Truyện tranh phát triển theo hướng nào?

Thứ Tư, 30/09/2015, 08:00
Ngày hội truyện tranh - Vietnam Comics Day, vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thu hút không ít sự quan tâm của dư luận cả nước. Truyện tranh từ lâu không phải là món ăn tinh thần xa lạ, nhưng truyện tranh Việt vẫn chập chững những bước dò dẫm để tìm đường tồn tại.

Chiếm lĩnh toàn bộ thị trường truyện tranh nước ta hiện nay là các tác phẩm nước ngoài. Nhiều nhất vẫn là truyện tranh Nhật Bản. Vì sao chỉ trong vòng hai thập niên vừa qua, truyện tranh Nhật Bản đã có mặt khắp thế giới? Nếu trả lời được câu hỏi ấy thì truyện tranh Việt sẽ có cơ hội phát triển!

Ngày hội truyện tranh được vun đắp và được thực hiện, với mục đích quan trọng là khơi dậy tình yêu của công chúng dành cho truyện tranh Việt. Hầu hết những người tham gia Ngày hội truyện tranh đều rất trẻ, nhiều nhiệt huyết và nhiều ý tưởng. Đội ngũ tác giả truyện tranh lứa tuổi 8X, 9X mong muốn thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng để tạo đà cho truyện tranh Việt có sức cạnh tranh với tác phẩm nước ngoài. Cách làm này không tệ, nhưng nhìn trên tổng thể, vẫn là giải pháp tạm thời.

Bộ truyện tranh được làm bằng hình thức gây quỹ cộng đồng!

Truyện tranh, trước hết phải xác định là một sản phẩm của thời đại nghe nhìn, không thể loay hoay trong cái vòng tay từ thiện chật chội và lỏng lẻo. Không ai có thể vì lòng bao dung để thường xuyên bỏ tiền cho một sản phẩm mà họ không mấy thỏa mãn. Hàng hóa phải được đánh giá và được tiêu thụ dựa trên chất lượng thực sự.

Phải thẳng thắn thừa nhận, truyện tranh Việt chưa thể so được với truyện tranh nước ngoài về mọi mặt, kể cả nét vẽ, ngôn ngữ lẫn tính hấp dẫn, tính logic. Vì sao? Người Việt không có khả năng làm truyện tranh ư? Không hẳn, cốt lõi là chưa có sự đầu tư hợp lý. Lâu nay truyện tranh Việt được sáng tác và xuất bản kiểu… ngẫu hứng, không hề có chiến lược khuyến khích hay cơ chế vận hành. Nếu có chính sách ưu đãi hợp lý cả về thuế lẫn về nhuận bút, thì một đơn vị có sẵn tiềm lực tài chính hùng hậu và hệ thống phân phối rộng rãi như Nhà xuất bản Giáo dục, hoàn toàn có thể tạo ra đột phá lớn về truyện tranh!

Nhiều năm qua, NXB Kim Đồng cũng thực hiện những cuốn truyện tranh dựa theo kho tàng cổ tích Việt Nam. Gần đây, để mở rộng cảm hứng cho tác giả lẫn độc giả, truyện tranh của NXB Kim Đồng lấy cảm hứng lịch sử để xây dựng những tác phẩm khá tươi mới như "Cậu bé rồng", "Thành Rồng", "Đại Cồ Việt", "Vạn Xuân"…  Trong khi đó, công ty sách tư nhân Phan Thị được xã hội ghi nhận vì bộ truyện tranh "Thần đồng Đất Việt" với số tượng phát hành mỗi tập đều lên đến 3 vạn bản. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị tự tin rằng, truyện tranh Việt vẫn cần phải có thêm thời gian để hoàn thiện. Muốn làm tốt hơn, trước hết phải thay đổi tư duy trong cách đào tạo đội ngũ họa sĩ trẻ. Rồi khi đã có tranh đẹp và đảm bảo tính động, truyền tải được cảm xúc nhân vật, thì những người làm nội dung phải lồng được vào đó những kịch bản hay, mang đậm văn hóa Việt. Tạo phong cách riêng là một chuyện, điều quan trọng là chúng ta phải biết học tập có chọn lọc những cái hay của truyện tranh nước ngoài. Truyện tranh dù là phương Tây hay Nhật Bản cũng có những tác phẩm mang đến những bài học sâu sắc. Đó là cái mà chúng ta cần phải học tập. Truyện tranh trong nước phải đáp ứng được những nhu cầu và những thước đo, phải có lồng những bài học, những giá trị sống thì nó mới có thể tồn tại!

Các tác giả trẻ trong Ngày hội truyện tranh kêu gọi độc giả ứng trước tiền mua sách để duy trì từng tập sách, vừa có vẻ đẹp "tự lực cánh sinh" lại vừa có xót xa "tình thương mến thương". Trong nỗ lực ấy, có thể nhắc đến thành công của các tác phẩm "Truyền thuyết Long Thần Tướng", "Nhật ký Mèo Mốc", "Học sinh chân kinh"...

Hãy tham khảo bài học Nhật Bản, để thúc đẩy thị trường truyện tranh, họ đã cùng lúc làm hai việc: Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý bản quyền. Thứ hai, kêu gọi các tập đoàn kinh tế góp sức! Trên cơ sở ấy, Nhật Bản đã có nền công nghệ truyện tranh đạt doanh thu hàng triệu USD mỗi năm!

Tuy Hòa
.
.