Tự nhiên rất cần được đền đáp

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:37
Có lẽ, tất cả chúng ta đều cảm thấy run rẩy, sợ hãi thực sự khi đọc những dòng tin về tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền trung, trải dài từ Hà Tĩnh vào tới Lăng Cô, mà nguyên nhân ban đầu được các cơ quan chức năng dự đoán là do nước thải công nghiệp từ KCN Vũng Áng được xả thẳng ra biển. 


Những con cá biển, những con mực… không hề vô tri. Cái chết của chúng đánh thức chúng ta, một cách trực diện, rằng chính con người cũng có thể sẽ chết như thế, quằn quại và đau đớn, bất lực và bế tắc chỉ vì sự tham lam, xuẩn ngốc và độc ác của chính mình trong cách hành xử với đồng loại, với môi trường. Đây không phải là lần đầu tiên một khu công nghiệp đã vi phạm an toàn môi trường khi xả thải chất độc ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân và môi trường. Những vụ án như sông Thị Vải cách đây chưa xa là một ví dụ.

Nhưng trong khi tất cả chúng ta đang run rẩy, sợ hãi với những dòng thông tin kể trên; đúng lúc chúng ta phẫn nộ lên án sự vô trách nhiệm của những nhà máy trong khu công nghiệp nọ cũng như sự kém cỏi của các cơ quan quản lý nhà nước với tình trạng ngang nhiên ấy, chúng ta đã bỏ qua những chi tiết nhỏ nhưng lại không nhỏ một chút nào. Đó là không khí ở ngay thủ đô Hà Nội đang bị cảnh báo ô nhiễm.

Cá chết hàng loạt ở biển Vũng Áng.

Chúng ta, những người dân thị thành, có khác gì những con cá biển kia không, khi phải sống trong một môi trường bị người khác (mà có khi lại do chính chúng ta nữa) xả thẳng khí thải một cách vô tội vạ?Và chắc chắn, không chỉ Hà Nội là thành phố duy nhất ô nhiễm không khí như thế. Nếu đo lường, quan trắc đàng hoàng, chúng ta có thể nhận ra rằng TP Hồ Chí Minh hay các đô thị công nghiệp khác cũng ô nhiễm không kém. Suy cho cùng, tất cả chúng ta cũng như loài cá biển kia thôi. Chỉ có điều, cái chết đến từ từ hơn, chậm rãi hơn, và vô hình hơn…

Phải thừa nhận rằng, song song với việc phát triển mục tiêu kinh tế, gần 30 năm nay chúng ta đã vội vã đến mức quên đi mất chuyện phải bảo vệ tự nhiên, phải luôn nhớ rằng con người dựa vào tự nhiên mà sinh tồn. Chúng ta cứ hân hoan khánh thành, khai trương những dự án lớn lao này, công trình vĩ đại kia mà quên mất cái câu "ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt".

Hạn hán diện rộng ở miền Tây Nam Bộ có thể được lý giải bằng đập thủy điện của Trung Quốc, của Lào, của Cambodia nhưng hạn hán chết cây Cà Phê những ngày qua ở cao nguyên trung phần thì không thể lý giải bằng cách đó. Tây Nguyên hoang dã đã không còn hoang dã nữa. Tây Nguyên khoáng đạt đã không còn nhiều rừng, không còn nhiều muông thú như ngày xưa nữa. Và chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hệ lụy này, khi chúng ta chỉ nghĩ đến cái lợi mà nâng chén cơm lên, quên đi chén nước mắt của thiên nhiên vĩ đại.

Các ban ngành chức năng đang vào cuộc trong vụ điều tra cá chết ở biển Vũng Áng.

Có một câu chuyện mà có lẽ tất cả chúng ta nên đọc và suy ngẫm để nhận thấy rằng, trở về với tự nhiên, bảo vệ tự nhiên chính là tạo ra một cuộc sống chất lượng bền vững nhất. Đó là trong lúc giới khoa học trên thế giới lo ngại về tác dụng phụ mang lại từ việc sử dụng các sản phẩm từ giống bò Belgian Blue, giống bò biến đổi gene và được mệnh danh là "bò cơ bắp" khi chúng mang lại thành phẩm siêu sữa, siêu nạc, thì ở Phước Bình, Ninh Thuận, nhiều năm qua một con bò tót rừng đã giao phối tự nhiên với bò cái nhà của một loạt hộ nông dân trong vùng và để lại đàn con lai F1 rất quý hiếm.

Con bò tót rừng kia nay đã chết, nhưng những đàn con lai nó để lại, với trọng lượng tới 1 tấn, đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân, những người ban đầu vốn sợ hãi và lo buồn vì chú bò tót kia đã tấn công hết cả bò đực giống của cả thôn. Nhưng bây giờ, khi có hộ nông dân đã thu được tới 500 triệu nhờ bán lứa bò lai F1 của mình, người dân mới thừa nhận rằng đó chính là "lộc trời".

Vâng, đó chính là thứ quý giá nhất mà tự nhiên đem lại, không một thứ công nghệ can thiệp nào có thể sánh bằng. Và khi tự nhiên luôn sẵn lòng cho con người nhiều thứ như vậy, tại sao chúng ta lại phá hủy nó mỗi ngày, thay vì đón nhận và chăm sóc tự nhiên như một sự đáp đền ân huệ. Để rồi một mai, chính chúng ta than vãn về những gì mình phải trải qua, đau đớn, như những con cá đang chịu nạn kiếp từ một số vùng biển miền Trung.

Hà Quang Minh
.
.