Tri thức phải là nền tảng căn bản

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:13
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc Vương quốc Anh có nên ở lại trong khối EU hay không đã mang lại nhiều diễn biến bất ngờ. Với tỷ lệ 51,9% số người đồng ý rời bỏ EU, Thủ tướng Anh David Cameron đã quyết định từ chức. 


Đó không phải là hành động của việc ông đã thất bại trong việc thuyết phục người dân Anh về lợi ích của Vương quốc Anh khi ở lại với EU mà đó là việc đảm nhận trách nhiệm của một chính trị gia khi không thể thực hiện lời hứa của mình với các cử tri ủng hộ mình cũng như các đối tác EU, lời hứa "sẽ làm mọi cách, bằng cả trái tim lẫn tâm hồn, để thuyết phục dân chúng Anh đồng thuận việc ở lại với EU".

Và diễn biến đáng kể thứ hai chính là hệ lụy có thể khiến Vương quốc Anh đứng trước những bất ổn chính trị trong tương lai. Chỉ tính trên nước Anh (England) đơn thuần (chưa kể London), 53,4% số người ủng hộ rời EU.

Tại London, chỉ 40,1% số dân mong muốn phương án Brexit. Trong khi đó, ở Scotland, 62% số người ủng hộ ở lại với EU và đây có thể sẽ là chìa khoá để mở trở lại câu chuyện Scotland rời khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh. Những người Scotland ủng hộ ở lại với EU hoàn toàn có khả năng phát động một phong trào Scotland độc lập và tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thực sự.

Quyết định của nước Anh có thể là thảm họa toàn cầu trong thế kỷ.

Điều tương tự cũng có khả năng diễn ra tại Bắc Ireland, nơi có tới 55,8% dân số ủng hộ ở lại với EU. Như vậy, viễn cảnh Anh chỉ còn lại đúng England và xứ Wales là thứ mà người Anh có thể tưởng tượng ra ngay từ bây giờ, đồng thời họ cũng nhận thấy mối đe doạ đó lớn lao ra sao với những tác động đến đời sống kinh tế, xã hội.

Nhưng diễn biến đáng kể nhất phải là việc ngay trong ngày công bố kết qủa cuộc trưng cầu dân ý, từ khoá được người dân Anh tìm kiếm nhiều thứ nhì trên google chính là "EU là gì?" (từ khoá được tìm nhiều nhất là "Rời EU thực chất mang ý nghĩa gì?").

Rất nhiều người đã bỏ phiếu cho việc rời bỏ EU chợt ngỡ ngàng nhận ra rằng chiến thắng mà họ có được chỉ là thứ hào quang trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Ngay sau đó, họ bắt đầu nhận ra nhờ vào các bình luận sâu sắc của giới học giả, giới trí thức trẻ trên các phương tiện truyền thông, về những nguy cơ mà nước Anh có thể phải đối diện.

Đơn giản như bình luận của một thanh niên Anh quốc trên tờ Financial Times rằng "Thế hệ trẻ đã bị chính thế hệ cha anh của mình tước mất quyền sinh sống và lao động ở 27 quốc gia khác; mất cả những cơ hội kết bạn, cơ hội hôn nhân và trải nghiệm đời sống".

Bình luận ấy gay gắt, nhưng chính xác. Những người ủng hộ rời khỏi EU phần lớn ở độ tuổi trên 50. Và trong số những người ủng hộ ấy, rất nhiều người thuộc diện hưu trí, thất nghiệp, sống dựa trên an sinh xã hội, lạc hậu, ít cập nhật và kiến thức thấp. Họ bị ru ngủ rằng chính những người lao động mang quốc tịch EU nhập cư vào Anh đã tước đoạt đi cơ hội của mình và bởi thế, họ biểu quyết cho chuyện rời EU như một phản kháng đầy tính tự vệ.

Song, khi họ bắt đầu nhận được kết quả, bắt đầu lờ mờ thấu hiểu nỗi thất vọng cùng cực của thế hệ trẻ, họ mới thực sự kiếm tìm trên internet những thông tin căn bản nhất về EU, về việc Anh tham gia EU thế nào, nguy và cơ khi Anh rời khỏi EU ra sao. Để rồi từ đó, bắt đầu có những người cảm thấy nuối tiếc, với phát biểu trên truyền thông đại khái như "tôi không nghĩ lá phiếu của mình lại có thể quyết định được chuyện này. Tôi vẫn nghĩ chỉ một lá phiếu thôi không đủ để thay đổi. Tôi mong được biểu quyết lại".

Câu chuyện ở nước Anh đang làm thế giới chấn động đã chỉ ra một bài học vô cùng sâu sắc cho chính chúng ta hôm nay, khi những vận động xã hội đang ngày một mạnh mẽ hơn, hướng đến phát triển một cách lành mạnh và văn minh hơn. Đó chính là nền tảng căn bản nhất, nền tảng cơ sở nhất của xã hội vẫn phải là tri thức. Và càng hướng tới một xã hội dân chủ, chấp nhận đa chiều quan điểm, tri thức càng đóng một vai trò thiết yếu, thiết yếu đến mức quyết định.

Thực hành dân chủ mà thiếu tri thức, thiếu tìm hiểu, chắc chắn sẽ dẫn đến những đổ vỡ đáng tiếc, đặc biệt ở những thời điểm mang tính quyết định. Và ngay cả một xã hội văn minh như ở Vương quốc Anh cũng xảy ra tình trạng mà theo như những trí thức trẻ của họ đã mô tả rằng "Điều đáng sợ là lẽ ra họ có thể tìm hiểu kỹ mọi thứ trước khi họ biểu quyết thì họ lại không chịu làm" thì ở một xã hội có mặt bằng dân trí thấp hơn như Việt Nam, việc bồi dưỡng, xây dựng nền tảng dân trí là vô cùng quan trọng.

Chúng ta vẫn đề cao "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" song không thể tùy tiện áp dụng ở những sự vụ, lĩnh vực mà thực sự dân trí còn quá thấp. Nó tương tự như chuyện trong mỗi gia đình, đứa trẻ lên 6 tuổi không thể tham gia vào chuyện quy hoạch ngân sách gia đình cùng cha mẹ bởi chúng chưa hề có một khái niệm cụ thể nào về thu - chi, giá trị cũng như những kiến thức căn bản nhất về tài chính. Thực hành dân chủ không đi kèm với tri thức tương xứng chắc chắn sẽ chỉ tạo ra hỗn loạn xã hội không hơn không kém.

Và vượt trên tất cả, thế nào là dân chủ chính là một thứ kiến thức đòi hỏi trình độ nhận thức rất cao để có thể tiếp cận một cách thấu đáo. Nó không chỉ đơn giản là việc xác định mình có một cái quyền cụ thể nào đó và đòi hỏi thực hiện cái quyền đó mà nó còn yêu cầu cả việc tự minh định về nghĩa vụ của mình, tự minh định về giới hạn của mình, về tầm hiểu biết của mình để từ đó, biết xây dựng cho chính mình một nguyên tắc riêng về mức độ can dự vào thời cuộc.

Hà Quang Minh
.
.