Văn chương cho người trẻ: Loanh quanh với nỗi đau

Thứ Bảy, 14/11/2015, 08:00
"Người trẻ đọc gì?" luôn là câu hỏi nóng khi đứng trước vấn đề văn hóa đọc của giới trẻ. Số lượng những đầu sách bán chạy, được đông đảo người trẻ đón nhận không khiến các nhà phê bình an tâm. Bởi ở đó, người trẻ tìm gặp chính mình để tự ru mình trong nỗi buồn cố hữu...

Tản văn, du ký lên ngôi

Trong buổi tọa đàm "Người trẻ đọc gì?" của "Ngày hội sách cũ" diễn ra từ ngày 6 đến 8-11 tại TP Hồ Chí Minh, khi được hỏi thể loại sách nào giới trẻ ưa chuộng thì đa số câu trả lời là tản văn, truyện ngắn của Anh Khang, Phan Ý Yên, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch… Những tản văn, truyện ngắn được ưu ái nhiều hơn tiểu thuyết vì ngắn gọn, đỡ mất thời gian theo dõi trong nhịp sống nhanh, sống gấp này.

Thể loại được ưu ái thứ hai là sách du ký viết về hành trình khám phá những miền đất lạ như "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip, "Ta balo trên đất Á" của Rosie Nguyễn... Số người chọn tác phẩm văn học kinh điển của thế giới và Việt Nam, văn chương khai thác đề tài lịch sử, kỹ năng sống, văn hóa, môi trường… chiếm số lượng rất khiêm tốn.

Một số tác giả được bạn đọc trẻ tìm đọc nhiều hiện nay (từ trái qua: Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, Anh Khang).

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng việc đa số các bạn trẻ chọn đọc sách tản văn của tác giả trẻ, sách du ký, ký sự là chuyện hiển nhiên vì phù hợp với thị hiếu của họ. Anh phân tích: "Mối quan tâm của người trẻ bây giờ thường xoay quanh chuyện tình yêu, những mất mát, va vấp đầu đời nên họ thích đọc tản văn nhẹ nhàng chiêm nghiệm về cảm xúc trong tình yêu, những đau đớn, góc khuất trên đường đời. Họ là những người trẻ, chưa trải nghiệm, chưa đi đây đi đó nhiều nên những cuốn du ký hành trình với giọng văn sôi nổi, trẻ trung cũng rất thu hút, đáp ứng nhu cầu tìm tòi, khám phá".

Lâu nay vốn tồn tại định kiến: giới trẻ dễ dãi trong việc chọn lựa sách. Theo các nhà văn trẻ, điều này có thể do hiện nay người trẻ tiếp cận với thông tin quá dễ dàng nhờ internet, nhất là từ khi mạng xã hội phổ biến. Một số cuốn sách trở thành best seller trên thị trường thời gian gần đây chứng tỏ độ ăn khách của nó, song chưa chắc điều này đã nói lên chất lượng tác phẩm. Mà qua đó, nó chỉ khẳng định làn sóng đọc theo phong trào rầm rộ trong giới trẻ.

Một bạn đọc cho rằng mình không khác gì bị lừa khi các bạn cứ rỉ tai nhau và làm như phát cuồng vì một cuốn tản văn của nhà văn kiêm nhạc sĩ nào đó. Tò mò lại bị rủ rê, bạn này mua về đọc nhưng nhanh chóng ngán ngẩm khi thấy đằng sau cái vẻ ngoài đèm đẹp của ngôn từ thì cuốn sách gần như vô vị. Chính sự tương tác dây chuyền theo tâm lý đám đông là cơ hội thuận lợi cho các tác giả trẻ tự giới thiệu, PR tác phẩm của mình trên mạng xã hội.

Nguyễn Phong Việt cho biết trước đây các tác giả trẻ thường thiệt thòi khi đem bản thảo đến nhà xuất bản. Các bản thảo đầu tay của một tên tuổi mới toanh thường bị lắc đầu từ chối. Hiếm đơn vị nào dám mạo hiểm trước bài toán doanh thu. Hơn nữa, nếu may mắn, sách in theo dạng này thường ít nhận được sự phản hồi xác đáng của độc giả. Một cuốn sách có thể bán chạy, bìa in đẹp nhưng chưa chắc người đọc mua về họ đã thích và đón đợi tác giả ở cuốn sách sau. Từ khi có mạng xã hội, người đọc và tác giả có thể tương tác, tác phẩm thu nhận ngay lập tức ý kiến khen chê trước khi chính thức bước vào nhà in. Bản thân Nguyễn Phong Việt cũng được sự hỗ trợ rất lớn từ  mạng xã hội. Thông qua Facebook, tác giả "Đi qua thương nhớ" bán ra số lượng sách kha khá.

Mạng xã hội và tâm lý đám đông dễ dẫn dụ người trẻ lạc vào mê trận của thị trường sách. Họ không biết đâu là cuốn sách thích hợp với mình mà lựa chọn phần nhiều cảm tính, a dua theo đám đông dưới sự hỗ trợ tích cực của truyền thông. Nhưng trong số đó, vẫn có không ít người vùng thoát khỏi mê hồn trận này để chủ động tìm cho mình những cuốn sách bổ ích. Một số bạn đọc sau khi bị "mắc lừa" khi mua phải cuốn sách được tiếp thị quá "ngọt" đã "chia tay" không hẹn ngày tái ngộ với những đầu sách của tác giả này.

Những người trẻ cô đơn

Ngoài văn học du ký thì có một thực tế là các tác phẩm thơ văn của tác giả trẻ bây giờ viết quá nhiều về nỗi đau, bi kịch tình yêu, bế tắc cuộc đời. Cái tốt, điều tươi đẹp của cuộc sống, giữa người với người trở nên hiếm hoi. Những cuốn sách thiên về cảm xúc cá nhân mà ngay cái tên của nó đã trĩu nặng u buồn: "Buồn làm sao buông", "Ngày trôi về phía cũ" (Anh Khang), "Người yêu cũ có người yêu mới" (Iris Cao), "Đi qua thương nhớ", "Sinh ra để cô đơn" (Nguyễn Phong Việt), "Yêu lần nào cũng đau" (Nồng Nàn Phố), "Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình" (Phương Huyền), "Có những ngày chẳng biết sẽ về đâu" (Hoàng Yến Anh), "Đi qua những dang dở, anh có nhớ em không" (Lạc Hi)… Có tác phẩm lại đi sâu vào những mảng ghép màu đen của nội tâm con người. Đó là gian manh, xảo trá, lọc lừa, đố kị, tội ác... Những tác phẩm như vậy lại được độc giả trẻ hào hứng tìm đọc.

Độc giả Nguyễn Hoàng Tú (22 tuổi, nhân viên truyền thông), khi lật giở các cuốn sách trên đã đặt câu hỏi: phải chăng người trẻ bây giờ có quá nhiều nỗi đau, bế tắc ở thời đại mình? Họ là những người trẻ cô đơn. Hoàng Tú cho rằng đọc sách của Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Nồng Nàn Phố… đọng lại trong anh là nỗi buồn thăm thẳm. Ở đó, giữa đại dương của sự cô đơn, lạc lõng, người đọc vớ lấy sự đồng cảm của nhà văn như một chiếc phao cứu sinh.

Độc giả trẻ lựa chọn ấn phẩm tại Hội sách.

Rất tiếc, chiếc phao chỉ là chiếc phao chứ không phải là chiếc la bàn chỉ hướng tìm về đất liền. Những nỗi đau, bi kịch trong mối quan hệ giữa người với người được tác giả khoét sâu, gặm nhấm. Thậm chí, nó làm đầy thêm những cảm xúc không tích cực, ám thị một nỗi buồn dai dẳng cho độc giả. "Người trẻ cần sự đồng cảm của nhà văn nhưng họ cần hơn sự định hướng chứ không ai muốn loay hoay, chìm ngập hoài trong mớ hỗn độn buồn đau như vậy. Khi chọn sách, cần phải hỏi "Mình đang đọc gì, mình cần đọc gì và mình đọc để làm gì?".

Người trẻ như chúng tôi cần phải đọc để mình lớn lên cả mặt tâm hồn lẫn kiến thức. Thật đáng tiếc, những cuốn sách cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu… rất cần thiết cho quá trình trưởng thành đó lại rất ít người đọc vì không được nhà văn Việt và truyền thông quan tâm đúng mực" - Hoàng Tú bức xúc.

Phải chăng ngay chính bản thân những tác giả trẻ có quá nhiều nỗi đau để họ trải lòng lên trang sách? Nhà văn Tiểu Quyên cho rằng nhà văn không đau nhiều như trên tác phẩm họ đã thể hiện. Họ chỉ là người quan sát và khái quát hóa, điển hình hóa những gì mình chứng kiến và thấu hiểu. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt không ngại ngần thú nhận: "Thông thường trẻ con thì rất mong trở thành người lớn nhưng khi trở thành người lớn thì chúng lại ao ước được trở lại thành đứa trẻ an nhiên, tự tại.

Chuyện viết lách cũng tương tự. Các tác giả trẻ và ngay cả bản thân tôi khi bắt đầu cầm bút, chúng tôi hay viết về những vấn đề gai góc, dằn vặt, mất mát trong tình yêu, cuộc sống như một kiểu chứng tỏ cảm xúc, chứng tỏ bản thân. Lâu dần nó thành phong cách của mình. Nếu viết khác đi thì dường như mình không còn là mình nữa, tác phẩm rất gượng".

Với nhà văn - nhà báo Phương Huyền khi làm chuyên mục "Trò chuyện đêm khuya" trên Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh với chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, chị đã được nghe rất nhiều tâm sự buồn trong chuyện hôn nhân, gia đình của thính giả. Chính điều đó đã khiến Phương Huyền biến nó thành chất liệu trong tác phẩm. Song để tác phẩm không quá u ám, chị vẫn cố gắng mở ra một cánh cửa phía sau đường hầm dù rằng ánh sáng cuối đường hầm ấy có quá mong manh. Ngoài ra, sự lên ngôi của mạng xã hội khiến các cây bút nghiệp dư xuất hiện nhiều như nấm sau mưa. Thiếu chất liệu, đề tài để sáng tác thì họ viết tản văn với những cảm xúc thiên về hoài niệm. Bởi hoài niệm cá nhân bao giờ cũng dễ viết, dễ đi vào lòng người đọc, nhất là khai thác nỗi đau tâm hồn.

Những đề tài về văn hóa, phong tục tập quán vùng miền được người trẻ quan tâm không kém sách du ký. Thế nhưng theo nhà văn - nhà báo Phương Huyền, đề tài này lại quá sức với các tác giả trẻ. Vốn sống và bề dày kiến thức không đủ cho họ làm nên một tác phẩm vừa ý. Song nói như Nguyễn Phong Việt: "Tôi nghĩ văn chương cũng như một vườn hoa, có hoa rồi mới có quả. Những người trẻ như tôi hãy cầm bút và viết đi cái đã. Những tác phẩm ban đầu có thể không hay, còn nhiều sạn, nhưng qua thời gian chúng tôi sẽ chín chắn hơn và có thể đi sâu vào nhiều đề tài khác".

Phan Thi Uyên
.
.