Vấn đề thực thi nhân quyền ở Việt Nam: Thực tế đã chứng minh

Thứ Hai, 25/11/2013, 08:00
Có một thói quen là mỗi khi đề cập tới vấn đề nhân quyền, chúng ta thường hay so sánh với những nước có đời sống kinh tế cao, có nền tảng quản lý xã hội tốt. Điều ấy kể thì cũng đúng, nhưng chưa phải đã thật hợp nhẽ. Nên nhớ, có những cường quốc luôn gây sức ép về việc đảm bảo nhân quyền với nước này nước khác. Nếu nhìn cách hành xử của họ đối với người dân nước họ, ta thấy có nhiều chỗ họ đảm bảo được vấn đề nhân quyền thật...

Như chúng ta đã biết, ngày 12/11 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Với 184 phiếu thuận trên 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất, đứng đầu 14 nước thành viên mới. Đây là con số rất có ý nghĩa, phản ảnh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực bền bỉ của chúng ta trong việc bảo đảm các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, kết quả này cũng là một sự "hồi đáp" rất có sức nặng đối với các tổ chức, cá nhân thường xuyên có những phát biểu sai lệch, có tính vu cáo, bôi nhọ hòng làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của bạn bè quốc tế và các kiều bào ở xa Tổ quốc về những cải thiện cơ bản xung quanh vấn đề nhân quyền ở nước ta trong những năm qua.

Tất nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu đã đem đến cho chúng ta nhiều niềm vui, song trong thâm tâm, không phải chúng ta không thấy được rằng, để thực hiện thật tốt, thật chu đáo vấn đề nhân quyền, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tận tâm hơn nữa, tận tình hơn nữa.

Một nhà báo lão thành từng kể một câu chuyện mà càng ngẫm tôi càng thấy sâu sắc. Ông nói, đại ý, có tuổi rồi ông mới nhận thấy, khi trẻ, người ta thường hay cãi lại lãnh đạo. Nhưng sau này, khi chính người trẻ đó lên làm lãnh đạo thì anh ta lại rất không thích cấp dưới cãi lại mình. Như vậy, vấn đề quyền con người có được thực hiện hay không, và thực hiện đến đâu nhiều khi lại xuất phát từ tính cách và lối hành xử của mỗi người. Không phải cứ ra văn bản này, chỉ thị nọ là "tiệt trùng" ngay được.

Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử với số phiếu bầu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Người đời thường nói, hay dở gì cũng phải để thực tế chứng minh. Đại văn hào Anh Shakespeare cũng từng viết "Dù mi có ví mi là hoa hồng, thì hoa hồng vẫn ngát". Những ai có thói quen lướt web mỗi ngày, nếu không phải người có nhiều gắn bó với đời sống xã hội, hẳn sẽ không khỏi hoang mang khi thấy bức tranh xã hội ta hiện nay gần như toàn một gam màu tối, nhất là đọc các trang báo mạng của các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị. Nếu căn cứ vào đó, ta có cảm giác nhân dân ta đang sống trong bầu không khí nghẹt thở, bị bóp hầu bóp họng, bịt miệng, bưng bít mọi bề. Trong khi, chỉ cần bình tâm một chút, ta sẽ thấy thực tế đâu có vậy. Thực tế chứng minh tất cả.

Trong phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (năm 1951), sau khi nêu lên một số sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Bác Hồ đã đưa ra một nhận xét rất chí lý: "Điểm lại từ ngày thành lập đến nay, nói chung chính sách của Đảng ta đúng. Không đúng sao lập được những thành tích lớn lao như ngày nay?". Đối chiếu với thực tế cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: Nếu tình hình người dân nghẹt thở, bất mãn như vậy, làm sao chúng ta có một cuộc sống yên bình mà nhiều bạn bè quốc tế phải thừa nhận như hiện nay? Và nếu báo chí trong nước bị ngăn cản, "bắt phải phản ánh một chiều" như những ai đó vẫn rêu rao thì làm sao các đối tượng quá khích lại dễ dàng có các nguồn bài vở in trên các trang báo chính thống trong nước để mà đưa dẫn trên trang mạng của mình, từ đó lợi dụng để lu loa về tình trạng mất nhân quyền ở Việt Nam.

Thiết nghĩ, có nhân quyền hay không không phải ở việc để xảy ra vụ này vụ khác - điều này không phải nhất nhất do thể chế mà do hành xử của mỗi cá nhân. Vấn đề là khi sự vi phạm nhân quyền ấy được phản ảnh, nhà nước và chính quyền có biện pháp xử lý ra sao.

Nói tới đây, bất giác tôi lại nhớ tới một ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Trước những ý kiến thiếu thiện chí về một vấn đề được tải rầm rộ trên các trang mạng và nhận được sự "tán đồng" của một số blogger hung hãn, ông khuyên mọi người "Biết lắng nghe những tiếng vỗ tay nhưng cũng phải biết lắng nghe những tiếng im lặng". Đúng vậy, trong một số trường hợp, tiếng vỗ tay nghe có vẻ "áp đảo" vậy, và có thể làm những ai đó yếu bóng vía nao núng, nhưng nếu bình tĩnh nhìn lại, ta sẽ thấy, so với "tiếng im lặng", nó chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm?

Có một thói quen là mỗi khi đề cập tới vấn đề nhân quyền, chúng ta thường hay so sánh với những nước có đời sống kinh tế cao, có nền tảng quản lý xã hội tốt. Điều ấy kể thì cũng đúng, nhưng chưa phải đã thật hợp nhẽ. Nên nhớ, có những cường quốc luôn gây sức ép về việc đảm bảo nhân quyền với nước này nước khác. Nếu nhìn cách hành xử của họ đối với người dân nước họ, ta thấy có nhiều chỗ họ đảm bảo được vấn đề nhân quyền thật. Nhưng với nước khác thì sao?

Bác Hồ từng có lần nói với một nhà báo Pháp, đại ý, nước Pháp là một xứ sở sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu (ý Bác nhắc tới vấn đề tự do, bình đẳng, bác ái), song khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp chịu đưa ra những tư tưởng ấy. Điều này, đối chiếu với thực tế hôm nay, ta thấy vẫn hoàn toàn có tính thời sự.

Cho nên, kết quả mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thể hiện thông qua lá phiếu trong cuộc họp hôm 12/11 vừa qua đã nói lên nhiều điều. Nó cho thấy cộng đồng quốc tế đã có cách nhìn nhận thấu đáo về việc thực thi nhân quyền ở Việt Nam

Tường Duy
.
.