Từ cuộc ly hôn của vợ chồng Bill Gates nghĩ về văn hoá của hôn nhân

Thứ Bảy, 15/05/2021, 14:20
Hôn nhân vốn được coi là một quy luật tất yếu. Nó không chỉ có vai trò quan trọng với một con người, mà còn liên quan đến cộng đồng và dân tộc. Nhưng, theo thời gian, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, quan niệm ấy có bị lung lay.


Ai từng đọc truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, hẳn vẫn nhớ câu nói của bà cụ Tứ: "Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...". 

Vào thập niên 90 của thế kỉ trước, nhiều cặp vợ chồng trẻ từng xây dựng tổ ấm bằng cách nhen nhóm như thế để rồi khi đã đủ ăn, đủ mặc, tối tối cả nhà quây quần bên chiếc tivi xem bộ phim "Người giàu cũng khóc". Nhưng, chính từ bộ phim từng tạo ra cơn sốt ấy, chúng ta dần hiểu ra: Người giàu đâu phải đã hạnh phúc.

Gần đây, khi theo dõi thông tin về các cuộc ly hôn đình đám của các cặp vợ chồng Sergey Brin và Anne Wojicki, người đồng sáng lập Google vào tháng 6-2015; của vợ chồng ông trùm dầu mỏ Harold Hamm và Sue Ann Arnall năm 2015; Jeff Bezos - MacKenzie Scott (ông chủ Amazon) vào ngày 5-7-2019; và gần đây nhất là khi vợ chồng Bill Gates và vợ Melinda Gates chia tay; ở Việt Nam là vụ tranh chấp ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên)… đã đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Phải chăng đang có một sự khủng hoảng về hạnh phúc gia đình? Thậm chí còn có người cho rằng, sinh mệnh của một thiết chế xã hội lâu đời nhất đang đứng trước nguy cơ bị khai tử khi chưa có lời giải cho bài toán về tỉ lệ nghịch giữa sự giàu có và hạnh phúc.

Khi những cặp vợ chồng giàu có vẫn không có được hạnh phúc. 

Hôn nhân vốn được coi là một quy luật tất yếu. Nó không chỉ có vai trò quan trọng với một con người, mà còn liên quan đến cộng đồng và dân tộc. Nhưng, theo thời gian, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, quan niệm ấy có bị lung lay. 

Trong khi các nhân vật nổi tiếng luôn đưa ra những lời khẳng định chắc nịch về gia đình như: "Gia đình là điều quan trọng nhất trên thế giới này" (công nương Diana); Elizabeth Berg thì cho rằng: "Bạn được sinh ra từ gia đình của mình và gia đình được sinh ra từ trong bạn. Không mưu cầu. Không đổi chác"… thì lại có một thực tế khác đi ngược lại những định nghĩa ấy. 

Bà Melinda Gates-người đệ đơn ly hôn đã ghi rõ: "Tan vỡ không thể cứu vãn", đó phải chăng là một bài học đắt giá về hôn nhân của người sống bên Chủ tịch Tập đoàn Microsoft sau 27 năm. Trong khi, những người chưa hề bước vào cuộc sống gia đình đã thấm thía và ngần ngại về những nguy cơ không có được hạnh phúc gia đình. 

Theo thống kê, tại Úc và New Zealand, cứ 7 phụ nữ thì có 1 người ở độ tuổi 45-49 chưa kết hôn. Còn ở Mỹ, khoảng 25% thanh niên hiện nay được dự báo có khả năng vẫn sẽ độc thân khi chạm ngưỡng 50 tuổi. Trong khi đó, tại Nhật Bản, khoảng 1/3 số phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn và nhiều khả năng 50% trong số họ sẽ sống độc thân cả đời. 

Trong bài báo có nhan đề: "Vì sao giới trẻ hiện đại ngại kết hôn?" (Báo Tuổi trẻ), tác giả An Nhiên chỉ ra các nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngày nay ngại kết hôn, đó là: Muốn tự do phát triển sự nghiệp; áp lực tài chính; mất lòng tin vào hôn nhân. Trong một số bài phân tích khác, các tác giả cũng tập trung vào hai nguyên nhân chính: Cuộc sống gia đình kìm hãm sự phát triển của bản thân và không thật sự tin tưởng vào sự gắn kết với người bạn đời. 

Điểm qua những phát ngôn của người nổi tiếng, chúng ta cũng gặp những e ngại như thế. Người đẹp Lý Nhã Kỳ từng chia sẻ: "Nếu lấy chồng mà cho có thì Kỳ nghĩ Kỳ đã lấy chồng từ sớm rồi. Còn lấy chồng để mình có cảm giác tâm hồn được sưởi ấm, được che chở và có sự chia sẻ, đồng điệu thì không hề dễ" (theo Báo Thanh niên).

Không thể để phụ nữ phải hy sinh quá nhiều cho cuộc sống gia đình.

Từ những thực tế đó, đặt ra cho chúng ta một trăn trở: Có phải hôn nhân không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại khi có một tỉ lệ nghịch giữa chất lượng cuộc sống và hạnh phúc hay chúng ta chưa biết tạo ra hạnh phúc khi đã giàu có và nhàn hạ. Người viết xin đưa ra một vài suy ngẫm như sau:

1.Để có được hạnh phúc, chúng ta cần thật sự lắng nghe lời than thở của những người vợ, coi đó là sự phản biện. Bà Melinda kể rằng, bà từng tức giận vì Bill mải mê đọc một cuốn sách về cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill thay vì giúp bà chuẩn bị đồ cho ba đứa con của họ đi chơi hoặc thu dọn đồ đạc lên xe; bạn Phương Đào (Hà Nội) cho hay: "Vì xã hội chưa bình đẳng, trách nhiệm của phụ nữ còn quá nặng nề, trong khi bản thân họ ngày càng vững vàng về kinh tế, có chỗ đứng trong xã hội thì dại gì mà "rước" cái cực vào thân. Nam giới lập gia đình chỉ lo làm kinh tế. Còn phụ nữ phải sinh đẻ, hy sinh sự nghiệp để chăm sóc con cái, hoặc vừa chu toàn gia đình, vừa làm kinh tế, lại còn cảnh đi làm dâu. Nghe đã "hãi" nói gì lấy chồng" (theo ViệtNamnet). Khi gánh nặng cuộc sống từ giá cả hàng hóa, việc giáo dục con cái, bệnh tật sau sinh nở, ứng xử trong đại gia đình, họ mạc… chất lên vai người phụ nữ, họ cần một sự chia sẻ thật sự. Không phải gánh nặng ấy quá lớn mà họ đang quá cô độc.

2.Để có được hạnh phúc, cần phá bỏ những định kiến và xác lập những quan niệm mới về một người vợ. Những định kiến đã quá lỗi thời như "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", "dâu con, rể khách" cần được nhìn nhận ở góc độ tinh thần, tình cảm chứ không nên trở thành sự ràng buộc máy móc, trói buộc người phụ nữ. Phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế, một người vợ, người mẹ trong xã hội hiện đại chỉ cần một phần trách nhiệm với gia đình, phần còn lại là của người chồng, là sự tự lập của người con khi đã lớn. Người phụ nữ không thể làm tròn vai, không thể sống như một sự minh họa cho những định kiến xã hội mang tàn dư từ thời phong kiến trong cuộc sống gia đình hôm nay. 

3.Người phụ nữ cũng không cần phải hy sinh quá nhiều cho gia đình như một sự đánh mất quyền chủ động. Có thể, suy nghĩ này sẽ là sự phản đề với những bí quyết về hạnh phúc gia đình. Nhưng, lòng biết ơn không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự chung thủy từ phía người chồng, sự trân trọng từ phía các người con. 

Người phụ nữ chỉ biết hi sinh là người phụ nữ đã không còn vị thế, không có sự lựa chọn nào khác và sẽ bị đẩy vào thế yếu như TS Vũ Thu Hương từng phân tích: "Ai cũng có cuộc đời của mình. Chẳng có lý do gì để bạn phải hy sinh tất cả cho gia đình. Nếu có ai đó cứ ấn vào tay bạn một món đồ mà bạn không muốn nhận, bạn cảm thấy thế nào? Chắc chắn là không thích rồi. Chẳng ai thích sống với người hy sinh cho người khác rồi lại đòi người ta phải cảm ơn mình đâu. Sự hy sinh của bạn là tự nguyện, nhưng phụ nữ cũng cần phải biết hy sinh một cách thông minh và luôn trân trọng bản thân mình". 

Để cuộc sống gia đình trở nên hạnh phúc, cần có một thứ văn hóa hôn nhân. Ở đó, mọi thứ cần được tối giản, trở lại với cái gốc của mối quan hệ giữa hai người là tình bạn. Một tình bạn của hai người đồng điệu tâm hồn, hài hòa quan niệm sống, công bằng trong trách nhiệm với gia đình và xã hội. Một thứ văn hóa thoát ra khỏi sự giám sát của dư luận, của những mẫu hình cứng nhắc để phù hợp từng tính cách, từng gia cảnh. Một thứ văn hóa linh hoạt, uyển chuyển nhưng bất biến ấy là sự chia sẻ và trân trọng. 

Khi con người còn cảm thấy ai đó trở nên quý giá, quan trọng thì còn cảm thấy hạnh phúc khi ở bên người đó. Bởi thế, hạnh phúc của gia đình là một thứ tài sản mà tất cả đều phải nỗ lực tạo ra, cùng gìn giữ và sử dụng nó. Hạnh phúc của gia đình không chỉ giúp hai người gắn kết, mà còn là giá trị, một thứ di sản ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và tâm hồn của những người con được lớn lên trong tổ ấm ấy. Văn hóa của hạnh phúc cũng chính là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau.

Lương Việt
.
.