Văn hóa tranh luận:

Trước nhất phải tôn trọng chính mình...

Thứ Hai, 20/04/2009, 10:00
Đã là người viết, nhất là những người mang danh nhà văn, mỗi khi viết hay lên diễn đàn, điều trước tiên là người đó phải tôn trọng chính mình mới có thể tôn trọng những người khác.

Có một điều đáng buồn đối với người viết, nhất là các nhà báo, trong những lúc làm nghề, chủ yếu chỉ xảy ra ở giới nghệ sĩ, đó là thái độ trốn tránh, thiếu dũng cảm, thiếu trung thực với những gì mình đã phát ngôn, đã bày tỏ.

Có rất nhiều cuộc phỏng vấn, người được phỏng vấn đã một mạch tuôn trào những gì mà họ cần nói, và cảm thấy được chia sẻ. Thế nhưng khi câu chuyện của họ lên báo, nếu những phát ngôn của họ có liên quan dây mơ rễ má tới người khác hoặc nếu nói ra sẽ ảnh hưởng tới một vấn đề gì đó liên quan đến công việc, ngay lập tức họ chối  bay chối biến, coi như mình không nói, không phát ngôn mà đổ tội cho người viết.

Thậm chí ra giữa chốn đông người, nếu có ai đó phản bác lại điều họ đã nói trong bài báo, họ có thể quay ngoắt lại 180 độ, coi như mình hoàn toàn vô can và đổ hết mọi trách nhiệm cho nhà báo, rằng vấn đề này do phóng viên bịa đặt, vấn đề kia nhà báo nghe hóng hớt ở ngoài.

Tôi cho rằng ít có nhà báo nào đi viết bài lại cố ý gây tổn thương cho người được viết, hay phá hỏng hết mọi mối quan hệ của người đó. Mọi tai nạn nghề nghiệp chỉ là việc nhiều khi không thể tránh do vô tình, do vô ý mà thôi. Vấn đề ở đây là khi sự việc xảy ra, trách nhiệm của cả hai bên, thái độ ứng xử trước tai nạn nghề nghiệp. Để làm được điều này, đòi hỏi người được phỏng vấn có thái độ trung thực, và quan trọng nhất là lòng tự trọng của họ. Nhà báo không thể bịa ra tất cả các chi tiết trong cuộc đời của người được phỏng vấn mà chỉ có thể từ nỗi lòng của họ, từ những chia sẻ của họ.

Thời gian gần đây, những người làm nghề viết có dịp được trau chuốt nghề nghiệp hơn khi có rất nhiều diễn đàn văn chương: báo giấy có, báo mạng có, trực tuyến có, giấu tên có, để trao đổi về các vấn đề thuộc về nghề nghiệp. Nhưng cũng chính từ các diễn đàn này, chúng ta được biết thêm rất nhiều những câu chuyện phía sau.

Mặt tích cực của những cuộc tranh luận trao đổi thì đã rõ, nhưng qua đó chúng ta cũng thấy một thực trạng đáng chán, ấy là văn hóa trao đổi, văn hóa ứng xử giữa các ý kiến khác nhau trên diễn đàn. Những ý kiến đàng hoàng, ghi rõ tên người trao đổi, nội dung trao đổi rất thẳng thắn, mang tính chất góp ý hay nói lại cho rõ rất đáng được hoan nghênh. Nhưng một số ý kiến xuất hiện theo kiểu bịt mặt, che mặt để nói những lời tục tĩu, ô uế hòng xúc phạm tới người khác khiến cho những người tham gia diễn đàn lẫn độc giả phải lấy làm kinh hãi.

Điều lạ lùng là những ý kiến "thiếu văn hóa" này xuất hiện nhiều ở các trang Web của nhiều nhà văn, hoặc ở các diễn đàn văn chương, nơi hội tụ của những văn nghệ sĩ tên tuổi. Ngay cả một số nhà văn có uy tín trên văn đàn, những người luôn được bạn đọc kính nể về tuổi đời cũng như tuổi văn cũng sẵn sàng bịt mặt giấu tên, gửi lên diễn đàn những lời lẽ bình phẩm vô văn hóa, tục tĩu, hay làm kẻ giấu mặt để chửi một ai đó cho sướng dạ.

Thật ra, những câu chuyện bị đổi trắng thay đen, những câu chuyện đàm tiếu thị phi để hạ nhục nhau, bôi xấu nhau không phải là chuyện hiếm thấy trong giới văn chương báo chí. Tôi cho rằng, đã là người viết, nhất là những người mang danh nhà văn, mỗi khi viết hay lên diễn đàn, điều trước tiên là người đó phải tôn trọng chính mình mới có thể tôn trọng những người khác.

Diễn đàn là nơi chữ nghĩa, vốn sống, vốn văn hóa của từng người được bộc lộ một cách rõ nét. Nếu anh không biết kiềm chế, không tiết chế được cảm xúc của mình, nếu anh không trung thực thẳng thắn, anh sẽ bị phơi áo trước bàn dân thiên hạ bản chất của mình.

Cuộc sống thường ngày khi không va chạm, anh có thể giấu mình phía sau một gương mặt mà anh tạo ra. Chỉ những lúc đụng độ, xảy ra những cuộc tranh luận, lúc đó cái tôi cá nhân của anh mới được thể hiện rõ nét. Bản chất tốt, xấu, văn hoá ứng xử của anh đến đâu thì sẽ thể hiện ra đến đó. Cho dù anh cố núp bóng dưới những cái mặt nạ khác nhau thì thiên hạ, độc giả cũng nhận ra ngay

.
.