Trích dẫn thơ cần chính xác

Thứ Ba, 02/07/2013, 08:00

Sinh thời, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, từ năm 1946 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước (ngoại trừ năm 1955, 1957, 1958 Bác chúc Tết bằng thư). Dễ thường trên thế giới ít có người đứng đầu nhà nước, hàng năm chúc Tết đồng bào bằng thơ như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Hai mươi hai bài thơ chúc Tết mừng xuân của Bác đã trở thành một hiện tượng văn hóa đặc trưng dân tộc.

Từ ngày Bác đi xa, mỗi năm Tết đến, nhớ thơ chúc Tết của Bác, một số tờ báo đã trang trọng đăng lại những bài thơ chúc Tết của Bác. Tết Quý Tị vừa rồi, trên một số tờ báo cũng đã có một số bài viết về thơ chúc Tết của Bác, thể hiện tình cảm, sự trân trọng, kính yêu Bác, đồng thời cũng giới thiệu với bạn đọc trẻ cái hay cái đẹp của thi ca.

Song, thật đáng tiếc trong số các bài viết ấy có một số bài khi dẫn và bình thơ Bác không chính xác và không đúng, để lại những hạt sạn không đáng có, gây ra sự phản cảm trong bạn đọc. Ví như bài "Sức xuân 60 năm bài thơ chúc Tết của Bác Hồ" (tức bài Chúc Tết Quý Tỵ 1953 - LXĐ) của Nguyễn Nguyên Phương đăng trên báo Văn nghệ Tết Quý Tỵ - 2013. Về bài thơ "Chúc Tết Quý Tỵ - 1953", các nhà xuất bản Văn học, Văn hóa - Thông tin, Quân đội nhân dân… và sách "Hồ Chí Minh toàn tập" đều in bài thơ có 12 câu: "Mừng năm Thìn vừa qua/ Mừng năm Tỵ đã tới/ Mừng phát động nông dân/ Mừng hậu phương phấn khởi/ Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới/ Mừng toàn dân đoàn kết/ Mừng kháng chiến thắng lợi/ Mừng năm mới, nhiệm vụ mới/ Lực lượng mới, thành công mới/ Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào/ Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới". Nhưng tác giả Nguyễn Nguyên Phương dẫn bài thơ để bình đã thiếu hẳn câu "Lực lượng mới, thành công mới" sau câu "Mừng năm mới, nhiệm vụ mới". Mới đọc tưởng như tác giả bỏ sót, nhưng không phải, vì trong lời bình đã viết "cũng dễ nhận ra trong 11 dòng chỉ có một từ "xuân" (tr 5). Vậy là, theo tác giả, bài thơ chỉ có 11 câu. Ngược lại, trên báo Thanh Hóa số xuân Quý Tỵ - 2013, bài “Đọc lại bài thơ chúc Tết của Bác Hồ xuân Quý Tỵ - 1953” của Nguyễn Ngọc Phú thì bài thơ có những 13 câu, thêm hẳn một câu Lực lượng mới, nhiệm vụ mới (tr 5) sau câu Mừng năm mới, nhiệm vụ mới. Tác giả đã bình "Trong bài thơ có 13 câu thì có đến 10 câu mừng… lần này Bác nhắc lại 2 lần Lực lượng mới một cách công khai thể hiện sự tự tin, khẳng định, quyết đoán đại diện cho sức mạnh ý chí toàn dân tộc" (tr 5). Đây là tác giả tự quyết đoán chứ thơ Bác chỉ có một lần Lực lượng mới và hoàn toàn không có lặp lại 2 lần Nhiệm vụ mới như tác giả thêm vào Lực lượng mới, nhiệm vụ mới. Bác chỉ có một câu Mừng năm mới, nhiệm vụ mới.

Lại nữa, Tạp chí Nhà văn số 2/2013 mừng xuân Quý Tỵ đăng bài "Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Nguyễn Thanh Tuấn có rất nhiều sai sót. Thứ nhất, khi dẫn hai câu thơ "Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền", tác giả cho biết hai câu này nằm trong bài "Tin thắng trận". Sai rồi, hai câu thơ này không phải của bài "Tin thắng trận" (Báo tiệp) mà là "Rằm tháng Giêng" (Nguyên tiêu). Thứ hai, sau khi dẫn toàn bài "Cảnh rừng Việt Bắc": "Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng…", lạ thay, tác giả hạ lời bình: "Bằng con mắt và tâm hồn lạc quan của mình, Tây Bắc không còn là một nơi rừng sâu heo hút và thiếu thốn nữa". Thứ ba, trong lời bình bài thơ "Rằm tháng Giêng" (Nguyên tiêu) có đoạn: "Giữa không gian mênh mông vô tận, từ "Rằm xuân", qua "Sông xuân" đến "Trời xuân" vằng vặc dưới trăng nhắc cho thi nhân nhớ đến lời hẹn: "Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau". Đây quả là một sự gán ghép. Bài thơ "Rằm tháng Giêng" Bác viết đúng vào ngày rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948), còn bài "Tin thắng trận" Bác viết vào giữa mùa thu năm 1948 thì không thể "nhắc cho thi nhân nhớ đến lời hẹn Trăng vào cửa sổ đòi thơ…" được.

Từ những điều nói trên, thiết nghĩ khi viết về thơ Bác, hoặc thơ của các nhà thơ, điều tối thượng là phải dẫn thơ chính xác. Và, khi bình thơ, trước khi đạt đến cái hay, cái đẹp thì đầu tiên phải là cái đúng

Lê Xuân Đức
.
.