Vấn đề nòng cốt của quản lý Nhà nước

Thứ Năm, 05/10/2017, 10:02
Tuần đầu tiên của tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ra tối hậu thư kỳ hạn để các đơn vị trực thuộc phải gửi báo cáo tổng hợp kế hoạch cải cách hành chính để Bộ trưởng xem xét. Mục tiêu ban đầu mà Bộ Công thương nhắm tới là làm sao phải bãi bỏ được 35% thủ tục đăng ký kinh doanh.


Ngày 15/9, tổ công tác về cải cách hành chính và đại diện các cục, vụ trực thuộc Bộ Công thương đã trình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo rà soát và phương án thực thi. Theo đó, có hai phương án được cân nhắc. Phương án thứ nhất, đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh mà trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án thứ hai, mạnh tay hơn, đề xuất cắt giảm tới 612 điều kiện kinh doanh, riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 331 điều kiện. Với phương án thứ hai này, mức độ cắt giảm đã vượt quá 50%, một con số mà chắc các chủ doanh nghiệp sẽ cảm thấy vô cùng háo hức.

Tất cả những gì đang diễn ra ở Bộ Công thương đều phản ánh một thực tế sinh động. Đó là nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) đã thực sự đi vào đời sống, bằng hành động cụ thể. Nghị quyết đã chỉ ra rất rõ nhiệm vụ cấp bách và lâu dài là phải tạo mọi điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển trong một môi trường kinh doanh cởi mở và bình đẳng.

Cải cách hành chính công đang từng bước thay đổi vượt bậc.

Câu chuyện tích cực đang diễn ra ở Bộ Công thương chắc chắn sẽ là một điển hình để các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc và cho người dân nhận thấy rằng Nghị quyết Trung ương 5 không chỉ là lời hứa suông của Đảng mà nó đã và đang là hành động cụ thể để lời hứa trở thành một cam kết.

Tuy nhiên, để cam kết kia có hiệu lực thực sự, tạo được lực đẩy cho phát triển kinh tế bền vững và lâu dài, chúng ta phải vượt qua được rất nhiều thách thức lớn mang tính thời đại mà một trong những thách thức lớn nhất chính là tri thức quản lý, đặc biệt là ở giai đoạn thế giới có rất nhiều thay đổi lớn đến từ hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những thay đổi, cải cách (nếu được thực thi) ở Bộ Công thương thực ra chỉ là những hành động trong tầm năng lực của cán bộ quản lý nhà nước hiện nay mà thôi. Nhìn nhận lại, đó là sự rà soát lại những điều kiện cũ kỹ được tạo ra do cơ chế và khi nó không còn phù hợp với thời cuộc, đặc biệt là khi nó trở thành rào cản đối với sự phát triển chung, nó có thể được triệt tiêu bởi những giải pháp khác.

Vấn đề lớn đang đặt ra trước mắt chúng ta hiện nay là những điều kiện, trở ngại phát sinh do chính sự tiến triển của công nghệ sẽ được giải quyết ra sao, bởi để giải quyết chúng là việc không hề đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi sức cập nhật về kiến thức, tri thức của cán bộ quản lý nhà nước, những người hoạch định chính sách nhằm khơi thông thị trường.

Và một thực tế mà chúng ta đều phải thừa nhận với nhau rằng, để cập nhật với thế giới hiện đại, giới trẻ là số một. Song, để có đủ sự chín chắn và kinh nghiệm ứng xử với từng sự việc cụ thể, đặc biệt là những sự việc ở tầm vĩ mô, tuổi trẻ lại thua xa thế hệ đi trước ở kinh nghiệm, sự điềm tĩnh và những thâm trầm cần phải có.

Một ví dụ mà có lẽ chúng ta không thể không đưa ra chính là mối quan tâm của khá nhiều người trẻ hôm nay xoay quanh đồng tiền ảo BitCoin. Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông cáo báo chí, đại ý rằng BitCoin là đồng tiền ảo không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Song, vào ngày 21/8/2017 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó chắc chắn có BitCoin. Đây là một tín hiệu đáng mừng về việc cải cách bắt kịp xu thế thời đại.

Tuy nhiên, trong thời gian hoàn thiện khung pháp lý kể trên, hoạt động giao dịch, đào BitCoin vẫn là những hoạt động không vi phạm pháp luật nhưng lại chưa được điều chỉnh bởi bất kỳ khung pháp lý nào. Mà như Nghị quyết Trung ương 5 có nhắc đến, một trong những việc cần làm để khuyến khích phát triển thành phần kinh tế tư nhân chính là những gì pháp luật không cấm, không vi phạm pháp luật thì thành phần kinh tế tư nhân có quyền được làm.

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu như từ nay đến lúc có khung pháp lý hoàn thiện để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến BitCoin, có những vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giao dịch xoay quanh đồng tiền ảo này? Mà việc hoàn thiện khung pháp lý cho BitCoin không thể ngày một ngày hai, bởi để hiểu về BitCoin phải có năng lực tri thức về công nghệ và tài chính ở mức độ nhất định. Rõ ràng, ví dụ sinh động đó cho chúng ta nhận ra một thách thức rất lớn hiện nay, là muốn hoàn thiện cải cách, hoàn thiện chính sách nhanh chóng và cập nhật, chúng ta rất cần tri thức được cập nhật của những người hoạch định chính sách.

Nghị quyết Trung ương 5 cũng nêu rất rõ, nói đúng hơn là nhấn mạnh trở lại nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra, đó chính là vai trò của công tác nhân sự. Trọng tâm hoàn thiện thể chế trong Nghị quyết Trung ương 5 cũng xoáy sâu vào yếu tố bộ máy và con người. Và khi chúng ta nhận thức mình đang đứng ở ngưỡng cửa của 4.0 rồi, chúng ta sẽ càng phải xác định rõ tầm quan trọng của tri thức cập nhật là như thế nào. Đòi hỏi cập nhật tri thức cán bộ, nhất là những người hoạch định chính sách, là đòi hỏi cấp bách nhất, lâu dài nhất và cơ bản nhất trong công tác quản trị nhà nước với những yêu cầu sàng lọc, đào thải sẽ ngày càng phải khắt khe hơn.

Hà Quang Minh
.
.