Trở lại cần thận trọng hơn

Thứ Năm, 07/01/2021, 14:50
Việt Nam chưa để dịch bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng như nhiều quốc gia khác nhưng vẫn nằm trong mối đe doạ rất lớn về nguồn bệnh thâm nhập từ bên ngoài. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi, những đám đông kia đủ sức thổi bùng dịch bệnh và nếu điều không may ấy xảy ra, khó lòng chúng ta có thể hồi phục một cách nhanh chóng như đã làm được ở năm 2020.


“Một năm qua, chúng tôi gần như dành toàn bộ công sức, thời gian, tâm trí cho COVID-19” - Đó là chia sẻ cuối năm của Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 

Cộng đồng đã chứng kiến lực lượng y, bác sỹ và cán bộ ngành y tế đã phải căng mình thế nào kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên cho tới tận ngày hôm nay. Tất nhiên, ngành y tế không đơn độc trong công cuộc chống dịch cam go này. Y tế chỉ là mũi nhọn tiên phong mà thôi. 

Rất nhiều ngành nghề khác và ngay cả mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng phải tự ý thức để góp một phần rất nhỏ. Thành quả mà chúng ta thu được sau một năm chống dịch là rất đáng tự hào. Không phải dễ dàng gì mà Việt Nam bỗng thành điểm sáng trong cơn đại dịch toàn cầu này.

Nhưng không có nghĩa là chúng ta đã đến đích. Virus Sars-CoV-2 đã có những biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn luôn chờ trực. Và trên thực tế, tình trạng chủ quan đã xuất hiện. Đỉnh dịch đi qua được một thời gian thì ý thức cá nhân cũng như tập thể cũng dường như bị thả lỏng hơn, rất đáng lo.

Đêm giao thừa Tết dương lịch, ở nhiều tỉnh, thành đều có các chương trình “đếm ngược” mà đa số đều thuộc diện xã hội hoá. Rất nhiều chương trình trong số này thu hút tới hàng ngàn, hàng chục ngàn khán giả tập trung tại chỗ với khoảng cách không hề an toàn chút nào giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn là nguy cơ tiềm tàng.

Ai cũng hiểu, việc đóng cửa một cách cực đoan sẽ tổn hại rất lớn tới sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khi dịch bệnh tạm thời đã yên, phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Không thể vì sợ hãi mà để tê liệt, dẫn tới nhiều hệ lụy sâu, rộng và lâu dài. Song, quay trở lại với trạng thái bình thường vẫn rất cần sự cẩn trọng, cần cảnh giác. Chính vì thế mới có khái niệm “bình thường mới”, một khái niệm yêu cầu những thay đổi thực sự bởi tác động nguy hiểm của COVID-19.

Thật ra, không chỉ ở thời điểm giao thừa vừa rồi mà ngay từ trước đó, hiện tượng chủ quan đã bắt đầu phổ biến. Đã có khá nhiều sự kiện quy tụ quá đông người được tổ chức như thể chưa từng có dịch COVID-19 tồn tại. Theo dõi những đám đông như thế, và đối chiếu với những vụ nhập cảnh trái phép, chúng ta chắc chắn sẽ có cảm giác rùng mình. 

Việt Nam chưa để dịch bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng như nhiều quốc gia khác nhưng vẫn nằm trong mối đe doạ rất lớn về nguồn bệnh thâm nhập từ bên ngoài. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi, những đám đông kia đủ sức thổi bùng dịch bệnh và nếu điều không may ấy xảy ra, khó lòng chúng ta có thể hồi phục một cách nhanh chóng như đã làm được ở năm 2020.

Để phòng tránh, không có cách nào khác đòi hỏi ý thức của từng cá nhân lẫn các tổ chức xã hội. Tổ chức các sự kiện văn hoá, kinh tế, xã hội là rất cần thiết, nhưng để việc tổ chức thực sự hiệu quả và an toàn, biện pháp kiểm soát phải được đặt lên hàng đầu. Ví dụ như khoảng cách tối thiểu giữa các cá nhân tập trung tại chỗ chẳng hạn.

Rất cần một quy định cụ thể và việc thực hiện quy định nghiêm túc, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là ở dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đây là dịp nhiều sự kiện sẽ được tổ chức, thu hút đông đảo sự quan tâm của dân chúng. 

Đó là còn chưa kể sau Tết, các hoạt động lễ, hội truyền thống cũng sẽ diễn ra. Thời tiết, khí hậu ở khoảng thời gian này cũng tạo điều kiện cho virus dễ lây lan hơn. Đừng để vì thiếu cẩn trọng mà phải thêm lần nữa đình trệ bởi hệ quả của nó khi ấy sẽ khó lường vô cùng.

Văn Đoàn
.
.