Vấn nạn tranh giả - tranh nhái: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Bảy, 14/04/2018, 08:26
Thực tế, gần đây khá nhiều tranh giả được bày bán công khai trên phố, trong một số gallery, trên một số trang web, hay được đưa vào triển lãm, trưng bày trong bảo tàng, đưa lên sàn đấu giá... Mức độ dày đặc đến nỗi nhiều người nước ngoài có cảm giác "Không thể hiểu nổi" nhưng ở Việt Nam dường như lại trở thành "chuyện thường ngày"...


Tranh giả Việt: Tiếng dữ đồn xa

Hà Anh

Trung tuần tháng 3 vừa qua, một số họa sĩ nổi tiếng đồng thời cũng là những họa sĩ thường xuyên bị làm giả, làm nhái tranh như Thành Chương, Đặng Tiến, Phan Cẩm Thượng, Phạm An Hải, Đào Hải Phong... đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để lên tiếng về vấn nạn tranh giả, tranh nhái đang hoành hành ngày một ngang nhiên tại thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Không còn là chuyện bị vi phạm đơn lẻ, việc có quá nhiều họa sĩ bị làm giả, làm nhái tranh đã khiến các họa sĩ phải đồng lòng lên tiếng. Và trong cuộc gặp gỡ này, bên cạnh những ý kiến le lói hi vọng về một nền mỹ thuật minh bạch nếu có sự chung tay của cả xã hội thì vẫn có những ý kiến đầy bất mãn, bi quan trước tình trạng gia tăng tranh giả, tranh nhái mà đến nay chưa tìm thấy biện pháp ngăn chặn nào có hiệu quả.

Tháng 4 - 2017, khi một bức tranh của cố họa sĩ Lê Phổ (từng nhiều năm sống tại Pháp) cán mốc 1,2 triệu USD tại một sàn đấu giá ở Hồng Kông đã khiến giới mỹ thuật thế giới phải ngạc nhiên. Trước đó, dù vẫn được đánh giá khá cao trong giới mỹ thuật Đông Nam Á, nhưng chưa có tranh của họa sĩ Việt thiết lập được kỷ lục này. Đồng thời với "tiếng lành", "tiếng dữ" về vấn nạn tranh giả tranh nhái cũng được đồn xa không kém.

Họa sĩ Thành Chương bày tỏ nỗi bức xúc về vấn nạn tranh giả trong buổi nhóm các họa sĩ gặp gỡ báo chí.

Và sự việc tranh của họa sĩ Thành Chương bị mạo danh thành tranh Tạ Tỵ trong triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" chính là nguyên cớ để nhà báo Mỹ Richard C. Paddock tìm hiểu và viết một bài gây chú ý trên tờ The New York Times ngày 11-8-2017 có tựa đề: "Vietnamese Art Has Never Been More Popular. But the Market Is Full of Fakes", tạm dịch là "Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết. Nhưng thị trường lại ngập tràn tranh giả". Bài viết này đã thực sự "đánh động" các nhà sưu tầm tranh, giới họa sĩ Việt cũng như những người quan tâm đến mỹ thuật nước nhà.

Nhiều người cho rằng, hiệu ứng của bài báo mạnh đến nỗi, bất cứ một nhà sưu tầm nào trên thế giới đã từng hoặc đang có ý định mua tranh của Việt Nam đều phải nghi ngại. Uy tín của mỹ thuật Việt Nam thực sự đã sụt giảm rất nhiều trong con mắt người nước ngoài.

Thực tế, gần đây khá nhiều tranh giả được bày bán công khai trên phố, trong một số gallery, trên một số trang web, hay được đưa vào triển lãm, trưng bày trong bảo tàng, đưa lên sàn đấu giá... Mức độ dày đặc đến nỗi nhiều người nước ngoài có cảm giác "Không thể hiểu nổi" nhưng ở Việt Nam dường như lại trở thành "chuyện thường ngày".

Một số họa sĩ cho rằng, họ cảm thấy "bơ vơ", cảm thấy bị bỏ rơi và phải một mình chiến đấu với vấn nạn tranh giả mà không nhận được sự trợ giúp từ các nhà chức trách hay sự ủng hộ của công chúng. Đặc biệt là sau sự việc triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" được cho là toàn tranh giả nhưng không bị xử lý thích đáng đã khiến không ít người nản lòng.

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc mỹ thuật Việt Nam có một gương mặt "lọ lem" như hôm nay, và câu chuyện này sẽ còn dai dẳng. Nhưng suy đến cùng, bên cạnh việc cần một hành lang pháp lý đủ mạnh, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết, giáo dục thẩm mĩ cho công chúng, chính các họa sĩ cũng phải thiết lập cho mình những thói quen văn minh trong quá trình sáng tạo cũng như đối mặt với những hành vi vi phạm bản quyền. Cần có một sự thay đổi mạnh mẽ bắt đầu từ ý thức mỗi cá nhân để cùng chung tay vì một sự lành mạnh, minh bạch và phát triển của nền mỹ thuật Việt như chính các họa sĩ từng bày tỏ. Bởi nếu ai cũng chỉ nghĩ việc của riêng mình, thì việc tranh Việt rớt giá có lẽ cũng sẽ chẳng phải là việc gì quá xa vời...

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS. Phạm Long: Thị trường mỹ thuật Việt nhiều lộn xộn

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Phạm Long, sau buổi gặp gỡ của một số họa sĩ với giới báo chí để lên tiếng về vấn nạn tranh giả - tranh nhái, có một số ý kiến cho rằng, thay vì chỉ "kêu than" ở trên báo chí, tại sao các họa sĩ không chọn cách khởi kiện ra tòa đối với các trường hợp đã "bắt tận tay", có bằng chứng cụ thể về những hành vi vi phạm. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?.

+ Thực ra, việc khởi kiện thì ai cũng nghĩ đến đầu tiên. Nhưng nói chung tâm lý người Việt rất ngại động chạm đến pháp luật vì nó mất thời gian, thậm chí cả tiền bạc nữa mà nhiều khi không đem lại kết quả. Ví dụ như vụ việc liên quan đến họa sĩ Thành Chương trong triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu", họa sĩ Thành Chương đã có động thái khởi kiện, gửi đơn đến các cơ quan có chức năng mà không có phản hồi gì, rồi Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh cũng đã vào tận nơi, nhưng cũng chẳng đến đâu. Với tâm lý ấy và với "tấm gương" đã có, các họa sĩ khác sẽ cảm thấy rất khó có được kết quả cuối cùng bằng biện pháp khởi kiện.

Việc theo kiện, đòi hỏi hệ thống hành pháp, lập pháp của mình phải rất mạnh, có hiệu lực, hiệu quả thì người ta mới tin tưởng. Nhưng vừa qua, trong cuộc gặp gỡ giữa các họa sĩ, nhiều người vẫn đề cập đến biện pháp này khi bị động chạm đến quyền lợi, chắc chắn họ vẫn sẽ tiếp tục tìm đến các văn phòng luật sư hay các cơ quan bảo vệ về sở hữu trí tuệ chứ không thể bỏ lửng được.

Ngoài ra, người Việt cũng hay có tâm lý xuê xoa, kiểu "đóng cửa bảo nhau", bởi vì thực ra những người làm tranh giả và họa sĩ thường quen biết, hoặc từng có mối quan hệ qua lại. Ban đầu họ có thể là người bán tranh, chủ gallery hay nhà sưu tập, rồi họ bị tha hóa biến chất.

Vì thế, anh em họa sĩ nhiều khi muốn kiện nhưng rồi lại có những nể nang, rồi "thỏa thuận dân sự" để dẫn tới việc không khởi kiện nữa. Đó cũng chính là một nguyên nhân khiến cho những nỗ lực hạn chế tranh rởm không có hiệu quả.

- Theo quan sát chung, những họa sĩ bị làm tranh giả là những người nổi tiếng, có thể nói là "có sừng có mỏ", có tiếng nói trong giới mỹ thuật cả, nhưng lại rất ít người có động thái đầu tiên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đó là đi đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Anh đánh giá thế nào về câu chuyện này?

+ Tôi cho rằng hiện nay, các cơ quan bảo vệ quyền tác giả cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật khác vẫn chưa chứng tỏ được là họ đã thể hiện trách nhiệm hay sự nhiệt tình vào những vụ việc cụ thể như tôi đã nói ở trên. Các cơ quan ấy không bao giờ chủ động trong việc làm của mình, mà cứ ngồi đợi xem anh em có đến để "xin việc" hay nhờ vả gì họ không.

Tôi cho rằng, nếu có trách nhiệm thì khi xảy ra những vụ việc lùm xùm, họ phải chủ động tìm hiểu xem như thế nào để có cách giải quyết thỏa đáng. Theo tôi, đó chính là một trong các lý do mà giới họa sĩ không tin tưởng vào hệ thống bảo vệ quyền tác giả ở đất nước mình.

Tôi thấy các họa sĩ nổi tiếng đều có ý thức về việc bảo vệ quyền tác giả của mình, nhưng không đi đăng ký mà thể hiện qua các kỹ thuật đặc biệt trong lúc sáng tác những "yếu tố nhận diện" của họ. Vì thế, khi có tranh giả, họ phát hiện và có thể chỉ ra tranh nào là tranh thật, tranh nào là tranh giả ngay.

Tất nhiên, tôi luôn ủng hộ việc các tác giả nên đi đăng ký bản quyền, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, vì đó là thao tác đầu tiên để cơ quan bảo vệ quyền tác giả sử dụng làm căn cứ xử lý khi xảy ra tranh chấp.

- Là một nhà nghiên cứu mỹ thuật có nhiều năm sống ở nước ngoài, theo anh, đâu là biện pháp, là "liều thuốc" hiệu quả cho tình trạng lộn xộn, bất minh của thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay?

+ Theo tôi, biện pháp đầu tiên cần làm đó là phát động dư luận xã hội để ngày càng có nhiều người hiểu thêm về vấn nạn này. Bởi vì tranh giả không chỉ làm ảnh hưởng tới thẩm mĩ, uy tín của họa sĩ mà còn ảnh hưởng tới cái nhìn chung của giới sưu tầm trong nước cũng như nước ngoài đối với nền mỹ thuật Việt Nam.

Cái này rất nguy hiểm, ở chỗ có thể đến một ngày không còn nhà sưu tập nào của thế giới muốn mua tranh của Việt Nam nữa. Những triển lãm của họa sĩ Việt mang đi nước ngoài người ta cũng không tin cậy, tranh vào bảo tàng cũng không được tin nữa là rất gay go. Việc giáo dục thẩm mĩ, thông tin đến xã hội là rất quan trọng để mọi người có nhận thức về việc cần phải có sự tìm hiểu kỹ càng trước khi mua tranh.

Tôi đã từng chứng kiến có những người bỏ ra rất nhiều tiền để mua tranh, nhưng lại mua phải tranh rởm. Tôi cũng khuyên người mua tranh hay các nhà sưu tập, nếu mua của họa sĩ đương đại thì tốt nhất hãy tìm đến với tác giả.

- Nghe nói, một trong những nguyên nhân làm nên sự hỗn loạn của thị trường mỹ thuật hiện nay có "đóng góp" không nhỏ của chính các họa sĩ. Họ tự chép tranh của họ ra làm nhiều bản, hay chính người thân trong nhà như con cái, bạn bè làm việc đó. Anh nhìn nhận góc độ "tự vi phạm" này như thế nào?

+ Như tôi đã từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình, "chủ nghĩa NANAISM" - tôi lấy từ chữ "na ná" trong tiếng Việt - hay xu hướng họa sĩ tự nhái tranh của chính mình, nhái tranh của bạn bè... không chỉ có nước mình đâu, mà trên thế giới cũng vẫn tồn tại. Nhưng việc ý thức chép tranh, nhái tranh để làm kinh tế là rất tệ hại.

Thông lệ trong mỹ thuật, mỗi tác giả cũng có thể nhân bản tranh của mình với một số lượng hạn chế với điều kiện phải đề rõ phiên bản thứ mấy. Nhưng ở nước mình lại không có chuyện đó, không có sự minh bạch rõ ràng nên mới dẫn đến hệ lụy như ngày hôm nay. Nguyên nhân sâu xa khác là do luật pháp Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi của người được chép tranh và người chép tranh để họ căn cứ vào đó thực hiện.

Ví dụ: người chép tranh phải được đăng ký danh tính, trả bản quyền cho tác giả bức tranh được chép, ghi rõ tên nguyên tác... Có thể nói, sự lộn xộn về luật pháp, ý thức làm nghề của một bộ phận họa sĩ và sự thiếu hiểu biết của công chúng, người mua tranh đã tạo nên một thị trường mỹ thuật xấu xí, thiếu minh bạch như hôm nay.

- Mấy năm gần đây, sự tham gia của các sàn đấu giá nghệ thuật được nhiều người kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Nhưng sau nhiều vụ việc "lùm xùm" liên quan đến tranh giả được đem ra đấu giá, người ta lại mất niềm tin vào các sàn đấu giá nghệ thuật. Cá nhân anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Thực ra, việc thẩm định tranh, chứng minh một bức tranh là thật hay giả thì sàn đấu giá nào trên thế giới cũng như Việt Nam đều có những ban thẩm định, những chuyên gia trong lĩnh vực này đảm nhiệm. Nhưng theo tôi, ở nước ta, trách nhiệm các chế tài để đảm bảo quyền lợi cho người mua tranh trên sàn đấu giá chưa có.

Việc mua phải tranh giả trên sàn đấu giá vẫn xảy ra đối với các nước văn minh, bởi vì nhiều lý do, như trình độ làm tranh giả hay kể cả việc nhà thẩm định có sự "thông đồng" với sàn đấu giá. Ở ta, các sàn đấu giá vẫn đang ở tình trạng manh nha, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

 Theo tôi, các nhà đấu giá Việt Nam vẫn đang có những cố gắng để hạn chế tối đa việc xuất hiện tranh không rõ nguồn gốc vào các phiên đấu giá. Nhưng để bảo vệ quyền lợi của mình, người mua hay các nhà sưu tập phải có kiến thức, chủ động tìm hiểu hoặc nhờ đến các chuyên gia đánh giá độc lập ở bên ngoài đồng hành với họ thì sẽ hạn chế việc mua phải tranh giả.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ Phạm Long!

Họa sĩ Đặng Tiến: Người trong cuộc thiếu quyết liệt

Khánh Linh (thực hiện)

-  Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên tranh của anh bị chép và bày bán công khai?

+ Khoảng năm 1996-1997, bức tranh sơn dầu "Chiều" của tôi in trong cuốn Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc "được" một cơ sở làm tranh tre ghép ở Gia Lâm (Hà Nội) "chuyển chất liệu" mà cơ sở này không nói gì với tôi. Chủ cơ sở còn hùng hồn nói, đại ý đây là tác phẩm do họa sĩ của cơ sở sáng tác (?). Tôi vô tình xem được phóng sự về cơ sở này qua VTV3. Tiếp đó, sau triển lãm cá nhân của tôi (1998), một loạt tranh sơn dầu bị một gallery khá lớn của một họa sĩ ở Hà Nội làm nhái (có bức chuyển chất liệu sang sơn mài). Việc này tôi được một số anh em ở Hà Nội cho biết.

Tôi ở Hải Phòng, biết được việc tiếp cận, bắt quả tang ở gallery là rất khó nên tôi không làm được gì. Khi ấy những người làm tranh nhái cũng giấu rất kỹ, chỉ những người thân với họ mới biết được. Và bây giờ, sự việc mới nhất là tranh của tôi bị một trang web bày bán ngang nhiên.

- Nghĩa là việc ăn cắp, chép tranh có tính "hệ thống" từ rất lâu rồi, thế nhưng chúng ta gần như bất lực. Nhiều ý kiến cho rằng, vì các họa sĩ không quyết liệt đấu tranh và không biết tự bảo vệ tác phẩm của mình?

+ Thực tình, tôi cũng thấy lạ khi nhiều anh chị em họa sĩ ở Hà Nội không có phản ứng gì (hoặc rất nhẹ) trong việc nhiều cơ sở chép tranh bày bán công khai. Cũng có những họa sĩ phản ứng gay gắt (như họa sĩ Thành Chương trong triển lãm "Những bức tranh trở về từ Châu Âu"). Nhưng do các cơ quan chức năng chưa coi việc này là của họ, thành ra mọi việc vẫn chỉ là sự phàn nàn, bức xúc riêng của các họa sĩ. Với việc trang mạng xuongtranh.vn công khai rao bán những bức tranh của tôi và nhiều họa sĩ khác, sau khi tôi gửi mail cho cơ sở này, họ đã viết lời xin lỗi trên một tờ giấy rồi chụp đưa lên trang web và tuyên bố tạm dừng hoạt động. Tôi đang tiếp tục theo dõi và sẽ có những hành động tiếp theo để bảo vệ tác phẩm, quyền lợi của mình và sẽ làm triệt để.

- Nhưng rõ ràng nếu chỉ là nỗ lực của các họa sĩ thì chúng ta cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn cho từng sự việc cụ thể, chứ chưa tận gốc của vấn đề?

+ Đúng thế, chúng ta cần những giải pháp quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng. Mỹ thuật Việt Nam từ thời đổi mới đã có nạn tranh giả, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Giống như nhiều nỗi bức xúc khác (thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, hàng giả, kém chất lượng tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp), việc làm nhái, chép tranh tồn tại 30 năm nay chưa được giải quyết với nhiều lý do: Cơ sở pháp lý chậm, xã hội chưa tôn trọng pháp luật, quản lý nhà nước yếu kém, văn học nghệ thuật chưa được cơ quan quản lý và người dân coi trọng và cả việc đấu tranh của người trong cuộc chưa mạnh. Rộng hơn, chúng ta chưa coi trọng văn hóa, tôn trọng bản quyền và sự sáng tạo của nghệ sĩ.

- Tôi biết, lực lượng chép tranh hiện nay chủ yếu là các họa sĩ trẻ. Vậy chúng ta đã có vấn đề ngay từ khâu đào tạo rồi?

+ Từ lâu tôi đã nghe nói nhiều người thuê các họa sĩ trẻ, sinh viên chép tranh. Theo tôi nghĩ, ngoài việc dạy kỹ năng nghề, các thầy trong trường cũng nên dạy về đạo đức nghề. Nó là nhân cách của người họa sĩ. Việc nhận chép, làm nhái tổn hại lớn cho nền mỹ thuật, đồng thời cũng hại chính các em sau này ra trường, trở thành họa sĩ sáng tác. Ngoài việc không nhận chép, làm nhái, chúng ta cần phải lên án việc làm này.

Việc chép tranh như ở nước ngoài có quy định cụ thể theo luật (hành nghề và bản quyền). Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể khi cấp phép cho các cơ sở chép tranh, ví dụ: tay nghề, có cam kết không chép, làm nhái tranh sai luật… Như vậy, các cơ sở này sẽ ý thức được việc làm theo luật của mình, cơ quan chức năng cũng quản lý được và có chế tài xử lý theo luật. Các cơ sở sẽ không còn chống chế kiểu: "Xin lỗi, chưa hiểu luật...".

- Xin cảm ơn anh!

Ông Juan Pablo Pena - nhà sưu tầm tranh người Tây Ban Nha: Người vẽ tranh giả có thể đối mặt với án tù

N. Hà (ghi)

"Trong quá trình tìm hiểu để mua tranh của các họa sĩ đương đại Việt Nam, tôi có đọc được ở trên Internet lời phàn nàn của một người mua tranh Việt Nam và sau đó họ biết được đó là tranh giả. Tôi cũng đọc được một số bài báo về tình trạng tranh giả đáng báo động ở Việt Nam, vì thế tôi phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi quyết định mua một tác phẩm nào đó. Khi tôi cảm thấy nghi ngờ, tôi yêu cầu phòng tranh phải đưa được họa sĩ tới để gặp gỡ, thẩm định. Tôi chú ý tới mỹ thuật của Việt Nam, đặc biệt là các họa sĩ trẻ, bởi vì khi tôi tới đây tôi đã được xem rất nhiều tranh đẹp, nhiều họa sĩ tài năng.

Ở các nước, Chính phủ có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng với những quy định rõ ràng, nên mặc dù tranh giả vẫn có nhưng ít hơn nhiều. Người vẽ tranh giả có thể phải đối mặt với án tù lên tới vài năm. Sự quản lý, những nguyên tắc của Nhà nước cho việc bảo vệ tranh thật sẽ khiến những người làm tranh giả phải e ngại. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam, hiện tượng tranh giả lại diễn ra ngang nhiên, tràn lan và trở thành một việc bình thường như thế".
PV
.
.