Bản quyền tác phẩm: Không chỉ chuyện tiền

Ứng xử phải có tình

Thứ Hai, 01/04/2013, 08:00
Phỏng vấn nhạc sĩ Phú Quang.

- Thưa nhạc sĩ Phú Quang, là người có số lượng bài hát phổ nhạc từ thơ của các nhà thơ tương đối nhiều, ông giữ mối quan hệ êm ấm với các nhà thơ bao năm bằng cách nào, mà gần như ít thấy chuyện cơm canh không ngọt giữa ông và họ?

+ Bạn hỏi cái câu này nghe có vẻ trái khoáy. Cứ như thể ở ta, hễ các văn nghệ sĩ "sử dụng chất xám" của nhau một tí là có chuyện ấy. Tôi giữ mối quan hệ êm ấm với các nhà thơ bằng cách nào ư? Cái cách rất thông lệ như việc cơm ăn nước uống hàng ngày, không phải bàn lên bàn xuống gì cả, là phổ thơ người ta thì phải xin phép người ta. Rồi khi thơ lên khuông nhạc, có hình hài bài hát, thì mình nhớ để tên nhà thơ trang trọng ở đầu bài hát. Rồi mình đưa bài hát vào đời sống công chúng, dù là biểu diễn ở đâu, nhận tiền tác quyền cho bài hát, mình đừng quên chuyện trả tiền tác quyền cho nhà thơ. Các đêm nhạc của mình có bài hát phổ thơ của nhà thơ nào, đừng quên gửi vé trân trọng mời nhà thơ tới xem....Cứ làm những việc vừa đương nhiên vừa giản dị ấy, thì làm sao có chuyện không êm ấm với nhà thơ được chứ...

- Chắc chắn là không phải bài hát nào ông cũng phổ nhạc nguyên xi phần lời của nhà thơ, thậm chí có bài hát chỉ lấy đúng một câu thơ để phổ thôi. Đôi khi không phải câu chữ cụ thể, mà chỉ là lấy cái tứ thơ thôi chẳng hạn, thì chuyện bản quyền với nhà thơ có gì thay đổi không, thưa nhạc sĩ?

+ Không có gì thay đổi cả. Rất nhiều bài thơ tôi chỉ lấy tứ, lấy một vài câu, có khi là một vài chữ, để làm nên bài hát của mình. Nhưng tôi vẫn để tên nhà thơ ở phía trên bài hát. Tôi vẫn trả tiền tác quyền nhà thơ hàng năm. Tôi vẫn mời họ đi xem chương trình của mình.

- Có người bảo, chỉ mượn vài câu, vài chữ của nhà thơ mà đề phổ nhạc thơ của nhà thơ thì nhà thơ lãi quá...

+ Vâng, nhiều người cũng bảo tôi thế đấy. Nhưng tôi tuyệt nhiên không nghĩ thế bao giờ. Ví dụ, bài hát "Hà Nội ngày trở về", tôi chỉ sử dụng một câu thơ của nhà thơ Thanh Tùng, là "Vội vã trở về vội vã ra đi". Còn lại là phần lời của tôi viết ra. Nhưng tôi vô cùng cám ơn nhà thơ là nhờ có câu thơ ấy của ông mà nó gợi ý cho tôi viết một bài hát cảm động về Hà Nội. Có năm tôi trả tiền tác quyền cho nhà thơ Thanh Tùng hơn 20 triệu, chỉ riêng bài hát "Hà Nội ngày trở về". Nhà thơ Thanh Tùng ngại ngần không lấy, định từ chối. Ông bảo, có 8 chữ thôi mà Phú Quang đưa mình nhiều tiền quá, mình không dám nhận. Tôi nói ngay: "Anh ạ, không có câu thơ của anh thì em không có bài hát ấy. Dù chỉ là 8 chữ thôi, nhưng nó giống như linh hồn của bài hát, khiến cho công chúng nhớ cả bài hát đấy". Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn thì có lần khoe, tiền tác quyền nhạc sĩ Phú Quang trả cho một bài thơ được phổ nhạc đủ để anh in hai tập thơ.

Đối với tôi, khi mình đã sử dụng của nhà thơ dù một chữ, thì mình phải ghi tên họ một cách đàng hoàng. Tôi biết có người làm nhạc, đọc thơ của nhà thơ nào đó, lấy cái tứ hay, biến báo câu chữ đi để thành lời một bài hát nghiễm nhiên của mình. Cách đấy có thể chẳng ai kiện nhạc sĩ, vì có căn cứ văn bản nào mà kiện. Nhưng dù không ai kiện, thì có khi mình lại tự ngượng với chính mình. Và, ghi tên nhà thơ vào, thì có phải vì thế mà mình kém sang trọng đi đâu...Tiền tác quyền cho nhà thơ, tôi nói thật, nhà thơ họ không mấy người đi đòi. Nhưng mình sử dụng chất xám của họ, thì mình phải trả theo luật, dù không nhiều, không làm họ giàu có hơn. Nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào của người cầm bút. Mình là người viết, mình phải hiểu được như vậy...

- Có không ít nghệ sĩ sử dụng ý tưởng của người khác để làm nên tác phẩm của mình. Rồi tác phẩm mang về cho họ vinh quang, họ lại quên mất người cho mình ý tưởng ấy. Không nói chuyện tác quyền, đôi khi một lời cám ơn cũng không. Ông có ngại chia sẻ vinh quang như vậy không?

+ Tôi thì là người gần như không có giải thưởng gì của các tổ chức nhà nước trao cho. Tôi chỉ có giải thưởng của nhân dân, của công chúng tặng cho mình. Đó là tình yêu mến của họ. Là những đêm nhạc chật kín chỗ ngồi. Là những chia sẻ sau từng đêm diễn...Nhưng nếu được đứng trên bục vinh quang, nhận giải gì đó, thì tôi cũng không có ý định sẽ "xù" tên những người mà nhờ họ mình có được tác phẩm hay. Đơn giản là vinh quang mình có chia sẻ thì niềm vui nó sẽ tăng lên gấp đôi, giá trị của mình cũng không phải vì thế mà giảm xuống. Lời cảm ơn ai đó luôn chỉ làm cho mình cao hơn lên. Tôi tôn cao một ai đó thì không phải vì thế mà tôi hết chỗ để nhô cao. Mẹ tôi sinh thời hay dặn tôi là con tuyệt nhiên đừng muốn cao lên bằng cách ấn vai người bạn bên cạnh thấp xuống....

- Nghe chuyện của ông tôi nghĩ, trong việc phổ thơ của ai đó, thì văn hóa ứng xử không chỉ đơn giản nằm ở chuyện tiền tác quyền...

+ Đúng rồi. Mặc dù chuyện tiền cũng là rất quan trọng đấy. Tôi rất thương các nhà thơ. Nói thẳng thắn ra là các nhà thơ thường nghèo hơn các nhạc sĩ. Vì bài hát của nhạc sĩ chắc chắn được trả tác quyền nhiều hơn. Nhưng nhà thơ còn là những người nhạy cảm, dễ tổn thương. Mình ứng xử phải trên tinh thần tôn trọng họ. Bên Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam họ thu tiền bản quyền cho các nhà thơ từ nhạc sĩ, từ nhà sản xuất, nhưng họ trừ nhiều loại phí, đến tay nhà thơ còn rất ít, tôi rất xót các nhà thơ. Tôi thường đề nghị tự tay mình mang trả tác quyền cho nhà thơ, thì họ sẽ được nhiều hơn. Nhưng chuyện tiền chỉ là một, vấn đề còn là những ứng xử khác nữa, ví dụ như trong logo chương trình, trong tờ rơi chương trình biểu diễn, mình không quên tên nhà thơ. Rồi trong chương trình, sau khi bài hát vang lên, cũng đừng quên cảm ơn các nhà thơ... Và để nhà thơ nghe được lời cảm ơn, đừng quên mời nhà thơ đến các chương trình của mình. Hay khi phát hành đĩa nhạc, cũng đừng quên gửi tặng các nhà thơ...Hãy làm tất cả từ trái tim mình, vì đằng sau chuyện sử dụng ý tưởng của ai đó, sau chuyện tiền nong, còn là cái tình của nghệ sĩ với nhau nữa. Và cái tình mới là điều đáng nói.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang...

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.