Vai trò của việc dạy và học lịch sử trong giáo dục Việt Nam

Thứ Hai, 12/10/2015, 08:00
Học lịch sử để thêm yêu đất nước mình.

Vấn nạn và nguyên nhân?

TS. Trần Đức Anh Sơn  (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng)

Dư luận đang xôn xao vì bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là dự thảo) do Bộ GD&ĐT gửi đến các trường phổ thông trong cả nước để lấy ý kiến góp ý. dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT đang từng bước "khai tử" môn lịch sử trong các môn học phổ thông, hệ quả tất yếu là môn lịch sử sẽ bị "khai tử" khỏi các kỳ thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.

Hiểu nôm na, quy định nêu trong dự thảo là ở bậc Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) thì môn lịch sử và môn địa lý không phải là những môn học riêng mà lồng ghép. Bậc Trung học phổ thông (THPT) thì có thể chọn môn khoa học xã hội hoặc môn Lịch sử và môn địa lý để học, nhưng "nếu chọn môn khoa học xã hội thì không chọn các môn lịch sử và địa lý". Như vậy, nếu đa số ý kiến chọn môn khoa học xã hội cho bậc THPT thì môn lịch sử (và môn địa lý) chính thức bị "khai tử" khỏi chương trình giáo dục phổ thông của nước ta.

Tôi không rõ những người soạn thảo dự thảo này đã vụng về trong diễn đạt, hay là cố tình "định hướng" dư luận theo hướng loại dần môn lịch sử (và địa lý) khỏi chương trình giáo dục phổ thông? Nếu đúng như thế thì theo tôi đây là một bản dự thảo có vấn đề, vì nó đã đi ngược lại sứ mệnh căn bản của giáo dục là hướng con người đến "chân - thiện - mỹ", bằng cách không trang bị/tước đoạt khỏi học sinh những kiến thức về cội nguồn, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; về sự hình thành, phát triển, suy vong và tái sinh các nền văn minh trên trái đất; về những biến cố trọng đại của lịch sử nhân loại… Khi đó, các em sẽ trưởng thành nhưng chưa hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách vì đã khiếm khuyết những kiến thức căn bản về đất nước, dân tộc và nhân loại.

Sinh thời nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã từng viết: "Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết". Một quốc gia mà chỉ biết đến hiện tại, không am hiểu và tôn trọng quá khứ thì quốc gia đó không có tương lai. Không biết tôn vinh, tưởng nhớ và xót thương trước những người đã khuất, trước những sự kiện vinh quang hay những biến cố đau thương của đất nước, dân tộc thì không thể trưởng thành và phát triển.

Không hiểu biết về non sông, đất nước, về láng giềng và thế giới thì làm sao biết được đâu là con đường đi lên của đất nước, làm sao hội nhập với thế giới. Không hiểu lịch sử thì làm sao khơi dậy và duy trì lòng yêu nước? Không có lòng yêu nước thì làm sao dám đứng lên bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh ngoại bang đang ngày đêm rập rình xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, âm mưu cướp đoạt lãnh thổ và biển đảo quốc gia?

Vậy,  tại sao môn lịch sử bị học sinh Việt Nam coi là môn phụ và học sinh chán học?

Thứ nhất, nhìn chung lịch sử được giảng dạy trong hệ thống học đường Việt Nam vẫn là lịch sử chính trị và lịch sử quân sự, không phải là lịch sử quốc gia - dân tộc đúng nghĩa. Ở đó, chiến tranh, thắng lợi của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, sự thất bại của đối phương và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là "cái xương sống" căn bản của chương trình dạy và học. Lịch sử kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… của đất nước là những nội dung bị xem nhẹ, thậm chí không được đưa vào chương trình.

Thứ hai, lối dạy lịch sử trong nhà trường Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là lối dạy từ chương, "thầy nói trò nghe", áp đặt một chiều; không định hướng cho học sinh khả năng tìm tòi, nghiên cứu thêm tư liệu ở bên ngoài sách giáo khoa; không cho học sinh cơ hội phản biện vì sách giáo khoa và chương trình khung của Bộ GD&ĐT được coi là pháp lệnh.

Thứ ba, người dạy môn lịch sử đa phần chỉ là những người truyền đạt những kiến thức xơ cứng từ sách giáo khoa mà chưa biết cách thổi hồn lịch sử cho học sinh. Học sinh thì không biết học lịch sử để làm gì? Phụ huynh thì băn khoăn không biết theo ngành Lịch sử thì có thể kiếm được việc làm không? Làm ngành nghề gì?

Vậy thì, không lý gì vì những yếu kém của ngành Giáo dục trong việc tổ chức dạy và học môn lịch sử mà Bộ GD&ĐT lại có ý loại bỏ môn lịch sử (và môn địa lý) ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông như trong Đề án mà Bộ đang lấy ý kiến để chuẩn bị thực hiện.

Bỏ dạy và học môn lịch sử tức là sinh ra những thế hệ không có quá khứ!

TS. Nguyễn Thị Hậu (Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

Đầu tiên cần nhìn nhận một cách khách quan một thực tế, đó là hiện nay học sinh có nhiều phương tiện cung cấp tri thức, sự hiểu biết nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Nếu vài chục năm trước, những ngành đào tạo ở đại học có thể đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có hàng trăm ngành nghề khác nhau ở các trường đại học cả trong và ngoài nước. Do đó học sinh có nhiều lựa chọn hơn theo sở thích, khả năng hoặc điều kiện của gia đình.

Cũng như nhiều môn học "truyền thống" khác, môn lịch sử cũng phải chia sẻ "đối tượng" yêu thích lịch sử cho nhiều môn học mới. Ngoài ra những phương tiện giải trí hiện đại và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, nhiều phim ảnh, tác phẩm văn học nghệ thuật về lịch sử, cổ sử rất hấp dẫn…  cũng là một yếu tố làm cho học sinh giảm hứng thú với những giờ học khô khan về thời quá khứ.

Hiện nay hầu như học sinh thường được định hướng đến những ngành nghề nhanh chóng kiếm được nhiều tiền, mau thành đạt, nổi tiếng như các nhóm ngành nghề kinh tế, ngoại ngữ, vi tính, du lịch, ca nhạc, người mẫu thời trang… Việc hướng nghiệp vào các ngành này cũng do nhu cầu trước mắt của xã hội, nhưng hầu như ít người nhận thức được rằng, để làm tốt bất cứ ngành nghề nào, nhất là những ngành nghề "hiện đại" thì kiến thức xã hội nhân văn cực kỳ quan trọng, trong đó có môn lịch sử. Phần nhiều các gia đình hiện nay không muốn cho con em theo học ngành lịch sử ở đại học, cho nên ở phổ thông nếu các em học kém môn này thì gia đình cũng không coi trọng như các môn khác.

Cần nhận thức rằng, trong thời đại nào thì những môn học xã hội nhân văn đều nhằm dạy làm người và xây dựng nhân cách, thông qua tri thức của từng cộng đồng, quốc gia, dân tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ. Đặt trong truyền thống văn hóa nói chung thì việc dạy và học sử không chỉ là về những sự kiện hay nhận vật mà đầu tiên là về sự thật. Đã là lịch sử thì không thể che giấu và dối trá. Chỉ có sự thật mới làm cho con người hiểu biết về quy luật của cuộc sống nói chung và từng thời đại nói riêng.

Không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức mà quan trọng là mang lại cho các em phương pháp đúng đắn để nhận thức quy luật phát triển của quá khứ và hiện tại. Lịch sử thực sự là "bài học kinh nghiệm" cho thế hệ sau khi thế hệ trước không "vẽ đường cho hươu chạy" mà chỉ ra con đường mình đã đi qua có cạm bẫy gì, từng vấp ngã thế nào, bị lạc ở đâu… để thế hệ sau cảnh giác và không lặp lại sai lầm của người đi trước. Khi đó thế hệ sau sẽ nhận thức được quy luật phát triển và tìm ra con đường phát triển phù hợp với thời đại mình.

Tuy nhiên từ nhiều năm nay môn sử với chương trình nặng về lịch sử chiến tranh, nội dung toàn những con số sự kiện khô khan và lồng vào đó những miêu tả đánh giá bằng ngôn từ nặng về cảm xúc chứ chưa khách quan, khoa học. Cách nhìn lịch sử một chiều, tài liệu không cập nhật trong khi có quá nhiều nguồn tài liệu được công bố bằng sách in trong và ngoài nước, trên mạng internet, cung cấp những thông tin khác nhau thậm chí trái ngược, phủ nhận nhau… càng làm cho việc giảng dạy môn sử trong trường phổ thông khó khăn, vì thầy cô phải dạy theo sách giáo khoa - được coi là pháp lệnh.

Cũng do không nhận thức đúng về chức năng của môn sử nên từ nhiều năm nay nó bị coi là môn phụ, giờ dạy có khi cũng bị cắt để tăng cường cho môn khác. Vòng luẩn quẩn này cứ tái diễn làm sao thầy cô dạy môn sử còn đủ nhiệt tình và lòng yêu nghề để giảng dạy? Chưa kể có những người người theo học ngành sư phạm sử, hay làm giảng viên ngành sử ở đại học không phải từ sở thích, ham mê mà vì những lý do khác nên họ cũng không nghiên cứu tìm hiểu bồi dưỡng kiến thức mới, không thay đổi phương pháp giảng dạy cho thích hợp với nhu cầu mới của học sinh.

Tất nhiên không thể tồn tại mãi cách dạy và học sử như hiện nay. Nhưng việc từng bước "khai tử" môn lịch sử trong trường phổ thông cũng đồng nghĩa với việc khai tử truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ việc sinh ra những thế hệ không có quá khứ! 

Học lịch sử để thêm yêu đất nước mình

TS Mai Thanh Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Trước hết, tôi cho rằng cần hiểu lịch sử như một hệ thống các giá trị và là điểm tựa của dân tộc - quốc gia

Hiểu đơn giản nhất, lịch sử là xã hội loài người thuộc về quá khứ, bao trùm mọi lĩnh vực trên phạm vi quốc tế cũng như ở mỗi quốc gia: kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, văn học nghệ thuật, v.v… Trên quy mô toàn cầu, lịch sử chứa đựng và chia sẻ những giá trị chung của nhân loại. Ở mỗi quốc gia, lịch sử lưu giữ các kiến thức của một cộng đồng dân cư trong phạm vi lãnh thổ xác định, ở những khoảng thời gian nhất định. Những giá trị chung của nhân loại mang tính phổ quát, nhưng lịch sử của mỗi quốc gia luôn mang tính đặc thù. Lịch sử của mỗi dân tộc - quốc gia đều có số phận riêng, được quyết định bởi đặc điểm địa lý nhân văn và bản lĩnh của chủ thể dân tộc - quốc gia đó. Lịch sử cũng chính là "kho chứa", là sự tích hợp các giá trị của mỗi dân tộc - quốc gia. Và cũng vì thế, lịch sử trở thành một trong những điểm tựa của mỗi dân tộc -quốc gia.

Điều trớ trêu, các sự kiện - nhân vật "phản diện/phản giá trị" như chủ nghĩa phát xít và chiến tranh; như Hitler, Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống… cũng để lại cho đời sau những "bài học giá trị".

Do đó,  lịch sử không thể là "môn học phụ"

Học lịch sử là để biết những giá trị, những kiến thức chung của nhân loại. Học lịch sử là để biết về nguồn cội dân tộc - quốc gia, biết về những giá trị mà cha ông để lại, hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc, và cả những bài học từ đau thương, mất mát. Không học lịch sử, mỗi cá nhân, công dân sẽ không thể biết một cách chắc chắn mình là ai; dân tộc - quốc gia mình đang ở đâu trên thế giới này; đâu là điểm mạnh, điểm yếu; đâu là cơ hội, thách thức; đâu là bạn, đâu là thù… Và mỗi người cần làm gì để bản thân có thể hoàn thiện hơn nữa, để dân tộc - quốc gia mình tiến kịp nhân loại trong tương lai.

Nếu hiểu như vậy, sẽ không ai còn dám có ý nghĩ rằng, lịch sử chỉ là một môn học phụ. Bỏ rơi môn lịch sử là chúng ta có tội với dân tộc, với tổ tiên.

Ở Việt Nam chưa có những người biên soạn sách giáo khoa chuyên nghiệp cho các cấp học phổ thông. Tập thể những người viết sách giáo khoa cho THCS và THPT đều là các giáo sư đầu ngành về lịch sử, có uy tín khoa học. Nhưng liệu họ có kinh nghiệm giảng dạy ở các cấp học phổ thông hay không thì không ai có câu trả lời thỏa đáng. Biên soạn sách giáo khoa lịch sử, cũng như sách giáo khoa của các môn học khác, phải được coi là một nghề, do các nhà chuyên môn thấu hiểu tâm lý học lứa tuổi đảm nhiệm. Từ kết quả nghiên cứu của các sử gia, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa sẽ "lọc" ra những thông tin cần thiết và phù hợp với khả năng tiếp thu của từng lứa tuổi. Họ cũng là người quyết định dung lượng, lựa chọn hình thức thể hiện trong các bộ sách giáo khoa, sách tham khảo cho từng cấp học.

Sách giáo khoa môn lịch sử ở THCS và THPT ở ta hiện nay đều đóng kín với những nhận định "không thể chối cãi", hoặc "không được quyền có ý kiến khác". Trong khi, nhiều "khẳng định" của các sử gia cách đây chưa lâu nay đã được "phủ định" cũng bởi chính các sử gia đó. Câu chuyện Mai Thúc Loan phải gánh vải từ Việt Nam sang Trung Quốc triều cống là một ví dụ…

Học sinh phổ thông, nhất là ở cấp THPT đã bắt đầu hình thành phương pháp tư duy và năng lực phản biện. Việc áp đặt các quan điểm, nhận định một cách máy móc về các sự kiện, nhân vật lịch sử đối với lứa tuổi này khó dẫn đến sự tâm phục khẩu phục. Nhà trường hiện nay còn thiếu năng lực trong việc cung cấp các nguồn tài liệu tham khảo cho cả thầy và trò. Và điều quan trọng nữa, cần đưa ra các tiêu chí để đánh giá về các sự kiện, nhân vật lịch sử.  Trong đó, lợi ích của dân tộc, quốc gia và đông đảo quần chúng nhân dân phải luôn được đặt lên hàng đầu. 

Để trang sử không khô khan, buồn tẻ

Hà Văn Thịnh (nguyên Cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, Trường ĐHKH Huế)

Bi hài ở chỗ, sau hàng chục năm phát triển của nền giáo dục XHCN, cả cơ quan chủ quản, phụ huynh, học sinh và hàng vạn người quan tâm, yêu quý lịch sử nước nhà lại cứ phải day dứt, trăn trở mãi với câu hỏi "Tại sao thế hệ trẻ không thích học sử nước nhà?". "Không thích" trong trường hợp này chỉ là một uyển ngữ có chức năng… an ủi vì dùng đến từ "chán" thì quả thật là hết sức nặng nề, xa xót…

Cần nhắc lại, Hồ Chủ tịch đã hết sức coi trọng việc giáo dục thế hệ sau biết, hiểu, nhớ lịch sử nước nhà. Chỉ mươi tháng sau khi về nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết 208 câu thơ lục bát với tiêu đề "Lịch sử nước ta". Tác phẩm đặc biệt này - cuốn lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam mới, ra đời đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm Nhâm Ngọ, tháng 2/1942!

Để học sinh không chán môn lịch sử, thay đổi đầu tiên và quan trọng nhất là sách giáo khoa (SGK). Cứ thử đọc bất kỳ cuốn SGK lịch sử nào, từ lớp 4 đến lớp 12, sẽ có cảm giác chung là buồn tẻ, đơn điệu, nhiều yếu tố thổi phồng.

Cách đây 10 năm, với loạt gần 20 bài bàn về SGK lịch sử đăng trên Báo Lao Động, có một bài tôi nêu dẫn chứng về chiến thắng Vạn Tường ngày 18-8-1965. Thông tin để tấn công một thôn mà Mỹ huy động đến 175 máy bay, 105 xe tăng và xe bọc thép là không thể chấp nhận được. Máy bay va vào nhau cũng đủ để rơi chứ cần gì phải bắn!

Chắc chắn các nhà biên soạn SGK có đọc và có sửa nhưng, rất xin lỗi, cách sửa của họ càng làm cho vấn đề rối rắm hơn. Trong SGK Lịch sử lớp 12, bản in năm 2012 của NXB Giáo dục, trang 174 viết về chiến thắng Vạn Tường vẫn ghi rõ địch huy động 9.000 quân, ta loại khỏi vòng chiến đấu 900 tên (!), bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và hạ nhiều máy bay? Địch huy động 105 xe và ta bắn cháy hàng chục chiếc thì có gì khác nhau đâu? Nếu nghĩ là hàng chục tương đương với 1/3 trở lên thì quả là sự "phi thường" của ta: tiêu diệt 1/3 lực lượng tăng, thiết giáp là điều có lẽ chưa đâu có trong một trận đánh rất lớn, bởi nó tương đương với biên chế của một trung đoàn xe tăng, có nghĩa là địch phải huy động 3-4 trung đoàn! Hơn nữa, đánh trận chứ có phải làm toán đâu mà số địch đến và chết tròn vo vo, lại đúng y chang 10% như thuế giá trị gia tăng bây giờ thì ai mà chịu nổi?

Cái cần không nói, cái nói thì không cần là một trong những căn bệnh khó chữa. Trong phần  kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một sự kiện rất quan trọng mà SGK trước thì nói sơ sài, bây giờ thì… bỏ; đó là Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp từ ngày  18-12-1974 đến 8-1-1975.

Đây là cuộc họp dài nhất của Bộ Chính trị trong lịch sử Đảng ta.

Tại sao những người soạn sách không chịu hiểu rằng ngày 12-12- 1974, ta mở Chiến dịch Phước Long, đường số 14; 6 ngày sau Bộ Chính trị họp. Và, sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi 2 ngày (6-1), phiên họp mới kết thúc?

Rõ ràng đánh rồi tính toán, rồi xem xét phản ứng của địch - nhất là liệu có khả năng Mỹ quay lại miền Nam hay không - là điều hết sức cần thiết. 21 ngày để chuẩn bị cho sự kết thúc 21 năm chiến tranh (1954-1975), sự "ngẫu nhiên" tuyệt vời, sao lại không bàn?

Bên cạnh, học sinh đã đọc SGK hay giáo trình, giáo viên lại tiếp tục dạy y chang như thế thì nghe để làm gì? Nếu ai đã từng xem các phim Hollywood làm về chiến tranh sẽ thấy một điều đặc biệt: hầu hết các phim đó đều nói về những sai lầm và thất bại do chỉ huy, do tin tức tình báo thiếu chính xác, do công tác hậu cần, tiếp viện trục trặc…

Dạy sử và học sử cũng phải và nên đi theo cách hiểu và cách làm đó.

Việc bắt giáo viên dạy theo đúng chuẩn, quả là một sự khó khăn.

Chúng tôi đề nghị, đối với môn lịch sử lớp 4, 5, 6 - chỉ nên soạn sách và dạy những câu chuyện về lịch sử nhằm văn học hóa, nhẹ nhàng hóa và không nên chính trị hóa. Còn đối với học sinh THCS và THPT, thầy cô giáo không cần thiết phải dạy y chang như SGK, như bấy lâu nay vẫn quy định.

Không thể bỏ môn lịch sử! Nên nhớ cho một điều, người Hy Lạp cho rằng "lịch sử là cô giáo của cuộc đời". Chữ lịch sử trong tiếng Hy Lạp thuộc giống cái!

Tổ chức thực hiện: Nguyễn Hồng Lam
.
.