Trứng gà trứng vịt

Thứ Hai, 05/10/2009, 15:30
Lâu nay, một số nhà văn thường hay có bệnh nhìn văn chương của người khác hoặc bằng nửa con mắt, hoặc hạ mục vô nhân (dưới mắt mình không còn ai nữa cả). Cũng có một vài nhà văn lớp trước rất hay nhận xét các nhà văn lớp sau bằng một câu nói vừa có ý xem thường vừa vô trách nhiệm: "Ôi dào, cũng là trứng gà trứng vịt cả thôi! Chẳng có gì đặc biệt đâu! Đừng tưởng ghê gớm lắm!".

Hình như một vài người này không biết hoặc cố tình làm như không biết, có một thời họ cũng là những nhà văn trẻ, giống như trước khi kết quả, họ từng là nụ, là hoa.

Để minh chứng cho hiện tượng này, tôi xin kể hầu quý vị hai chuyện xảy ra cách đây không lâu lắm.

Chuyện thứ nhất: Bữa ấy, tôi tới tòa soạn một tờ báo. Tại đây, tôi gặp một nhà văn cao tuổi. Tôi nói, giọng hồ hởi: "Anh ạ, có tập truyện ngắn mới của tác giả trẻ quê ở tận đồng bằng sông Cửu Long. Trong tập có một số truyện ít nhiều gây ấn tượng. Em thấy trẻ mà viết được như vậy, là rất đáng quý".

Gần như không nghe tôi nói, nhà thơ cao tuổi trên gạt phắt, tựa như đổ một gáo nước lạnh vào đầu tôi: "Ôi dào, văn của bọn trẻ bây giờ nhốn nháo lắm. Chỉ giở trò làm xiếc với câu chữ. Hơi một tý là giơ hậu hiện đại với tiền hiện đại ra hù dọa người khác. Mấy cái thứ này, phương Tây người ta vứt vào sọt rác lâu rồi. Chưa đứng vững bằng hai chân, đã đòi nhảy lò cò. Thế cậu có quen tác giả này không?". "Không quen. Mà quen hay không quen thì có quan trọng gì đâu anh. Vấn đề là tác phẩm, đâu phải tác giả. Nhưng anh đã đọc tập sách này chưa?". "Chưa bao giờ". "Vậy sao anh có thể kết luận chủ quan và vội vàng đến vậy?". "Tôi đã đọc khối nhà văn kiểu này rồi. Tôi không tin họ".

Chuyện thứ hai: Có một người mới làm thơ tên là Y. gặp một nhà thơ đã làm thơ lâu năm tên là Z. hiện đang công tác ở một tờ báo. Nhà thơ Y. nói, giọng khiêm tốn: "Thưa anh, em mới viết được mấy bài. Em muốn nhờ anh thẩm định hộ".

Nhà thơ Z. lên giọng dạy dỗ ngay: "Cậu năm nay bao nhiêu tuổi? Học ở trường lớp nào ra? Bao nhiêu? Ba mươi tuổi ư? Chỉ học ở cái trường mèng mèng và ít tiếng tăm ấy ư? Nhập cuộc như thế là hơi muộn. Xuất phát ở một nơi như thế thì khó tin tưởng lắm! Tôi nghĩ thơ cậu khó đăng báo lắm, nhất là tờ báo chỗ tôi. Cậu nên nhớ, ở đây, mỗi tháng tôi nhận cả yến thơ. Mà gọi là thơ cho nó sang thôi, chứ thực chất chỉ là văn vần. Nào là: Ngày mai đi biển nghỉ hè/ Thôi tạm biệt nhé lũ ve phố phường/ Và tạm biệt cả người thương/ Cả hè phố, cả con đường thân quen. Nào là Du khách toàn là người quen/ Vừa đi vừa ngắm hô ten, nhà hàng/ Du khách toàn là người sang/ Vừa đi vừa ngắm nhà hàng, hô ten. Viết như thế mà dám gọi là thơ lục bát! Làm thơ kiểu ấy có khác gì giết thơ!".

Người mới làm thơ tên là Y. phản ứng: "Nhưng anh đã đọc thơ của em đâu". Nhà thơ Z. vẫn giữ "lập trường kiên định": "Chẳng cần đọc thì tôi cũng biết. Tôi  nhắc lại với cậu rằng: Ở chỗ tôi, mỗi tháng nhận cả yến thơ. Có người đã đợi cả tháng trời rồi mà thơ vẫn chưa được đăng đấy".

Chứng kiến cảnh này, một nhà thơ cao tuổi khác buộc lòng phải lên tiếng bày tỏ thái độ: "Ông tưởng ông thẩm thơ đã tinh lắm đấy hả? Một số bài thơ của một vài tác giả mà ông khen trên báo gần đây, về cơ bản là hơi túy quyền đấy. Nhiều người biết thế nhưng vì nể ông, người ta không nói ra đấy thôi. Ông đừng nhầm ông là thước đo duy nhất đúng nhé!".

Người mới làm thơ tên là Y. thầm cảm ơn cái người đã gỡ cho anh một tình huống khó xử và thầm nghĩ: May quá! Không phải nhà văn đi trước nào cũng nhìn nhà văn lớp sau như trứng gà trứng vịt cả!

Đặng Huy Giang
.
.