Người hâm mộ và thần tượng

Trở thành thần tượng ngày hôm nay, dễ quá!

Thứ Hai, 30/04/2012, 08:00
Phỏng vấn Tiến sĩ Thế Hùng - Giám đốc chương trình nghệ thuật - Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Thưa TS Thế Hùng, ông quan niệm thế nào về thần tượng? Một người được xem là thần tượng của ai đó, họ phải có những phẩm chất cơ bản gì?

+ Thần tượng theo tôi phải là một ai đó rất tài năng, một người xuất chúng, có phông văn hóa lớn, có nền tảng kiến thức sâu rộng. Đấy là người đã đạt tới một tầm cỡ nào đấy cho nhiều người ngưỡng vọng và noi theo. Người nào đó muốn trở thành một thần tượng, họ phải có tố chất và khổ luyện. Nhưng điều quan trọng nhất là họ phải có đạo đức, tư cách tốt, có liêm sỉ, có lòng tự trọng cao và có thái độ sống với cộng đồng tốt. Cho nên, để đánh giá một ai đó là thần tượng trong xã hội hay không, không dễ.

- Vậy còn về phía những người hâm mộ thì sao? Việc lựa chọn ai đó làm thần tượng liệu có phản ánh văn hóa mà họ có, thưa ông?

+ Vâng. Một ai đó chọn thần tượng như thế nào thì việc lựa chọn ấy cũng đã phản ánh chính văn hóa của họ. Và thái độ hâm mộ thần tượng của họ cũng phản ánh chính xác tư duy, hiểu biết của họ. Nhìn một cách nghiêm túc, thì nếu bạn chọn ai đó làm thần tượng của bạn một cách văn hóa, thì những ứng xử của bạn với thần tượng của mình cũng sẽ rất văn hóa. Người hâm mộ không phải là phong trào, hay đám đông. Họ cũng phải là những người có tầm hiểu biết mang tính thời đại, có nhân cách, có lòng tự trọng, biết xấu hổ, biết mình là ai. Trang Tử nói: "Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Biết mình, biết người, biết thời đại". Ví dụ như câu chuyện các fan hâm mộ "hôn ghế" thần tượng như chúng ta đã chứng kiến gần đây thì là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, phản xạ của người không có tư duy, không có lòng tự trọng.

- Thông thường ở lứa tuổi còn cắp sách đến trường, ai cũng có thần tượng của riêng mình. Nhìn vào phần đa các bạn trẻ học đường hôm nay, TS cũng thấy là, các em thường thần tượng các ngôi sao ca nhạc. Và những biểu hiện của các em trong vai người hâm mộ với thần tượng của mình ngày càng có chiều hướng trở nên thái quá, thậm chí là lệch lạc. TS nói về hiện tượng này?

+ Trước tiên tôi nói về truyền thông. Các bạn trẻ học đường hôm nay đang phải chịu ảnh hưởng ghê gớm từ truyền thông. Rất nhiều tờ báo lạm dụng thông tin câu khách, rẻ tiền về đời tư của nghệ sĩ, vô hình trung đã tạo ra những hình mẫu thần tượng mà những người có hiểu biết, tri thức và bản lĩnh không bao giờ "tiêu hóa" được. Nhưng các em học sinh sinh viên còn non nớt về tuổi đời, rất dễ bị cuốn vào các trào lưu. Thần tượng các nhân vật như vậy dẫn đến việc các em bị lệch lạc, mất phương hướng về thẩm mỹ là dễ hiểu. Cộng với đó là chuyện rất nhiều em bây giờ không chịu học hành, không lĩnh hội tri thức, thành ra hành vi biểu hiện của các em với người hâm mộ mới trở thành kệch cỡm, ngớ ngẩn và nực cười như nhiều ví dụ chúng ta từng chứng kiến. Đau lòng hơn, không chỉ nực cười, mà có lúc còn là mất mát. Như câu chuyện cô bé học trò lớp 12 tố cáo ca sĩ Châu Việt Cường cưỡng hiếp mình chẳng hạn.

Một nguyên nhân sâu xa nữa ở đây tôi muốn đề cập, là văn hóa nghe nhìn hiện nay đang lấn át văn hóa đọc. Tuổi trẻ bây giờ không đọc sách. Trong khi sách chính là "ông thầy" vĩ đại nhất của con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dân tộc Do Thái là dân tộc có chỉ số IQ cao và họ đạt nhiều giải Nobel vì họ là dân tộc đọc sách nhiều nhất. Trung bình một người Do Thái từ 14 tuổi trở lên mỗi tháng đọc một cuốn sách. Khi một đứa trẻ bắt đầu có nhận thức, người mẹ nhỏ vào trang kinh thánh mấy giọt mật ong để đứa bé hôn vào, hàm ý hôn sự ngọt ngào của tri thức. Trong nghĩa trang người Do Thái cũng để rất nhiều sách cho các linh hồn… đọc. Người Do Thái quan niệm rằng, con người có thể bất tử, nhưng sách còn bất tử hơn. Một vị tiến sĩ người Do Thái được tôn vinh hơn tất cả các bậc vương quyền. Còn nhà thông thái thì không phải nộp thuế. Nhưng nhìn lại tình trạng đọc sách ở Việt Nam ta thì sao? Sách đã không còn là lựa chọn của các bạn trẻ nữa. Chính vì ít chữ, ít đọc nên mới sinh ra ngu dốt và thiếu hiểu biết. Mà thiếu hiểu biết thì hành xử kệch cỡm là hệ lụy tất yếu.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con em mình khi chọn một ai đó làm thần tượng?

+ Tôi phải nói ngay rằng, việc hôn ghế ngôi sao thần tượng của mình không thể là hành xử của con nhà có gia phong, cha mẹ tử tế được. Những đứa trẻ có giáo dục  tốt, thông thường chúng có lòng tự trọng cao và không ứng xử như vậy. Tuy nhiên, thời buổi cơ chế thị trường đã làm cho rất nhiều bậc phụ huynh sao nhãng con cái để lao vào kiếm tiền, dẫn đến ngày càng có nhiều trẻ em hư vì không có sự quản lý, kèm cặp của bố mẹ. Các con không được bố mẹ dành thời gian để chia sẻ các tâm sự của mình. Nhiều gia đình đến khi có nhiều tiền, nhìn lại, thì con cái lại là số 0. Cái lãi nhất trong đời người, không phải bàn cãi, đó chính là sự trưởng thành, hiểu biết của con cái. Nhưng tiếc là không phải cha mẹ nào cũng hiểu được điều này. Sự giàu có về tiền bạc có khi lại đi cùng với sự nghèo nàn về tinh thần, kém cỏi về văn hóa, đó là bi kịch mà nhiều gia đình đang phải gánh chịu.

- Gần hai mươi năm làm nghề dạy học, nếu có một sự so sánh giữa các thế hệ học trò ngày hôm nay và thế hệ trước đó, ông sẽ nói gì?

+  Cho đến nay, tôi đã từng giảng dạy ở 8 trường Đại học và tham gia thuyết trình tại 80 trường học khác nhau trong cả nước, tôi phải đau xót nói rằng, con em của chúng ta đang ngày một kém đi ở rất nhiều phẩm chất. Trước đây học trò nghèo lắm, đói cơm rách áo lắm, nhưng mà có trí, thông minh, và có nhân cách vô cùng. Nay thì những cái đẹp ấy đã phôi phai đi nhiều rồi. Một bộ phận không nhỏ học trò nhân cách xuống cấp, sống bạt mạng, lấy hưởng thụ làm chính, tâm lý chộp giật, con buôn từ tấm bé, chạy theo đám đông, không trọng nghĩa tình, không biết ơn cha mẹ, thầy cô… Các em không có lỗi. Trách cái vĩ mô là xã hội, trách cái vi mô là gia đình, sự lơ đễnh của cha mẹ trong dạy dỗ con nên người.

- Quay trở lại câu chuyện thần tượng, thưa TS, chúng ta đang có số đông những người hâm mộ trẻ tuổi mà văn hóa "đáng ngại" như TS vừa nói. Phải chăng vì thế mà cơ hội cho những ai muốn trở thành thần tượng ngày hôm nay cũng nhiều hơn thì phải. Một ca sĩ có lối sống buông thả, xuất hiện nhiều trên báo chí là cũng có thể trở thành thần tượng của một đám đông nào đó rồi…

+ Đúng là như vậy. Ngày hôm nay, trở thành thần tượng sao mà dễ thế. Và các bạn trẻ thần tượng một ai đó cũng sao mà dễ đến thế. Tôi đồng ý là một "ngôi sao" dễ trở thành thần tượng của giới trẻ hơn, vì họ là người của công chúng, xuất hiện nhiều. Nhưng nếu là một "ngôi sao" thật sự, người nghệ sĩ phải biết rèn giũa cho mình sáng mãi trong lòng công chúng, bằng tài năng và nhân cách của chính họ. Phải biết xem công chúng là con mắt thứ ba sau gáy mình, lắng nghe mọi khen chê, tỉnh táo trước hào quang và luôn hướng thiện, cầu thị. Thần tượng thực sự cũng là người biết tạo ra khoảng cách với người hâm mộ, chứ không phải tìm cách để đến gần người hâm mộ, lợi dụng người hâm mộ như trường hợp ca sĩ Châu Việt Cường vừa rồi. Hành xử như vậy không thể gọi là người có văn hóa, chứ đừng nói là thần tượng.

- Xin cảm ơn TS Thế Hùng

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.