Vẫn bỏ ngỏ vấn đề ảnh nude
Hiện nay, với sự hỗ trỡ đắc lực của internet, đang có quá nhiều vấn đề ngổn ngang, bức xúc, nhức nhối trong việc chụp, công bố ảnh nude của một bộ phận nghệ sĩ. Vậy mà trong dự thảo "Thông tư Quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh" do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm soạn thảo, dù đã qua 7 lần dự thảo trước khi tổ chức một hội thảo lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý văn hóa cũng như đại diện giới nghệ sĩ nhiếp ảnh, loại hình ảnh nude nghệ thuật vẫn chưa được nhắc tới trong bất cứ điều khoản nào... Diễn biến mỗi ngày một phức tạp của loại hình ảnh nude đã cho thấy, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước về nhiếp ảnh không nên, không thể cứ mãi... lảng tránh.
"Thông tư Quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh" đang được soạn thảo. Khi thông tư này được ban hành sẽ thay thế quy chế cũ ban hành cách đây đã hơn 10 năm, có nhiều điểm không còn phù hợp với sự phát triển của đời sống nhiếp ảnh hiện nay. Nhưng thẳng thắn mà nói, nếu như thông tư mới này vẫn chưa bổ sung thêm những quy định, ràng buộc cụ thể về việc sáng tạo, đối tượng, độ tuổi thưởng thức, phạm vi không gian trưng bày, triển lãm… đối với ảnh nude, thì rõ ràng đây sẽ là điểm yếu khiến thông tư mới này sẽ tiếp tục "tụt hậu" với đời sống nhiếp ảnh đang ngày một sôi động và khó kiểm soát hiện nay. Việc "lảng tránh" những quy định, điều cấm và chế tài xử lý liên quan đến loại hình ảnh nude đã khiến chính cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng phải lúng túng trong việc xử lý một vấn đề nảy sinh trong thực tế. Cụ thể như vụ việc Hoa hậu Mai Phương Thúy bị một cộng đồng mạng tẩy chay, lên án cô "dâm ô với áo dài", đòi tước danh hiệu hoa hậu... sau vụ cô bị lộ một bức ảnh trong bộ ảnh "Áo dài khoe nét xuân thì".
Vụ việc đã bị các diễn đàn, các trang báo điện tử "đẩy" lên thái quá đã khiến Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phải lên tiếng chính thức rằng: "Sau khi xem xét bộ ảnh chụp Hoa hậu Mai Phương Thúy, chúng tôi thấy đây là những tác phẩm đang gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Có luồng ý kiến cho rằng, ê kíp thực hiện những tác phẩm này đã lạm dụng hình ảnh chiếc áo dài để khoe vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ một cách phản cảm. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã lên tiếng bảo vệ, cho rằng bộ ảnh chỉ dừng ở mức "gợi cảm" chứ chưa phải là "gợi dục" và không nên hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ...".
Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư này do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu (trong đó chủ yếu là các nghệ sĩ nhiếp ảnh) đã bộc lộ quan điểm khá cởi mở với ảnh nude. Họ nhắc nhiều đến cụm từ "cởi trói ảnh nude" để nói về việc ở nước ta, ảnh nude nghệ thuật tuy không có quy định nào cấm nhưng là một loại hình nhiếp ảnh không được... khuyến khích và dường như nó bị loại ra khỏi hoạt động nhiếp ảnh chính thống, dù vẫn tồn tại trong đời sống.
Tác phẩm “Bí ẩn đàn bà số 1” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn. |
Có một thực tế không thể phủ nhận là, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh có đam mê theo đuổi, có đầu tư sâu vào lĩnh vực này như Trần Huy Hoan, Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu, Dương Minh Long... đã có những thành công nhất định, trong đó có sự tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của con người. Nhưng chính những quy định bất thành văn về ảnh nude khiến họ chủ yếu phải âm thầm tác nghiệp "trong bóng tối", tác phẩm không được công khai giới thiệu tới công chúng rộng rãi bằng hình thức triển lãm. Tuy nhiên, chính họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương đã trả lời báo chí bên lề hội thảo: "Chúng ta phải tập làm quen với ảnh khỏa thân nghệ thuật để không lầm lẫn giữa ảnh nude và ảnh khiêu dâm đồi trụy. Tôi cho rằng trong thông tư về nhiếp ảnh nên đưa vào việc này. Trước mắt hãy sớm cho phép triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật được công bố rộng rãi...".
Sở dĩ đến nay người ta vẫn ngần ngại về việc cấp phép cho triển lãm ảnh nude bởi quan niệm cho rằng luôn có một lằn ranh giới mỏng manh giữa ảnh nude nghệ thuật với ảnh khoe thân thể con người trần trụi, phản cảm, dung tục, thậm chí là khiêu dâm... Tuy vậy vẫn tồn tại một nghịch lý là, trong khi đến nay chưa có một triển lãm ảnh nude nào được tổ chức, thì ảnh khỏa thân phản cảm vẫn tràn lan trên một số trang điện tử, trong đó có nhiều ảnh của những người nổi tiếng, người có "danh hiệu" hẳn hoi mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiểm soát, quản lý hay xử phạt.
Bộ ảnh khiêu dâm của một cô gái được cho là "nữ hoàng đồ lót" Ngọc Trinh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhưng cuối cùng vẫn không cơ quan nào đứng ra xác minh những tấm ảnh đó có thực sự là của cô người mẫu này không? Nếu đúng, phải có các bước xử lý tiếp theo như phạt tiền, đề nghị tước vương miện hoa hậu, cấm diễn, cấm xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng một thời gian nhất định hoặc là cấm vĩnh viễn.
Qua những câu chuyện bức bối về ảnh nude xảy ra trong thời gian gần đây, đã đến lúc phải có những quy định rõ ràng về việc chụp, công bố ảnh nude và cả vấn đề xử phạt hành chính đối với những nghệ sĩ có hành vi truyền bá ảnh nude phản cảm, hở hang, dung tục. Việc xử lý những hành vi sai phạm trước tiên nên nhằm vào các đối tượng "có tóc" như ca sĩ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu... là những người của công chúng nhưng vẫn cố tình dùng những chiêu tung ảnh nude phản cảm núp bóng ảnh nude nghệ thuật.
Ở đây, xin được nhấn mạnh trường hợp ảnh nude "bảo vệ môi trường" của người mẫu Ngọc Quyên là bộ ảnh của nghệ sĩ được cho là phản cảm nhất từng được chính chủ nhân của nó công bố. Bên cạnh đó là hàng loạt bộ ảnh nude hoặc bán nude của những người có danh hiệu khác như bộ ảnh "bảo vệ biển" của Hoa khôi Hải Anh hay ảnh nude "khuyến mại" kèm theo cuốn sách "Sợi xích" của Lê Kiều Như... Đó là những bộ ảnh bị dư luận chỉ trích nặng nề nhưng rốt cuộc không thấy có cơ quan nào "tuýt còi".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn bày tỏ: "Đối với lĩnh vực ảnh nude, Thông tư mới về nhiếp ảnh nên có những quy định rõ ràng, cụ thể để kịp thời và có cơ sở xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tế. Ví dụ, cần phải quy định một nguyên tắc nếu ảnh lộ trần trụi những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể con người thì phải có ý kiến. Ví dụ, trường hợp ảnh nude của hoa khôi Hải Anh là ảnh nude xấu, thô, chứ thực tế không hở những bộ phận ấy thì cũng chưa cần thiết phải xử lý. Ảnh của Mai Phương Thúy cũng vậy, dư luận lên án chủ yếu là do cô ấy mặc áo dài quá mỏng, lại không mặc "nội y" mà thôi. Nhưng ảnh nude của Ngọc Quyên thì quá phản cảm và nên có biện pháp xử phạt bằng tiền, thậm chí là cấm biểu diễn trong 1 năm. Điều quan trọng là phải đề cập đến biện pháp xử lý đối với những kẻ truyền bá ảnh nude phản cảm. Trong đó, quản lý điện tử về những vấn đề liên quan đến ảnh nude của nghệ sĩ là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay".
Sau vụ người mẫu Thái Hà bị Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tp HCM phạt 5 triệu đồng vì sự cố hở ngực trong một đêm diễn, thì không có cớ gì những nghệ sĩ có hành vi truyền bá ảnh "lõa thể" như trường hợp Ngọc Quyên không bị xử lý. Bởi xét cho cùng, việc tung ảnh nude của Ngọc Quyên là hoàn toàn có chủ đích.
Những ý kiến, những vấn đề bức xúc xung quanh loại hình ảnh nude được nêu ra tại hội thảo về "Thông tư Quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh" đã khiến ông Vi Kiến Thành - Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm hứa hẹn, khả năng cơ quan chức năng sẽ soạn một phần riêng về ảnh nude trong dự thảo lần tiếp theo. Hy vọng rằng, ở phần được bổ sung này, các quy định mới về ảnh nude nghệ thuật sẽ không chỉ dừng ở tuyên truyền, hướng dẫn, mà nó sẽ trở thành cơ sở đối chiếu, xử lý cho các cơ quan chức năng khi diễn ra những vụ việc về ảnh nude, ảnh "nóng" của nghệ sĩ gây bức xúc trong xã hội cũng như xử lý các đối tượng truyền bá ảnh phản cảm, khiêu dâm