Vaccine nào cho sự mất niềm tin?

Thứ Năm, 07/01/2016, 09:32
Kể từ 1-1-2016, có một thứ, nhỏ bé thôi, xuất hiện nhưng lại ngầm chứa trong nó một thông điệp rất lớn. Đó chính là thời khắc chiếc thẻ căn cước xuất hiện như một giấy tờ tư pháp thay thế cho tấm chứng minh thư nhân dân. Sẽ có nhiều người cho rằng cái thay đổi chỉ mang tính hiện tượng ấy thì có gì ghê gớm đến mức mà coi nó đặc biệt đến thế. Nhưng thật ra, nó không chỉ là hiện tượng, nó là một dấu mốc thực sự của phát triển xã hội.


Xưa đến nay vẫn tồn tại một câu chuyện vui nhưng nghe xong thì lại khá chua xót. Đó là người ta vẫn nói với nhau rằng "Cha mẹ tôi là công dân Việt Nam, tôi được sinh ra thì nghiễm nhiên tôi có quyền của một công dân Việt Nam. Vậy thì tại sao lại còn cần một tờ giấy để chứng minh rằng tôi là nhân dân nữa?".

Tất nhiên, tấm chứng minh thư nhân dân không chỉ là bằng chứng cho thấy chủ nhân của nó được coi là công dân Việt Nam mà nó còn là thứ để minh định vị thế của một công dân trong xã hội, minh định nhân thân một cách rõ ràng. Nhưng hai chữ "chứng minh" và cách gọi ngắn gọn là "chứng minh nhân dân" cho thấy cái yếu thế của người chủ nhân của nó. Chúng mang lại cảm giác một con người trong xã hội có đầy đủ vị thế mà vẫn phải vin vào đâu đó để chứng minh mình là người.

Cảnh bố mẹ bế con xếp hàng chờ tiêm vaccine cho con ở Hà Nội những ngày qua.

Cái khác biệt mà thẻ căn cước mang lại là ở đó. Nó hàm chứa ý nghĩa người cầm giữ nó là một chủ nhân, với tư thế đàng hoàng hơn hẳn. Từ chỗ con người ta phải dựa vào mảnh giấy để chứng minh mình, mảnh giấy đã được trả về đúng vị trí của mình: một phụ kiện trong lý lịch tư pháp của một công dân.

Với tấm căn cước trên tay, tư cách công dân trở nên rõ rệt hơn và chắc chắn nó mang lại cho người công dân cái cảm giác quyền lợi cũng như trách nhiệm mạnh mẽ hơn. Và vượt trên hết, sự thay đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang Căn cước chính là một thành quả của xã hội dân sự. Nó là mong muốn của dân, và thông qua các đại diện của họ, nó được thông qua thành luật để đi vào đời sống rõ ràng.

Có khá nhiều đã háo hức đi đổi căn cước dù giấy chứng minh nhân dân của họ chưa hết thời hạn ngay khi căn cước đi vào đời sống. Một phần vì họ thích cái mới nhưng phần lớn là họ thích dùng căn cước hơn là giấy chứng minh nhân dân. Chính sự háo hức của họ cho thấy một điều tích cực là khi chính quyền thực hiện những điều rõ ràng, minh bạch, đúng nguyện vọng của dân, họ sẽ nhận được niềm tin đền đáp lại cụ thể và xứng đáng. Và cũng từ sự háo hức với tấm căn cuớc ấy, chúng ta nên đặt ra câu hỏi về việc xác lập và nuôi dưỡng lòng tin của dân như thế nào cho đúng đắn, đặc biệt là khi có quá nhiều việc đã xảy ra gần đây khiến lòng tin ấy bị tổn hại nặng nề.

Điển hình như vụ vaccine 5 trong 1 và cơn khát vaccine Pentaxim đến mức xếp hàng chen lấn và ngất xỉu và sau đó là những phản ứng gay gắt với ngành Y tế trong khi vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng quốc gia lại bị quay lưng một cách lạnh lùng. Đơn giản là lòng tin không tồn tại với Quinvaxem.

Đơn giản nữa là lòng tin cũng không tồn tại trong những thông tin mà ngành Y tế đưa ra về việc nhập khẩu vaccine. Và nguyên nhân của sự mất lòng tin ấy đến từ đâu? Dễ hiểu, chúng đến từ sự thiếu minh bạch, công khai thông tin để đến mức người dân phải sống trong một mớ hỗn độn các thông tin nhiều chiều từ truyền thông công cộng mà thậm chí còn có cả những thông tin mang tính tư lợi hoàn toàn.

Nếu ngành Y tế đối thoại công khai bằng những thông tin được đưa ra bởi các chuyên gia uy tín về chất lượng của Quinvaxem, lợi và bất lợi của nó là gì, tại sao lại có những ca tử vong sau khi tiêm chủng… và tương tự là công khai những khó khăn của việc nhập khẩu Pentaxim, công khai việc tại sao lại lựa chọn Quinvaxem chứ không phải loại khác cho chương trình tiêm chủng quốc gia, chắc chắn sẽ không có những hỗn loạn, những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng như vừa rồi.

Tất nhiên, sẽ vẫn có người vì lo sợ sẽ tiếp tục đưa con ra nước ngoài tiêm Pentaxim nhưng phản ứng mạnh mẽ, thái quá với ngành Y tế sẽ không tồn tại. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, chỉ khi phát sinh khủng hoảng truyền thông, ngành Y tế mới lên tiếng và đó cũng là cách làm chung của rất nhiều ngành trong quản lý nhà nước hôm nay. Bởi thế, niềm tin đã không được xây dựng và nếu còn chút niềm tin nào, chúng cũng đã bị hủy hoại dần dần.

Niềm tin của người dân với chính quyền là điều tối thượng cho sự hưng vong của một quốc gia. Nhưng sử dụng vaccine nào để chống lại sự mất niềm tin thì dường như chúng ta vẫn còn chưa quan tâm lắm. Trong khi đó, nó vô cùng đơn giản, đơn giản như việc ta xây dựng niềm tin với chính bè bạn mình thường ngày như thế nào mà thôi.

Hà Quang Minh
.
.