Văn hoá tranh luận và sự quá đà của người hâm mộ

Thứ Tư, 23/05/2012, 09:00
Yêu ai - ghét ai, bày tỏ thái độ ra sao là quyền của mỗi người. Bạn có thể vô tư trình bày quan điểm của mình trên các diễn đàn. Những comment của bạn có thể ngay lập tức được đăng tải trên các trang mạng, cuối mỗi bài báo mạng, hay trên trang cá nhân của mình. Và với hiệu ứng tức thì của nó, những người có cùng quan điểm hay khác quan điểm với bạn cũng có thể đồng ý hay phản bác ngay. Và những cuộc trao đi đổi lại hay bảo vệ hoặc "ném đá" một người nào đó cứ ồn ào không có hồi kết, trừ khi bạn thấy chán và bỏ cuộc...

Thời buổi bùng nổ công nghệ internet đã tạo điều kiện cho người hâm mộ có cơ hội được bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình với những nghệ sĩ mà họ quan tâm. Dạo quanh một vòng trên các trang mạng xã hội, có thể gặp nhan nhản các fan club của nhiều nghệ sĩ khác nhau. Bên cạnh những việc có ích họ làm cho thần tượng của mình như bình chọn cho thần tượng trong một cuộc thi nào đó, kêu gọi mua đĩa chính hãng, tẩy chay đĩa lậu, quyên góp làm từ thiện cùng nghệ sĩ... thì vẫn còn những ứng xử không được đẹp, không được văn hóa cho lắm, như những cuộc tranh cãi giữa các fan và lực lượng đối lập (anti-fan), những tranh luận liên quan đến hoạt động cũng như đời tư của nghệ sĩ khiến cho rất nhiều nghệ sĩ cảm thấy bức xúc, phiền lòng...

Ngôn ngữ khiếm nhã hay là sự xuống cấp của văn hóa tranh luận?

Yêu ai - ghét ai, bày tỏ thái độ ra sao là quyền của mỗi người. Bạn có thể vô tư trình bày quan điểm của mình trên các diễn đàn. Những comment của bạn có thể ngay lập tức được đăng tải trên các trang mạng, cuối mỗi bài báo mạng, hay trên trang cá nhân của mình. Và với hiệu ứng tức thì của nó, những người có cùng quan điểm hay khác quan điểm với bạn cũng có thể đồng ý hay phản bác ngay. Và những cuộc trao đi đổi lại hay bảo vệ hoặc "ném đá" một người nào đó cứ ồn ào không có hồi kết, trừ khi bạn thấy chán và bỏ cuộc. Những người can dự vào các cuộc tranh luận thì thường là giấu mặt, thậm chí là vô danh tính, còn người bị tổn thương, bị mang ra mổ xẻ lại là một nhân vật nổi tiếng, một con người cụ thể nào đó. Và nếu có đau buồn hay sung sướng thì lại chính là người không hề can dự vào cuộc tranh luận của bạn. Rất nhiều ví dụ có thể kể ra. Từ bài báo có tựa đề "Ca sĩ Phương Thanh giẫm đạp sách vở", đăng kèm một bức ảnh Phương Thanh đứng trên hai chồng sách cũ, ngay lập tức có hàng trăm comment của độc giả ở khắp nơi bày tỏ thái độ của mình. Nào là trong thời buổi văn hóa đọc xuống cấp, hành động Phương Thanh giẫm lên sách vở như vậy chẳng khác nào đạp lên con chữ và tri thức, là cú tát vào mặt những người tôn trọng văn hóa đọc. Nặng nề hơn, có bạn đọc còn lớn tiếng "mắng" ca sĩ là "vô ý thức, vô giáo dục, vô trách nhiệm…". Có bạn dạy dỗ ca sĩ: "Cô nên hiểu rằng tôn trọng sách cũng là một văn hóa".

Bất ngờ trước những lời chỉ trích nặng nề của bạn đọc, ca sĩ Phương Thanh phải lên mặt báo trần tình câu chuyện, rằng cô không hề đứng trên sách để chụp ảnh. Đây là ảnh ghép theo ý tưởng của êkip chụp ảnh, vì khi chụp Phương Thanh chỉ đứng trên mấy chiếc bục gỗ. Sau lời giải thích của Phương Thanh, một số comment tỏ ra thông cảm, chia sẻ với chị, nhưng vẫn còn không ít người tỏ ý nghi ngờ, thậm chí phản bác, cho rằng ca sĩ đã lấp liếm sự "vô ý" của mình.

Các nghệ sĩ đều mong muốn người hâm mộ thân thiện và tôn trọng mình (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Sau mùa giải Idol năm ngoái, giọng hát trẻ Uyên Linh được tôn vinh ở ngôi vị cao nhất. Những người yêu mến cô đã thành lập "Hội những người phát cuồng vì Uyên Linh" trên Facebook. Sau sự việc Uyên Linh vi phạm bản quyền khi hát ca khúc "Đường cong", vốn là ca khúc độc quyền của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong viết cho ca sĩ Thu Minh, một cuộc chiến thực sự bằng ngôn ngữ đã xảy ra giữa các fan của Uyên Linh và các fan của Thu Minh. Mặc dù Uyên Linh đã có lời xin lỗi đến nhạc sĩ sáng tác bài "Đường cong" và ca sĩ Thu Minh, nhưng xem ra những người hâm mộ Thu Minh vẫn chưa hài lòng.

Trên Youtube, một fan cuồng đã cho up một clip dài gần 3 phút một bài hát "chế" theo nhạc của bài hát "Đường cong" với tên gọi "Em là ai- Không phải Uyên Linh, kẻ trộm Đường cong" với những lời lẽ xúc phạm ca sĩ thần tượng. Uyên Linh hẳn sẽ rất buồn khi nghe những ca từ kiểu như: "Này em từ đâu về đây mặt em hiện ra chữ điêu. Oh la la, tiền đâu cứ rút ra, tiền chọc trời mới hát đấy nhá", hay "Eh, ai quen ban tổ chức, ai không hề là zero? Mặt em mà ngọc thô mới ghê. Oh, mong em thôi bắt chước Mỹ Linh, Ngọc Anh, tạp nham không kilogram…". Mặc dù cả Uyên Linh và Thu Minh cùng chọn giải pháp khôn ngoan không lên tiếng, nhưng các fan cuồng của họ vẫn tiếp tục cuộc khẩu chiến không ngừng trên các diễn đàn.

Mới đây, sau một vài phát biểu của ca sĩ Tùng Dương và Thanh Lam về "hiện tượng Uyên Linh", các fan của Uyên Linh lại tới tấp "tấn công" hai ca sĩ này. Họ dùng rất nhiều lời lẽ khiếm nhã, cho rằng hai ca sĩ bậc anh chị này đã cố tình hạ bệ thần tượng của mình. Ca sĩ Tùng Dương trong một bài trả lời phỏng vấn đã nói rằng anh cảm thấy bị fan của Uyên Linh xúc phạm vì các comment thiếu lịch sự, thiếu nhã nhặn của họ.

Không hiếm ca sĩ, diễn viên trở thành "tâm điểm" của các cuộc "ném đá" trên các trang mạng khác nhau thời gian qua như diễn viên Lý Nhã Kỳ, ca sĩ Hồ Ngọc Hà… Dưới một bài báo đăng hình Lý Nhã Kỳ chụp với bộ sưu tập trang sức bằng kim cương đắt tiền, hay xuất hiện trước công chúng với chiếc ví nạm kim cương quý phái, là rất nhiều comment cho rằng cô khoe của, hợm hĩnh. Còn dưới bức ảnh Hồ Ngọc Hà diện một chiếc váy đắt tiền cũng không ít lời cho rằng lấy chồng đại gia như cô muốn khoác gì lên người chả được, hay "mặc đẹp vì có tiền, nhưng giọng hát thì dở nhất quả đất"…. Không chỉ vậy, nhiều độc giả còn sẵn sàng buông những lời "thậm tệ" bình luận về đời tư, nhân cách, hình thức của các nhân vật nổi tiếng. Nó tệ đến mức mà chúng tôi không dám trích ra đây làm ví dụ. Nếu bạn đọc chịu khó ghé vào một số trang mạng, có thể gặp rất nhiều comment mà những người có văn hóa tranh luận thực sự sẽ thấy đỏ mặt.

Nỗi bức xúc của người trong cuộc

Ca sĩ Tùng Dương tỏ ý bất bình với những chỉ trích gay gắt của các fan ca sĩ Uyên Linh dành cho mình trên mạng: "Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm khi họ có những lời lẽ bình luận không hay về mình. Phần lớn họ theo cảm tính, vì yêu người này mà "ném đá" người kia, rất phiến diện chứ không có cái nhìn thẳng thắn, khách quan. Họ muốn tôn vinh thần tượng của họ nhưng lại vô tình làm cho tôi và nhiều nghệ sĩ khác bị tổn thương".

Còn diễn viên Lý Nhã Kỳ, sau những lời chỉ trích cho rằng cô tiết lộ những trang phục, phụ kiện đắt giá là nhằm mục đích "khoe của" đã lên tiếng: "Tôi quá bức xúc khi bị cho là khoe của. Họ đã nói về tôi không hề khách quan. Theo tôi hành động "khoe" nghĩa là có ít mà nói là có nhiều, cố tình phô trương một cách quá đáng. Tôi chưa bao giờ tổ chức họp báo để mang những gì mình có ra khoe cả. Những trang phục hay phụ kiện tôi mang trên người mà mọi người biết tới đều trong những dịp trang trọng như đấu giá từ thiện, khai trương cửa hàng. Tôi nghĩ giới hạn của khoe khoang và chia sẻ nó mong manh lắm. Người nào khách quan thì thấy tôi đang chia sẻ thông tin với mọi người, còn người nhỏ nhen, đố kỵ thích bới lông tìm vết thì sẽ gọi đó là khoe của".

Ca sĩ hát nhạc dân ca Ái Xuân đã từng phải làm đơn gửi Bộ Công an, Sở Văn hóa Thông tin Tp HCM về việc mình bị khán giả xúc phạm nặng nề trong một buổi biểu diễn. Ái Xuân tâm sự, chị bị tổn thương và muốn nghỉ hát vì quá thất vọng. Những sự việc thiếu tôn trọng người nghệ sĩ khiến cho những người làm nghề cảm thấy bất bình.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng không ít lần từng bị đám đông trên mạng "ném đá". Sau vài lần, phản ứng của anh là không đọc những lời nặng nề đó nữa, vì vừa mất thời gian vừa làm mình phiền lòng. "Chỉ có những lời nói đúng, khách quan mới làm tôi quan tâm thôi. Một người nào đó nhận xét về người khác ra sao thì cũng chính là lúc họ đang trình ra trước đám đông văn hóa của họ. Văn hóa đó cao hay thấp, dày hay mỏng nó lộ ra ngay, không giấu được". Ca sĩ Tùng Dương thì chia sẻ, anh mong những người hâm mộ nghệ sĩ hãy thể hiện chính kiến của mình một cách khách quan và có văn hóa. Tranh luận bất cứ điều gì, nói về ai, nhất là những người nổi tiếng phải thể hiện thái độ lịch sự, hiểu biết và tôn trọng. Vì tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Không chỉ trong đời thường mà ngay cả trong thế giới mạng - một thế giới được xem là ảo, cũng rất cần được thiết lập một văn hóa ứng xử cho đúng mực. Trước mỗi câu chuyện liên quan đến người nổi tiếng hay thần tượng của mình, mỗi người hâm mộ phải đủ tỉnh táo và bình tĩnh để đưa ra những nhận định hợp lý, không nên cố tình xúc phạm, làm tổn thương người khác. Tranh cãi gay gắt, thiếu văn hóa cũng chính là cách mỗi người tự hạ thấp bản thân mình. Xã hội sẽ đẹp hơn nếu mỗi người biết học cách ứng xử văn minh, không chỉ với người mình yêu, mà còn cả với người mình không thích

T.Đ.
.
.