụ khác, là câu chuyện của nông dân Đoàn Văn Le ở Đồng Nai, nhờ vào gợi ý của một giảng viên đại học Nông Lâm TP HCM là tiến sỹ Phạm Hồng Đức Phước, đã tiến hành nuôi kiến diệt sâu ở vườn cây ăn trái của mình và đã thành công. Do đó, ông Le đã không phải mất khoảng 40 triệu mỗi năm cho việc mua thuốc trừ sâu và cho ra được thành phẩm là trái cây sạch.

Hành động của thầy Phước cũng có thể coi là một tự nguyện vì lợi ích chung đúng theo tinh thần của một xã hội dân sự đúng nghĩa. Và nó khiến tất cả chúng ta đặt ra một câu hỏi lớn: "Trong lúc ấy, hiệp hội nông dân đang làm cái gì để giúp nông dân đạt được lợi ích, tiến tới lợi ích chung của cả một cộng đồng?". Nên nhớ, vai trò của các tổ chức xã hội trong một xã hội dân sự là rất lớn và rất nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội hiện nay lại đang không hoạt động theo tinh thần của một xã hội dân sự thực sự.

Xã hội dân sự hay dân chủ phải hình thành từ ý thức của từng cá nhân về cái gì mình được làm chủ và phải làm chủ chính mình thế nào chứ không phải chỉ đơn giản ngồi định nghĩa với nhau dân chủ là gì và thực hành dân chủ như thế nào…

Hà Quang Minh
.
.