Văn hóa và sự bảo trợ

Thứ Tư, 09/09/2015, 08:00
Cách đây khoảng nửa tháng, Huyền Vũ, một đạo diễn trẻ vô cùng tâm huyết với phim hoạt hình đã đưa lên trang cá nhân của mình một câu hỏi rất sâu sắc, nhưng lại là vấn đề mà ít ai trong chúng ta lưu tâm tới. Huyền Vũ nhấn mạnh rằng "Mua một tập phim hoạt hình Hàn Quốc giá rẻ bằng 1/5 cho đến 1/7 giá thành sản xuất một tập phim hoạt hình trong nước. Vậy làm cách nào để hoạt hình Việt được lựa chọn thay vì mua hàng ngoại? Chẳng lẽ mình cứ lép vế mãi sao?".

Gặp câu hỏi đó, không mấy ai có thể trả lời nổi và bản thân tôi cũng giật mình khi chợt so sánh thế hệ của mình với thế hệ con mình. Ở thời chúng tôi còn con trẻ, chúng tôi vẫn được xem hoạt hình Việt Nam, dù chỉ là những câu chuyện đơn giản và quá quen thuộc như "Sơn Tinh-Thủy Tinh"; "Thạch Sanh-Lý Thông"; "Cây tre trăm đốt"… song song với niềm háo hức đợi chờ những tập phim "Hãy đợi đấy" của Nga hay "Chuyện hoa Bồ Công Anh" của Tiệp Khắc.

Còn ở thời này, thế hệ trẻ thơ gần như quá xa lạ với hoạt hình Việt và chúng phần lớn dành thời gian cho hoạt hình ngoại quốc, trên một loạt kênh chuyên về thể loại này ở các hệ thống truyền hình khác nhau.

Tất nhiên, sẽ có người lý giải đơn giản (mà chính đạo diễn Huyền Vũ cũng đã trình bày trên trang cá nhân của mình) rằng chất lượng và nội dung của hoạt hình ngoại hơn hẳn của Việt Nam. Điều đó đúng. Và truyền hình cũng là một thị trường cần tuân theo quy luật cung cầu. Có nhu cầu thì tất nhiên nảy sinh ra những nguồn cung cấp đáp ứng nhu cầu ấy. Không có nhu cầu cho hoạt hình Việt thì làm sao có thể tồn tại được kênh phân phối, nhà sản xuất hoạt hình Việt đây?

Phim hoạt hình Việt Nam: “Sự tích dưa hấu”.

Nhưng nếu chấp thuận với kiến giải đơn giản kia, không lẽ chúng ta chấp nhận một đời sống tinh thần phụ thuộc hoàn toàn vào những nội dung giải trí ngoại nhập và không cần thiết phải có một ngành công nghiệp sản xuất phim hoạt hình Việt Nam ư? Nên nhớ, trẻ em tiếp cận với hoạt hình rất dễ, rất sớm và rất thường xuyên. Hoạt hình không chỉ mang tính giải trí đơn thuần nữa mà nó còn là cách để mở mang nhận thức bé nhỏ của chúng. Và chấp nhận điều kể trên, khác nào chúng ta đang tạo ra một thế hệ mang nhận thức ngoại lai và phụ thuộc?

Thêm vào đó, không hẳn hoạt hình Việt Nam hiện nay sẽ thua kém quá xa so với hoạt hình ngoại, giống như khoảng cách giữa "Thạch Sanh" với "Hãy đợi đấy" của mấy thập niên trước. Với trình độ công nghệ tiếp cận thế giới rất sát như hôm nay; với một thế hệ trẻ nhiều sáng tạo và hoài bão như thế hệ Huyền Vũ hay trẻ hơn nữa; với tư duy thoát hẳn ra lối mòn thông thường và đã gần con trẻ hơn để hiểu tâm lý trẻ thích gì, muốn gì, hoạt hình Việt hoàn toàn có khả năng cho ra những sản phẩm ít nhất cũng được 70% chất lượng của hoạt hình ngoại.

Nhưng vấn đề lớn nhất, chính là vấn đề Huyền Vũ đặt câu hỏi, nằm ở chỗ: Ai sẵn sàng đầu tư cho một serie phim hoạt hình Việt đây khi mà số tiền đó họ hoàn toàn có thể mua được từ 5 đến 7 series phim hoạt hình ngoại cùng thời lượng để vừa đảm bảo lấp đầy nội dung vào khung giờ phát sóng, vừa thu hút lượng khán giả cao và vừa dễ dàng có được quảng cáo?

Xem ra, cần phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm xã hội đối với những kênh truyền hình Việt hiện nay, đặc biệt là những kênh có nhiệm vụ phổ cập nhiều hơn là kinh doanh nội dung phát sóng. Nhưng trách nhiệm xã hội (dù là mỗi cá nhân đều cần phải thể hiện) ấy thực tế nằm ở nơi nào là chủ yếu nhất mới là vấn đề cốt tử. Lòng ái quốc thì ai cũng có dư nhưng thể hiện nó theo cách nào cân bằng được mọi lợi ích nhất lại là một câu chuyện khác.

Đến đây, chúng ta cần quay lại câu chuyện của Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập niên qua, với các nội dung văn hóa mà họ phổ cập ra thế giới. Thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản rất hiểu yếu tố sức mạnh mềm (văn hóa) có khả năng mở đường cho kinh tế như thế nào và họ đã tận dụng cực tốt sức mạnh ấy để phát triển tầm ảnh hưởng của mình, dẫn đến phát triển tầm ảnh hưởng cho các sản phẩm xuất khẩu của mình. Sở dĩ người Nhật, người Hàn làm được điều đó vì họ được bảo hộ văn hoá rất mạnh mẽ từ Chính phủ của mình.

Vậy thì câu trả lời duy nhất cho hoạt hình Việt nói riêng và các sản phẩm văn hóa Việt nói chung bây giờ chính là sự bảo trợ từ nhà nước. Đây là sự bảo trợ mang tính hai chiều. Ở chiều đầu ra, cần phải có quota nhất định cho phim hoạt hình ngoại và thời lượng bắt buộc cho phim hoạt hình nội trên sóng. Ở chiều đầu vào, nhất thiết cần có các ưu đãi trợ giá, các chính sách bắt buộc mua 5 series phim hoạt hình ngoại thì phải bỏ tiền ra đầu tư cho một serie phim hoạt hình nội… Những dạng chính sách bảo trợ đó có thể linh hoạt áp dụng với các loại hình văn hoá giải trí khác, đặc biệt là những loại hình mang tính giáo dục thế hệ trẻ. Có như thế, hoạt hình nói riêng và văn hóa Việt nói chung mới có được sức sống ban đầu, để khi nó đã vững chãi rồi, có thể tự sản tự tiêu được rồi thì các mức bảo trợ mới nới lỏng dần nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nhà nước.

Hà Quang Minh
.
.