Văn nghệ sĩ làm từ thiện

Chủ Nhật, 30/10/2016, 08:44
Câu chuyện về MC Phan Anh đem trên 16 tỉ đồng - số tiền lớn nhất quyên góp được đến thời điểm này - đến với người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn thực sự trở thành một đề tài nóng bỏng, như một giấc mơ nhưng lại tạo ra hiệu ứng xã hội, sức lay động vô cùng mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Dường như những ai có khả năng có thể đều muốn đóng góp gì đó mong người dân miền Trung sớm vượt qua khốn khó...


Sức mạnh của người đi tiên phong

Hà Anh

Những ngày qua, trong khi người dân các tỉnh miền Trung nỗ lực ứng phó với hậu quả của trận lũ lụt lịch sử, đã có hàng trăm đoàn từ thiện của các cơ quan, tổ chức, nhóm thiện nguyện và các cá nhân đến với miền Trung với mong muốn người dân sớm vượt qua khó khăn, gây dựng lại cuộc sống.

Có được điều này, có thể nói có sự góp phần không nhỏ của người đóng vai trò tiên phong là MC Phan Anh. Sau khi công bố bỏ tiền túi ra ủng hộ đồng bào miền Trung 500 triệu đồng, chỉ sau một đêm, Phan Anh đã trở thành người hùng trên hầu khắp các trang báo, các diễn đàn, trên mạng xã hội Facebook...

Câu chuyện về MC Phan Anh đem trên 16 tỉ đồng - số tiền lớn nhất quyên góp được đến thời điểm này - đến với người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn thực sự trở thành một đề tài nóng bỏng, như một giấc mơ nhưng lại tạo ra hiệu ứng xã hội, sức lay động vô cùng mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Dường như những ai có khả năng có thể đều muốn đóng góp gì đó mong người dân miền Trung sớm vượt qua khốn khó.

Có thể nói, MC Phan Anh là một "người của công chúng" với vai trò chính là diễn viên, người dẫn chương trình. Sở dĩ, hành động nghĩa hiệp của Phan Anh nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng là bởi anh có một lượng fan khá đông đảo và lượng fan này vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Đến nay, trang Facebook cá nhân của anh đã có tới trên 1 triệu lượt người theo dõi - một con số khủng đáng mơ ước của bất kỳ một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - giải trí. Sau đó, mỗi di chuyển của Phan Anh đều được cập nhật và được công chúng chú ý, theo dõi, động viên, cổ vũ...

MC Phan Anh trong chuyến đi từ thiện ở Quảng Bình.

Không chỉ có MC Phan Anh, trong đợt này đã có nhiều nhà văn, nhà báo, người nổi tiếng khác cùng chung tay đồng hành với miền Trung như các ca sĩ: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Hồ Ngọc Hà, 2 anh em ruột diễn viên Lý Hùng - Lý Hương, các Hoa hậu, Á hậu như Diễm Hương, Phạm Hương, Đỗ Mỹ Linh, các Á hậu như Huyền My, Thanh Tú...

Không hoạt động trong lĩnh vực giải trí nhưng vốn là những nhà hoạt động từ thiện có uy tín lâu năm gắn bó với Quỹ "Cơm có thịt" nên hành trình của nhà báo Trần Đăng Tuấn và nhà văn Phạm Ngọc Tiến hay đoàn thiện nguyện của nhà báo Phan Thanh Phong - Như Bình cũng được cộng đồng hết sức quan tâm, cổ vũ mỗi khi họ cập nhật tình hình chuyến đi trên trang cá nhân.

Không phải đến khi trải qua trận lũ lụt lớn ở miền Trung người ta mới thấy được sức mạnh, sức hút của các nhân vật nổi tiếng trong làng văn, làng báo hay các lĩnh vực nghệ thuật - giải trí. Từ hàng chục năm nay, nhiều văn nghệ sĩ, người nổi tiếng đã rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng như các ca sĩ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh, Đoan Trang, Tuấn Hưng, Hồ Ngọc Hà, vợ chồng ca sĩ Lý Hải - Minh Hà...; các danh hài như Hoài Linh, Xuân Bắc, Kiều Oanh...; các Hoa hậu như Hà Kiều Anh, Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy; các diễn viên như vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền, Ngô Thanh Vân, Lý Nhã Kỳ...

Không chỉ có mặt ở những nơi gặp thiên tai lũ lụt, các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng còn có mặt ở những nơi rừng rú xa xôi, ủng hộ việc xây trường cho trẻ em, gặp gỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có người không may mất vì bệnh tật, tai nạn giao thông... 

Và đối với các nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, lâm bệnh nặng, khi các văn nghệ sĩ phát tâm kêu gọi bạn bè văn nghệ sĩ và cộng đồng ủng hộ đồng nghiệp của mình đã trở thành một nghĩa cử đẹp trong những ngày cuối đời đối với rocker Trần Lập, diễn viên Hán Văn Tình, ca sĩ Minh Thuận, người mẫu Duy Nhân, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh... Sắp tới đây, vào ngày 6-12, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức một chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên "Tình nghệ sĩ - gây quỹ ủng hộ nghệ sĩ khó khăn".

Phải thừa nhận rằng, khi có sự tham gia của các văn nghệ sĩ, các nhân vật của giới showbiz thì hiệu ứng xã hội, sự lan tỏa thường là rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Chính vì điều này đôi khi các hoạt động thiện nguyện của giới văn nghệ sĩ, người nổi tiếng dễ dàng bị một bộ phận công chúng soi mói, công kích. Phải thừa nhận rằng, trong số những nghệ sĩ đi làm từ thiện, có một số người đã dựa dẫm vào việc làm này để PR bản thân, đánh bóng tên tuổi.

Tuy nhiên, đó không phải là đa số, mà đôi khi chỉ là những "sự cố" không đáng có, nhưng lại bị truyền thông hoặc các “anh hùng bàn phím”, các cộng đồng mạng thổi lên thành những vấn đề lớn, đã vô tình làm tổn thương những người đã mất của, mất công đi làm từ thiện.

Ngay đối với MC Phan Anh, với những thành công đã đạt được trong đợt vận động vừa qua, anh vẫn gặp phải những ý kiến đánh giá, phán xét không mấy thân thiện mà bản thân anh phải nỗ lực vượt qua. Tiếp nữa là vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh vốn có truyền thống bị cộng đồng tấn công mỗi khi đi làm từ thiện.

Thiết nghĩ, không cứ phải là văn nghệ sĩ, mà bất cứ một cá nhân, một người bình thường nào có lòng hảo tâm và dành muốn một phần tốt đẹp mà mình may mắn có được cho cộng đồng thì đều đáng được biểu dương, cổ vũ. Vì thế, thay vì có cái nhìn soi mói, chỉ trích, ném đá không thương tiếc vào những người nổi tiếng đi làm từ thiện, cộng đồng bàn phím cũng nên có cái nhìn cởi mở, chia sẻ, cảm thông hơn với các nghệ sĩ, người của công chúng.

Thay vào đó, hãy góp ý, cổ vũ, động viên họ như một hành động đẹp để nhân lên, nối dài những nghĩa cử cao đẹp dành cho cộng đồng. Còn văn nghệ sĩ khi đi làm từ thiện cũng nên thu nhỏ cái tôi hơn, chân thành, cẩn trọng hơn và đừng quá phô trương, "làm màu" thì chắc hẳn sẽ "vẹn cả đôi đường".

Có buông xả mới làm được thiện nguyện

Dương Cầm

Tôi nghĩ, các văn nghệ sĩ, nhất là những người làm nghề viết, họ rất giàu lòng trắc ẩn, thế nên việc văn nghệ sĩ, hay các nhà báo đi làm thiện nguyện là điều rất đáng biểu dương khen ngợi. Thiện nguyện cũng có ba bảy đường thiện nguyện. Thiện nguyện để làm màu, hay để nổi tiếng, để PR cho bản thân hay cho thương hiệu của mình thường ít xảy ra ở những nhà văn, nhà thơ, giới văn nghệ sĩ. Bởi phần lớn văn nghệ sĩ làm thiện nguyện thường rất lặng lẽ.

Với lại nghệ sĩ, nhất là văn sĩ, nhà báo mấy ai giàu có. Để làm được những chương trình thiện nguyện lớn họ thường phải lên mạng cá nhân như Facebook để kêu gọi, share thông tin thì mới có nhiều người biết để ủng hộ.

Ca sĩ Thủy Tiên trong dịp trao quà từ thiện cho nhân dân vùng rốn lũ ở Hương Khê, Hà Tĩnh.

Thiện nguyện là từ tâm. Không cứ là người nổi tiếng, nhà văn hay nghệ sĩ mới có thể làm điều này mà ai cũng có thể làm từ thiện được. Và không cần phải chờ đến lúc có tiền thì mới làm và lúc có tiền rồi mới làm từ thiện thì cũng không thể ý nghĩa bằng lúc mình nghèo.

Ngày xưa, khi là phóng viên, khi đi viết bài, gặp những hoàn cảnh bất hạnh quá, tự dưng tôi nung nấu ý tưởng làm sao thông qua bài viết có thể kêu gọi được một khoản tiền cho nhân vật bớt khó khăn. Có những lúc, qua một bài báo của tôi đã kêu gọi được hàng chục triệu đồng.

Hàng chục triệu vào thời điểm năm 2002 đã có thể xây được 1 cái nhà giúp cho nhân vật trong bài báo của mình rồi. Là một người cầm bút, chỉ cần có thiện nguyện ở trong lòng và viết với mong muốn, ý định kêu gọi được tiền cho dân là bạn đã có thể bước vào con đường thiện nguyện rồi đó.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, những ai đã bước vào con đường thiện nguyện thì sẽ thấy nó không hề đơn giản mà phải hy sinh rất nhiều, vì nếu để tổ chức được những đợt cứu trợ lớn như Phan Anh vừa rồi thì phải huy động tiền, phải lên mạng xã hội. Và khi đó sẽ còn phải đối mặt với những thị phi, những nỗi mệt mỏi khó nói của cộng đồng mạng, của những comment không thiện chí, nhất là với những người nhạy cảm như nghệ sĩ, văn sĩ.

Vì thế, đi làm từ thiện mà không "buông bỏ", không quên bản thân mình, không buông xả thì không thể làm từ thiện được. Như mọi người vẫn biết đấy, hiện nay có các hiện tượng "anh hùng bàn phím", họ là những người sẵn sàng ngồi nhà soi mói các tổ chức từ thiện, công kích, ném đá rất “nhiệt tình” nếu tổ chức từ thiện nào đấy không may có chút sơ hở. 

Đơn cử như việc ca sĩ Thủy Tiên là người đi làm từ thiện rất nhiều, có khi xây cả 1 cây cầu nhỏ cho dân tiện đi lại, nhưng lần nào cũng bị báo chí móc mỉa, dân tình chỉ trích. Vừa rồi Thủy Tiên đi trao 250 suất quà ở miền Trung cũng bị lên án vì mặt mũi nhăn nhó, mà không thấy rằng giữa cái nắng 38 độ sau lũ ở miền Trung, mang vác và trao tặng 250 suất quà cũng khiến cô tốn rất nhiều sức lực.

Thử hỏi có hàng ngàn ca sĩ, nghệ sĩ giàu có hơn Thủy Tiên nhiều nhưng có mấy người làm được như cô ấy? Và mỗi người trước khi phán xét ai cũng nên đặt địa vị của mình vào họ, xem có làm được như người ta không đã. Đôi khi một số tờ báo vì chạy theo các tiêu chí giật giân hay lợi ích nhóm mà trở nên tàn nhẫn, thậm chí là... bất lương nữa, cũng ít nhiều khiến các nhà từ thiện nản lòng.

Bản thân tôi cho rằng, làm từ thiện thì càng lặng lẽ càng tốt. Là một người sáng tác, những cảnh đời bất hạnh, những số phận trớ trêu tôi gặp trên hành trình đi làm từ thiện những năm qua là hành trang trong đời tôi. Tôi cứ đi, nhặt nhạnh cho đấy túi mình, rồi đến lúc nào đó nó sẽ bước ra những trang văn của mình như một điều hết sức tự nhiên thôi...

Nhà báo Dương Sông Lam: Quà tặng hay cách tặng?

Thiên tai lũ lụt vừa đi, hàng trăm tổ chức thiện nguyện đã về chung sức giúp đỡ bà con. Rất cảm kích nhưng tôi thấy vẫn còn có nhiều điều áy náy. Cùng thiệt hại vì bão như nhau nhưng có xã một ngày đón hơn 10 đoàn đến trao quà, trong lúc có xã bên cạnh chẳng có đoàn nào. Sở dĩ như vậy là vì các đoàn từ thiện lấy thông tin từ báo chí.

Mì tôm không còn là thứ người dân cần sau khi lũ rút (ảnh có tính chất minh họa).

Báo viết về xã nào nặng thì xã đó có nhiều đoàn đến. Có những đoàn đi trao kiểu cho xong chuyện, nơi nào đường dễ đi, dễ đến là trao. Mức độ, tần suất cứu trợ tùy thuộc vào việc kết nối của anh chị em ở địa phương. Chẳng hạn, vì bạn bè kêu gọi nên đưa về xã mình, làng mình.

Quà cứu trợ thường là gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm... Thực phẩm, lương thực rất cần khi bão hoành hành hoặc lũ vây tứ phía, còn khi nước rút, bão tan, cái bà con cần nhất là tiền. Nói thẳng là bà con không thiếu gạo, thiếu mỳ tôm, vì cửa hàng vây quanh thôn, xóm. Những nơi khó khăn, Trung ương, tỉnh đều hỗ trợ gạo đầy đủ, không ai để bà con thiếu đói. Quần áo cũ cũng không còn là nhu cầu thiết yếu. Chưa kể có đoàn mang quần áo vào, nhưng là đồ thu gom chưa được giặt giũ, giở ra còn bốc mùi…

 Đoàn nào đi trao cũng muốn trao tận tay cho bà con, một mặt vì muốn  thể hiện tình cảm, mặt khác sợ cán bộ xã, thôn tòm tem hàng cứu trợ. Cách đây ít năm, chuyện đó vẫn thường xảy ra, nhưng nay thì nên tin tưởng vào cán bộ xã, thôn. Họ thậm chí không dám nhận suất cứu trợ, dù sau mưa lũ, nhà cán bộ nhiều lúc ngập hơn nhà dân. Họ sợ dân điều tiếng.

Báo CAND đã từng đi trao hàng ngàn suất quà cho bà con nhân dân vùng lũ. Chúng tôi luôn liên hệ trước vài ngày cho xã thông báo các thôn bình bầu, lập danh sách, rồi mời bà con lên xã đọc tên ai người đó nhận. Nhanh, chuẩn, vui. Sau lũ, cán bộ xã, thôn là đối tượng mệt nhọc nhất vì lo chuyện cứu trợ từ sáng đến tối. Bà con nhận xong về, lo dọn nhà cửa, còn cán bộ xã lại chuẩn bị công việc đón các đoàn tiếp theo. Sau mưa lũ, công việc rất vất vả. Đừng trách móc hay nghi ngờ họ, nên hiểu để cảm thông.

Tiền hỗ trợ tiêu nhanh hết... Có thôn nhận được 100 suất, đoàn cứu trợ ra khỏi làng là nộp lại để chia đều vì làng có tới hơn 200 hộ. Nhà hảo tâm cũng đừng vì thế mà vội quy ngay thành tiêu cực, là cán bộ tìm cách hà lạm của dân ngay cả tiền cứu trợ. Nếu tất cả các đoàn từ thiện gọi điện, hoặc bớt tí thời gian thông qua UBND huyện, để huyện biết mà điều phối đoàn này về xã A, đoàn kia đi xã B, xã thôn nào có bao nhiêu đối tượng cần giúp thì những chuyện hiểu lầm, buồn bực sẽ khó có thể xảy ra.

Nếu số tiền từ thiện được đưa về đúng một địa chỉ tin cậy để chung sức làm cho dân cây cầu, con đường, trạm y tế xã, trường mầm non... thì tốt hơn biết mấy. Bởi các công trình đó rồi cũng sẽ phải làm, thiếu sự hỗ trợ thì dân cũng phải đóng góp...

NSND Vũ Ngoạn Hợp - Chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Nhiều người sẵn sàng chung tay ủng hộ nghệ sĩ

Cẩm Thạch (thực hiện)

- Thưa NSND Vũ Ngoạn Hợp, sắp tới, CLB nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật "Tình nghệ sĩ - gây quỹ ủng hộ nghệ sĩ khó khăn". Ông có thể tiết lộ đôi nét về chương trình nghệ thuật đặc biệt này?

+ Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xây dựng kịch bản của chương trình nên chưa thể tiết lộ cụ thể được. Song, chương trình dự kiến sẽ là sự hội tụ của các nghệ sĩ, ca sĩ, danh hài nổi tiếng trong cả nước và được truyền hình trược tiếp trên VTV vào lúc 20h, thứ ba ngày 6-12-2016.

Chương trình sẽ được bán vé và kêu gọi từ thiện. Toàn bộ số tiền ủng hộ và tiền bán vé của chương trình sẽ được Ban tổ chức công khai trao tặng cho các nghệ sĩ sân khấu đang gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xin được tiết lộ 1 tin vui, đó là, hiện nay đã có 3 doanh nghiệp hứa sẽ tài trợ cho đêm nghệ thuật 150 triệu.

- Là một nghệ sĩ "có danh", lại từng là nhà quản lý, là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, điều này đã khiến anh thuận lợi như thế nào trong việc kêu gọi các nguồn tài trợ vì mục đích từ thiện?

+ Là người có quá trình công tác lâu trong nghề, tôi hiểu được nghệ sĩ sân khấu nói chung và nghệ sĩ xiếc nói riêng nhiều người còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là những nghệ sĩ già neo đơn hay không may bị bệnh tật. Vì thế, không chỉ khi nghỉ hưu đâu, mà từ trước tôi đã luôn mong muốn mình có thể đóng góp gì đó cho những đồng nghiệp của mình.

Tôi thực sự cảm ơn nghề đã cho tôi một cái tên, để khi tôi đứng lên kêu gọi một cái là có khá nhiều người sẵn sàng chung tay ủng hộ. Là một nghệ sĩ, khi đề xuất vấn đề gây quỹ để ủng hộ các nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì đến 90%, thậm chí là 100% số người được đề nghị đều ủng hộ về mặt ý tưởng. Còn thực sự họ có móc hầu bao hay không thì lại là chuyện khác.

- Chương trình nghệ thuật "Tình nghệ sĩ" đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức cách đây 1 năm. Bản thân ông có mong muốn đêm "Tình nghệ sĩ" sẽ trở thành hoạt động thường niên để gây quỹ ủng hộ các nghệ sĩ?

+ Căn cứ trên chỉ đạo của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và tình hình thực tế chúng tôi sẽ cân nhắc sau. Nhưng cá nhân tôi thực sự mong muốn đây sẽ là hoạt động thường niên được tổ chức mỗi năm 1 lần và nếu tổ chức được vào dịp giỗ Tổ nghề sân khấu 12-8 âm lịch là ý nghĩa nhất.

- Xin cảm ơn NSND Vũ Ngoạn Hợp! 

PV
.
.