Văn hoá dân chủ

Thứ Hai, 26/03/2012, 08:00
Nhìn một cách tổng thể, khái niệm dân chủ, dưới bất cứ nền đại chính nào cũng mang tính nhân văn (lấy con người làm trọng tâm, tình bác ái giữa người với người, quyền tự do sáng tạo, quyền công dân vv…). Tính nhân văn là cơ sở của văn hóa dân chủ  - một thuật ngữ không hoàn toàn mới, nhưng để hiểu nó cần khảo sát văn hóa dân chủ trong mối quan hệ với vai trò của dân...

Vai trò của dân càng to lớn bao nhiêu thì văn hóa dân chủ càng ở trình độ cao bấy nhiêu. Nó là thước đo trình độ dân trí của người dân, trình độ văn minh, tiến bộ của đất nước, mối quan hệ an hòa, đồng thuận giữa dân và thể chế chính trị. Mất dân chủ, dân chủ nửa vời, dân chủ vụ lợi, dân chủ mị dân, dân chủ hình thức… là những khái niệm nảy sinh từ thực tiễn đối lập với văn hóa dân chủ.

Đối với những vĩ nhân trong lịch sử như V. Lênin, Hôxê Mácti, Hồ Chí Minh, hoạt động chính trị là phương tiện, văn hóa mới là mục đích. Khái niệm văn hóa dân chủ không chỉ bó hẹp trong phạm trù phương tiện, quy chế, mà cuối cùng là mục đích của Cách mạng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, khi còn ở chiến khu Cao Bằng, để chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ thường dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Phải dựa vào Dân, dựa chắc vào Dân, thì kẻ địch không thể nào tìm diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy Chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo ("Bác Hồ về nước", 1995, NXB Văn học, 1995, trang 144). Tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều bài nói, bài viết, diễn văn, thư chúc Tết, thơ văn của Người kể từ Cách mạng Tháng Tám cho đến lúc Người ra đi. Từ đây chúng tôi xin nêu hai nội dung có liên quan tới văn hóa dân chủ: Phương thức vận hành văn hóa dân chủ trên thế giới và xây dựng mô hình cơ chế dân chủ ở nước ta.

Sinh thời, Bác Hồ luôn căn dặn cán bộ: Phải luôn quan tâm tới đời sống, quyền lợi của dân. Trong ảnh: Bác Hồ trò chuyện với bà con huyện Đại Từ, Thái Nguyên (năm 1954).

Văn hóa dân chủ ở mỗi khu vực, mỗi thời đại có những quan niệm khác nhau, nhưng tiến bộ hơn cả là những quan niệm của các nhà triết học thế kỷ Ánh sáng ở Pháp, với tác phẩm Tinh thần luật pháp (1748) của Montesquieu (1689 - 1778) với tác phẩm Khế ước xã hội (1782) đã trình bày học thuyết về Nhà nước được xây dựng trên cơ sở dân chủ, hiệp thương giữa các giai cấp, thừa nhận Dân có quyền nắm chính quyền, nhưng từ đó đến nay lý tưởng của ông về Dân chủ trực tiếp vẫn nằm trên giấy. Còn Voltare (1694 - 1778) coi tự do, tư tưởng dân chủ là trung tâm của mọi hoạt động chính trị.

Ở phương Đông, trong triết học cổ điển Trung Hoa, Khổng giáo đóng vai trò hạt nhân của ý thức hệ với thế giới quan của kẻ sĩ qua nhiều triều đại. Cho đến nay, khi Trung Quốc đang đi vào hiện đại với mục tiêu trở thành cường quốc mới trên thế giới, thì Khổng giáo vừa là vật cản, vừa là lôgich của giá trị đúng có thể chấp nhận và kế thừa. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 2010, trong chương trình quảng bá văn hóa truyền thống Trung Hoa, nước này đã bỏ ra 10 tỷ USD để thành lập 100 trung tâm Khổng giáo ở khắp thế giới. Trong số các giá trị trường tồn cho đến hôm nay phải kể đến vai trò của dân được ghi trong Thượng thư là Dân vi bang bản, về sau Mạnh Tử phát triển: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Việc dân là quan trọng nhất, thứ đến là việc của xã tắc và sau cùng là của Vua). Tư tưởng tiến bộ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích theo tinh thần mới: Lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích quốc gia, còn lợi ích của nhà vua thì không đáng kể. Khổng Tử cho rằng, trong ba điều cần của pháp trị nước: Túc thực, túc binh, dân tín thì dân tín là quan trọng hàng đầu. Dân tín sẽ tạo ra thực túc, binh cường. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ cả vương triều.

Hiện nay ở ta, việc thực thi dân chủ nằm ở bốn khâu cơ bản: Dân chủ bầu cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp); Dân chủ ra nghị quyết (Đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ địa phương); Dân chủ quản lý (Nội các và chính quyền các cấp trên cơ sở pháp định); Dân chủ kiểm tra, giám sát (Ban kiểm tra Trung ương, các cấp ủy, Thanh tra Chính phủ từ Trung ương đến cơ sở). Tất cả bốn khâu này muốn công việc thực thi trong đời sống có hiệu quả, hợp lòng dân đều phải lấy nhân tố văn hóa làm nền; yếu tố nhân văn làm mục đích (lợi ích của dân); Yếu tố trí tuệ để tìm chân lý (thảo luận, tranh luận trong dân, nhất là tầng lớp trí thức); yếu tố đạo đức trong cách ứng xử (chính sách an dân, lo cho dân v.v… Làm được như vậy tức là Đảng, Nhà nước và nhân dân tuy hai mà một, thống nhất, đồng thuận - biểu trưng cho hai đại nghĩa gặp nhau, tạo nên sức mạnh trường tồn đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà không một kẻ thù nào có thể phá nổi

Hồ Sĩ Vịnh
.
.