Vấn nạn đào tạo dư thừa

Thứ Sáu, 08/07/2016, 07:27
Theo báo cáo tại một cuộc hội thảo về "Đào tạo giáo viên đa ngành" vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, không ít ý kiến tỏ ra hết sức lo lắng về tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không tìm kiếm được việc làm, nhưng các cổng trường đại học sư phạm vẫn không ngừng tuyển sinh, bằng mọi hình thức, để đáp ứng con số dạy và học. 


Nếu không có giải pháp “phanh lại” thì đến năm 2020, cả nước có thể thừa 70.000 giáo viên. Con số này thật đáng báo động bởi tình trạng sinh viên thất nghiệp đã gây ra bao nỗi phiền muộn cho bản thân và gia đình. Bởi ai cũng hiểu họ đã phải tốn biết bao nhiêu kinh phí sau bốn năm ngồi trên ghế giảng đường đại học. Trong đó không ít gia đình con em nông dân nghèo, lại phải nai lưng trả nợ ngân hàng vì chuyện lo học cho con cái.

Một bức tranh không lấy gì tốt đẹp cho một quốc thể: Nhiều sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng đã phải đi rửa bát thuê, làm phu hồ để tồn tại. Chuyện đào tạo ở các trường thiếu khoa học đã trở thành lỗi có hệ thống từ hàng chục năm nay, thế nhưng bệnh quan liêu từ cấp quản lý đã trở thành "vấn nạn" để mọi trường tự tung tự tác, mạnh ai nấy được mạnh ai nấy làm. Sự vô lối này rất đáng quan ngại.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đưa ra thêm một thống kê đáng lo ngại nữa: Cả nước đang có khoảng 1 triệu người thất nghiệp, gần 20% trong số đó là lao động có trình độ đại học trở lên. Ai sẽ quản lý chỉ tiêu tuyển sinh của từng đó cơ sở đào tạo giáo viên? Bộ Giáo dục - Đào tạo chăng? Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạn thất nghiệp gia tăng khi địa phương nào cũng muốn được có một cơ sở đào tạo trường đại học.

Sinh viên tốt nghiệp đại học.

Việc đào tạo thì tìm mọi cách thu hút nguồn lực để nuôi bộ máy thầy cô, còn chuyện ra trường sinh viên "tùy nghi di tản", tự lo lấy cần câu cơm của mình. Việc làm này xét cho cùng nó vừa trái quy luật, khi "cung" vượt xa "cầu", mặt khác thiếu tính nhân văn khi tuổi trẻ thiếu niềm tin vào thực tiễn của xã hội.

Để giải quyết tình trạng dư thừa, tất nhiên là phải cắt giảm chỉ tiêu, ngưng tuyển sinh một số ngành, lĩnh vực, ưu tiên tuyển sinh đào tạo ở những cấp học đang thiếu giáo viên… Những giải pháp đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiến hành cách đây khoảng 3 năm mà hiệu quả thì chưa như mong đợi.

Mặt khác hiện nay, trong nhân dân tâm lý coi trọng việc vào đại học, coi trọng bằng cấp tồn tại như một “định kiến” trong xã hội, trước hết là của các em học sinh và sau đó là các bậc cha mẹ. Sinh viên tốt nghiệp THPT thường chỉ muốn vào đại học, chí ít cũng là cao đẳng. Cha mẹ các em cũng chiều theo ý con.

Nhà nhà đua nhau vào đại học, người người đua nhau vào đại học. Phải leo lên được đỉnh vinh quang ấy mới thực sự "thức thời mẫn thế". Rất ít gia đình có tư duy cho con đi học nghề hơn là cho vào đại học. Trong lúc đó, vấn đề xã hội cần được giải quyết thấu đáo kể cả về quy hoạch đào tạo, về năng lực của các cơ sở đào tạo, việc gắn đào tạo với nhu cầu xã hội và đặc biệt là công tác tư vấn chọn nghề cho phù hợp với năng lực học sinh. Sự đào tạo "lệch pha" trong thời gian qua là một bài học thấm thía cho nhiều trường đại học rút kinh nghiệm và nghiêm túc chấn chỉnh từ trên xuống dưới.

Lại một mùa thi đại học vừa trôi qua, mong các trường không lặp lại điệp khúc cũ và các bậc phụ huynh cũng tỉnh táo hơn để hướng cho con em mình vào đại học hay học nghề, vừa để các em có tương lai vừa giảm tải nạn đào tạo không đúng nghề.

Phan Thế Cải
.
.