Phim tài liệu hấp dẫn khán giả:

Trở về với những giá trị đích thực?

Thứ Ba, 17/11/2015, 08:00
Những ngày này, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có một hiện tượng khá thú vị là từng dòng người xếp hàng mua vé xem bộ phim tài liệu "Lửa Thiện Nhân". Trước đó, vào tháng 6, điều này cũng đã từng diễn ra với bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng". Hay trong quá khứ là "Hà Nội trong mắt ai", "Chuyện tử tế"... 

Đã đến lúc khán giả Việt với nhu cầu văn hóa ngày một cao hơn, thị hiếu cũng như gu thẩm mỹ ngày một khắt khe hơn thì xu hướng những câu chuyện tử tế, những giá trị thực đã dần quay trở lại và có những vị trí ngày một chắc chắn hơn, xứng đáng hơn trong trái tim của khán giả Việt.

1.Được công chiếu từ ngày 15/10 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bộ phim dài gần 80 phút, được thực hiện trong vòng ba năm của đạo diễn Đặng Hồng Giang có tên gọi "Lửa Thiện Nhân" đã thực sự chinh phục được khán giả. Những dòng người xếp hàng mua vé, những suất chiếu không còn một chỗ trống đã tạo nên một hiện tượng đáng mừng cho phim tài liệu nói riêng và điện ảnh nói chung.

Câu chuyện về cậu bé bị mẹ bỏ rơi trong rừng khi vừa sinh ra, bị động vật gặm mất một phần cơ thể, hành trình với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, cộng với vòng tay nhân ái của cộng đồng đã giúp em hồi sinh và còn làm nên được những điều kỳ diệu để cứu giúp những số phận có hoàn cảnh bất hạnh như em. Câu chuyện xảy ra đã 10 năm, không còn mới nữa, nhưng khi đạo diễn Đặng Hồng Giang thể hiện bằng đặc thù của thể loại phim tài liệu vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt.

Trước đó, phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (đạo diễn Phạm Thị Thắm) cũng đã gây tiếng vang và tạo được cơn sốt trong lòng khán giả. Chuyện những người chuyển giới đi hát lô tô (một loại hát rong, gồm nhiều loại hình tạp kỹ, thường di chuyển từ vùng này qua vùng khác) khá phổ biến ở vùng nông thôn Nam Bộ. Nhưng những người làm phim đã mạnh dạn dùng ngôn ngữ phim tài liệu để nói lên những nỗi niềm của một cộng đồng người vốn được xem là dị biệt, nhiều thiệt thòi. Điểm chung giữa hai bộ phim tài liệu tạo được cơn sốt trong lòng khán giả là phim đã không được thực hiện theo cách thông thường.

Những hình ảnh chân thực của người chuyển giới trong “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã thu hút khán giả.

Không kịch bản cầu kỳ, không lời bình dài dòng mà chinh phục khán giả bằng những hình ảnh dung dị, đời thường nhất. Hành trình gian khó đi chữa bệnh của mẹ con Mai Anh - Thiện Nhân được ghi lại chân thực, sống động dưới nhiều góc nhìn và bối cảnh khác nhau. Âm thanh thu trực tiếp, một số đoạn phim là tư liệu do gia đình tự quay... nhưng chính sự tự nhiên, không sắp đặt ấy lại tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của phim.

Tương tự, "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" cũng vậy. Phim không có lời bình. Toàn bộ hình ảnh, âm thanh trong phim là kết quả của 5 năm đạo diễn Nguyễn Thị Thắm rong ruổi vác máy quay theo chân gánh hát nghèo đi khắp các làng quê, chứng kiến một cộng đồng người đặc biệt đó trong quá trình vật lộn mưu sinh với khát khao được xã hội thừa nhận. Nếu như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" chạm đến trái tim khán giả bằng chính những bấp bênh, những đau đớn, những buồn tủi mà những người chuyển giới đang trải qua thì "Lửa Thiện Nhân" lại mang đến sự ấm áp, niềm hy vọng về tình người, về sự tử tế vẫn đang tồn tại trong cuộc sống xô bồ này.

Chính những hình ảnh chân thực, có phần thô ráp ở những cảnh quay của hai bộ phim đã níu chân khán giả chứ không phải những khuôn hình trau chuốt hay những lời bình sâu sắc, thâm thúy như lâu nay người ta vẫn nghĩ về phim tài liệu. Chính việc sử dụng hình ảnh và âm thanh trực tiếp từ cuộc sống đó là cách giúp người làm phim có thể tiếp cận gần nhất với các nhân vật của mình. Không đúc kết cũng không hô hào, tự mỗi khán giả sẽ cảm nhận thông điệp gửi gắm của phim theo cách của mình. Dù không một lời bình nhưng người xem vẫn bị cuốn sâu vào những xúc cảm ấy như chính những trải nghiệm của các nhân vật trong phim.

2. Nhưng phim tài liệu thu hút được khán giả như "Lửa Thiện Nhân" hay "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" vẫn là của hiếm với điện ảnh Việt Nam. Thật tình cờ khi cách đây đúng 30 năm, đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy ra mắt bộ phim tài liệu "Chuyện tử tế" tạo nên một cơn sốt trong lòng khán giả. Như vậy là đã 30 năm, khán giả xếp hàng đi xem "Hà Nội trong mắt ai", "Chuyện tử tế" thì giờ đây lịch sử mới được lặp lại với "Lửa Thiện Nhân", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng". Rõ ràng con đường chinh phục khán giả của những bộ phim tài liệu Việt Nam khá dài và không ít gian nan.

Có thể thấy phim tài liệu là một thể loại quan trọng không thể thiếu với nền điện ảnh mỗi quốc gia. Thời gian gần đây, ở Việt Nam phim tài liệu cũng đã được quan tâm hơn. Không chỉ có những nhóm làm phim trong nước, những liên hoan phim tài liệu quốc tế cũng đã được tổ chức thường xuyên. Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, khán giả Việt Nam đã được thưởng thức một loạt bộ phim được xây dựng theo phong cách riêng với lối thể nghiệm hư cấu của nhiều nước trên thế giới trong khuôn khổ "Liên hoan phim tài liệu thử nghiệm Mini Docfest do Doclap" do Viện Goethe Hà Nội tổ chức. Những đại diện của Việt Nam như "Cửa ra vào", "Mặt cắt chung cư", "Đã từng" và "Sofa, bếp và chuyện phiếm" tuy còn nhiều non nớt về tay nghề nhưng với cách kể chuyện độc đáo đã khiến khán giả hiểu hơn về suy nghĩ, cách sống của những người trẻ hiện nay. Trước đó, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 7 với sự tham gia của 19 tác phẩm của 10 nước như Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... đã giúp khán giả Việt có dịp được thưởng thức những bộ phim chất lượng từng được giải tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều khán giả, phim tài liệu nước ngoài hấp dẫn hơn phim Việt Nam. Đôi khi sự cầu kỳ chau chuốt quá của các đạo diễn Việt Nam lại khiến người xem có cảm giác như đang xem một bộ phim truyện hơn là phim tài liệu. Nhiều bộ phim tài liệu của Việt Nam còn có cách kể chuyện cũ, lời dẫn nhiều và khiên cưỡng vì tác giả áp đặt suy nghĩ của mình vào câu chuyện. Năm 2015 là năm thứ 7 LHP tài liệu quốc tế châu Âu - Việt Nam được tổ chức. Tuy nhiên, trong số 10 phim Việt Nam tham gia thì có tới một nửa phim ra đời từ cách đây gần 10 năm như "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Chốn quê", "Còn lại với thời gian"...

Xếp hàng mua vé xem phim tài liệu là một tín hiệu đáng mừng cho thể loại phim này.

Ngay từ khi ra đời, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống con người. Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều trung tâm làm phim tài liệu ra đời và phát triển nhưng các trung tâm này đều hoạt động với kinh phí được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ hay các trung tâm văn hóa nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như trung tâm Văn hóa Pháp. Viện Goethe, Hội đồng Anh, Quỹ Văn hóa Đan Mạch...

Nhiều bộ phim tài liệu đã góp phần phản ánh một cách chân thực về cuộc sống con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Nhưng lâu nay, khán giả Việt không mặn mà với thể loại phim này. Một trong những vấn đề là bản thân những người làm công tác phát hành đã không hào hứng với phim tài liệu.

Có một câu chuyện là không ít nhà phát hành đã tiếc nuối khi nhìn dòng người xếp hàng mua vé xem "Lửa Thiện Nhân" vì trước đó họ đã từng từ chối phát hành phim này. Thực tế, phim tài liệu chỉ chiếu kèm phim truyện trong rạp, không có giờ vàng dành riêng trên sóng truyền hình đã khiến cho cơ hội đến với khán giả của thể loại phim này ngày càng bó hẹp. Bên cạnh đó, đề tài loanh quanh, đi vào lối mòn chính là nguyên nhân khiến phim tài liệu Việt Nam kém hấp dẫn.

Nhìn vào sức hấp dẫn của "Lửa Thiện Nhân", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" và trước đây là "Chuyện tử tế"... thì điều cốt lõi để một bộ phim tài liệu chinh phục được khán giả là đã chạm tới những điều sâu xa nhất trong trái tim con người. Bằng tài năng của mình, những người làm phim đã chuyển tải thông điệp nhân văn thông qua hình thức nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, những bộ phim tài liệu gần đây đã có sự học hỏi cách làm phim tiên tiến của thế giới, phù hợp với tư duy, suy nghĩ của người trẻ. Nếu chúng ta có một cơ chế phát hành thuận lợi nữa thì hoàn toàn tự tin rằng phim tài liệu có thể ra rạp và đạt doanh thu cao.

Khánh Thảo
.
.