Bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2:

Trông người ngẫm ta

Thứ Sáu, 14/12/2012, 09:00
Ý tưởng về một Liên hoan phim quốc tế ở Hà Nội được Hãng phim Việt - một đơn vị làm phim tư nhân khởi xướng. Ở lần tổ chức đầu tiên, dù bị chê tơi tả nhưng người làm điện ảnh không thể không ghi công của những người đã đặt nền móng cho một sân chơi mang tầm vóc quốc tế cho điện ảnh nước nhà, tạo điều kiện để anh em nghệ sĩ có thể giao lưu, học hỏi với các đồng nghiệp thế giới...

Lần thứ 2 được tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (LHPQTHN) đón bạn bè quốc tế trong những ngày đông mưa lạnh. Sự kiện điện ảnh đặc biệt này kéo dài từ 25 tới 29/11, là cơ hội để khán giả Thủ đô được thưởng thức nhiều bộ phim đến từ các nền điện ảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Trước ngày khai mạc, người yêu điện ảnh hồi hộp, lo lắng nhất có lẽ là khâu tổ chức, bởi những gì diễn ra ở LHPQTHN lần đầu 2 năm về trước đã gây một nỗi thất vọng lớn về sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp. Nhưng Ban tổ chức Liên hoan phim năm nay, bằng sự nỗ lực của mình, đã xóa tan được nỗi thất vọng ấy. Sự thất vọng có chăng lại nằm ở chất lượng những bộ phim Việt được lựa chọn để tham gia tranh giải...

Điểm cộng cho Ban tổ chức

Ý tưởng về một Liên hoan phim quốc tế ở Hà Nội được Hãng phim Việt - một đơn vị làm phim tư nhân khởi xướng. Ở lần tổ chức đầu tiên, dù bị chê tơi tả nhưng người làm điện ảnh không thể không ghi công của những người đã đặt nền móng cho một sân chơi mang tầm vóc quốc tế cho điện ảnh nước nhà, tạo điều kiện để anh em nghệ sĩ có thể giao lưu, học hỏi với các đồng.nghiệp thế giới. Năm nay, đơn vị chủ trì của Liên hoan phim là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Cục điện ảnh. Rút kinh nghiệm từ lần tổ chức đầu tiên, Ban tổ chức LHPQTHN lần 2 đã làm hài lòng khán giả và quan khách quốc tế. Người ta nhìn thấy rõ một sự chuyên nghiệp, chu đáo, lịch lãm hơn trong khâu tổ chức. Đội ngũ 200 tình nguyện viên đông đảo nhiệt tình, ngoại ngữ tốt được ghi nhận là một điểm nhấn của Liên hoan phim, không còn cảnh các nghệ sĩ quốc tế bơ vơ không biết đi đâu về đâu trên thảm đỏ, như vợ chồng đạo diễn Philip Noyce trong liên hoan phim lần trước. Nơi ăn chốn ở của các nghệ sĩ cũng tốt hơn, xứng tầm với một liên hoan phim quốc tế. Nhiều nghệ sĩ của ta, và cả nghệ sĩ đến từ các nước có phim tham dự liên hoan đều nhận xét, họ rất sung sướng khi được Ban tổ chức sắp xếp chỗ ở tại khách sạn sang trọng Daewoo. Việc đưa đón khách từ nơi ở đến nơi diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan phim rất quy củ. Việc mời và sắp xếp các nghệ sĩ xuất hiện trên thảm đỏ cũng được Ban tổ chức quán triệt sao cho không có sự lộn xộn, nhốn nháo như kỳ liên hoan trước. Câu chuyện vài nghệ sĩ không được mời nhưng vẫn có mặt trên thảm đỏ, ăn mặc phản cảm gây chú ý như người mẫu Hồng Quế trong lễ khai mạc là nằm ngoài ý muốn của nhà tổ chức.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc LHPQTHN chia sẻ, Ban tổ chức đã cố gắng hết sức để tạo nên một Liên hoan phim có nhiều nội dung phong phú, thiết thực với người làm điện ảnh trong nước, mang bản sắc riêng của Hà Nội, nhưng vẫn phù hợp với tiêu chí của một Liên hoan phim quốc tế.

Đoàn làm phim Philippinnes nhận giải Phim xuất sắc nhất Liên hoan phim.

Thông thường, uy tín của một Liên hoan phim được nhìn từ uy tín của các Ban giám khảo. Năm nay, giám khảo các hạng mục phim phần lớn đều là những nhà làm phim nổi tiếng quốc tế, và kết quả giải thưởng được "ém" thông tin đến phút chót. Ban tổ chức cam đoan không can thiệp vào công việc của các hội đồng giám khảo, không có chuyện ưu ái "phim nhà" trong cuộc chơi bình đẳng này. Khán giả Hà Nội đã có những ngày no nê với "tiệc phim" trong các chương trình chiếu phim dự thi, phim điện ảnh thế giới, tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc và phim Việt Nam về đề tài Hà Nội, thời kỳ đổi mới, và cả những phim nóng hổi vừa sản xuất từ năm 2010-2012. Trong phần hội thảo, ngoại trừ hội thảo về "Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới" đặt vấn đề tương đối cũ và nhàm chán, thì hội thảo "Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời kỳ công nghệ số", hay "Trại sáng tác trẻ HANIFF" thật sự đã mang đến nhiều thông tin bổ ích và cả cơ hội cho người làm nghề trong nước.

NSND Thế Anh chia sẻ, ông thích nhất là các hội thảo liên hoan phim lần này đã trang bị tai nghe có chức năng phiên dịch cho người đến dự. Vậy là dù bạn đến từ nền điện ảnh nào, nói ngôn ngữ nào, bạn cũng có thể nghe và hiểu hết các tham luận tại Hội thảo. Chi tiết nhỏ nhưng lại làm cho Liên hoan phim trở nên văn minh hơn, đúng tầm với chữ "quốc tế". Các nghệ sĩ đến từ nhiều nước trong khu vực vui mừng vì sự tiếp đón nồng hậu của nhà tổ chức và khán giả Hà Nội. Trong lễ bế mạc, đạo diễn người Đức Jan Schuette, giám khảo phim truyện dành những lời ưu ái cho Ban tổ chức: "Các bạn đã làm việc hết sức chuyên nghiệp và cố gắng. Tôi rất hài lòng khi đến đây. Nếu các bạn tiếp tục làm tốt hơn vào những kỳ Liên hoan sau thì tôi tin LHPQTHN sẽ có một thương hiệu trong tương lai không xa". Một điểm cộng cho nhà tổ chức của Liên hoan phim là điều đáng mừng trong điều kiện chúng ta còn thiếu thốn và khó khăn nhiều mặt như hiện nay.

Điểm trừ cho chất lượng phim Việt

Ở hạng mục phim truyện đáng chú ý, Ban tổ chức lựa chọn 3 bộ phim tham gia tranh giải, đó là phim "Cát nóng" của đạo diễn Lê Hoàng; phim "Thiên mệnh anh hùng" của đạo diễn Victo Vũ; phim "Đam mê" của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Phim "Cát nóng" của Lê Hoàng được chọn chiếu khai mạc, với những lời giới thiệu có cánh của Ban tổ chức, hy vọng sẽ hâm nóng được khán giả và không khí của Liên hoan phim. Nhưng đổi lại, khán giả tỏ ra thất vọng về bộ phim. Nhiều người đã bỏ về dở chừng trong buổi chiếu.

NSND Thế Anh sau buổi xem phim nhận xét phim nhạt, đạo diễn không trung thành với ý tưởng ban đầu, áp đặt người xem, gây cảm giác khó chịu. Thẳng thắn mà nói, so với 31 nền điện ảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến tranh tài lần này, điện ảnh Việt Nam nằm ở tốp cuối về chất lượng. Mặc dù được Cục Điện ảnh đặt hàng cho Liên hoan phim lần này, nhưng phim "Đam mê" của đạo diễn Phi Tiến Sơn không thể làm nên chuyện. Phim bị chê là kịch bản không chặt chẽ, diễn viên diễn xuất căng cứng không thuyết phục. Có ý kiến gay gắt hơn còn cho rằng phim này chiếu trong nước đã thấy buồn cười rồi, lại mang đi dự thi thì không nên. "Thiên mệnh anh hùng" của Victo Vũ được khen là sạch sẽ, hấp dẫn, nhưng là phim giải trí nên cũng khó để tranh các giải quan trọng. "Cát nóng" của Lê Hoàng được chọn mở màn Liên hoan phim vì Ban tổ chức muốn giới thiệu một tác phẩm mới tinh vừa ra lò, còn nóng hổi, nhưng lại bỏ qua việc cân nhắc tiêu chí chất lượng phim. Kết quả phim truyện Việt Nam ra về tay trắng, ngoài giải thưởng của Ban giám khảo dành cho phim "Thiên mệnh anh hùng". Một số nhà phê bình cho rằng chúng ta chọn phim dự thi chưa kỹ. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì muốn kỹ hơn, chúng ta cũng không có nhiều phim để chọn. Và ngay cả khi được chọn kỹ hơn thì cơ hội để giành giải của "phim ta" cũng là rất ít. So với các nền điện ảnh khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, điện ảnh của ta còn rất yếu. Một năm số lượng phim truyện được sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta chưa tạo ra được một thị trường đủ rộng cho điện ảnh phát triển. Loanh quanh vẫn là khu vực phim tư nhân với các phim giải trí là chính. Trong khi để đến với các Liên hoan phim và để hy vọng có giải, cần phải có những phim có chất lượng nghệ thuật.

Đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Rei Celik, người nhận giải Phim ngắn xuất sắc nhất trong đêm bế mạc với tác phẩm "Night of silence" (Đêm yên tĩnh) cho hay, ông chưa từng xem một bộ phim nào của Việt Nam trước khi đến Hà Nội. Ngay cả khi được xem những phim Việt Nam trong khuôn khổ LHPQTHN lần 2 này, thì vị đạo diễn tên tuổi cũng rất dè dặt khi nhận xét về chất lượng của nó. "Các bạn phải làm nhiều phim hơn và tạo ra một thị trường phim sôi động, thì các bạn sẽ có nhiều phim hay hơn".

Đã từng tham dự không ít Liên hoan phim quốc tế, NSND Đoàn Dũng chia sẻ: "Thực chất các liên hoan phim là các chợ phim. Người ta đến đó không chỉ để tham dự giải thưởng, mà còn để mua bán phim và tìm kiếm các đối tác, cơ hội làm phim. Chúng ta chưa thể có cái "chợ phim" này trong khuôn khổ của Liên hoan phim, đơn giản là chúng ta không có nhiều phim để giới thiệu. Có mời bạn bè quốc tế đến, dù họ không phải từ các nền điện ảnh phát triển nhất trên thế giới, chỉ là trong phạm vi khu vực thôi, nhưng xem phim của họ, mới hay điện ảnh của ta còn có một khoảng cách tương đối xa với họ. Chúng ta ít về số lượng và yếu về chất lượng phim. Thành ra liên hoan mới dừng lại ở việc học hỏi bạn bè là chính. Tôi mong rằng trong tương lai, nhà nước, ngành Văn hóa cần có một chiến lược dài hơi đầu tư cho điện ảnh, để chúng ta có những bộ phim tầm vóc hơn, nhiều hơn về số lượng và thực sự tự tin khi mời bạn bè quốc tế đến đây tranh tài"

B.N.T.
.
.