Văn hoá đọc xuống cấp: Mối lo không của riêng ai!

Thứ Hai, 14/05/2012, 09:00
Trước thực trạng hiện nay, các nhà văn đang đau đáu nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao chắc hẳn còn đau đáu thêm nỗi niềm văn hóa đọc xuống cấp. Nếu như đến tác phẩm đoạt giải Nobel còn không được chào đón ở nước ta thì các nhà văn của nước ta làm sao dám mong các tác phẩm đỉnh cao của họ sẽ được đông đảo độc giả nhà tìm đọc...

Trên trang Vietnamnet ngày 26/4 có đăng một bài phỏng vấn các đại diện của ba đơn vị xuất bản khá năng động tại Việt Nam hiện nay là ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thaihabooks và ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc của Aphabooks. Trong bài phỏng vấn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay những cuốn sách có liên quan đến tình dục, những cuốn giật gân, có tên sốc... được tiêu thụ mạnh. Ông Vũ Hoàng Giang thì khẳng định thị trường bây giờ tràn ngập dòng sách "sến Tàu", còn sách văn học hàn lâm, cao cấp một chút như các đầu sách đoạt giải Nobel, giải Goncourt rất khó bán. Kết luận của người thực hiện cuộc phỏng vấn các đại diện xuất bản nói trên được cô đọng lại trong cái tựa bài rất đáng suy nghĩ: "Ở Việt Nam, sách Nobel thua xa "Xin lỗi em chỉ là…".

Đọc bài phỏng vấn nói trên, những người thực sự quan tâm đến văn học, văn hóa không khỏi buồn và lo lắng cho thực trạng văn hóa đọc hiện nay ở nước ta, nhất là văn hóa đọc của giới trẻ. Bản thân là người làm sách, là dịch giả của hai mươi đầu sách văn học, tôi biết trên thị trường sách ở nước ta hiện nay những tác phẩm lớn, có giá trị tư tưởng - không cạnh tranh được với các cuốn sách giải trí thuần túy, nhất là sách diễm tình dễ chiều theo tâm lý tò mò của độc giả trẻ.

Dù không phải là các tác phẩm đoạt giải Nobel, các tác phẩm văn học tôi dịch là những cuốn được trao các giải thưởng văn học uy tín như giải Pulitzer, giải Pix Grand Public, giải Commonweath Writers' Prize (Giải thưởng văn học của Khối Thịnh vượng chung), và có cuốn nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ XX. Ấy vậy mà các đầu sách đoạt giải đó ở Việt Nam chỉ được xuất bản với số lượng từ 1.000 đến 2.000 bản cho mỗi đầu sách. So sánh lượng in ở ta với lượng in của những cuốn sách đó ở các nước khác, tôi cảm thấy thực sự buồn. Hơn cả cảm giác buồn là cảm giác xấu hổ mỗi khi tôi phải thông báo số lượng in quá khiêm tốn đó với tác giả hoặc đại diện của họ. Hầu hết họ khá ngạc nhiên khi biết ở một đất nước có tới hơn 80 triệu dân và đa số dân đều biết đọc mà một đầu sách văn học có giá trị được nhiều bạn đọc trên thế giới tìm đọc thì ở Việt Nam lại chỉ được xuất bản với số lượng ít ỏi đến vậy. Những người trong nghề đều biết, bán được hết số lượng sách khiêm tốn ấy cũng còn tốt chán. Có những cuốn sách văn học xuất sắc và được bạn đọc ở nhiều nước tìm đọc khi "vào" đến nước ta lại bị xếp vào loại… sách ế, sách giảm giá. Không nhiều độc giả ở nước ta tìm kiếm những tác phẩm văn học lớn cho lựa chọn đọc của mình. Điều này chẳng phải bây giờ mới xảy ra, nhưng có lẽ chưa bao giờ sách văn học chất lượng cao lại bị lép vế một cách đáng buồn trước dòng sách diễm tình dễ đọc nhưng không dễ "đọng" như hiện nay. Một người bạn của tôi là dịch giả văn học trong hơn mười năm nay tâm sự rằng nhà xuất bản mà anh cộng tác gợi ý anh nên chuyển từ dòng sách văn học kinh điển sang dòng sách thị trường. Anh bạn tôi buồn lắm, anh nói thay vì dịch sách thị trường, có lẽ anh sẽ tạm nghỉ dịch một thời gian, chờ đến khi tình hình khả quan hơn.

Trước thực trạng này, các nhà văn đang đau đáu nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao chắc hẳn còn đau đáu thêm nỗi niềm văn hóa đọc xuống cấp. Nếu như đến tác phẩm đoạt giải Nobel còn không được chào đón ở nước ta thì các nhà văn của nước ta làm sao dám mong các tác phẩm đỉnh cao của họ sẽ được đông đảo độc giả nhà tìm đọc. Nếu cả một thế hệ nhà văn không cho ra đời được một tác phẩm văn học đỉnh cao nào, thì đó là sự thất bại của cả một nền văn học. Nhưng nếu số đông độc giả không tìm đọc tác phẩm đỉnh cao thì đó là thất bại của cả một xã hội, của một nền văn hóa. Tại sao giới trẻ - đối tượng đọc sách nhiều nhất và cần đọc sách nhất - lại bị hút về phía những tiểu thuyết diễm tình rẻ tiền và thờ ơ với những tác phẩm văn học có giá trị nhân văn, văn hóa sâu sắc? Hệ thống giáo dục của chúng ta, môi trường xã hội, môi trường văn hóa của chúng ta, thậm chí bản thân nền văn học của chúng ta đã dạy dỗ, nuôi dưỡng tinh thần của họ như thế nào để xu hướng đọc, sự lựa chọn đọc của họ phát triển theo hướng đó?

Trong bài phỏng vấn nói trên của trang Vietnamnet, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự lo ngại trước hậu quả của việc độc giả bị đầu độc bởi các cuốn sách rẻ tiền. Ông chỉ rõ: "Tôi không hiểu người ta xuất bản cuốn "Sợi xích" để làm gì. Xuất bản xong người ta đua nhau mua, càng cấm lại càng mua tợn. Nếu cứ đọc "Sợi xích" hàng ngày, chắc chắn tỉ lệ hiếp dâm sẽ rất cao, tỉ lệ sinh hoạt tình dục ở tuổi vị thành niên cũng rất cao, vì người ta dễ học theo".

Sự lo ngại của ông Hùng không phải là không có lý. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như đến một lúc nào đó, văn học đích thực bị chen bật ra khỏi đời sống văn hóa đọc của giới trẻ (tôi không muốn nói đến những tác phẩm văn học các em bắt buộc phải tìm hiểu trong nhà trường). Những người trẻ như Lê Văn Luyện đã lớn lên cùng với game và những sản phẩm văn hóa vô bổ hoặc độc hại khác chứ không phải cùng với những sản phẩm văn hóa đọc có tác dụng bồi bổ tâm hồn như các tác phẩm văn học có giá trị. Mối lo này của cả xã hội chứ không của riêng ai. 

Những tác phẩm văn học lớn là nguồn thức ăn tinh thần bổ dưỡng nhất bởi chúng chứa đựng những yếu tố nhân văn cao đẹp, hướng thiện, khuyến khích sự phát triển tích cực của tâm hồn. Làm thế nào để số đông độc giả của chúng ta thích đọc các tác phẩm văn học có giá trị? Đọc sách nói chung phải là việc được thực hành từ những năm ấu thơ mới trở thành thói quen được. Đọc sách văn học cũng vậy. Phần lớn những người ở tuổi trưởng thành thích đọc sách văn học đều là những người thường xuyên được tiếp cận với các tác phẩm văn học từ thuở ấu thơ và là những người hiểu được cái hay, sự bổ ích của các tác phẩm văn học đối với sự phát triển tinh thần.

Ở nhiều nước trên thế giới, các em nhỏ được khuyến khích đọc sách, đặc biệt là sách văn học, bằng các cách thiết thực. Tại các trường phổ thông thuộc hệ thống KIPP (trường học thuộc dự án Tri thức là sức mạnh) của Mỹ, học sinh đa phần thuộc các gia đình nghèo được hưởng bữa trưa miễn phí nhưng vẫn được khuyến khích đọc 50 cuốn sách mỗi năm. Ở nước ta thì sao? Thử hỏi ở nước ta đã có trường học nào đặt ra mục tiêu khuyến khích mỗi học sinh một năm đọc bao nhiêu cuốn sách hay chưa? Hoặc đơn giản hơn, đã có trường nào trước kỳ nghỉ hè cung cấp cho các em một danh sách những tác phẩm văn học mà các em nên tìm đọc hay chưa? Phải chăng chương trình giáo dục của chúng ta quá tải nên không còn chỗ cho các hoạt động khuyến đọc? Từ những câu hỏi này, chúng ta có thể thấy thực trạng đáng buồn mà bài báo đã nêu trên trang Vietnamnet không phải là điều đáng ngạc nhiên và khó lý giải

N.B.L.
.
.