Trong ngọt còn vị đắng

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:20
Trên một fanpage có tên "liên minh nông sản" mới đây có chia sẻ một phóng sự video về một ông già Việt kiều ở miền Tây Nam Bộ với dây chuyền sản xuất chocolate và thương hiệu mới ra mắt mang tên Kimmy. Người đàn ông gần 70 tuổi ấy có tên Durassamy Bùi và sau khi ông nghỉ hưu, thay vì có thể an nhàn hưởng thụ cuộc sống, ông đã từ Canada về lại quê hương Tiền Giang, nơi mà ông nói là ông còn mắc nợ rất nhiều, để "khởi nghiệp" với dây chuyền sản xuất chocolate với tổng vốn đầu tư khoảng 500 ngàn USD.


Mở đầu video ấy là một đánh giá của tờ New York Times rằng Việt Nam hiện đang có loại chocolate được xếp vào hạng những loại chocolate ngon nhất thế giới. Đó là thương hiệu chocolate Marou, sản xuất ở Tân Phú Đông - TP Hồ Chí Minh. Nhưng thương hiệu chocolate Việt ấy không phải được sản xuất bởi người Việt. Hai chủ đầu tư của Marou, một là người Nhật lai Pháp và một là người Pháp quốc tịch Mỹ.

Điểm chung giữa ông già Durassamy Bùi và hai chàng trai có một phần dòng máu Pháp kia chỉ là chocolate, hạt cacao. Chất lượng hạt cacao Việt Nam được coi là nằm ở tốp đầu trên thế giới. Vậy mà để sản xuất ra những thương hiệu chocolate có khả năng đua tranh trên thị trường quốc tế từ những hạt cacao chất lượng bậc nhất ấy, chúng ta mới chỉ bắt đầu được khoảng 6 năm nay, từ Marou và bây giờ là Kimmy.

Nguyên liệu ca cao trồng ở Tiền Giang - Việt Nam được các bạn hàng nước ngoài đánh giá cao.

Cũng trong đoạn video kia, khi chưa giới thiệu ông Durassamy Bùi, có phỏng vấn ngắn những người nông dân miền Tây Nam Bộ, những người đã từng cưa đi những gốc cacao lâu năm chỉ vì không thể tiêu thụ được và không thể sống nổi nhờ vào cacao nguyên liệu. "Có ngàn mấy một ký à, mà kiếm người mua khó lắm", đó là một phát biểu rất buồn của một nông dân.

Từ phát biểu ấy, chúng ta có thể tính toán ra thu nhập người nông dân trồng cacao như thế nào. Một gốc cacao 5 tuổi cho sản lượng trung bình khoảng 3kg hạt cacao khô. Gần 5 ngàn đồng cho một gốc cacao 5 năm mỗi vụ thì người nông dân cưa sạch cacao cũng phải. Trồng dăm nắm rau, nuôi dăm con gà họ còn có thu nhập nhiều hơn. Đau đáu vào cây cacao, khác gì đau đáu vào nỗi đói.

Nhưng bây giờ họ không phải cưa những gốc cacao nhiều năm tuổi để làm củi nữa rồi, khi bắt đầu có Marou và Kimmy. Tờ The New York Times của Mỹ thậm  chí còn rộng tay đánh giá bằng cái tít "Đó là thứ chocolate ngon nhất mà bạn từng được thưởng thức" để giới thiệu thương hiệu Marou ở thị trường Mỹ. Và song song với hai thương hiệu ấy, nghe đâu, ở Cần Thơ cũng có một kỹ sư nông nghiệp tên Cương cũng đang đắm đuối với dự án sản xuất chocolate để giải quyết đầu ra cho bà con trồng cacao.

Tất cả những câu chuyện ấy để lại cho chúng ta sự thanh thản, niềm tin vào những điều tốt đẹp của đời sống, như vị ngọt thơm của những thanh chocolate vậy. Chúng ta mong sẽ có lúc, Kimmy và Marou hay những thương hiệu chocolate Việt khác nữa sẽ được vinh danh ở các hội chợ nông sản quốc tế. Nhưng đằng sau vị ngọt và thơm kia vẫn là vị đắng, như dư vị vốn có của chocolate nguyên thủy.

Đó chính là câu chuyện vẫn nhức nhối suốt nhiều năm rồi, câu chuyện về trách nhiệm của quản lý nhà nước. Họ đã ở đâu khi cacao nguyên liệu không bán được và người nông dân phải cưa đi những gốc cacao nhiều năm tuổi? Họ đã hứa hẹn bao nhiêu lần với nông dân rồi, ở cương vị "tư lệnh ngành" mà cuối cùng khủng hoảng thừa nông sản vẫn luôn là "người quen" hằng năm đến gõ cửa.

Chúng ta có thể khuyên nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, để đón đầu xu hướng thị trường, nhưng khi xu hướng đã thay đổi, người nông dân cần được tư vấn những giải pháp để họ an tâm sản xuất chứ không phải chạy vòng vòng đi kiếm tìm sản phẩm nuôi trồng như chạy trên đèn cù mà cả cuộc đời đói vẫn hoàn đói.

Câu chuyện cách đây chưa lâu về một người phụ nữ mang thịt lợn nhà nuôi ra bán ở chợ Hải Phòng, với giá rẻ hơn, rồi bị người cùng chợ khủng bố bằng dầu luyn và chất thải chắc vẫn còn chưa nhạt. Chừng nào mà người nông dân nuôi lợn vẫn có thể an tâm đầu ra dù lợn xuống giá, đó mới chính là thách thức cho người làm quản lý. Những chế phẩm cho nông sản chính là thứ mà chúng ta phải quan tâm, để nguồn nông sản không bao giờ đứng ở bờ vực của sự dư thừa vượt quá nhu cầu và dẫn đến sự lao đao của những người làm nông nghiệp.

Suy cho cùng, nhận trách nhiệm tìm kiếm giải pháp, xúc tiến thực thi giải pháp cũng chính là một cách thể hiện văn hoá của người làm quản lý, thứ văn hoá không chỉ người nông dân mà ngay cả chúng ta cũng chờ đợi quá lâu rồi.

Hà Quang Minh
.
.