Vấn nạn kỳ thị

Thứ Năm, 15/10/2020, 13:22
Mấy ngày nay, dư luận trên mạng xã hội đang ồn ào chỉ trích những nội dung trong bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Làn sóng chỉ trích này được cộng hưởng thêm bởi một số loại tin giả ngụy tạo các bằng chứng giả. Đáng tiếc là rất nhiều người thiếu tỉnh táo đã sa đà vào cuộc mà không cân nhắc khiến mọi chuyện càng thêm ồn ào.


Thực chất, bộ SGK mới này chắc chắn là chưa hoàn chỉnh, có nhiều sai sót, và những hạt sạn "to đùng" kia đã được cộng đồng chỉ ra cho nên mới có ý kiến phê bình. Rất cần thái độ cầu thị, tiếp thu và sẵn sàng chịu trách nhiệm để điều chỉnh cho kịp thời, kể cả việc điều chỉnh đó có khiến cá nhân chịu trách nhiệm mà phải đền bù thiệt hại bằng tiền túi đi nữa. 

Bản tin thời sự VTV1 tối  12-10-2020 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đăng đàn chia sẻ về việc tiếp thu cầu thị các ý kiến phản biện bộ SGK cải cách và hứa sẽ sớm thành lập hồi đồng xem xét nghiên cứu những nội dung chưa hợp lí trong SGK cải cách cũng như có kênh phản biện riêng về những bất cập này.

Xem xét lại những ý kiến phản biện, chúng ta thấy tất nhiên không phải ý kiến nào cũng đều là phê bình tích cực. Có một hiện trạng rất đáng lo ngại, đó chính là loại ý kiến kỳ thị vùng miền.

Khi SGK dạy các từ vựng như “chả” (chẳng), “dưa đỏ” (dưa hấu)… thì lập tức một số ý kiến ở phía Nam nhao nhao lên một phong trào phản bác đại loại “tại sao lại dạy phương ngữ miền Bắc trong khi con cái tôi là người miền Nam?”. 

Thực sự, đây là ý kiến kỳ thị vùng miền, quên hoàn toàn cái gốc của tiếng Việt là khởi đi từ miền Bắc và cho dù một người có sinh sống ở vùng miền nào đi nữa thì họ cũng cần có nhu cầu tối thiểu là có thể đọc hiểu được tiếng Việt phổ thông. Không lẽ, để chiều lòng đủ mọi vùng miền, phải in SGK theo cách nói phương ngữ của từng địa phương. 

Ví dụ như sách phục vụ trẻ em Nghệ An - Hà Tĩnh thì phải sử dụng từ “nỏ” thay cho từ “không” hay từ “con tru” thay cho “con trâu”? 

Tất cả đều quên mất rằng trong ngôn ngữ viết, cho dù tác giả là người ở đâu đi nữa, văn bản cũng đều sử dụng tiếng Việt phổ thông nhất. Chỉ trừ các trường hợp đặc biệt như tác phẩm văn học muốn thể hiện đặc trưng văn hoá một địa phương thì tác giả có quyền sử dụng phương ngữ địa phương đó để tạo màu sắc. 

Như vậy, một đứa trẻ được dạy tiếng Việt là để nó hiểu tiếng Việt phổ thông và khái quát. Còn phương ngữ nơi đứa trẻ ấy sống sẽ là thứ ngôn ngữ được đúc rút từ kinh nghiệm sống chứ không phải từ tri thức học đường.

Sự kỳ thị với những gì thuộc về miền Bắc thực chất đã tồn tại rất lâu, trong rất nhiều sự việc khác trong đời sống. Chính người viết bài này đã từng trải nghiệm qua khi được nghe một Giám đốc của một công ty chuyên sản xuất chương trình truyền hình cho các kênh của các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói rằng “Đài TH tỉnh đó không hề thích sử dụng khách mời nói giọng Bắc và ông Giám đốc tuyên bố thẳng là hạn chế tối đa khách mời nói tiếng Bắc”.

Mỗi địa phương đều có văn hoá đặc trưng riêng, niềm tự hào riêng. Nhưng phân biệt là khác hoàn toàn với kỳ thị. Phân biệt thì vẫn có thể giúp người khác địa phương đứng chung dưới một màu cờ chung vì mục đích chung. Còn kỳ thị thì chỉ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Và đáng buồn hơn, xu hướng kỳ thị vùng miền, có không ít ý kiến đến từ những nhân vật uy tín, được coi là nhân sỹ trí thức. Chính lực lượng này mới tạo nên sự xách động rất mạnh mẽ trong cộng đồng.

Chưa một ai trong số những người tỏ ra kỳ thị kia chịu nói đến một sự thực rằng chính họ, đã từng kinh qua trường phổ thông với những cuốn SGK sử dụng tiếng Việt phổ thông. Vậy mà khi họ lớn lên, đặc trưng vùng miền của họ, phương ngữ địa phương trong họ đâu có mất đi chút nào. Hà cớ gì họ lại tỏ ra lo lắng đến đáng ngờ như thế?

Văn Đoàn
.
.