Từ sự cố hát nhép của ca sĩ Quỳnh Nga: Cần một liều thuốc đắng

Thứ Sáu, 20/05/2011, 08:30
Có vẻ như năm nay thần may mắn không mỉm cười với Quỳnh Nga khi cách đây chưa lâu, cô bị vướng vào "sự cố đánh ghen trên máy bay" với một phụ nữ gốc Việt. Tiếp theo khi "sự cố rơi míc" xảy ra, Quỳnh Nga phải bước hẳn xuống bục nhặt chiếc micrô "phản chủ" trong khi lời bài hát "Trái tim mùa đông" vẫn được cất lên… rộn ràng trên loa. Cô nàng dù đã cố lấy quạt che miệng và tiếp tục hát, nhảy sau khi nhặt được micrô và coi như không có chuyện gì xảy ra, song sự việc như vậy là đủ…

Vừa qua, sự việc ca sĩ trẻ mới nổi Quỳnh Nga hát nhép tại lễ khai trương một siêu thị nội thất bị khán giả quay được tung lên mạng cho bàn dân thiên hạ cùng "chiêm ngưỡng" đã dấy lên một luồng dư luận phản đối cách làm việc thiếu nghiêm túc, thiếu tự trọng nghề nghiệp của một số ca sĩ, đặc biệt là các ca sĩ trẻ. Xem ra, đây đúng là "giọt nước tràn ly" về một hiện tượng xấu vẫn âm thầm diễn ra trong đời sống âm nhạc mà chưa được xử lý triệt để. Hiện tượng này đã hoành hành ở nhiều sân khấu ca nhạc như một căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa...

Bệnh lâu ngày khó khỏi

Ca sĩ kiêm diễn viên Quỳnh Nga - người đóng vai nữ chính trong phim truyền hình dài tập "Lập trình trái tim" từng được lòng khá nhiều khán giả. Trước đó, cô gái này từng giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi "Miss Audition 2006" và nhất là sau khi bộ phim truyền hình "Lập trình trái tim" được phát sóng, Quỳnh Nga trở thành một cái tên được nhắc tới nhiều trong giới showbiz Việt. Rất nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc có sự xuất hiện của Quỳnh Nga, dù giọng hát của cô không có gì đặc biệt mà chủ yếu là nhờ lợi thế về… nhan sắc. Bởi vậy, chuyện Quỳnh Nga hát nhép lần này chắc hẳn không phải… lần đầu.

Có vẻ như năm nay thần may mắn không mỉm cười với Quỳnh Nga khi cách đây chưa lâu, cô bị vướng vào "sự cố đánh ghen trên máy bay" với một phụ nữ gốc Việt. Tiếp theo khi "sự cố rơi míc" xảy ra, Quỳnh Nga phải bước hẳn xuống bục nhặt chiếc micrô "phản chủ" trong khi lời bài hát "Trái tim mùa đông" vẫn được cất lên… rộn ràng trên loa. Cô nàng dù đã cố lấy quạt che miệng và tiếp tục hát, nhảy sau khi nhặt được micrô và coi như không có chuyện gì xảy ra, song sự việc như vậy là đủ… Màn hát nhép quá lộ liễu này đã được một khán giả nào đó ghi lại và tung lên mạng với tốc độ lan truyền chóng mặt. Chỉ một ngày sau đó, "Miss Audition 2006" mới lên tiếng nói lời xin lỗi khán giả cùng với những lời thanh minh thanh nga rằng cô hát nhép là do lo bị… mất điện và mong được thông cảm. Sự việc này đã nhận được nhiều phản ứng dữ dội và không thiếu ý kiến cho rằng Quỳnh Nga "nên nghỉ hát vì không có tài năng thực sự".

Ca sĩ rớt mic, loa vẫn hát rộn ràng. Trong ảnh: Ca sĩ Quỳnh Nga trong chương trình bị phát hiện hát nhép.

Cũng không chỉ riêng Quỳnh Nga, nhiều ca sĩ trẻ đã lạm dụng chiêu thức này, nhất là trong các phần biểu diễn có sử dụng vũ đạo. Trong chương trình trao giải "Album Vàng" diễn ra cách đây 1 năm, phần trình diễn được đánh giá là tốt nhất của ca sĩ Hiền Thục với ca khúc "Yêu dấu theo gió bay" với vũ đạo hoàn hảo bị khán giả phát hiện là hát nhép. Sự việc tương tự cũng xảy ra với ca sĩ Mỹ Lệ trong một chương trình "Duyên dáng Việt Nam" biểu diễn tại Hà Nội: Ca sĩ ngồi biểu diễn trên thuyền và khi micrô rơi ra ngoài, giọng hát vẫn vang lên thánh thót… Tuy nhiên, phải nói rằng những phát hiện này là quá ít so với thực tế đang diễn ra. Câu chuyện hát nhép xảy ra với mật độ dày hơn với những ca sĩ chỉ có sắc, kém phần thanh nên đặc biệt chú ý phần trình diễn cơ thể để làm nóng sân khấu, thu hút sự chú ý của đôi mắt; lơ là đôi tai. Thế nhưng, khi phải nhảy múa với cường độ mạnh, nhanh, nhiều ca sĩ vốn có giọng hát "thường thường bậc trung" rơi vào tình trạng hụt hơi. Hơn nữa, với một bản thu âm, thông thường nó đã được xử lý về mặt âm thanh cho hay hơn giọng hát thực tế của ca sĩ. Bởi vậy, để đảm bảo "an toàn" và có lợi hơn, nhiều ca sĩ chọn cách hát nhép để khi lên sân khấu yên tâm chỉ thuần túy làm những "con rối" mà thôi. Một nhạc sĩ xin được giấu tên còn nói rằng: "Gì chứ hát nhép chẳng phải chuyện gì lạ. Xin nói thẳng, chương trình nào chả có ca sĩ hát nhép. Có điều có bị lộ hay bị lên án không mà thôi…".

Điều đáng buồn hơn là không chỉ có các ca sĩ trẻ mà ngay cả một số ca sĩ đã thành danh cũng thỉnh thoảng bị phát hiện đã hát nhép trong một chương trình ca nhạc nào đó. Có mặt trong một chương trình ca nhạc uy tín tại Nhà hát Lớn, một nữ nghệ sĩ tiếng tăm như cồn, tuy tuổi đã "lục tuần" nhưng tiếng hát cất lên vẫn trong trẻo, cao vút như thuở vàng son hát trên làn sóng phát thanh là điều thật… khó tin. Còn nhớ, có lần trong một chương trình ca nhạc, khi NSND Thanh Hoa hát có vẻ đuối sức, nhiều tiếng vỗ tay vang lên để cổ vũ bà như một sự cảm thông, chia sẻ. Bởi vì xét cho cùng, người ta đã có câu "thầy đồ già, con hát trẻ", ai chả biết đến quy luật này. Nếu một nghệ sĩ đứng tuổi cứ dùng chiêu hát nhép để giữ mãi ấn tượng đẹp trong lòng khán giả (mà điều này là không thể) thì đó là lời nói dối thật… đáng buồn.

Cần một liều "thuốc đắng"

Có một điều "bí mật" mà trong giới ca sĩ ai cũng ngầm biết với nhau, đó là chuyện gần như ca sĩ nào trong "nghiệp cầm ca" của mình cũng có lần… hát nhép. Thông thường, các ca sĩ phải "trưng dụng" đến chiêu này là khi chương trình đã lên nhưng bất ngờ bị ốm, bị mất tiếng, không thể hát được một cách bình thường. Nhưng dù là với bất kỳ lý do hay hình thức nào, thì hiện tượng đó phải bị xem là thiếu trung thực, là có lỗi với khán giả. Trước đây, theo quy định, trong một số chương trình truyền hình trực tiếp ở những sân khấu lớn, ca sĩ được yêu cầu hoặc được phép hát nhép để đảm bảo chất lượng, nhưng thông thường đó là những chương trình không bán vé. Còn trong một chương trình ca nhạc có bán vé, nếu có bài hát được ca sĩ thể hiện bằng lip-sing (hát nhép) thì phải có thông báo trên băng rôn của chương trình. Nhưng theo quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm Nghị định 103/2009 NĐ-CP thì "việc "hát nhép" (hay nói cách khác là dùng giọng hát thu trong băng đĩa thay cho giọng hát thật) bị cấm từ ngày 1/1/2010", nhưng không thấy nói đến biện pháp xử lý nếu ca sĩ cố tình vi phạm.

Rõ ràng, nếu chỉ "cấm suông" mà không kèm những biện phát xử phạt nghiêm khắc thì "bệnh cũ tái phát", hiện tượng ca sĩ hát nhép vẫn sẽ xảy ra như cơm bữa. Liều "thuốc đắng" ở đây có thể thấy ngay rằng nếu việc xử phạt bằng tiền được tiến hành khi phát hiện ca sĩ hát nhép ở những chương trình ca nhạc chính thống (những chương trình được cấp phép) thì cùng với đó là việc ca sĩ dễ bị "chỉ mặt, đặt tên". Chỉ có như vậy mới khiến các ca sĩ nghiêm túc, thận trọng hơn trong việc hành nghề, bởi vì nếu bị công luận "chỉ mặt đặt tên" đồng nghĩa với việc uy tín của ca sĩ đó sẽ bị suy giảm, thậm chí họ còn bị tẩy chay. Giống như câu chuyện của ca sĩ Quỳnh Nga, qua sự cố nói trên, hẳn phải bằng tài năng, nỗ lực thực sự thì may ra cô mới lấy lại được tình cảm đã mất từ phía khán thính giả.

Xét ở góc độ ca sĩ, việc hát nhép hay nói cách khác là việc biểu diễn một cách giả dối khiến họ được lợi đủ đường: không phải tốn sức, không phải nỗ lực hát hay hơn…Vì vậy, chỉ đòi hỏi ở một số nghệ sĩ lương tâm nghề nghiệp, tự trọng nghề nghiệp thì xem ra là điều… xa xỉ, bởi với họ, chỉ có tiền catsê ngày càng cao là hấp dẫn họ. Chỉ khán giả là người chịu thiệt thòi vì họ phải tiếp nhận những sản phẩm văn hóa được trình diễn bằng một hình thức thiếu văn hóa. Bởi vậy, đã đến lúc phải có những quy định bổ sung về việc xử phạt một cách rõ ràng, thậm chí còn có thể có quy định về việc "cấm hát" giống như quy định cấm tham gia trận đấu tiếp theo đối với cầu thủ bị phạt thẻ đỏ trong bóng đá thì may ra mới có hiệu quả.

Vừa qua, sự việc ca sĩ trẻ Uyên Linh - quán quân của Việt Nam Idol bị rơi vào nghi án hát nhép bài hát "Đường cong" đã khiến cư dân mạng gần như lên cơn sốt, cho đến khi có sự tham gia phân tích của những chuyên gia âm nhạc chứng minh rằng Uyên Linh không hề hát nhép. Điều đó cho thấy, khán giả Việt cũng không hề dễ dãi. Họ không bao giờ muốn mình bị lừa và ở một mức độ nào đó, họ mong được hưởng thụ những chương trình ca nhạc có chất lượng thực sự. Bởi vậy, "liều thuốc đắng" cho căn bệnh trầm kha của làng ca nhạc Việt Nam chính là cần sự ra tay của các cơ quan quản lý văn hóa và thái độ "tẩy chay" của khán giả đối với những ca sĩ đã kém tài, lại kém cả đức

Nguyệt Hà
.
.