Vì một chính phủ liêm chính, kiến tạo

Thứ Năm, 11/04/2019, 08:17
Chính phủ ban hành Đề án "Văn hóa công vụ" là đánh thẳng, trực diện vào những thói xấu của cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, "chí công, vô tư", một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp.


Hiện nay, dân trí hay mặt bằng dân trí của người dân Việt Nam đã nâng cao rất nhiều, nhất là giới kinh doanh. Kiến thức, trình độ học vấn được nâng cùng với các phương tiện thông tin hiện đại đã giúp họ nắm bắt kịp thời những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như những diễn biến mới của khu vực và trên thế giới. Qua đó, người dân nắm bắt rất nhanh nhạy các quy định trong các văn bản pháp quy, đủ trình độ để phản biện những quy định phi thực tế của cơ quan nhà nước.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy ngay rằng, đã có không ít những vị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương né tránh không dám đối thoại về những vấn đề người dân chất vấn. Không ít vị đã bộc lộ rõ sự lúng túng trước các ý kiến khá sắc bén của doanh nhân và cũng có nhiều vụ khiếu nại của người dân, doanh nghiệp mà khi ra tới tòa án mới thấy cán bộ, công chức của cơ quan chức năng đã xử lý vụ việc chưa đúng pháp luật, có trường hợp còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng và Nhà nước.

Không lo lắng sao được khi người đứng đầu địa phương, các vị tư lệnh ngành, thủ trưởng các đơn vị khi dân thắc mắc về sự thiếu công khai, minh bạch, có biểu hiện tiêu cực trong các dự án giao thông, xây dựng thì thản nhiên trả lời "Dự án chục tỷ, sai phạm một tỷ là tốt rồi".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu về xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Khi trả lời những nghi vấn về chạy chức, chạy quyền thì cho rằng "huyện có 8 đến 9 người là lãnh đạo có quan hệ họ hàng với nhau là quan hệ hết sức ngẫu nhiên", lại còn lý luận "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc".

Không hiếm gặp trường hợp người dân phản ánh, kiến nghị giải quyết khúc mắc khi giá điện tăng; việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng dự án BOT chưa đúng; tình trạng xe quá khổ, quá tải băm nát những con đường khiến giao thông đi lại khó khăn dẫn đến tai nạn chết người… thì cán bộ, công chức vẫn đủng đỉnh làm theo đúng "chủ trương", đúng "quy trình" với những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà… rồi sau đó nhận được những câu trả lời thật nực cười "BOT không ảnh hưởng đến người nghèo" và "Mất bằng lái xe phải thi lại"… Đây là những lời giải đáp không ai có thể chấp nhận được.

Rõ ràng là phẩm chất, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nói nôm na là "quan trí" không phải là không có vấn đề và phải nhanh chóng khắc phục, không thể để cho "quan trí" lạc hậu, yếu kém kéo lùi "dân trí" như hiện nay.

Một nền quản trị xã hội trong sạch, vững mạnh dứt khoát không có chỗ cho những "mắt xích" tiềm ẩn những nguy cơ "hỏng hóc", tha hóa, biến chất... Chính vì vậy, trong thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Chính phủ ban hành Đề án "Văn hóa công vụ" là đánh thẳng, trực diện vào những thói xấu của cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, "chí công, vô tư", một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nghị Quyết Trung ương 4 (Khóa XII) quy định về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là những quy định rất cần thiết.

Những quy định này được hiểu một cách đơn giản là phải thực hiện dân chủ, khách quan, phải tôn trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; công tâm trong công việc, có trách nhiệm cao, quyết tâm làm việc, kể cả với việc mới, việc khó; nghiêm khắc với bản thân, dám công khai tài sản, thu nhập để nhân dân giám sát và dám đấu tranh mạnh mẽ để chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái, "tự diễn biến", “tự chuyển hóa" mà ở đây là chống thật chứ không chống giả. Qua những tấm gương này, người dân sẽ soi vào để làm theo, từ đó hình thành hệ thống đạo đức mới của xã hội.

Một người dân thiếu hiểu biết, có đưa ra quyết định sai lầm thì chỉ một mình anh ta, hay cùng lắm là vợ, con anh ta phải gánh chịu hậu quả. Nhưng một cán bộ mà có những quyết sách sai lầm thì vô cùng nguy hại. Cán bộ càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn, có khi một làng, một xã, một huyện, một tỉnh, hoặc thậm chí là cả một đất nước, dân tộc phải trả giá cho sự sai lầm của một người hoặc một nhóm người.

Cuộc cách mạng nâng cao quan trí đang vào thời kỳ cao điểm bằng việc loại bỏ ra khỏi đội ngũ những cán bộ thoái hóa, biến chất trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

Tiếp đến, chúng ta đang thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Với quyết tâm cao và những hành động quyết liệt như vậy, chúng ta hy vọng rằng sẽ dần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cù Tất Dũng
.
.