Văn học trẻ TP Hồ Chí Minh: Vẫn chỉ là một cuộc dạo chơi?
Đất lành của các cây bút trẻ
Mai Quỳnh Nga
Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, ngòi bút của thế hệ cha anh đã phản ánh thời đại của những con người chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tố cáo sự bất công của xã hội đương thời, khắc họa nỗi lầm than của lớp người cùng khổ. Và bằng ngòi bút, họ thể hiện trách nhiệm công dân, dấn thân vào thời cuộc...
Thế hệ nhà văn 8x, 9x được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã im tiếng súng, được chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của đất nước trên con đường hội nhập. Thời đại internet, mạng xã hội với sự kết nối không giới hạn lên ngôi đã giúp họ có nhiều điều kiện thuận lợi để sáng tác và công bố tác phẩm đến đông đảo công chúng.
TP Hồ Chí Minh là thành phố sôi động bậc nhất cả nước, nơi nuôi dưỡng nhiều tài năng. Lực lượng sáng tác trẻ 8x, 9x nơi đây rất hùng hậu và mang sắc thái đa dạng từ các tỉnh, thành hội tụ về thành phố lập nghiệp.
Nhịp sống năng động, phóng khoáng của thành phố giục giã các cây bút không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thể hiện sự đa sắc, đa thanh của mình từ nội dung đến hình thức trên từng trang viết. Tác phẩm của họ đã góp phần làm sôi động đời sống văn học của thành phố nói riêng và cả nước nói chung khi văn hóa đọc đang bị lấn át bởi văn hóa nghe, nhìn.
Các nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh giao lưu với sinh viên trong một buổi tọa đàm. |
Có thể kể đến những gương mặt nổi bật như: Nguyễn Phong Việt, Tiểu Quyên, Dương Bình Nguyên, Nhật Phi, Phạm Bá Diệp, Anh Khang, Trần Minh Hợp, Nồng Nàn Phố...
Theo nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, văn học trẻ TP Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu nhất của đời sống văn học trẻ cả nước. Không nơi đâu như ở TP Hồ Chí Minh, hai dòng chảy văn học khác biệt lại thể hiện rõ nét như thế. Đó là các tác phẩm giàu tính nghệ thuật, cách thể hiện mới mẻ, đi sâu phản ánh hiện thực bộn bề đời sống và nội tâm con người hiện đại nhưng số lượng sách ấn bản thường rất ít, chưa được đón nhận rộng rãi.
Trong khi đó, các tác phẩm không được giới phê bình đánh giá cao, chạy theo thị hiếu độc giả, đề tài chủ yếu là ngôn tình, mang tính giải trí “mì ăn liền” lại được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Đương nhiên, vẫn có những tác phẩm vừa bán chạy, vừa giàu chất lượng nghệ thuật (ví dụ như tập thơ “Đi qua thương nhớ” của Nguyễn Phong Việt bán được hơn 50.000 bản và tiếp tục tái bản) nhưng trường hợp này rất hiếm.
Những tên tuổi best-seller như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch... được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi bình luận về dòng văn học thị trường của TP Hồ Chí Minh. Nhưng hãy nhìn lại, chẳng ai trong số họ dám nhận mình là nhà văn và sợ bị khoác lên người sứ mệnh nọ kia vì nó đao to búa lớn quá. Họ viết đơn giản vì thích, vì muốn chia sẻ, vì coi đó là một cuộc chơi chứ không phải là sự nghiệp quan trọng.
Những độc giả phát cuồng vì các tác giả ấy cũng không có lỗi. Mỗi lứa tuổi, giới tính, trình độ... sẽ chọn cho mình một cuốn sách với các chức năng mà họ cần như: chức năng giải trí, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục....
Không thể bắt các em tuổi mới lớn phải đọc tác phẩm văn học kinh điển đoạt giải Nobel vì có thể các em không đủ trải nghiệm để hiểu và cảm được. Các em sẽ chỉ đọc “Buồn làm sao buông”, “Mỉm cười cho qua”, “Người yêu cũ có người yêu mới”... mà tác giả đã nói thay được cho những bề bộn, xao động của tuổi mới lớn một cách nhẹ nhàng, gần gũi.
Rồi những bạn đọc ấy sẽ lớn lên, và chắc chắn đến một ngày họ sẽ không còn thích những áng văn “ngôn tình” ấy nữa mà tìm đến những tác phẩm khác phù hợp với trải nghiệm, tuổi đời của mình. Cho nên, nếu các nhà văn trẻ đã định hướng đối tượng của mình và các chức năng nhất định thì họ không có gì đáng chê trách. Những gì họ viết, dù ít dù nhiều cũng sẽ phản ánh chính thời đại họ đang sống.
Còn muốn có một tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật đỉnh cao, trường tồn cùng thời gian, đại diện cho một thời đại văn học, bước ra sánh vai với bạn bè năm châu thì nhà văn đó phải tự tạo ra áp lực cho chính mình, phải nghiêm túc coi nghiệp văn là sinh tử, phải bản lĩnh và cày bừa nhọc nhằn trên cánh đồng chữ nghĩa chứ không phải chỉ đơn giản coi đó là một cuộc chơi “có cũng được, không có cũng chẳng sao”.
Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh: Đã xuất hiện nhiều tác giả best-seller
Nhận diện văn học trẻ TP Hồ Chí Minh hiện nay là một việc không dễ, và đây là công việc của các nhà phê bình. Theo tôi, văn học trẻ TP Hồ Chí Minh có đội ngũ đông đảo, đa dạng về phong cách. Văn học trẻ TP Hồ Chí Minh nếu nhìn từ thế hệ chúng tôi có thể không rộn ràng như văn học trẻ Hà Nội, nhưng rất thực chất, hầu hết các cây bút đều có thái độ dấn thân, thậm chí chấp nhận trả giá.
Sự dấn thân và cách tân về nghệ thuật viết của các nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh đã được các đồng nghiệp và giới chuyên môn ghi nhận. Chính bản thân tôi từng nghe các nhà văn, nhà phê bình miền Bắc bảo rằng họ thích đọc văn của các cây bút trẻ TP Hồ Chí Minh hơn. Lý do?
Đó là văn chương hiện đại hơn, cách viết tự nhiên hơn, chủ đề đa dạng hơn. Nếu văn chương trẻ miền Bắc thường đi vào những tình cảnh éo le, những số phận bi thảm, hoặc sục sôi phản biện những vấn đề xã hội thì văn chương trẻ TP Hồ Chí Minh thường là những lát cắt, có khi khô khốc, lạnh lùng nhưng ẩn sâu bên trong là những cái nhìn về hiện trạng xã hội, về tâm lý con người hiện đại đã được mã hóa. Nói một cách ví von, văn chương trẻ TP Hồ Chí Minh là những món ăn ít gia vị, tươi ròng mùi vị cuộc sống.
Về sau này, các cây bút trẻ tiếp nối, có vẻ tỉnh táo với văn chương hơn thế hệ chúng tôi. Họ có thể dấn thân trong cuộc đời, sự nghiệp, nhưng với văn chương thì xem như một cuộc chơi hay một công việc tay trái. Văn chương của các cây bút trẻ hôm nay cũng dần khước từ những huyền thoại, ẩn dụ...
Nhiều cây bút trẻ chọn cho mình cách kể những câu chuyện dễ thương, nhẹ nhàng. Tính chất khốc liệt của trang viết dường như đã nhường chỗ cho sự lãng mạn lên ngôi. Người ta gọi đó là truyện ngôn tình. Trong một lần báo chí phỏng vấn, có người hỏi “Một số độc giả cho rằng tác giả trẻ thường viết chỉ nhằm thỏa mãn cá nhân, tác phẩm thiên về tản mạn tình cảm, kiểu dạng “đọc cũng được, không đọc cũng không chết ai” chứ chưa mang lại nhiều tác động tích cực cho xã hội. Anh có đồng ý với điều này?”, tôi trả lời rằng: “Đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng sao”, tôi nghĩ là đúng với mọi thời, mọi tác giả và mọi tác phẩm, không phải bây giờ và chỉ với tác giả trẻ”.
Chúng ta nên coi mọi sự nhẹ nhàng, không có gì nghiêm trọng, vấn đề là chúng ta lao động hết mình, đặt hết trái tim, sức lực mình vào đó. Các cây bút trẻ thường không nhận mình là nhà văn vì các bạn hiểu rằng mình chưa phải là nhà văn. Đó là cách hành xử sòng phẳng, tử tế, không có gì là không đúng cả.
Điều thú vị ở các cây bút trẻ TP Hồ Chí Minh hôm nay là sách họ in ra đều best – seller, đó là điều mà thế hệ chúng tôi không làm được. Tôi nghĩ đó cũng là điều đáng mừng. Mừng cho chúng tôi và mừng cho các nhà văn trẻ hôm nay.
Nhà văn Anh Khang: Nhà sách có cái nhìn tích cực hơn với cây bút trẻ
Phan Thi Uyên (ghi)
Mỗi thời đại sẽ có một thế hệ nhà văn để phục vụ, góp tiếng nói, tiếng lòng của họ cho thời đại đó. Thế hệ 8x, 9x chúng tôi lớn lên trong thời đại internet, mọi thứ đều được cập nhật từng giây từng phút thành thử thế hệ chúng tôi cũng sẽ khác với cha anh đi trước.
Chúng tôi ngày nay thiệt thòi hơn thế hệ cha anh vì công chúng dành nhiều thời gian cho văn hóa nghe, nhìn. Mọi người ít chịu mua sách, đến hội thơ, hội văn như ngày xưa. Cho nên cách duy nhất và phù hợp nhất với thời đại này đó là tiếp cận độc giả qua mạng xã hội, trên internet.
Và có thể do cách chúng tôi đến gần độc giả trẻ bằng con đường nhanh nhạy nhưng cũng xô bồ như thế nên các bậc cha chú sẽ khắt khe hơn với chúng tôi, sẽ cảm thấy những gì chúng tôi viết nó “mì ăn liền” quá.
Thú thật tôi chưa bao giờ và chắc không bao giờ dám nhận các tác phẩm của mình có giá trị gì nhất định vì tôi nghĩ ngoại trừ công chúng ra, nhà phê bình công minh, đúng đắn nhất cho một tác phẩm văn học là thời gian. Tôi viết chỉ với hy vọng là mình có thể ghi lại hơi thở cuộc sống hiện thời. Tôi luôn quan niệm mình phải viết những gì của bản thân mình trước nhất vì khi nhà văn không chân thật với cảm xúc của mình thì những tác phẩm đó không thể nào đến trái tim độc giả.
Tôi đọc 10 bài nói về nhà văn trẻ thì hết 9 bài nói về hai chữ “sứ mệnh”. Riêng tôi, tôi luôn nói một câu là: xin đừng bao giờ đặt gánh nặng sứ mệnh lên vai những người được gọi là nhà văn trẻ. Vì sao?
Thứ nhất, những người trẻ rất sợ gán vô mình hai chữ “nhà văn”, bởi hai chữ này đối với họ rất cao quý. Khi được kết nạp vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh rồi thì tôi mới dám cho báo chí gọi mình là nhà văn.
Thứ hai, được gắn danh hiệu nhà văn thì tầm viết của mình phải lên một mức độ nào đó và nó còn nhắc tới hai chữ “sứ mệnh” mà mình để lại trong nền văn học. Tôi không dám nói sứ mệnh của người viết trẻ bây giờ là gì mà chỉ dám nói điều lạc quan và tích cực nhất mà các cây bút trẻ TP Hồ Chí Minh đã và đang làm được trong 3 năm trở lại đây.
Đó là nền văn hóa đọc được vực dậy và tái sinh rất mạnh mẽ . Chưa bàn về chất lượng, chỉ riêng số lượng sách phát hành đã rất nhiều. Họ thúc đẩy người đồng trang lứa viết nhiều hơn, khuyến khích các nhà sách có cái nhìn tích cực hơn với cây bút trẻ.
Nhà lý luận phê bình văn học Trần Hoài Anh: Hãy cố gắng hiểu người trẻ
Nguyễn Trang (ghi)
Nhiều người tỏ ra băn khoăn cho rằng các nhà văn trẻ quên lịch sử, quên dĩ vãng. Tôi nghĩ họ không quên đâu, mà họ thể hiện lịch sử, những vấn đề của quá khứ bằng cách nhìn của những người trẻ - những người không trải qua chiến tranh. Và chúng ta phải chấp nhận cái nhìn đó bởi văn học bao giờ cũng có nhiều ngả rẽ, nhiều dòng chảy, nhiều suy tư chứ chúng ta không thể nhất nhất một cách nhìn. Rõ ràng không thể buộc những người trẻ viết theo cảm xúc sử thi hoành tráng vì họ không cảm được.
Tôi nghĩ rằng thế hệ người lớn tuổi như chúng ta hãy cố gắng hiểu những người trẻ. Chúng ta đặt mình trong tâm thức của họ để hiểu họ chứ không phải dùng tâm thức của chúng ta để soi rọi. Có lẽ với một truyền thống văn học nặng về “chở Đạo” quá nên nếu chúng ta thấy người ta viết gì đó mà nó không “chở Đạo”, thiếu tính công dân chẳng hạn thì chúng ta lại lo lắng là người trẻ có lăn lộn với đời sống hay không. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên lo điều đó.
Với ý kiến cho rằng văn học trẻ bây giờ nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao thì tôi nghĩ ý kiến đó còn chủ quan và võ đoán. Vì muốn biết điều đó phải có một cuộc khảo sát và để đánh giá chất lượng của văn học trẻ thì phải có những tiêu chí cụ thể.
Văn học trẻ của TP Hồ Chí Minh là sự tiếp nối nhiều thế hệ. Và mỗi thế hệ có sứ mệnh và vai trò của nó trong thời đại của mình. Những đứa con tinh thần của các nhà văn, nhà thơ trẻ hôm nay đã có một đội ngũ người đọc tiếp nhận. Điều đó chứng minh rằng văn học trẻ TP Hồ Chí Minh đã là một thực thể hiện hữu trong đời sống chúng ta. Những người viết trẻ sẽ có sứ mệnh của thời đại họ sống, làm sao cho văn học trẻ TP Hồ Chí Minh rạng rỡ hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị cao đẹp hơn nữa.
Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Văn học 8x, 9x vẫn chưa xứng tầm
Quỳnh Nga (ghi)
TP Hồ Chí Minh là mảnh đất màu mỡ cho văn học trẻ bén rễ, phát triển xanh cây. Tuy nhiên cái cây ấy có sum suê hay không, có cho quả ngọt hay không thì lại là chuyện khác. So với thế hệ 7x, thì vị thế của văn học trẻ thế hệ 8x, 9x của thành phố hiện nay chưa xứng tầm.
Nhắc tới thế hệ nhà văn 7x thì ta có thể tự hào nhắc đến một lực lượng hùng hậu và nổi tiếng như: Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Trương Anh Quốc... Còn ở đội ngũ 8x, 9x thì nó vẫn chỉ được ở bề nổi chứ chưa lắng sâu trong ngòi bút.
Vì sao văn học trẻ TP Hồ Chí Minh nói riêng và văn học trẻ cả nước nói chung chưa có vị thế xứng đáng? Bởi nếu các nhà văn thế hệ trước đến với văn chương bằng một tầm lòng thủy chung son sắt, sống chết với nghề thì không ít nhà văn trẻ bây giờ đến với văn chương như một cuộc chơi. Điều này được chính các nhà văn phát biểu rất rõ.
Chẳng hạn như Gào nói: “Tôi không phải là một nhà văn. Các nhà văn nếu đọc những gì tôi viết có thể họ nói nó không nghệ thuật”. Còn trong lời bạt cho một cuốn sách của Hamlet Trương, Anh Khang viết: “Tôi đoán chắc một điều khi cuốn sách này xuất bản, điều khiến tác giả sợ nhất không phải là… sách ế, mà là sẽ bị gán cho hai chữ “nhà văn”.
Người viết sợ bị gọi là nhà văn, sợ những đứa con tinh thần của mình được gọi là tác phẩm thì tôi nghĩ rằng chính họ cũng chưa thật sự lạc quan, chưa hết lòng chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Trong việc giảng dạy, bản thân tôi vẫn quan tâm đến dòng sách này, vẫn coi nó là tác phẩm văn học đúng nghĩa mặc dù nó mang tính thị trường. Nó xứng đáng được gọi là tác phẩm vì đã đáp ứng được thị hiếu của đông đảo bạn đọc hôm nay, còn hơn là sách “biếu chạy”, sách “ấn hành” (“ấn” vào tay người ta và “hành” người ta phải đọc!).
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Rồi chúng tôi sẽ lớn lên trên trang viết
Mỗi một tác giả có một thế hệ độc giả riêng. Áp lực của người viết sách là phải luôn vượt qua chính mình, bởi người đọc khi đọc những cuốn sách tiếp theo sẽ so sánh với các tác phẩm trước đó. Theo thời gian, nếu người viết không trưởng thành trên trang viết thì một ngày nào đó họ sẽ bị đào thải. Cái khiến tôi thích thú ở các nhà văn lớn trên thế giới là độc giả của họ lớn lên cùng họ.
Nghĩa là năm 20 tuổi, tôi đọc họ thấy hay. Đến năm 40, 50 tuổi, tôi đọc các tác phẩm mới của họ vẫn thấy hay, ngòi bút già dặn và trải nghiệm hơn nhiều. Đó mới là sự thành công của một tác giả và độc giả trung thành nhất chính là những người quyết định nên sự thành công của tác phẩm. Còn những độc giả đọc vì truyền thông, vì bạn bè giới thiệu... thì tôi nghĩ họ đọc chỉ được một, hai lần là cùng.
Thị trường của thơ vốn khá èo uột, thành ra khi được bạn đọc đón nhận, chịu bỏ tiền để mua một cuốn thơ của mình, mỗi ngày cầm bút với tôi là một áp lực. Tôi chỉ dám một năm viết một cuốn vì nếu mình viết nhiều thì thế nào nó cũng dở. Mình viết theo cảm xúc. Nếu mình viết mà mình không thấy hay thì dám chắc bạn đọc sẽ cảm thấy điều đó. Tôi tin tất cả những người trẻ như tôi đang viết với cảm xúc rất đáng trân trọng.
Số người viết rất đông đảo nhưng số người đi theo nghề viết đến tận cùng rất ít. Nếu gắn bó với nghề văn đến cùng, tôi tin mỗi giai đoạn, chúng tôi sẽ có một cách viết, thể loại viết, cảm xúc viết khác nhau. Có thể một vài năm nữa tôi sẽ viết về triết lý, số phận con người chứ không viết về tình yêu, về đau đớn chia ly. Nhưng ở tuổi này, tôi chưa chạm được tới ngưỡng đó thì tôi cần thời gian để trải nghiệm. Theo thời gian, chúng tôi sẽ có những tác phẩm chín chắn hơn, vĩ mô hơn, nâng tầm hơn.