Vì một nền giáo dục tiên tiến

Thứ Năm, 23/04/2020, 07:09
Các nhà xuất bản đã cho ra mắt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới và năm học 2020-2021 tới đây sẽ được đưa vào giảng dạy. Xã hội ghi nhận nỗ lực và tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo, các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục, những người mở đường cho mục đích tốt đẹp - xây dựng một nền giáo dục hiện đại.


Theo đánh giá của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa thì 5 bộ sách lớp 1 mới đã cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục. Có thể nói, đây là thành công mở đầu, là bước phát triển mới cho đổi mới giáo dục nước nhà.

Tuy nhiên, thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh chưa dứt được nỗi bận tâm về tiêu chí chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 mới thế nào cho phù hợp với học sinh, con em mình thì đã phải xoay sang lo lắng về giá cả tăng vọt, một bộ sách mới có giá cao gần gấp 3 đến 4 lần giá sách giáo khoa hiện hành. Giá sách tăng, phụ huynh gặp khó khăn là điều tất yếu. Càng khó khăn hơn cho các gia đình có nhiều con, em đang đi học, những học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Năm học mới 2020-2021, các trường sẽ lựa chọn bộ sách nào trong 5 bộ sách đã được phê duyệt?

Lý giải vì sao giá sách giáo khoa lại tăng đột biến như vậy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, việc biên soạn sách giáo khoa lần này được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn doanh nghiệp và vay ngân hàng. Đầu tư ban đầu để làm sách phải chi phí rất nhiều khoản, bao gồm: Chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, minh họa, chế bản, đọc góp ý, thẩm định đề cương chi tiết, bài mẫu, chi phí dạy thực nghiệm, truyền thông, quảng cáo, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0… 

Do vậy, giá bán một mặt phải bù đắp các chi phí, mặt khác phải đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu nhằm duy trì việc vận hành, đầu tư tái sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.

Việc triển khai thực hiện bộ sách giáo khoa mới trong bối cảnh các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay không có gì sai. Nhưng rất cần phải lưu ý là vòng đời của sách giáo khoa khá dài, lên đến hàng chục năm (bộ sách hiện hành là 20 năm).Vì vậy, việc các nhà xuất bản mà tính giá thành của sách giáo khoa ngay từ năm đầu tiên đã phải có lãi thì giá sách giáo khoa sẽ rất cao vì chi phí năm đầu cho sách là rất lớn. Chúng ta thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa thì giá sách phải căn cứ vào quy luật của thị trường là đúng, nhưng cũng rất cần phải căn cứ vào sức dân.

Để giá sách không tăng quá cao, các cơ quan quản lý và các nhà xuất bản nên chăng cần dựa vào vòng đời của sách để tính toán lại giá sách cho phù hợp với túi tiền của các gia đình, các bậc phụ huynh.

Thực tế hiện nay cho thấy, với nhiều gia đình, bỏ ra 200 đến 300 nghìn đồng để mua một bộ sách giáo khoa cho con là một khoản tiền không nhỏ, nhất là vào đầu năm học, ngoài lo tiền sách, vở, cặp, bút, đồng phục cho các con, các bậc cha mẹ còn phải lo rất nhiều khoản đóng góp khác cần phải nộp cho nhà trường. Đây thực sự là gánh nặng đang gây áp lực lên phụ huynh học sinh.

Có thể nói đây đang là những bước đi đầu tiên trong quá trình đổi mới, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá hoặc việc các nhà xuất bản tự định giá sách giáo khoa ở mức cao sẽ có thể xảy ra. Các cơ quan chức năng cùng sát cánh với ngành giáo dục giám sát chặt chẽ để đảm bảo minh bạch giá sách giáo khoa mới, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà sản xuất…  

Năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai bắt đầu từ lớp 1 và tiếp tục theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo lộ trình cải tiến giáo dục thì trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ còn phải biên soạn, xuất bản và phát hành 11 bộ sách giáo khoa mới. Như vậy con đường chấn hưng nền giáo dục nước nhà vẫn còn đang ở phía trước.

"Vạn sự khởi đầu nan", ngay từ bây giờ, ngành giáo dục cần thay đổi cách thức tiến hành đấu thầu rộng rãi, minh bạch để tìm chọn ra nhà xuất bản có uy tín, có mức giá phù hợp, thì chắc chắn giá thành từng cuốn sách sẽ giảm được đáng kể. Nếu làm tốt việc này, sẽ mở ra tiền lệ cho việc xuất bản và phát hành cho 11 bộ sách giáo khoa mới còn lại của những năm tiếp theo.

Rất mong ngành giáo dục, các cơ quan chức năng, các nhà xuất bản cho nhân dân thấy được tâm huyết, quyết tâm vì học sinh, vì mục tiêu một nền giáo dục tiên tiến là "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực". Vì mục tiêu cao cả như vậy thì đừng để các nhà trường và phụ huynh học sinh phải lăn tăn, đi cò kè, kêu cứu vì một vài chục nghìn trên một bộ sách giáo khoa.

Cù Tất Dũng
.
.