Hậu Liên hoan phim Cannes:

Trông người lại ngẫm đến ta...

Thứ Hai, 10/06/2013, 09:00

So với phim nước ngoài, đặc biệt là các nước Âu - Mỹ, cảnh bạo lực, sex, đồng tính trong phim Việt chẳng thấm tháp gì. Vấn đề là các đạo diễn phải xử lý cảnh bạo lực, cảnh "nóng" như thế nào để người ta nhận ra thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm. Đáng tiếc, bây giờ, hầu hết phim Việt tràn ngập cảnh bạo lực, cảnh "nóng" và quan hệ đồng tính mà khi xem xong, cái đọng lại trong mỗi khán giả đơn thuần chỉ là cảnh chém giết, trần trụi đến mức lố lăng, kệch cỡm!

"Blue is the warmest colour" (tạm dịch: Màu xanh là màu ấm nhất) của điện ảnh Pháp lên ngôi đã chính thức khép lại Liên hoan phim Cannes lần thứ 66. Công chúng bất ngờ, giới làm phim bất ngờ bởi bộ phim mà Ban giám khảo quyết định trao Cành cọ vàng danh giá chạm đến đề tài khá nhạy cảm. Bộ phim dài ba tiếng đồng hồ kể về mối tình đồng tính nữ do Lea Seydoux và Adèle Exarchopoulos thủ vai với những góc quay táo bạo, cảnh nóng kéo dài 12 phút.

Bất ngờ khác đến từ giải đạo diễn xuất sắc nhất. Chính đạo diễn người Mexico Amat Escalante cũng thừa nhận rằng, anh thực sự bất ngờ và xúc động trước sự lựa chọn dũng cảm của Ban giám khảo. Bộ phim dài một tiếng đồng hồ này xoay quanh bi kịch của gia đình nhân vật chính Heli trong vòng xoáy của nạn bạo lực và ma túy ở Mexico. Phim có không ít pha bạo lực.

Sự lên ngôi của hai bộ phim thuộc đề tài nhạy cảm này khiến không ít người cám cảnh nhìn về điện ảnh Việt. Đã có những trách móc. Trách rằng, nước ngoài họ "thoáng" nên mới có những bộ phim hay, không câu nệ chuyện bạo lực, chuyện đồng tính hay sex. Trách rằng, chế độ kiểm duyệt ở ta lạc hậu, gắt gao nên mới bỏ phí nhiều tác phẩm hay, mà ì xèo thời gian qua là "Bụi đời Chợ Lớn". Trách rằng, như thế thì làm sao mà điện ảnh nước nhà phát triển, sánh vai các nước trên thảm đỏ? Nhưng hãy nhìn lại quá khứ, chúng ta từng sánh vai với các cường quốc điện ảnh khi đạo diễn Trần Anh Hùng đoạt giải Camera vàng tại Cannes năm 1993 với "Mùi đu đủ xanh"; Phan Đăng Di với "Bi, đừng sợ" nhận hai giải của tuần lễ phê bình Cannes; Bùi Thạc Chuyên với "Cuốc xe đêm" nhận giải ba phim sinh viên. Những năm gần đây, điện ảnh Việt vẫn xúng xính váy áo "Cannes tiến" nhưng không phải theo lời mời của Ban tổ chức mà theo lời mời của một hãng rượu. Lên mạng, bội thực với đủ kiểu tin tức rộn ràng chuyện nghệ sĩ Việt sang Cannes, lại chạnh lòng khi những kế hoạch liên quan đến điện ảnh quá ít ỏi. Phim "16:30" của Trần Dũng Thanh Huy, "Đường đua" của nhà sản xuất Hồng Ánh và "Lửa phật" của Dustin Nguyễn tham gia các hoạt động bên lề liên hoan. Rồi sau đó ra về và… tiếp tục ước vọng.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng nếu đã lỡ so sánh với các cường quốc điện ảnh thì hãy so sánh với các nước thuộc vùng "trũng" của điện ảnh. Campuchia chẳng hạn. Sau thời kỳ dài gián đoạn do nạn diệt chủng của Khmer Đỏ, phải đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nền điện ảnh Campuchia mới khôi phục lại gần như từ đầu. So với Việt Nam, điện ảnh Campuchia còn quá non trẻ. Cho nên tin đạo diễn Rithy Panh của Campuchia đoạt giải thưởng cho hạng mục Un certain regard (giải thưởng quan trọng thứ hai sau giải Cành cọ vàng) cho bộ phim "Bức ảnh thất lạc" (The Missing Picture) dựa theo hồi ký về nạn diệt chủng Pôn Pốt của chính đạo diễn thật sự gây "choáng" với các nhà làm phim Việt Nam.

Đoạt giải, nhưng bộ phim "Màu xanh là màu ấm nhất" vẫn vấp phải sự phản đối và rào cản kiểm duyệt của nhiều nước khác. Những khán giả xem bộ phim "Heli" không thể chịu nổi cảnh máu me, bạo lực đến nỗi phải bỏ về. Điều đó cho chúng ta thấy, các đạo diễn của các cường quốc lớn cũng vấp phải những rào cản xã hội, những định kiến nặng nề. Nhưng tại sao hai bộ phim ấy lại tỏa sáng ở Liên hoan phim danh giá nhất hành tinh? Đó chính là giá trị sáng tạo nghệ thuật, cái chân - thiện - mĩ mà tác giả gửi đến qua thông điệp cuối cùng của bộ phim. Nhiều người đã không khỏi reo lên rằng những cảnh làm tình trong phim "Màu xanh là màu ấm nhất" đẹp như một bức tranh. Đạo diễn Abdellatif Kechiche trả lời với báo giới: "Chúng tôi quay phim giống như vẽ tranh hoặc tạo ra các tác phẩm điêu khắc. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian bố trí ánh sáng cho những cảnh đó để làm sao trông chúng thật đẹp. Rồi chúng tôi còn phải làm thế nào để hai nhân vật chính âu yếm nhau trông thật tự nhiên. Nói chung, những cảnh đó phải mang được vẻ đẹp về thẩm mỹ, song cũng phải toát lên được khát vọng tình dục của họ". Điều đạo diễn phim Heli gửi gắm là lời tố cáo một xã hội đầy rẫy bạo lực đang diễn ra ở Mexico. Nhiều nhà phê bình ví cảnh quay bạo lực trong "Heli" vô cùng khéo léo, làm bật lên thông điệp của bộ phim.

Các nhà làm phim Việt hiện đang tận dụng những đề tài, phân cảnh nhạy cảm để câu khách.

"Heli" khiến những người yêu điện ảnh Việt nghĩ tới "Bụi đời Chợ Lớn". Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, "Bụi đời chợ Lớn" là "thông điệp về nỗi ám ảnh, sự khao khát quay về thế giới bình yên của những tay anh chị, sau khi đã lỡ bước chân vào giới giang hồ và rất khó để rút lui". Nhưng sau cảnh bạo lực đẫm máu, khán giả khó có thể nhận ra được thông điệp này. Điều đó buộc hội đồng duyệt phim phải cấm phát hành và yêu cầu sửa chữa. Cũng chính Charlie thừa nhận rằng anh phải làm lại bộ phim để thông điệp này sáng tỏ. Bộ phim "Bẫy cấp ba" bị "đắp chiếu" vô thời hạn. Trailer (clip tóm tắt giới thiệu phim) "Bẫy cấp ba" tràn ngập chuyện "ngực khủng", cảnh nóng và tắm trần của nhóm bạn trẻ. Phim bị lãnh đạo Cục Điện ảnh nhận định: "Phim thể hiện sự thù hận của một nam sinh do cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, mang tính kích động bạo lực. Trong chuyến đi chơi với bốn người bạn cùng lớp, cậu ta đã sắp đặt một chuỗi "bẫy" để lần lượt giết chết từng người bạn cùng đi và cả người vô tội khác".

Nếu bảo rằng xã hội lắm định kiến, Nhà nước cấm này, cấm nọ thì những bộ phim khai thác đề tài nhạy cảm đã không có cơ hội ra mắt khán giả. Cho nó ra đời, người ta lại thất vọng vì độ "dở" của nó. "Nàng men, chàng bóng" được nhiều người ví như "thảm họa điện ảnh" bởi độ chọc cười vô duyên lấy cớ từ thế giới thứ ba. "Hotboy nổi loạn" là một bộ phim về đồng tính nam. Rời rạp khán giả bắt đầu la ó: nhạt nhẽo, khó hiểu. Cảnh "nóng" của hai nhân vật nam đồng tính vốn bị hội đồng kiểm duyệt cắt khi phim công chiếu chính thức, mới đây bị rò rỉ trên mạng. Những cảnh ấy chỉ mang đến cho khán giả một cảm giác dung tục đến thô thiển. Trong khi, những cảnh "nóng" của phim xứ người đã tuyệt vời đến mức trở thành kinh điển.

Nhìn về thời bao cấp, phim Việt cũng từng có những cảnh "nóng" mặc dù cách nhìn nhận của xã hội lúc ấy còn khắt khe hơn bây giờ nhiều. Đơn cử như cảnh Chí Phèo ái ân với Thị Nở trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Nghệ sĩ Đức Lưu (vai Thị Nở) từng chia sẻ: “Trong quá trình kiểm duyệt, cảnh Chí Phèo chộp ngực Thị Nở bị cho rằng sẽ ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của thanh niên. Cuối cùng, đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đó trực tiếp xem và nhận xét thẳng thắn: "Cắt cảnh này đi thì còn gì là phim". Nhờ cảnh "nóng" ấy mà khán giả hiểu được sự khát khao trong con người Chí, hiểu được chuyện tình Chí Phèo - Thị Nở sau này sâu nặng và lắm bi kịch như thế nào. Trong phim "Cô gái trên sông", nghệ sĩ Minh Châu vào vai một cô gái điếm tên Nguyệt. Thân phận lênh đênh, chìm nổi của cô gái điếm được đạo diễn Đặng Nhật Minh lột tả bằng góc quay đẹp mê hồn trong những cảnh làm tình, tắm trên sông. Sau này, những bộ phim như "Dòng máu anh hùng", "Thiên mệnh anh hùng" cũng không thiếu yếu tố bạo lực, thế nhưng cảnh bạo lực đã được làm "tới", toát lên tinh thần của một thế hệ tuổi trẻ yêu nước. Buồn thay, số lượng phim đạt chất lượng như thế quá ít!

So với phim nước ngoài, đặc biệt là các nước Âu - Mỹ, cảnh bạo lực, sex, đồng tính trong phim Việt chẳng thấm tháp gì. Vấn đề là các đạo diễn phải xử lý cảnh bạo lực, cảnh "nóng" như thế nào để người ta nhận ra thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm. Đáng tiếc, bây giờ, hầu hết phim Việt tràn ngập cảnh bạo lực, cảnh "nóng" và quan hệ đồng tính mà khi xem xong, cái đọng lại trong mỗi khán giả đơn thuần chỉ là cảnh chém giết, trần trụi đến mức lố lăng, kệch cỡm!

Nói không ngoa khi phim Việt bây giờ đa phần chạy theo thị trường, yếu tố nghệ thuật bị xem nhẹ. Cảnh "nóng", bạo lực, đề tài đồng tính được khai thác như một chiêu câu khách rất hữu hiệu của nhiều đạo diễn phim chứ không phải trở thành một đề tài cho những sáng tạo nghệ thuật đượm màu nhân sinh. Cũng có những đạo diễn tâm huyết, rất muốn làm nên chuyện với các đề tài nhạy cảm này. Nhưng họ chưa đủ "đô" để "trị" như các đạo diễn nước ngoài, thành ra cứ dở dở ương ương. Bạo lực không tới, sex thành ra dung tục, đồng tính thành bôi nhọ, nghệ thuật thành khó hiểu. Nhưng dù đạo diễn có muốn khai thác đề tài nào, thì khán giả vẫn mong muốn rằng sau bộ phim ấy, họ sẽ nhận được một thông điệp có ý nghĩa, giàu triết lý nhân sinh

N.T.
.
.