Từ vụ khủng bố đẫm máu ở Nice - Pháp: Cái giá của ­chính sách nhập cư nhân đạo?

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:00
Cuộc tấn công đẫm máu xảy ra tại nhà hát Bataclan nơi bọn tấn công đã bắt con tin trước khi bị cảnh sát tràn vào khống chế vào lúc rạng sáng 14. Có ít nhất 132 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng súng và bom ở Paris, riêng tại phòng hòa nhạc Bataclan ở trung tâm Paris là 89 người. Có 352 người bị thương trong các vụ tấn công trong đó, có 99 người trong tình trạng nguy cấp. Một báo cáo cho rằng đã có khoảng 8 tên khủng bố, trong đó 7 tên đã bị tiêu diệt...


Đối diện những cuộc khủng bố đẫm máu       

Cách đây vỏn vẹn 9 tháng, vào đúng thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2015 - ngày mà người dân châu Âu thường cho rằng ngày xui xẻo nhất trong năm, những kẻ khủng bố đã tắm Paris trong biển máu.

Vụ việc được bắt đầu bằng một loạt các vụ nổ súng và các vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại các quận 10 và 11 của Thủ đô Paris, Pháp, tại sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, phía bắc thủ đô, và các nơi khác trong vùng le-de-France bắt đầu từ 9h tối cho cho đến lúc rạng sáng ngày 14. Có ít nhất 3 vụ nổ riêng biệt và 6 vụ nổ súng đã được báo cáo xung quanh Thủ đô Paris, trong đó có một vụ đánh bom gần Stade de France ở vùng ngoại ô Saint-Denis phía bắc.

Cuộc tấn công đẫm máu xảy ra tại nhà hát Bataclan nơi bọn tấn công đã bắt con tin trước khi bị cảnh sát tràn vào khống chế vào lúc rạng sáng 14. Có ít nhất 132 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng súng và bom ở Paris, riêng tại phòng hòa nhạc Bataclan ở trung tâm Paris là 89 người. Có 352 người bị thương trong các vụ tấn công trong đó, có 99 người trong tình trạng nguy cấp. Một báo cáo cho rằng đã có khoảng 8 tên khủng bố, trong đó 7 tên đã bị tiêu diệt.

Hoa và nến được đặt trên quảng trường Nice nơi xảy ra vụ khủng bố.

Các nhà chức trách đang tiếp tục tìm kiếm người còn lại và những kẻ đồng lõa. Sau cuộc tấn công Tổng thống Pháp Franois Hollande tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới toàn bộ nước Pháp trên đài truyền hình. Đây là lần đầu tiên Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ năm 1961 và chiến tranh Algeria. Lệnh giới nghiêm cũng lần đầu tiên được đưa ra kể từ năm 1944.

Cuộc tấn công được xem là đẫm máu nhất tại Pháp kể từ thế chiến 2. Đây cũng là cuộc tấn công đẫm máu trong Liên minh châu Âu kể từ vụ đánh bom tại Madrid năm 2004. Trước đó ngày 12 tháng 11 năm 2015 đã xảy ra cuộc tấn công của IS tại Lebanon làm thiệt mạng 43 người và 14 ngày trước đó là vụ tai nạn máy bay Metrojet 9268 của Nga làm 217 hành khách và 7 nhân viên thiệt mạng.

Trước đó, nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ Vụ tấn công Charlie Hebdo làm 17 người thiệt mạng bao gồm dân thường và cảnh sát.

Trong một tuyên bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gọi Paris là "thủ phủ của mại dâm và trụy lạc", và đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công Paris năm ngoái. Nhóm khủng bố này còn cảnh báo Pháp và "tất cả những nước đi theo con đường của nước này" đứng đầu trong danh sách mục tiêu của chúng.

Vậy mà chỉ trong vòng 9 tháng sau, một khoảng thời gian không quá ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để nước Pháp chữa lành vết thương, quên đi những thương đau, mất mát trong vụ khủng bố liên hoàn ở Paris ngày 13-11-2015, một lần nữa những kẻ khủng bố lại gây tội ác khủng khiếp gây rúng động toàn thế giới khi kẻ tấn công đã lái chiếc xe tải tử thần lao vào đám đông đang ăn mừng ngày lễ quốc khánh đất nước ở thành phố Nice.

Vụ khủng bố đẫm máu đã làm cho 84 người dân vô tội thiệt mạng, hàng trăm người bị thương tích và hàng chục người đang ở vào tình thế nguy kịch ngàn cân treo sợi tóc. Các nhà phân tích cho rằng, nếu như một nhóm khủng bố là thủ phạm thì đây sẽ là vụ tấn công khủng khiếp thứ 2 nhằm vào Pháp trong vòng 1 năm qua, và là vụ thứ 3 kể từ tháng 1-2015.

Chỉ chưa đầy một năm liên tiếp xảy ra hai vụ khủng bố lớn dã man, khiến cho tình hình an ninh ở Pháp trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Máu chảy... vợ mất chồng, bố mẹ mất con, bạn bè mất người thân, người Pháp cuống cuồng lao vào cuộc tìm kiếm người thân mất tích sau vụ thảm sát...

Nước Pháp, thủ đô hoa lệ bậc nhất thế giới, biểu tượng của nền văn hóa, lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình và chính sách nhập cư mở cửa nhân đạo, vì đâu lại nên nỗi?

Cái giá của chính sách nhập cư nhân đạo?

Theo quan niệm của Nhà nước Hồi giáo cực đoan tự xưng IS (với nhiều tên gọi khác như Daesh hay ISIL), Paris không phải là thủ đô của những điều lãng mạn mà nó là "thủ đô của tệ nạn mại dâm". Với những cáo buộc điên rồ, IS đã trắng trợn tuyên bố Pháp là mục tiêu chính của mình trong những cuộc khủng bố. Chúng còn ngang nhiên thách thức sẽ không có ý định dừng lại hay từ bỏ mục tiêu.

Trang Business Insider dẫn lời chuyên gia Will McCants về khủng bố nhận định, vụ tấn công hồi tháng 11 có thể là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Pháp là phải ngừng tấn công ở Syria. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, khó mà xác định được lý do hành động của IS bởi có thể chỉ là bởi tổ chức này đã nắm được cơ hội không thể tốt hơn.

Chính sách nhân đạo đối với người nhập cư ở Pháp liệu có là nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố ở Pháp.

McCants cũng cho rằng "Mỹ mới là kẻ thù lớn nhất của IS, và bạn sẽ nghĩ Mỹ đứng đầu danh sách mục tiêu của chúng. Nhưng rất khó để đưa được điệp vụ vào đất nước này. Thế nên chúng quay sang Paris, biến Paris là địa bàn để IS tuyển mộ tân binh hiệu quả hơn so với nhiều thành phố ở một số nước phương Tây khác".

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến IS chọn Pháp làm mục tiêu để trút cơn giận dữ rất có thể bắt đầu từ việc Pháp đã chứng tỏ quan điểm đối kháng với khủng bố, và Pháp sẽ chiến đấu đến cùng để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. Điển hình là sự kiện tháng 9 năm 2015, Pháp đã cho thực hiện các đợt không kích đầu tiên nhằm vào phiến quân IS ở Syria, một đất nước khá gần với các khu vực khác có nhiều quân IS chiếm đóng.

Báo chí phương Tây cũng thông tin rằng, ngay tại thời điểm đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhận định, Pháp tấn công IS bởi những lo ngại tổ chức khủng bố này sẽ chuẩn bị tấn công Pháp từ điểm trú ẩn ở Syria. Tờ  NY Times dẫn lời các nhân chứng ở Bataclan kể rằng trong vụ tàn sát đẫm máu tại Paris ngày 13-11-2015 họ đã nghe thấy tiếng thét man rợ bằng tiếng Pháp của các tay súng rằng: "Đây là hậu quả thích đáng dành cho những kẻ dám gây ra cái chết cho người Hồi giáo trên khắp thế giới". 

Còn một lý do đáng chú ý nữa khi các nhà phân tích chuyên môn đưa ra nhận định nguyên nhân Pháp bị tấn công bởi những kẻ khủng bố, bắt nguồn từ chính sách nhân đạo dành cho người nhập cư của Pháp. Sự nhân đạo đối với người nhập cư đã khiến cho nước Pháp trở thành một nước đa sắc tộc, và đã vô tình biến nước Pháp thành một cái nôi dung dưỡng cho những kẻ khủng bố.

George Packer, một phóng viên nước ngoài của tờ The New Yorker, người đã không ngần ngại lăn xả ở chiến trường Iraq, viết trong một tựa báo của mình có tiêu đề "The Other France" (Tạm dịch: Mặt trái của nước Pháp") rằng liệu Paris có phải là cái nôi nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố?

Phóng viên Packer đã viết trong bài báo của mình rằng: "Ở Pháp có quá nhiều khu ổ chuột nằm ở ngoại thành được làm chủ bởi những người nhập cư… Các toà nhà chọc trời ở nội thành đã trở thành những bức tường ngăn cách người lao động với thế giới tráng lệ bên trong. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ nét, sự cô lập những tầng lớp xã hội yếu kém thể hiện quá rõ trong Công ước Thành phố. Những người nhập cư trở thành đối tượng bàn tán, chỉ trích và đầy đe doạ với người dân nước này".

Packer đã phân tích thêm rằng: "Và dường như chính sự phân hóa giàu nghèo hay những lời bàn tán, chỉ trích của người dân Pháp phần nào lại chính là nguyên nhân đẩy nhanh sự nguy hiểm tìm đến họ". Một người phụ nữ đã viết lên Facebook dòng trạng thái "Tôi thấy sợ hãi những người Hồi giáo ở nước Pháp". Theo Packer, những phản ứng này đã khiến một bộ phận lớn người Hồi giáo ở Pháp hình thành sự căm ghét và nảy sinh những ý nghĩ trả thù lên người dân Pháp.

Andrew Hussey, một sinh viên người Anh tại Đại học London đang theo học Cao học ở Paris nhận xét: "Những đứa trẻ sống trong các khu ổ chuột ở vùng ngoại ô vĩnh viễn không có khái niệm lịch sử, không biết được nguồn gốc của mình, không hiểu được văn hoá của ngôn ngữ Ả rập và thánh Allah trong tâm thức của chúng không vẹn toàn". Vì những lý do đó mà người Hồi giáo nhập cư ở Pháp dễ dàng bị IS mua chuộc và tẩy não nhằm phục vụ mục đích khủng bố man rợ của chúng. Sự phân hoá giàu nghèo, sự cô lập từ phía cộng đồng đã đẩy người Hồi giáo ở đất nước này bán mình cho quỷ dữ.

Dù vì bất kỳ lí do nào khác đi chăng nữa thì chủ nghĩa khủng bố thật hèn hạ và bẩn thỉu. Sau hàng loạt vụ khủng bố trên thế giới mà đặc biệt là vụ khủng bố tại thành phố Nice ở nước Pháp vừa qua, thế giới đang sát cánh lại bên nhau, chung tay chia sẻ với nỗi đau thương của nước Pháp. Thế giới cũng không vì thế mà sợ hãi những kẻ khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố không sớm thì muộn sẽ bị tiêu diệt.

Đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama trong bức điện chia buồn với nước Pháp đã bày tỏ quan điểm: "Đại diện cho người Mỹ, tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với những gì dường như là vụ tấn công khủng bố tồi tệ ở Nice, Pháp, vụ việc giết hại và làm bị thương hàng chục dân thường vô tội. Tôi đã chỉ đạo đội của mình liên lạc với các nhà chức trách Pháp, và chúng tôi cung cấp mọi sự hỗ trợ họ có thể cần đến để điều tra vụ tấn công này, đưa những kẻ có trách nhiệm ra trước công luận. Chúng tôi sát cánh và hợp tác cùng với Pháp, đồng minh lâu năm nhất của chúng tôi, khi họ phản ứng và phục hồi từ vụ tấn công này".

Nguyễn Vũ Anh Thư (tổng hợp)
.
.