Văn học Nam Bộ và những bước tiên phong

Thứ Bảy, 05/11/2016, 08:00
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, miền đất Nam Bộ sớm gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ, đặc biệt ở lĩnh vực văn học và ngôn ngữ - một bộ phận tiên phong của văn học dân tộc. Đến nay, kho tàng văn học đồ sộ, đặc sắc của vùng đất này vẫn nhiều bí ẩn mời gọi các nhà nghiên cứu khám phá...


Kho tàng văn học đồ sộ và đặc sắc vùng miền

Theo giới học giả, từ cuối thế kỷ XIX, văn học dân gian, văn học Hán Nôm Nam Bộ đã được Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký… bước đầu nghiên cứu. Suốt trong thế kỷ XX, nhiều thế hệ nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn học và tiếng Việt ở Nam Bộ.

Cụ thể, trước năm 1945 có các nhà nghiên cứu Lê Quang Chiểu, Võ Sâm, Lê Sum, Ca Văn Thỉnh, Vũ Ngọc Phan… Từ năm 1954 đến 1975 ở miền Nam có Phạm Thế Ngũ, Nam Xuân Thọ, Thái Bạch, Nguyễn Văn Xuân… ; ở miền Bắc có nhóm Lê Quý Đôn, Lê Thước, Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Tá… Sau năm 1986, việc nghiên cứu về đề tài này có phần chững lại. Số lượng các công trình dài hơi và chuyên sâu về văn học Nam Bộ thời kỳ này còn khiêm tốn, rải rác.

Một quầy bán tạp chí, sách báo cũ ở Sài Gòn năm 1950. (ảnh internet).

Những năm gần đây, việc nghiên cứu trở nên sôi động trở lại, thu hút một đội ngũ hùng hậu, đặc biệt là các học giả trẻ. Có thể xem Hội thảo khoa học “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ” (do Viện Văn học – Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp tổ chức diễn ra ngày 28-10 tại Bình Dương) là hội thảo về văn học Nam Bộ đồ sộ, quy mô nhất từ trước đến nay. Hội thảo quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu trên toàn quốc với hơn 200 tham luận gửi về.

Nhiều vấn đề của văn học Nam Bộ đã được giới nghiên cứu xoáy sâu như: ý nghĩa của văn học dân gian, văn học Hán Nôm ở Nam Bộ; phong cách tác giả và nội dung tư tưởng, thủ pháp nghệ thuật trong các tác phẩm tiêu biểu miền Nam; vai trò và đóng góp của văn học, ngôn ngữ Nam Bộ trong tiến trình phát triển văn học dân tộc... Trong đó, nhiều vấn đề khá lạ như với chuyện “Tấm Cám” ở miền Nam thì trong rất nhiều dị bản, Tấm là nhân vật phản diện, Cám lại là cô gái hiền lành bị hiếp đáp, hay một số tiếng lóng xưa nay đã rơi rụng…

Tính đại chúng, đón đầu, cởi mở và nội dung đề cao nhân nghĩa là đặc trưng nổi bật của nền văn học Nam Bộ. Cũng dễ hiểu khi đây là mảnh đất khai sinh nền báo chí Việt Nam, mở đầu là tờ báo quốc ngữ “Gia Định báo” năm 1865.

Sự bình dị, mộc mạc “nghĩ sao nói vậy” trong văn chương Nam Bộ ngoài việc được báo chí chắp cánh vì tính đại chúng thì nó còn là sự tiếp nối từ “đặc sản” lâu đời của văn học dân gian xứ chín rồng. Ngôn ngữ đời thường thô mộc, đậm màu sắc khẩu ngữ, phương ngữ gây ấn tượng mạnh trong ca dao như “Con ếch ngồi dựa gốc bưng/ Nó kêu cái quệt, biểu ưng cho rồi” được thế hệ nhà văn, nhà thơ sau này sử dụng nhuần nhuyễn, chuyển tải được cái tình và tinh thần Nam Bộ.  

Tính tình người Nam Bộ phóng khoáng, nghĩa hiệp nên cũng dễ dàng đón nhận những tư tưởng tiến bộ, cách tân, hướng đến giải phóng con người, đả phá mọi bất công. Nam Kỳ là mảnh đất đầu tiên của báo chí – nơi đưa văn chương đến với quảng đại quần chúng -  nên không có gì ngạc nhiên khi nền văn học nơi đây luôn mang tính tiên phong trong quá trình đổi mới cả hình thức và nội dung, nêu cao lòng yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề tranh cãi được hâm nóng. Nổi bật nhất là chuyện có hay không sự mất tích của văn chương quốc ngữ Lục tỉnh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong văn học sử Việt Nam. Nhà báo Trần Nhật Vy gay gắt: “Có thể khẳng định rằng, Lục tỉnh là vùng đất đầu tiên có truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, thơ, phú, bài hát (cho nhạc tài tử), tuồng (hát bội và cải lương) bằng chữ quốc ngữ.

Nhưng văn học sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đến nay, gần hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, vẫn như chưa có trang chính thức nào ghi nhận về nền văn học ấy. Người Việt có học, kể cả giới nghiên cứu văn học Việt Nam hầu hết đều không biết văn học quốc ngữ sinh ra ngày nào, xuất hiện ở đâu? Ai là người tiên phong? Truyện đầu tiên tên gì?...

Họ dường như đều yên lòng với mấy dòng chữ “văn học quốc ngữ xuất phát từ Nam Bộ”, “báo chí quốc ngữ là cái nôi của văn học quốc ngữ”…”. Ông cho rằng văn chương Nam Bộ cuối thế kỷ XIX rất phong phú về thể loại cũng như nội dung, đặt nền móng cho nền văn học quốc ngữ Việt Nam sau này, do đó cần phải được đào sâu nghiên cứu và trả lại vị trí xác đáng trong văn học sử.

Giáo sư Phong Lê, Viện Văn học –Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: Cái nôi của nền văn học quốc ngữ

Nói văn học Nam Bộ là nói những đóng góp khởi động của nền văn học quốc ngữ - văn học viết bằng chữ cái Latinh, khác và thay cho văn học truyền thống viết bằng chữ Hán và Nôm, trong đó Hán là chữ mượn, còn Nôm là cách dựa vào chữ Hán để thực hiện sự gắn nối giữa tiếng và chữ - một khát vọng xuất hiện từ thế kỷ XIII. Nó trở thành động lực góp phần thúc đẩy nhanh con đường đi tới chữ quốc ngữ, là thứ chữ đã vào nước ta từ đầu thế kỷ XVII theo chân các thuyền buôn và giáo sĩ phương Tây nhưng cho đến đầu thế kỷ XIX, sau hơn 200 năm, vẫn còn bị khép chặt trong sinh hoạt của một bộ phận nhỏ giáo dân. Một ý thức thống nhất về “tiếng” và “chữ” đã được nhen nhóm, và con đường đầy gian truân là con đường đi tìm chữ.

Trong khi phần đa e ngại lấy chữ quốc ngữ làm chữ viết như lo lắng của Nguyễn Trường Tộ “Chẳng lẽ nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ viết để viết tiếng ta hay sao? Vì ta dùng chữ Nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả, sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt” thì năm 1865, ở Nam Bộ, tờ báo quốc ngữ đầu tiên là “Gia Định báo” của Trương Vĩnh Ký ra đời. Năm 1866, ông viết tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên là “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích”.

Vậy là điều mà nhà cách tân Nguyễn Trường Tộ e ngại thì Trương Vĩnh Ký đã thực hiện một cách mạnh dạn và rất thành công. Từ cái thứ tiếng và chữ để ghi kinh bổn Thiên Chúa giáo trong thế kỷ XVII như “Phép giảng tám ngày”, mà cách ghi âm thấy rất lủng củng, đến tập chuyện này của Trương Vĩnh Ký phải nói là khác xa một trời một vực.

Soạn lại “truyện xưa”, thế mà câu văn của Trương ít để lại dấu vết “cổ” nào, bởi cái nguyên tắc ông tự đề ra cho mình là “nghĩ sao viết vậy”. Cái nguyên tắc từ đây sẽ chi phối toàn bộ sự phát triển của văn xuôi hiện đại mà khởi động đầu tiên và tiếp tục sự trung thành với nó là văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ.

Như vậy, văn xuôi quốc ngữ bắt đầu từ Trương Vĩnh Ký và được tiếp tục bởi một số tác gia Nam Bộ cuối thế kỷ XIX. Đây là điều dễ hiểu. Vì Nam Bộ sớm bị thực dân Pháp thôn tính, sau hai lần triều đình Huế cắt nhượng 6 tỉnh và biến thành thuộc địa dưới quyền cai trị trực tiếp của chính quyền thực dân.

Chữ quốc ngữ sớm được dùng ở Nam Bộ vì nhu cầu hoạt động của bộ máy hành chính và quân sự của Nam Kỳ thuộc địa. Chữ quốc ngữ dễ học, dễ đọc, dễ viết sớm là phương tiện hữu hiệu để xây dựng nền báo chí quốc ngữ.

Báo chí rồi nhà in, nhà xuất bản theo mô hình chính quốc lần lượt ra đời đem lại sự hưng thịnh dần cho phong trào viết văn, bắt đầu là văn báo chí và đem lại sự kích thích bước đầu cho cả hai phía: Người viết và người đọc. Trong buổi dầu sử dụng chữ quốc ngữ, khoảng 20 năm cuối thế kỷ XX, văn sáng tác vẫn chỉ mới được ghi nhận ở vài tác phẩm lẻ tẻ, còn số lớn vẫn là văn biên khảo và dịch thuật.

“Truyện thầy Lazaro Phiền” (1887) của Nguyễn Trọng Quản được nhiều người nghiên cứu nhất trí xem là cuốn truyện khai mở nền văn xuôi quốc ngữ. Khác với du ký “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” và “Kiếp phong trần” của Trương Vĩnh Ký trước đó có cấu tạo bằng đối thoại mang hình thức kịch thì truyện này của Nguyễn Trọng Quản đúng theo nghĩa truyện.

Đây là tác phẩm có nhiều cái mới từ lối viết, đề tài đến tư tưởng của tác giả. Ở đề tài là “sự thường có trước mắt ta luôn”, cách thể hiện là “lấy tiếng thường mọi người hằng nói…” với mục đích là để giải trí “người lấy lòng vui mà đọc”, kết hợp học chữ “cho quen mặt chữ” và kích thích công việc sáng tác, người An Nam “chẳng thua ai”.

Thế nhưng, tất cả sự mới mẻ như trong dụng ý của người viết vẫn còn chưa gợi được sự chú ý ở người đọc rộng rãi. Có thể vì báo chí lúc ấy còn quá ít và quần chúng còn rất ít người được đọc hoặc đọc được. Cái đời sống dư luận sôi nổi như Nguyễn Trọng Quản mong mỏi phải chờ ngót 40 năm sau, vào năm 1925, khi “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách ra đời.

Với việc hình thành và phát triển văn xuôi quốc ngữ thay cho chữ Hán Nôm, ý đồ sâu xa của chính quyền thực dân là nhằm cắt đứt các mối quan hệ và ảnh hưởng của văn hóa truyền thống. Sự thật thì với chữ quốc ngữ, những di sản văn hóa truyền thống lại càng có điều kiện mở rộng sự phổ cập và lưu truyền trong khởi đầu của tiến trình hiện đại hóa.

PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: Văn học Nam Bộ tiên phong trên con đường hiện đại hóa

Từ cuối thế kỷ XIX, ở Sài Gòn đã xuất hiện một thế hệ trí thức mới như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương… Họ trở thành những nhà văn tiên phong trong việc xây dựng văn học quốc ngữ.

Với các tập “Chuyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ” (in năm 1884), “Truyện ngụ ngôn của Pháp” (1884-1885), “Phú bần diễn ca” (1885)… Trương Minh Ký trở thành dịch giả tiên phong trong việc dịch văn học phương Tây và văn học Pháp của nước ta. Ký sự bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là quyển “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” (1876), bản in Nhà hàng C.Guilland et Martinon, Sài Gòn, 1881.

Cuộc thi “Quốc văn thí cuộc” do Trần Chánh Chiếu, chủ bút khởi xướng trên báo “Nông cổ mín đàm” năm 1906 có thể coi như cuộc thi sáng tác tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Giải thưởng được công bố một năm sau trên tờ báo ấy, số 280, ngày 5-3-1907, giải nhất, giải duy nhất dành cho “Lương Hoa truyện” của Pierre Eugène Nguyễn Khánh Nhương, tác phẩm duy nhất dự giải.

Nhưng tác phẩm này mở ra một mùa sai quả rộ lên vài năm sau đó. Đó là “Hoàng Tố Oanh hàm oan” (1910) của Trần Thiên Trung, cuốn tiểu thuyết mở đầu cho khuynh hướng hiện thực phê phán; “Lâm Kim Liên tự truyện” của Trần Chánh Chiếu (1910); “Phan Yên ngoại sử - Tiết phụ gian truân” (1910) của Trương Duy Toản, cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng quốc ngữ đầu tiên; “Chơn cáo tự sự” (1910) của Michel Tinh; “Hà Hương phong nguyệt” (1912) của Lê Hoàng Mưu, cuốn tiểu thuyết tâm lý – xã hội đầu tiên…Vài năm sau nữa xuất hiện kiện tướng của tiểu thuyết Nam Bộ: Hồ Biểu Chánh với hàng loạt tác phẩm như “Ai làm được”, “Cay đắng mùi đời”, “Ngọn cỏ gió đùa”…

Nếu so với các nước khác trong khu vực văn hóa chữ Hán, với thành tựu của văn học Nam Bộ, thì nền văn học mới của Việt Nam ra đời rất sớm, tương đương với Nhật Bản, sớm hơn nhiều Trung Quốc và Triều Tiên, Hàn Quốc.

Về báo chí, báo Việt Nam là sớm nhất (1865), kế đến là Nhật Bản (1870 tờ Yokohama mainichi shimbun/ Nhật báo Yokohama). Trung, Hàn muộn hơn nhiều. Về văn học dịch, Nhật Bản sớm nhất (1878), 5 năm sau là Việt Nam, 15 năm sau mới đến Trung Quốc. Tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam và Nhật Bản ra đời gần như cùng một năm với “Truyện thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887 và tiểu thuyết “Phù vân” của Futabatei Shimei. Nhưng Trung Quốc và Hàn Quốc phải trên 30 năm sau mới có những tiểu thuyết đầu tiên của Lỗ Tấn và Lee Kwang-su. Tất cả các hiện tượng tiên phong của văn học Việt Nam nói trên đều là thành quả của văn học Nam Bộ.

Thế kỷ XX ở Nam Bộ mở ra bằng phong trào duy tân mạnh mẽ. Với tư cách là chủ bút tờ “Lục tỉnh tân văn”, Trần Chánh Chiếu biến tờ báo này thành cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng duy tân và ông bị bắt bỏ tù cũng chính trong chức vụ đó. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - chủ bút tờ báo nữ giới đầu tiên “Nữ giới chung”, Phan Thị Bạch Vân – chủ bút tờ tạp chí “Tinh thần phụ nữ” dùng ngòi bút vừa đấu tranh cho nữ quyền, vừa hoạt động yêu nước.

Nhiều nhà văn Nam Bộ bị bỏ tù vì các tác phẩm chống ngoại xâm, nêu cao tinh thần dân tộc. Tinh thần yêu nước cũng làm nảy sinh ra trào lưu sáng tác tiểu thuyết lịch sử từ giữa thập niên 20 của thế kỷ XX trở đi, nhất là tiểu thuyết viết về lịch sử dân tộc như: “Việt Nam Lê Thái Tổ” của Nguyễn Chánh Sắt; “Việt Nam anh kiệt – Vì nghĩa liều mình”, “Trần Hưng Đạo”  của Phạm Minh Kiên….

Các nhà văn ấy có ý thức rất rõ về công việc của mình là nhằm phổ biến quốc sử cho dân chúng, qua đó hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Còn nhớ trên báo đầu thập niên 30 của thế kỷ XX có đăng bài của ông Hồ Duy Kiên, nghị viên quản hạt, trong bài báo ấy ông cho rằng tiếng Việt là patois – chỉ là thổ ngữ, đầy những bất hợp lý và lạc hậu. Ông chủ trương dùng tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ chặt chẽ, khoa học, thay cho tiếng mẹ đẻ trong hành chính, cũng như trong giáo dục, báo chí.

Bài báo ấy bị Phan Khôi phản đối kịch liệt trên “Phụ nữ tân văn”. Như vậy các nhà văn Nam Bộ viết văn viết báo bằng tiếng Việt cũng là tránh cho tiếng Việt chỉ là “thổ ngữ” mà trở thành ngôn ngữ văn học, tinh tế và phong phú, sâu sắc.

PGS.TS Lê Tú Anh, Trường Đại học Hồng Đức: Tiểu thuyết nghĩa hiệp - tinh thần trọng nhân nghĩa của người Nam Bộ

Đầu thế kỷ XX, trong khi ở miền Bắc xuất hiện nhiều tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám thì ở Nam Bộ tình hình lại khác. Có một dòng tiểu thuyết nghĩa hiệp nổi lên rất rõ trong diện mạo văn xuôi tự sự Nam Bộ. Mấy thập niên đầu thế kỷ XX, khi thể loại còn đang ở dạng phôi thai thì lý thuyết về nó hiển nhiên là chưa có.

Do chưa có lý thuyết, cộng với tâm thế thăm dò, làm thử, các nhà văn đã mặc sức đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Chúng tôi tạm thời đưa ra một số tiêu chí để định dạng dòng tiểu thuyết nghĩa hiệp như sau: Thứ nhất, tiểu thuyết có một nhân vật trung tâm là người có võ nghệ cao cường, có tướng mạo và sức lực hơn người, là người trọng nghĩa, sẵn lòng bênh vực kẻ yếu vì sự công bằng xã hội…

Thứ hai, hiện thực xã hội được miêu tả trong tiểu thuyết thường chứa đựng nhiều bất công. Thứ ba, cốt truyện chứa nhiều tình tiết ly kỳ, nhà văn coi trọng việc miêu tả hành động của các nhân vật, hành động nghĩa hiệp của nhân vật thường gắn với những mối kỳ duyên. Thứ tư, kết cấu tiểu thuyết thường mạch lạc theo các tuyến nhân vật thiện – ác và kết thúc có hậu.

Dựa trên những tiêu chí đó, chúng tôi cho rằng đầu thế kỷ XX, loại tiểu thuyết này đã hình thành và phát triển mạnh ở Nam Bộ. Khởi đầu là sáng tác của Biến Ngũ Nhy với các tác phẩm như “Ba Lâu ròng nghề đạo tặc”, “Chủ nợ bất nhơn”…

Tiếp đó phải kể đến Nguyễn Chánh Sắt. Đến với tiểu thuyết nghĩa hiệp sau khi đã dịch nhiều truyện Trung Quốc, Nguyễn Chánh Sắt không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng của thể loại này. Trong số các tiểu thuyết thuộc loại nghĩa hiệp của ông, “Một đôi hiệp khách” (1929) là tác phẩm xuất sắc hơn cả. Dương Minh Đạt nổi tiếng với “Anh hùng ba mặt” (1927), “Bình vỡ gương tan” (1927), “Anh hùng hội đào duyên” (1928)…

Một gương mặt nổi bật khác là Phú Đức, tác giả của “Châu về Hiệp Phố”, tiểu thuyết dài tới 944 trang. Từ góc nhìn thể loại, tác phẩm này đã dung hợp nhiều kiểu dạng tiểu thuyết như: Võ hiệp, trinh thám, ái tình, xã hội… nhưng nổi bật hơn cả vẫn là chủ đề nghĩa hiệp.

Tiểu thuyết nghĩa hiệp đã đề cập đến nhiều mảng hiện thực đời sống, góp phần làm phong phú và sâu sắc hơn nội dung hiện thực trong văn học Việt Nam. Có một nội dung trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm, đó là các thủ đoạn bóc lột của bọn thống trị, bao gồm quan lại và tư bản trong, ngoài nước đối với người lao động nghèo, tạo nên sự phân hóa rõ rệt trong xã hội. Bên cạnh đó, tiểu thuyết nghĩa hiệp còn chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ - nhân văn sâu sắc.

Hình tượng người anh hùng trọng nghĩa – những mẫu hình lý tưởng của xã hội – vừa đẹp về hình thể, vừa rất đáng ngưỡng mộ về tài năng, nhân cách và khát vọng sống là giá trị thẩm mỹ nổi bật của dòng truyện này.

Cùng với các sáng tác của Đạm Phương, Phan Thị Bạch Vân, Hoàng Thị Tuyết Hoa…, dòng tiểu thuyết này cũng thể hiện rất rõ tinh thần đề cao khả năng, vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, góp phần hình thành cảm hứng nữ quyền trong văn học hiện đại Việt Nam.

Tiểu thuyết nghĩa hiệp ra đời và phát triển mạnh ở Nam Bộ bởi nhiều nguyên nhân. Trong số đó, nguyên nhân quan trọng chính là sự tiếp nối truyền thống văn học Nam Bộ. Trong thời trung đại, ở Nam Bộ đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang chủ đề này, tiêu biểu là “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Hành động xả thân vì nghĩa của các nhân vật trong dòng tiểu thuyết này rất phù hợp với tính cách, hành xử của người Nam Bộ.

Không chỉ thẳng thắn, bộc trực, trọng nhân nghĩa, người Nam Bộ còn rất có tinh thần thượng võ. Là vùng đất mới, lại sớm bị chính quyền thực dân bỏ chữ Hán dùng chữ Pháp khiến nền tảng đạo đức truyền thống sớm bị lung lay trong thời buổi kim tiền.

Xã hội đầy rẫy những bất công, ngang trái, luật pháp chỉ để bảo vệ quyền lợi của bọn thống trị… khiến người dân khao khát về một xã hội công bằng, cái thiện được chở che. Bởi vậy, đương thời, tiểu thuyết nghĩa hiệp được rất nhiều người đọc Nam Bộ yêu thích. 

Mai Quỳnh Nga
.
.