Trị căn bệnh "hội chứng kỷ niệm"?

Thứ Năm, 01/11/2018, 07:30
Trong ngày 29-10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2019 - 2021, đã cho rằng "Phần chi cho đầu tư phát triển vẫn chủ yếu từ nguồn đi vay, nhưng thiếu hiệu quả.


Nguyên nhân mà cử tri và các đại biểu quan tâm, rất bức xúc, đó chính là chúng ta đã sử dụng ngân sách một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức, như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỉ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh".

Nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện đất nước cần tập trung nguồn lực để phát triển thì chúng ta lại quá lãng phí tiền của, thời gian vào việc tổ chức kỷ niệm tràn lan ở các địa phương. Năm 2016 - 2017, một loạt "từ Nam chí Bắc" đua nhau tổ chức kỷ niệm 20 năm, rồi 30 năm ngày tái lập tỉnh. Nó đã tạo ra một thứ bệnh mà mọi người đặt tên là "hội chứng kỷ niệm". Tình trạng tổ chức lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí đã bị báo chí và công luận lên án mạnh mẽ.

Điển hình như câu chuyện tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng dịp 20 năm tái lập tỉnh; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng mua Kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm ngày truyền thống… Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 20-2-2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Một buổi thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Các lễ kỷ niệm được tổ chức cũng phải phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục tập quán của từng địa phương. Đặc biệt, phải sử dụng ngân sách Nhà nước tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, việc thiếu chế tài và quy định trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến việc từ đầu năm tới nay, biểu hiện của bệnh "hội chứng kỷ niệm" lại tái phát. Đã có một loạt tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm. Trong số đó, có tỉnh còn rất nghèo, mới tự cân đối được 14% đến 15% ngân sách.

Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, gấp 3 lần bình quân cả nước, hàng năm vẫn đang phải xin được cấp gạo cứu đói. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm rất quy mô, hoành tráng. Thực trạng này gây bức xúc trong dư luận và chính các đại biểu Quốc hội cũng phản ứng.

Hình ảnh giản dị, khiêm tốn và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Người là biểu tượng của sự gương mẫu trong mọi hoạt động. Khi tới thăm các địa phương, Người đến tận xưởng máy nói chuyện với công nhân; lội ruộng và đạp guồng nước chống hạn cùng nông dân, đến nhà dân thăm hỏi người già, trẻ nhỏ. Người đến tận trận địa thăm bộ đội, cùng làm vườn, tập thể dục, đánh bóng chuyền với chiến sĩ cảnh vệ.

Trái hẳn với hình ảnh giản dị của 60 năm về trước khi Bác Hồ về thăm tỉnh là sân khấu lung linh, hoành tráng với hệ thống âm thanh hiện đại, ánh sáng chuyên nghiệp và có sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên và hàng nghìn khách mời.

Chúng ta đều biết rằng, một lễ kỷ niệm lớn như thế này chẳng bao giờ dừng lại ở những buổi mít tinh hay những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Bao giờ bên cạnh sự kiện chính quan trọng của tỉnh thì cũng có những hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá về những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, của doanh nghiệp và những cuộc thi đấu thể thao, triển lãm nghệ thuật, những cuộc giao lưu bên lề… mà chắc chắn không thể diễn ra mà không có kinh phí và để có vài khoảnh khắc đáng nhớ các địa phương đã phải tiêu hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách.

Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương vừa có hiệu lực ngày 15-10-2018. Lần đầu tiên, các quy định cụ thể về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng được thể hiện tập trung trong một văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là quy định rõ ràng những "điều cấm" nhằm ngăn ngừa sự lãng phí. Chúng ta hy vọng Nghị định số 111/2018/NĐ-CP sẽ phát huy được công năng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống thời gian tới đi vào nề nếp.

Bên cạnh những quy định, chế tài được đề ra thì các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng "nhờn" luật, "nhờn" quy định trong thời gian qua.

Cù Tất Dũng
.
.