Về sự tế nhị trong việc soạn lời cho bài hát

Thứ Hai, 18/03/2013, 08:00

Âm nhạc (trong đó có ca khúc) là một loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống chủ yếu bằng phương thức biểu hiện chứ không phải tự sự. Ngôn ngữ của nó dù trong thanh nhạc cũng vẫn là âm thanh, chứ không phải là lời lẽ văn tự. Lời trong ca khúc chỉ là cụ thể hóa ý tình nằm trong giai điệu, chứ không thể thay thế giai điệu để nói hộ tác giả.

Hiện nay, nhiều bài hát đang phát triển theo khuynh hướng giai điệu chung chung, mờ nhạt, nghèo hình tượng nên ít khả năng biểu hiện, trong khi đó thì rất nhiều lời, lắm khi sa đà vào việc thuần túy minh họa chủ trương, chính sách, hoặc một công việc, nhiệm vụ cụ thể nào đó. Kết quả là công chúng chẳng thể nào nhớ được hết lời lẽ tác giả viết ra. Thường thì họ chỉ sử dụng lời thứ nhất trong khi tác giả soạn những ba, bốn lời. Như vậy là sự súc tích, giàu hình tượng văn học, đạt mức độ khái quát cần thiết chính là yêu cầu đầu tiên đối với lời trong ca khúc. Về phương diện này, có thể học tập được các tác giả dân gian qua nhiều bài dân ca cổ truyền. Họ thường có lối nói ẩn dụ, giàu sức biểu tượng, có khả năng gợi mở nhiều cho người nghe. Và thường chỉ có một lời. Ta hãy nghe bài quan họ Bắc Ninh "Thỏa nỗi nhớ mong". Tác giả dân gian chỉ xoáy vào một ý bao trùm: Anh ở đầu sông, em cuối sông. Dòng sông đó là dòng sông đợi chờ, thương nhớ. Nước sông chảy lơ thơ nhưng không bao giờ cạn như nỗi nhớ của đôi ta không bao giờ nguôi: "Em ở đầu sông, riêng anh ở cuối dòng sông. Dòng sông đợi chờ, nước chảy lơ thơ. Sông Cầu nước chảy lơ thơ. Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi tấm lòng. Thỏa nỗi nhớ mong". Đầu sông và cuối sông chắc chắn phải cách xa nhau, không dễ gì có thể muốn gặp nhau lúc nào cũng được. Nhưng tấm lòng, tình cảm của em thế nào, anh đều thấu tỏ, bởi giữa hai ta là một dòng chảy. Tác giả còn nói rõ thêm: "dòng sông đợi chờ". Sông Cầu là một dòng sông nhỏ, hẹp, thơ mộng ở tỉnh Bắc Ninh, có tên trên bản đồ. Song, trong tâm tưởng bao người, đó còn là dòng sông của cõi lòng, của tình yêu đôi lứa, của niềm thương nỗi nhớ. Thú vị nhất là khi tác giả khuyết danh nói "nước chảy lơ thơ". Sao lại "lơ thơ"? Cỏ mọc lơ thơ. Trong vườn có vài khóm hoa lơ thơ… "Lơ thơ" biểu hiện sự ít ỏi, có cái gì đó khiêm nhường, không ồn ào. Nước sông Cầu rõ là không đầy, chỉ rất ít nước ở lòng sông. Vậy nên có thể nói được là "lơ thơ". Nhưng có lẽ tác giả còn muốn nói cái dòng nước kia quanh năm ngày tháng chảy một cách êm ả, chẳng ai biết như mối tình kín đáo của đôi lứa vậy. Chỉ rất ít lời mà ý tứ hàm súc, sâu xa với những từ ngữ dung dị, nhưng chứa đựng rất nhiều tâm tư, khát vọng, khác hẳn với nhiều bài tình ca đang ra đời hiện nay có lời lẽ sáo rỗng, nhàm tẻ, tầm phào.

Nhiều bài dân ca Quan họ Bắc Ninh được đánh giá là có lời lẽ vừa tình tứ vừa tinh tế, thanh tao. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn của các ca sĩ Quan họ. Ảnh: Minh Thắng.

Ngôn từ sử dụng trong nghệ thuật phải có sự chọn lọc và phải được nghệ thuật hóa để đạt được những yêu cầu thẩm mĩ nhất định. Có những trường hợp lời lẽ của ca khúc mới nghe qua cũng thấy trôi chảy, tưởng không có vấn đề gì nhưng nếu suy xét kĩ thấy chưa ổn. Xin đơn cử một trong nhiều ví dụ: Bài "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" của Nguyễn Văn Tý. Đây là một bài hát hay, được nhiều người ưa thích. Nhưng phần lời có một câu cần bàn là "Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo". Ở đây, ta cần thấy một điều là dù bất cứ loại bài hát nào, miêu tả bất cứ vấn đề gì của cuộc sống đều cần có lời lẽ nhuần nhị, chính thống, cần được hình tượng hóa và khái quát hóa. Nói "Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo" thì cần nghĩ tới một điều: Xưa nay, ông cha ta chưa bao giờ để cái gì cao hơn, quý hơn cơm gạo. Mọi thứ cần đề cao, ví như nghĩa tình thủy chung của con người chẳng hạn thì cũng chỉ để lên trên "ruộng cả ao liền", để lên trên tiền bạc, công danh mà thôi. Còn hạt gạo là "hạt vàng" và bát cơm thì "dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Nghĩa là ông cha ta rất quý cơm gạo, vì nó nuôi sống con người và là sản phẩm của người lao động cực nhọc làm ra. Ở đây, tác giả bài hát muốn ca ngợi tấm áo, cụ thể là muốn đề cao nghĩa tình trong tấm áo mà lại diễn đạt như thế e không ổn. Chẳng phải chuyện lý sự. Nói vậy cũng như ta nói: "Tôi yêu mặt trời hơn không khí vì mặt trời sưởi ấm cho tôi". Chẳng nên vì muốn đề cao một cái gì đó lại vô tình hạ thấp một cái khác mà cái ấy ông cha vốn dĩ rất đề cao, coi trọng, xem như một điều thiêng liêng.

Tránh những từ sáo mòn, chung chung để tìm những từ ngữ mới mẻ, giàu hình tượng, giàu khả năng diễn tả là công việc phải được tiến hành thường xuyên đối với người soạn lời. Nhưng hình tượng sử dụng phải có sức thuyết phục và cách nói đừng quá đối lập với hiện thực. Lúc chiếc radio phát ra bài "Tình yêu của đất và nước" của Hoàng Vân, đến câu: "Mùi xăng dầu gợi những ước mơ xa" thì một cô gái thốt lên: "Bài hát này rất hay nhưng mùi xăng dầu thì chỉ làm em nôn mửa, ngất đi chứ chẳng thể nào gợi được ước mơ gì"(!). Có thể là cô gái không nắm được đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật. Nhưng thiết nghĩ cũng nên chiếu cố đến sức thuyết phục tự nhiên đối với một đối tượng công chúng phổ cập nhất của nghệ thuật.

Mặc dầu trong ca khúc, nhịp điệu của bài là do phần giai điệu (phần nhạc) tạo nên, nhưng đừng vì thế mà sao nhãng việc sắp xếp vần cho lời. Lời bài hát giàu vần tạo nên sự uyển chuyển, nhịp nhàng, trôi chảy, và để người ta dễ nhớ, dễ thuộc. Vần của ca từ không nhất thiết như vần trong thơ mà nó có thể biến hóa linh hoạt, tự do hơn. Nó có thể là vần chân, vần lưng (giống với thơ), cũng có thể lẩn quất một lúc lâu mới lại xuất hiện, và có thể kéo dài một vần khá lâu rồi mới chuyển sang vần khác (không giống thơ). Ví dụ trong bài "Rặng trâm bầu" của Thái Cơ: "Cho em hỏi rằng: có ở nơi đâu/ Bát ngát xa trông những rặng trâm bầu/ Rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu/ Uống nước, nước dòng sông, cây xanh thắm một màu/ Uống nước, nước dòng sông cây xanh thắm một màu ...". Ta thấy vần "âu" được lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong suốt đoạn 1 của bài hát. Cách làm này cũng được nhiều người xử lý, đem lại kết quả cao.

Trong việc sáng tạo lời ca, rất cần nhạc sĩ quan tâm đến sự tế nhị, nhiều khi phải rất tinh tế. Có những từ in trên văn bản thì không sao, vì ý nghĩa đã rõ ràng. Nhưng trở thành lời bài hát thì phải hết sức "cảnh giác". Một tác giả viết một câu trong ca khúc của mình: "Nghe đất cựa mình trăn trở...". Lối nhân cách hóa này là hay. Nhưng khi hát, tiếng "cựa" trong từ "cựa mình" rất dễ... nguy hiểm! Một lần, tôi xin phép nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để được thay tiếng "buổi" thành "trời" trong câu: "Buổi sáng em làm rẫy" ở bài hát "Bóng cây Kơnia" nổi tiếng của ông. Bởi vì khi hát tiếng "buổi" rất khó nổi rõ thanh hỏi. Dù có chú ý, cố gắng đến đâu, ca sĩ cũng chỉ hát thành thanh huyền. Chỉ còn mỗi cách đổi thành "trời sáng" thì sẽ... an toàn tuyệt đối. "Trời sáng" khác hẳn về nghĩa và không hay bằng "buổi sáng", nhưng vì sự "an toàn", sự tế nhị, nhất là hát ở những nơi có phụ nữ hoặc người hát là nữ thì xin tác giả lời ca hãy vui lòng vậy.

"Nhịp cầu nối những bờ vui" của cố nhạc sĩ Văn An là một ca khúc đặc sắc. Nhưng có một từ tôi xin được bàn: "Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo...". Văn An là một nhạc sĩ quân đội tài năng. Ông điềm đạm, tế nhị và hóm hỉnh. Sinh thời, ông có phần ngạc nhiên khi nghe tôi đề nghị ông sửa "trên cầu" thành "bên cầu". Vì sao? Em giặt áo ở "chân cầu" thì được rồi. Vì phải "chân cầu" mới có nước để giặt, mới có lý. Còn anh thổi sáo ở "trên cầu" thì cụ thể quá. Có khi anh đứng ở "trên cầu" đúng vị trí trên đầu em thì sao? Chẳng đẹp, chẳng tế nhị chút nào. Còn anh ở "bên cầu" như tôi đề nghị sửa - thì không cụ thể, có thể ngay đầu cầu, có thể cách đó một quãng. Việc gì cứ phải ở trên cầu? Lại nữa: Anh ở trên cầu thổi sáo thì nếu em muốn nhìn anh, phải ngẩng cổ lên, sẽ mỏi và ở tư thế không đẹp. Còn anh thổi sáo bên cầu thì em chỉ nghe thấy tiếng sáo văng vẳng. Em phải tìm anh, phải ngó nghiêng, phải mãi mới nhận ra nơi anh đứng, mới định vị được chỗ phát ra tiếng sáo. Nhạc sĩ Văn An khi nghe tôi phân tích đã gật với vẻ thú vị. Song, như ông nói: "Mình phổ thơ, thấy tác giả viết như vậy thì cứ thế phổ, đâu có nghĩ cặn kẽ, sâu xa như thế. Đúng là "bên cầu" sẽ hay hơn. Nhưng bài hát đi vào công chúng mất rồi"

Nguyễn Hưng
.
.