Từ lợi thế đến vị thế

Thứ Năm, 16/11/2017, 13:16
Hội nghị Cấp cao APEC 2017 đã kết thúc tốt đẹp và để lại những ấn tượng tốt về nước chủ nhà, một Việt Nam từng tổ chức hội nghị tương tự vào năm 2006. Việc địa phương diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC chịu hậu quả nặng từ thiên tai trước đó vài ngày nhưng nhanh chóng trở lại ngăn nắp, quang đãng, trang trọng và an ninh đã tạo một dấu ấn về một Việt Nam kiên cường đúng nghĩa đối với quan khách quốc tế.


Sự xuất hiện của các nguyên thủ quốc gia các cường quốc ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế. Và cơ bản, tầm quan trọng ấy không chỉ nằm ở chỗ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có một giá trị cực lớn về địa chính trị mà nó còn ẩn chứa ở một phương diện khác.

Là một quốc gia có tổng dân số đứng hàng thứ 15 trên thế giới (theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, còn theo các nguồn thống kê khác, tính đến tháng 6-2016, dân số Việt Nam đứng hàng thứ 14 trên thế giới), Việt Nam rõ ràng là một vùng thị trường giàu tiềm năng cả về tiêu thụ lẫn về nguồn nhân lực. Vì thế, dù mới chỉ là một nước đang phát triển, đang còn gặp vô vàn khó khăn, trở ngại, thách thức đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn có một vị trí chiến lược trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Và với những lợi thế như thế, Việt Nam cần làm gì để cải thiện vị trí của mình hơn nữa, tạo nên sức mạnh thực sự của mình để khi bạn bè quốc tế nhắc tới chúng ta, họ không chỉ nhớ đến một thế kỷ chiến tranh đã qua hay các điều kiện lý tưởng về địa chính trị hoặc vùng thị trường.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC mặc đồng phục màu xanh biển và trắng ngà, cùng phu nhân chụp ảnh tập thể trước tiệc chiêu đãi tối 10-11. Ảnh: Twitter.com/JustinTrudeau.

Trong phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại APEC vừa qua có một nhận xét mà có lẽ chúng ta sẽ phải suy ngẫm, bàn luận nhiều. "An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia", ông Donald Trump đã phát biểu ngắn gọn như thế và thông qua tất cả các hoạt động của những người đứng đầu các nền kinh tế APEC vừa rồi, chúng ta càng nhận thấy các quốc gia nâng cao tầm quan trọng của an ninh kinh tế như thế nào. Và chúng ta càng rõ hơn, với bất kỳ ai, quyền lợi quốc gia, quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn, còn lại, tất cả những thứ khác đều chỉ là các ưu tiên tạm thời tùy theo tình thế mà thôi.

Tất cả chúng ta đều hiểu, mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia thực ra chỉ là một khái quát hoá hơn nhưng cũng chi tiết hoá hơn mối quan hệ giữa con người với con người. Một người nghèo, vị thế của anh ta sẽ không được coi trọng khi tiếp xúc với những người giàu có hơn mình. Một quốc gia nghèo cũng vậy. Lợi thế sẽ khác với vị thế. Các cường quốc coi trọng lợi thế của một quốc gia nghèo song không coi trọng vị thế của quốc gia ấy và tất nhiên, họ sẵn sàng can thiệp nếu sự can thiệp đó có lợi cho quốc gia và dân tộc của họ.

Việt Nam còn nghèo. Và để tạo dựng vị thế, không có cách nào khác hơn phải trở nên giàu mạnh. Muốn giàu mạnh, đặc biệt phải chú trọng đến an ninh kinh tế, nhất là khi chúng ta tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hợp tác quốc tế, nơi mà vị thế sẽ chỉ ra rất rõ giá trị thực tế của mình.

Như vậy, an ninh kinh tế cần phải được đặt lên hàng đầu và hiểu thế nào về an ninh kinh tế cũng là câu chuyện cần phải được đào sâu nghiên cứu. Nó không chỉ là bảo vệ nền kinh tế bằng các công cụ chúng ta có trong tay để giữ một môi trường đầu tư, sản xuất, thương mại, dịch vụ trong sạch, minh bạch, không bị tác động xấu từ các tấn công cạnh tranh không lành mạnh lẫn các hành vi phá hoại, mà nó còn là việc xây dựng một hệ giá trị từ nền tảng văn hoá, xã hội, một hệ giá trị được thấm nhuần bởi từng cá nhân, một hệ giá trị đề cao tính tự tôn dân tộc - quốc gia nhưng hài hòa với các điều ước quốc tế; xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ luôn mang ý thức "quốc gia tình thần", tức là bảo vệ, xây dựng một quốc gia trong tinh thần chứ không chỉ là một quốc gia thể lý với những đường biên cổ điển.

Trong thời đại 4.0 này, thực sự một quốc gia thể lý đơn thuần như truyền thống chỉ còn là khái niệm mang tính pháp lý mà thôi. Thực tế, một tập đoàn lớn, toàn cầu cũng có thể là một quốc gia riêng, một quốc gia "ảo" mà không hề ảo, với các công dân riêng của nó.

Đơn cử như Facebook chẳng hạn. Đó cũng có thể được coi là một quốc gia với mỗi tài khoản người dùng như một công dân. Quốc gia ấy có "GDP" của nó đủ để nhiều quốc gia phải mơ ước và ghê gớm hơn, nó có thể can thiệp vào tình hình nội bộ của những quốc gia, vùng lãnh thổ đang trong giai đoạn nhạy cảm chính trị. Ví dụ về điểm nóng Catalonia ở Tây Ban Nha là cụ thể nhất.

Thực tế, chỉ có khoảng 2 triệu người tham dự cuộc trưng cầu độc lập, trong khi có tới 5 triệu người Catalonia khác đứng ngoài cuộc. Và khi cuộc khủng hoảng lên đỉnh điểm, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Pháp, đã có những người Catalonia nói rằng "Họ (những người muốn độc lập) chỉ có gần 2 triệu còn chúng tôi (những người muốn là công dân Tây Ban Nha) có hơn 5 triệu". Sẽ khó có thể có được một khủng hoảng phi lý như thế cách đây khoảng hơn 20 năm.

Đơn giản, khi chưa có mạng xã hội như Facebook, Twitter…, những quốc gia "ảo mà không ảo", những nhóm thiểu số khó có thể tạo ra cảm giác họ đang đại diện đa số như hôm nay. Và đổi lại, Catalonia nói riêng và Tây Ban Nha nói chung đang có gì? Sẽ là một năm kinh tế bị ảnh hưởng quá nhiều khi các cuộc biểu tình, diễu hành làm đình trệ hoạt động kinh doanh sản xuất.

Rõ ràng, an ninh kinh tế đã bị ảnh huởng rất lớn khi Catalonia bị chia rẽ chỉ vì 100% dân số của họ không mang trong mình một "quốc gia tinh thần", tức là dù ở đâu, làm gì, cương vị nào, họ giữ một tinh thần Tây Ban Nha là một quốc gia duy nhất của họ.

Việc báo chí New Zealand đưa tin nữ Thủ tướng Jacinda Ardern bất ngờ thú vị khi nhận được quà tặng là bức chân dung sơn dầu của chính bà từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho chúng ta một tín hiệu vượt quá cả sự tích cực có được từ 1 món quà văn hoá và ý nghĩa. Bức chân dung sơn dầu ấy, một tác phẩm nghệ thuật, trước hết nó quý bởi tính độc bản.

Tính độc bản, cũng chính là tinh thần tôn trọng bản quyền, một tinh thần cần phải đáp ứng khi tham gia các hợp tác thương mại quốc tế. Nó cũng là thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam muốn khẳng định mình hơn nữa ở thị trường nghệ thuật sau những đánh giá tích cực nhưng còn lẫn nghi ngại (về nạn xâm hại bản quyền) gần đây của quốc tế về thị trường tranh Việt Nam.

Nhưng hơn hết, nó tạo một suy nghĩ tích cực cho mỗi người Việt rằng, khi một món quà cấp cao của Việt Nam đủ khiến đối tác quốc tế cấp cao của mình ngạc nhiên và thú vị, điều đó nuôi dưỡng cho chúng ta một tinh thần tự tôn rằng mình có thể làm được, và sẽ làm được nếu tất cả đều có một ý thức làm đúng vì quốc gia.

 Và để kết lại, không dẫn chứng nào hấp dẫn bằng phát biểu của bà Lê Duy Loan, một tiến sĩ người Mỹ gốc Việt được coi là có uy tín lớn ở đất nước của Tổng thống Donald Trump. "Mẹ ơi, con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu hiên ngang", bà đã đọc câu đó trên chính bục diễn giả của mình dù bà mang quốc tịch Mỹ, đóng góp nhiều cho khoa học nước Mỹ. Nhưng trong suy nghĩ của bà, có một quốc gia tinh thần khác thiêng liêng hơn rất nhiều: Việt Nam.

Mỗi chúng ta, nếu ý thức về quốc gia tinh thần mạnh mẽ hơn nữa, rõ ràng hơn nữa ngay trong từng hành động của mình, chắc chắn chúng ta sẽ thay đổi được vận mệnh khi biến Việt Nam từ một quốc gia có lợi thế trở thành một quốc gia có vị thế.

Hà Quang Minh
.
.