Vấn nạn đạo văn và trách nhiệm của người biên tập

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:05
Nghe rồi, đọc rồi, chép lại, thậm chí là đồng sáng tạo nhưng lại chỉ ghi tên mỗi một mình mình và đương nhiên nhận là của mình, đó là con đường đi của một tác phẩm bị đánh cắp. Dễ mất cắp nhưng cũng dễ bị phát hiện ra được kẻ cắp nhất cũng chính nhờ yếu tố: "Phải có người đọc, người nghe".

Văn thường dễ đạo

Bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến thể loại văn học.

Chắc nhà văn, nhà thơ nào cũng vậy thôi, khi sáng tác được một tác phẩm ưng ý đều mong tác phẩm của mình đến được với nhiều người, được nhiều người đọc, đồng cảm và chia sẻ. Một tác phẩm được nhiều người đọc chưa chắc đã là một tác phẩm kiệt xuất, nhưng chúng tôi tin rằng một tác phẩm kiệt xuất sẽ có nhiều người tìm đọc.

Thời gian qua có một số phát ngôn gây sốc kiểu như: "Xin lỗi văn tôi không dành cho bạn". Hay: "Ngọc quý không dành cho ăn mày". Chính những phát ngôn gây sốc đó của một số nhà văn, nhà thơ "thời thượng" đang tố cáo chính tác giả là một nhà thơ, nhà văn kém tài. Khi điều anh viết ra chỉ một mình mình biết, một mình mình hay thì nào có phải là tác phẩm văn học? Nó là một cái gì đó như là việc "tự sướng" của một mình anh mà thôi, nếu không dành cho độc giả thì tốt nhất bạn hãy để trong ngăn kéo, trong náy tính và ngâm ngợi một mình chứ in ra hàng ngàn bản rồi tổ chức hội thảo để làm gì?

Hiện nay có khá nhiều khái niệm của các nhà lý luận bàn về việc: "Như thế nào được gọi là tác phẩm văn học?". Mặc dù cách diễn đạt có một số khác biệt nhất định nhưng nhìn chung luôn có một điểm chung, đó là tác phẩm chỉ được gọi là nó khi: "Người nói phải có người nghe"; "Người viết phải có người đọc". Vì nếu chưa có người nghe, người đọc thì những sáng tác của nhà văn chỉ mới nằm ở dạng văn bản văn học mà thôi. Chính vì phải có yếu tố "người nghe, người đọc", nên có lẽ trong mọi thứ dễ bị mất cắp nhất, đứng hàng đầu vẫn là tác phẩm văn học.

Cũng như các lại tội phạm khác, tội phạm ăn cắp tác phẩm văn học cũng có nhiều chiêu, nhiều mánh từ đơn giản và lười nhác như bà Võ Thị Lệ Thủy, Trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung chỉ việc đi "nhặt" các truyện ngắn về rồi điền tên mình thay vào tên tác giả thực, sau đó đưa lên đăng báo, lấy tiền nhuận bút, lấy tiền tài trợ.

Hay trường hợp của Bùi Quang Truyện lấy nguyên bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng đưa về, có công "biên tập" một chút nhưng vẫn giữ nguyên tên của bài thơ là "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" rồi gửi in trên Tạp chí Xứ Thanh số 204 tháng 7 năm 2012. Và gần đây nhất là trường hợp Phạm Hồng Lý thó bài thơ "Mẹ ngồi đợi trước mùa xuân", của nhà thơ Hà Văn Thể,  sau đó sửa thành bài thơ "Mẹ đợi". Phạm Hồng Lý cũng có công cắt bớt đi một khổ và sửa một vài câu chữ rồi đưa in trên Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc số gộp tháng 7 + 8 năm 2015. Và còn nhiều nhiều nữa những vụ đạo văn nhưng vì khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi không thể liệt kê ra hết.

Đạo thường dễ lộ

Nghe rồi, đọc rồi, chép lại, thậm chí là đồng sáng tạo nhưng lại chỉ ghi tên mỗi một mình mình và đương nhiên nhận là của mình, đó là con đường đi của một tác phẩm bị đánh cắp. Dễ mất cắp nhưng cũng dễ bị phát hiện ra được kẻ cắp nhất cũng chính nhờ yếu tố: "Phải có người đọc, người nghe".

Kẻ đạo văn nếu chỉ chôm chỉa đen về nhà mình, ngồi cắt tỉa, viết lại một vài đoạn, thay đổi một vài chi tiết, thậm chí là kết cấu của tác phẩm…rồi đề tên mình vào tác phẩm đó nhưng chỉ để ngồi buồn ngâm ngợi cho vui, hay đút vào ngăn kéo bàn và quên đi thì vẫn chưa bị khép vào tội ăn cắp, vì khi ấy mới chỉ có mỗi mình kẻ đạo văn biết, và sản phẩm đó mới chỉ là văn bản chứ chưa thể thành tác phẩm khi chưa có người tiếp nhận, chỉ đến khi kẻ cắp đọc cho người khác nghe, gửi đi đăng tải ở các phương tiện thông tin đại chúng, in thành sách có người đọc…thì khi ấy tội trạng mới hoàn thành.

Hài hước ở đây là với những sản phẩm ăn cắp khác, kẻ ăn cắp chỉ muốn giấu kỹ hay tẩu tán thật nhanh tang vật, thì những kẻ ăn cắp văn, họ lại trưng ra trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì vậy bị lộ diện và bị bắt khi có đầy đủ cả tang chứng vật chứng là chuyện dễ hiểu.

Đã có nhiều vụ đạo văn bị phát hiện, bị bắt quả tang kèm với tang chứng vật chứng rất rõ ràng, và trong làng văn, làng báo, ngoài xã hội cũng ồn lên một thời gian rồi thôi, rồi "chìm xuồng". Chả mấy khi thấy người đạo văn phải nhận những án phạt tương xứng với "tội trạng" của mình. Có chăng cũng chỉ dừng lại ở lời xin lỗi của "tác giả" với "tác thật".

Nhà văn, nhà thơ vốn là những người nhạy cảm và thường sống duy tình, vậy nên khi biết tác phẩm tâm đắc của mình bị đánh cắp, ban đầu cũng tức tối và muốn "làm cho ra nhẽ", nhưng khi "kẻ cắp" đã hối lỗi thì thường dễ dàng bỏ qua. Cũng có người bị hại không muốn ồn ào, được vạ thì má đã sưng nên đành im lặng. Còn theo bà Đoàn Thị Lam Luyến - nguyên Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam - từng nói rằng nếu câu chuyện "đạo văn" chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi thì tính răn đe còn quá nhẹ. Và bà nhận định rằng một phần lý do thực trạng đạo văn diễn ra hàng ngày trên khắp các lĩnh vực "là do chúng ta chưa có chế tài xử lý nghiêm hơn". 

Và trách nhiệm của biên tập viên

Từ nhiều năm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương vẫn thường xuyên, tổ chức các Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc. Ngày  22/7/2015, Hội nghị được tổ chức tại Vũng Tàu. Có nhiều nội dung được đưa ra thảo luận, và có lẽ điều được mọi người quan tâm nhất, đó là tình trạng tuột dốc không phanh về số lượng phát hành của các tờ báo văn nghệ trên toàn quốc. Hội nghị đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó điều đáng quan tâm là đội ngũ biên tập viên văn nghệ của các báo vừa thiếu vừa yếu.

Ngoài một số tờ báo văn nghệ lớn, có thương hiệu thường có các nhà văn, nhà thơ đảm nhiệm vai trò là biên tập viên văn nghệ. Họ vừa là biên tập viên, vừa là người sáng tác nên việc đọc tác phẩm của nhau, giao lưu rộng rãi với giới văn nghệ nhiều hơn, chính vì vậy lượng bài vở văn nghệ gửi đến các tờ báo đó thường theo "kênh riêng" của biên tập viên. Khi bạn bè, đồng nghiệp trong giới đã gửi cho nhau thì độ tin cậy cũng lớn hơn là những bài viết vãng lai với những tác giả vãng lai, tên tuổi còn lạ lẫm.

Tất nhiên rằng tác giả mới hay tác giả cũ thì đứng trước một tác phẩm, người biên tập viên vẫn phải có sự tỉnh táo của một người làm nghề để có cái nhìn công tâm nhất đối với tác phẩm văn học. Đó cũng là quy luật phát triển của một tờ báo và của cả một nền văn học. Không ít các tờ văn nghệ địa phương hay các tờ báo có trang văn nghệ hiện nay, biên tập viên văn nghệ thường là những nhà báo "bị" bố trí trái ngành, thậm chí là "không làm được gì thì cho làm văn nghệ". Khi họ không có chuyên môn, không đam mê công việc đang làm thì sẽ ít đọc, ít theo dõi đời sống văn học nghệ thuật trong nước và thế giới, ít giao lưu với các văn nghệ sĩ.

Vẫn biết rằng biên tập viên nghệ dù có bỏ hết tất cả thời gian trong ngày của mình thì cũng không thể ngồi đọc hết được các tác phẩm đã in của các tác giả trong nước và thế giới để phân biệt được đâu là "hàng thật", đâu là đồ chôm chỉa. Nhưng có đọc vẫn có hơn. Quay lại ba trường hợp đạo văn trên, chúng ta thấy điều này rất rõ.

Trường hợp của bà Võ Thị Lệ Thủy - Trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung - người vừa gác cổng vừa đạo văn nên Tổng biên tập Tạp chí Nâm Nung không thể phát hiện ra, phần vì tin ở cấp dưới và một phần bản thân ông Tổng biên tập cũng là người bị bố trí "trái ngành". Bài "Mẹ ngồi đợi trước mùa xuân" được nhà thơ Hà Văn Thể viết trong khoảng 1998.

Tháng 12/2005, Báo Nhân dân in một chùm 3 bài trong đó có bài thơ này, đến năm 2005 in vào tập thơ "Lạy xin mây trắng". Như trên đã nói, biên tập viên văn nghệ dù có dành hết thời gian trong ngày để đọc thì cũng không thể đọc hết được các tác phẩm văn học, nhưng còn có một thao tác đơn giản là hiện nay mạng Intơrnet đã phổ cập, chỉ cần một cái "copy và paste" trên máy tính cũng sẽ dễ dàng phát hiện ra sự gian dối.

Dẫu biết rằng không phải tác phẩm nào cũng có trên mạng Intơrnet, nhưng thường những tác phẩm nổi tiếng, những tác phẩm hay, có giá trị của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thì bọn kẻ cắp mới hay nhòm ngó và đánh cắp. Những tác phẩm đã hay, đã nổi tiếng của các tác giả thành danh thì thường được phổ cập rộng rãi và phần nhiều là có ở trên mạng. Vẫn biết rằng nạn đạo văn cũng như những vấn nạn khác khó lòng mà bị triệt tiêu hoàn toàn, nhưng nếu chịu đọc nhau, chịu nghiêm túc trong khi làm nghề của các biên tập viên văn nghệ thì sẽ giảm thiểu được rất nhiều các trường hợp đạo văn như hiện nay.

Nguyễn Thế Hùng
.
.