Truyền thông Mỹ đắn đo bắt tay với Facebook

Thứ Sáu, 05/06/2015, 08:31
Sáng 13/5 (giờ Mỹ), báo New York Times chính thức khai trương hoạt động xuất bản tin tức trực tiếp trên mạng xã hội Facebook theo một thỏa thuận đạt được trước đó giữa hai đơn vị. Giới thạo tin cho hay, New York Times sẽ đăng tải những bài báo chọn lọc của họ trực tiếp trên Facebook. Cùng với đó, các hãng truyền thông khác như Buzzfeed, NBC News và National Geographic cũng đã tuyên bố tham gia hình thức cấp tin này.

"Đế chế" Facebook

Còn nhớ vào sáng sớm 1/5, các biên tập viên của nhiều website lớn ở Mỹ như Gawker, Vice và Mashable giật mình sửng sốt khi tất cả những đường link bài viết họ đưa lên Facebook đồng loạt biến mất. Theo đó, lượng người dùng truy cập vào các trang của họ cũng tụt dốc thê thảm.

Sự việc xảy ra chỉ sau 10 ngày Facebook thay đổi thuật toán đối với ứng dụng cấp tin (news feed) của họ. Sự việc khiến nhiều trang web lo ngại tình trạng sụt giảm lượng truy cập của người dùng có thể thấy trước như là hệ lụy kéo theo từ một phen chỉ như "hắt hơi sổ mũi" của "đại gia" Facebook.

Ngay lập tức các cuộc điện thoại khẩn từ giới lãnh đạo website tới tấp đổ dồn về trụ sở điều hành Facebook. Chỉ trong vòng 30 phút, sự cố gần như được khắc phục và mọi việc lại trở về bình thường.

Sự việc này cho thấy một thực trạng đang dần trở nên hiển nhiên: Các công ty truyền thông, đặc biệt truyền thông online đang ngày càng phụ thuộc lượng truy cập của họ vào mạng xã hội Facebook. Những thay đổi trong nguồn cấp tin của Facebook đều có thể gây tác động đáng kể tới hiệu quả hoạt động của họ.

Những lo ngại về các ý đồ (chưa thể lường hết) của đại gia công nghệ mạng xã hội trong lĩnh vực tin tức truyền thông gia tăng trong nhiều tuần gần đây khi Facebook công bố sáng kiến có tên "Instant Articles" (tạm dịch là "Báo nóng") của họ.

Đây là ứng dụng cho phép xuất bản trực tiếp các bài báo của những hãng truyền thông lớn như New York Times, National Geographic và Buzzfeed, thay cho cách dẫn lại đường link truy xuất tới trang gốc của báo như trước.

Tờ Wall Street Journal cũng đã thảo luận với Facebook về chương trình này nhưng chưa được chấp thuận tham gia.

Nhiều đơn vị truyền thông đang nghe ngóng thận trọng về các thỏa thuận hợp tác chi tiết liên quan với hy vọng Facebook sẽ giúp họ chiếm lĩnh tốt hơn thị trường quảng cáo trên di động.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 39/50 trang tin tức của Mỹ hiện có lượng truy cập từ điện thoại di động nhiều hơn từ máy tính.

Trong khi nhiều trang tin đang vật lộn với việc kiếm lời từ lượng người dùng thiết bị di động ngày càng tăng thì Facebook cũng chứng tỏ họ là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán quảng cáo trên điện thoại di động.

Năm ngoái, công ty này chiếm 35% thị phần quảng cáo trên di động. Trong khi đó, theo hãng nghiên cứu thị trường eMarketer, về phương diện này, Google còn "chạy dài" vì chỉ đạt 12% thị phần.

Còn tất nhiên, theo thống kê tổng thể gồm cả tìm kiếm và các dạng thức quảng cáo trên di động khác, Google vẫn giành thế quán quân với 37% thị phần, còn Facebook chỉ đạt 18%.

Bắt tay trong thấp thỏm

Hiện tại, cơ chế ăn chia trong việc hợp tác xuất bản tin trực tiếp trên mạng xã hội của Facebook rất hấp dẫn. Tờ Wall Street Journal cho biết, đơn vị cấp tin sẽ được hưởng 100% doanh thu quảng cáo kèm theo các bài báo nếu họ tự bán và hưởng 70% doanh thu nếu Facebook bán cho họ.

"Tôi nghĩ là mọi người đều thấy 70% sẽ tốt hơn là không có gì", Jon Steinberg - Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của trang Dailymail.com nói. "Chúng tôi cũng muốn xuất hiện trên Facebook nếu chúng tôi được mời tham gia".

Tuy nhiên nhiều lãnh đạo cao cấp của một số trang web khác còn ngần ngại không biết liệu rằng thỏa thuận ăn chia đó đã phải là cơ chế cuối cùng chưa. Hay đó chỉ là chiêu bài của đại gia công nghệ nhằm lôi kéo các đơn vị xuất bản vào tình trạng mang tính lệ thuộc, từ đó dẫn tới quyền năng ép giá tuyệt đối và tầm ảnh hưởng vượt trội cho Facebook trước các đơn vị cấp tin trong tương lai.

Mike Dyer, giám đốc chiến lược của trang Daily Beast cho biết, giới báo chí cũng đã rút ra kinh nghiệm từ những thương vụ hợp tác trước đó với Google, trong đó cả việc những thỏa thuận ăn chia lợi nhuận bị thay đổi dần theo thời gian. Ông nói: "Chúng tôi nhận thấy những điều khoản thỏa thuận rốt cuộc đã thay đổi. Ai biết được chuyện đó không tái diễn chứ?".

Trước đó một phát ngôn viên của Google từng nói, tất cả các trang tin tức sử dụng dịch vụ quảng cáo được chuẩn hóa của Google sẽ không bị thay đổi về những thỏa thuận phân chia doanh thu theo thời gian. Nhưng rồi đã có những cuộc thương thuyết riêng và qua các năm đã có sự lên, xuống về tỉ lệ đó.

Facebook từ chối không bình luận về vấn đề này.

Cũng theo WSJ, Facebook không đòi hỏi các hãng truyền thông phải cung cấp cho họ những sản phẩm báo chí độc quyền tại Instant Articles. Tuy nhiên những nội dung có chất lượng sẽ được hiển thị nổi bật trong phần cấp tin và tốc độ tải xuống cũng nhanh hơn trên điện thoại di động. Điều này khác hẳn với tốc độ duyệt tin khi người dùng phải nhấp chọn đường link bài viết.

Chuyển từ Google qua Facebook

Những năm qua, các hãng thông tấn đã thích nghi với việc tùy chỉnh cách cấp tin để phù hợp với cỗ máy tìm kiếm Google, nguồn lực chính giúp họ tăng lượng truy cập web. Các biên tập viên được đào tạo để viết những tít bài có khả năng xuất hiện trước nhất ở trang kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google. Nhưng nay thì họ lại phải đương đầu với một thách thức khác trước quyền lực của đế chế Facebook.

Cuối năm ngoái, theo điều tra nghiên cứu của hãng Parse.ly, Facebook đã vượt qua Google để trở thành kênh thông tin hàng đầu dẫn dắt người dùng đến với những nguồn cung cấp tin tức.

Tới tháng 3 năm nay, Facebook tạo ra 27% lượng người dùng truy cập xem tin tức của rất nhiều trang web. Thậm chí hiện tại, một số trang cho biết Facebook đóng vai trò tạo ra tới 70% lượng truy cập vào trang của họ.

Shaul Olmert, người sáng lập trang Playbuzz nói: "Họ (Facebook) không chỉ là nguồn lực thúc đẩy lượng truy cập lớn nhất với đa số trang web tin tức, mà hiện gần như là nguồn lực quan trọng nhất. Trong khi chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào họ thì họ lại chẳng nợ nần gì chúng tôi hết".

Chương trình "Instant Articles" không phải là sự kiện đầu tiên đánh dấu xu hướng khai thác lợi ích trong việc hợp tác cấp tin của Facebook.

Năm 2011, tập đoàn công nghệ này từng bắt tay với Washington Post trong việc lập ra ứng dụng Social Reader. Đây cũng là một dạng thức báo chí, trong đó Facebook tập hợp tin tức từ rất nhiều nguồn khác nhau vào cùng một nguồn cấp tin.

Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng, nhiều người dùng phàn nàn việc họ bị "bỏ bom" với quá nhiều tin rác, tin không liên quan. Sau khi Facebook chỉnh sửa thuật toán, lượng người dùng truy cập nguồn cấp tin giảm dần và rốt cuộc chấm dứt sau đó khoảng 1 năm.

Mặc dù phía Facebook cho rằng việc chỉnh sửa công nghệ của họ là cần thiết nhằm giảm bớt những nội dung không mong muốn với người dùng nhưng một số đơn vị cấp tin lại lo ngại, cũng với cách này, đại gia công nghệ sẽ tiến tới việc đặt ra những giới hạn với họ.

Năm ngoái, Facebook từng áp dụng biện pháp hạn chế một số doanh nghiệp, khiến họ tiếp cận người dùng khó khăn hơn, cũng chỉ bởi các doanh nghiệp đó không chịu trả phí quảng cáo cho Facebook. Tuy nhiên quyền lực của "đế chế" Facebook còn được thể hiện trong những tình huống chẳng ai đoán được.

Tháng 8 năm ngoái, ông Shaul Olmert cho biết ông và các cộng sự tại Playbuzz rất bối rối khi lượng truy cập vào trang sụt giảm tới hơn 25% so với tháng trước đó. Điều tra nguyên nhân sau đó mới ngã ngửa ra, lý do thực sự của tình trạng tồi tệ đó là phong trào "Ice Bucket Challenge" (dội nước đá lên đầu) của cư dân mạng.

Vì mùa hè năm đó người dùng Facebook quá mải mê với việc post các video những người giội nước đá lên đầu để quyên góp tiền giúp đỡ những người bị chứng ALS (xơ cứng teo cơ một bên) nên đã sao lãng việc chia sẻ những đường link tin tức. Kết quả là sự sụt giảm báo động về lượng truy cập như đã xảy đến với Playbuzz.

Thực tế cho thấy tới tháng 10, khi phong trào "giội nước đá lên đầu" có xu hướng giảm nhiệt, lượng truy cập vào Playbuzz lại tăng gấp đôi lượng truy cập tháng 9 với 20,3 triệu lượt người dùng.

Giám đốc điều hành Playbuzz nhận định: "Sẽ nguy hiểm nếu dùng Facebook như một nguồn lực hay động lực duy nhất để phát triển. Bạn cần có những nỗ lực thực sự để đa dạng hơn". 

Trần Đắc Luân
.
.