Trẻ em bây giờ có còn cần đọc chuyện cổ tích?

Thứ Hai, 28/09/2015, 08:00
Khi đứa trẻ sinh ra, sau hát ru, nó được nghe chuyện cổ tích. Vì cổ tích hướng thiện và khuyến thiện. Cổ tích còn là thế giới hoang đường, kì ảo, huyền hoặc, mê đắm. Câu mở đầu đầy nhạc cảm của cổ tích "Ngày xửa… ngày xưa…" ru hồn trẻ thơ vào những giấc mơ trong trẻo, tuyệt mĩ về một thế giới hiện thực trong mơ ước, ở hiền rồi lại gặp lành…

Người lớn đừng làm hỏng thế giới cổ tích trong tâm hồn con trẻ

Thạc sỹ văn học Trần thị Mỹ Hà - Tổ trưởng bộ môn Văn Trường THPT Trần Nhân Tông.

Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì…

Xin mượn mấy câu thơ trên của Lâm Thị Mỹ Dạ để làm lời phi lộ cho bài nói về chuyện cổ tích khi mà trên các trang mạng xã hội hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về việc trẻ con bây giờ không cần đến chuyện cổ tích, rằng chuyện cổ tích không nên tồn tại trong đời sống hiện đại hôm nay. Cực đoan hơn nữa, có những diễn đàn của các bậc làm cha làm mẹ tẩy chay cổ tích và khuyên nhau đừng dạy con theo chuyện cổ tích.

Thạc sỹ văn học Trần Thị Mỹ Hà.

Khi đứa trẻ sinh ra, sau hát ru, nó được nghe chuyện cổ tích. Vì cổ tích hướng thiện và khuyến thiện. Cổ tích còn là thế giới hoang đường, kì ảo, huyền hoặc, mê đắm. Câu mở đầu đầy nhạc cảm của cổ tích "Ngày xửa… ngày xưa…" ru hồn trẻ thơ vào những giấc mơ trong trẻo, tuyệt mĩ về một thế giới hiện thực trong mơ ước, ở hiền rồi lại gặp lành…

Cổ tích đúng là có chức năng xoa dịu hiện thực ngặt nghèo, bi thảm của đời sống, mang đến cho người nghèo niềm lạc quan sống. Mà một trong những giấc mơ đỉnh cao của người nghèo là được làm vua hay là hoàng hậu, những nhân vật biểu tượng cho hạnh phúc, giàu sang và quyền lực.

Mấy năm gần đây, nhiều người đọc ở ta, do mạng xã hội phát triển, họ bỗng dưng có cơ hội được phát biểu quan điểm một cách phóng túng, tự do. Người ta bỗng đổ xô chê Tấm quá đần, bị lừa hết lần này lần khác; Tấm thực ra rất ác chứ không hiền lành như câu chuyện kể mặc định thế.

Lại nhớ câu chuyện xưa kể về một buổi biểu diễn sân khấu. Đến màn cao trào, một khán giả đã rút súng bắn chết ngay một diễn viên trên sàn diễn. Tất cả đang bàng hoàng thì người nổ súng lên tiếng: Cái ác cần bị tiêu diệt. Mọi người ồ lên: Ơ kìa… đây là sân khấu mà! Một lúc, người vừa nổ súng kê súng vào mang tai mình bóp cò. Trước khi bóp còn kịp nói to: Ôi trời ơi… sân khấu à? Người ta đem hai cái xác đó chôn kề nhau, xây mộ công phu, đẹp đẽ, đề lên hai bia mộ lần lượt dòng chữ: Diễn viên tài ba nhất và Khán giả tuyệt vời nhất. Mấy chục năm sau, thị trưởng thành phố mới nhậm chức nhìn thấy hai ngôi mộ, bảo: Hai kẻ này chính là những tội đồ của nghệ thuật. Một kẻ đưa sân khấu ra ngoài đời, còn một kẻ dám đưa ngoài đời vào sân khấu. Họ đáng bị phỉ báng chứ không đáng thờ phụng.

Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam có sức sống kỳ diệu qua bao năm tháng.

Chuyện cổ tích cũng na ná như sân khấu mà khán giả là các em nhỏ. Những nhân vật cổ tích của thời sơ khai được dựng lên trong thế giới trong trẻo của trẻ thơ. Theo thời gian, cảm quan ấy sẽ thay đổi. Nhưng khi nào tâm hồn trẻ thơ còn trong veo trong vắt thì người lớn ơi, xin hãy giữ cùng các em, giùm các em. Giờ người lớn lấy tư duy của người hiện đại để mổ xẻ chuyện cổ tích, khác nào nã đại bác vào quá khứ, cướp đi cái ngây thơ tuyệt vời của con trẻ.

Người lớn chê Tấm là những người lớn không biết đọc cổ tích. Phàm đã là tác phẩm văn học, nó có cái gọi là thi pháp. Không chỉ là phép làm thơ, nó là cách thức, kĩ thuật, nghệ thuật sáng tạo một tác phẩm văn học nói chung. Nhân vật Tấm được xây dựng theo thi pháp nhân vật cổ tích.

Tấm là nhân vật chức năng, là đại diện cho cái Thiện. Chức năng của Tấm là lúc đầu phải bị lừa, hết lần này đến lần khác. Để làm chi? Để cái ác có cơ hội bộc lộ bằng hết những thủ đoạn tàn ác, xảo quyệt của nó. Để cuối cùng, khi cái thiện ra tay, người ta thấy hả hê, xác đáng. Nên đừng trách Tấm đần ngu.

Có ai từng đặt câu hỏi tại sao Tấm là vợ vua mà vua không hề giúp gì Tấm không? Tại sao Tấm phải tự mình ra tay truy tìm, tiêu diệt cái ác không?

Mẹ con Cám bao nhiêu lần rắp tâm giết Tấm bằng được? Quyết không để Tấm sống, bọn họ không chỉ cướp đoạt mạng sống, mà còn âm mưu cướp ngôi vị hoàng hậu và hạnh phúc của Tấm. Với cái ác đến tận cùng như vậy, việc trừng trị nó một cách đích đáng là để thỏa khát khao về sự công bằng xã hội. Mà phải là tự mình ra tay trừng trị mới hả hê. Bụt cũng chỉ giúp Tấm khi Tấm là cô gái hiền lành, yếu đuối; còn khi mạnh mẽ, đã nhận diện được cái ác, Tấm phải tự mình đấu tranh để giành và giữ hạnh phúc.

Cũng đừng nói Tấm giết em cùng cha khác mẹ và giết mẹ kế. Ở đây, dân gian đã dùng sân khấu gia đình để diễn lại mâu thuẫn Thiện - Ác trong xã hội bắt đầu có sự phân chia giai cấp. Tấm đã nhân danh cái Thiện để trừng trị cái Ác. Nhân dân đã đặt lưỡi gươm công lí vào tay Tấm.

Nhân vật cổ tích như Tấm cũng là nhân vật nguyên tấm, nguyên phiến, đại diện cho tính cách nào thì chỉ có duy nhất một tính cách như vậy, từ đầu đến cuối. Không như nhân vật hiện đại, có pha trộn, mâu thuẫn và chuyển hóa trong tính cách.

Cho nên, những cái kết thúc như của chuyện cổ tích Tấm Cám, nó cổ vũ người lao động đấu tranh. Người ta sẽ không thể thay đổi được hiện thực nếu không biết mơ ước.

Còn bây giờ, sống trong xã hội thượng tôn pháp luật thì phải biết: nếu có tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi thì cũng không được manh động, phải đưa ra pháp luật phân xử, không thể xử bằng tòa án dân gian như cô Tấm, dù đó cũng là "tòa án của lương tri".

Hơn nữa, với tư duy của con người sau mấy trăm năm, chuyện xưa có cái gì là lạc hậu thì phải biết tiếp thu có chọn lọc. Chuyện đã mấy trăm năm, đến giờ này, tránh sao được có cái lạc hậu. Cho nên ở phương Tây, nơi có nghệ nhân kể chuyện cổ tích, người ta có khái niệm Nhập trường cổ tích (trường là môi trường, không gian; hiểu nôm na là tạo ra không khí cổ tích, để người nghe bị mê hoặc, có cảm giác "như thật") và giải trường cổ tích (hiểu nôm na là giúp người nghe tỉnh lại, thoát khỏi sự quyến rũ mê hoặc của không khí cổ tích, để người nghe trở về với đời thực, để hiểu rằng, cổ tích chỉ là cổ tích mà thôi).

Một điều nữa, nếu cho rằng cuộc sống hiện đại cần thực tế, đừng mơ mộng viển vông. Thì… không phải thế đâu, cảm xúc lãng mạn rất cần, càng cần cho con người hiện đại, để cân bằng, để thăng hoa trong cuộc sống. Vì vậy, cổ tích nói riêng và huyền thoại nói chung có khả năng tái sinh không ngừng. Không tin ư? Các siêu phẩm của Hollywood vẫn liên tục được xây dựng trên chất liệu của Kho tàng thần thoại và cổ tích đó.

Nhà văn Thu Trân: Chuyện cổ tích là "đặc sản" dành cho trẻ thơ

Quỳnh Nga ghi

- Là nhà văn có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, chị đánh giá như thế nào về giá trị của kho tàng cổ tích với thế giới trẻ thơ?

+ Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam là vàng với mọi thế hệ người Việt Nam. Tuổi thơ đi qua với muôn vàn ký ức đẹp về những nhân vật cổ tích và những bài học dạy làm người từ chuyện cổ tích. Tuổi thơ tôi qua lâu lắm rồi, nhưng khi ăn khế, thấy trái khế hay đứng dưới bóng cây khế, tôi lại nhớ truyện "Ăn khế trả vàng", nhớ bài học sâu sắc về lòng tham, về tình nghĩa anh em và sự sẻ chia trong gia đình. Chỉ một chuyện cổ tích thôi mà đã bao nhiêu bài học làm người quý giá. Chưa kể những cái đẹp lóng lánh khó quên về hình thức của những nhân vật siêu nhiên như chú chim phượng hoàng nhiều màu sắc được người em đính đầy vàng trên cổ và cánh. Chuyện cổ tích là cái nôi của triết học, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Ở đó, con người còn gửi gắm khát vọng, ước mơ tươi đẹp của mình. Giá trị chuyện cổ tích rất to lớn. Là lớp hậu sinh, làm sao tôi dám đánh giá, chỉ đứng xa mà chiêm ngưỡng, mà tận hưởng phần mình thôi.

Nhà văn Thu Trân.

- Gần đây, trên một số diễn đàn có những ý kiến tranh cãi cho rằng không nên cho trẻ em đọc chuyện cổ tích. Họ dẫn ra lý lẽ: chuyện cổ tích toàn là chuyện viển vông, vô lý, tô hồng, không đúng với thực tế, bóp méo thẩm mỹ quan và giá trị quan của thiếu nhi. Nó làm các em tự ti, hoài nghi mọi thứ vì nghĩ rằng, chỉ những người xinh đẹp như công chúa, hoàng tử thì mới đẹp nết, mới được hưởng hạnh phúc, còn ai xấu người luôn gắn với xấu nết, từ đó làm trẻ khó hoà đồng trong đám đông. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

+ Chuyện cổ tích đẹp đẽ và giá trị như thế thì tại sao không cho các em đọc và cảm thụ. Viển vông, vô lý, tô hồng, bóp méo thẩm mỹ… là những "thuộc tính" được người ta gán ghép cho chuyện cổ tích, thì theo tôi, đây là những cái áo rách mà người ta cố tình khoác lên truyện cổ tích. Dù viết hay kể chuyện cổ tích, người viết người kể đều có dụng ý rất rõ ràng trong việc cho xuất hiện hai tuyến nhân vật. Thạch Sanh bao giờ cũng là người tốt. Lý Thông bao giờ cũng là người xấu.

Chuyện cổ tích là "đặc sản" dành cho trẻ em nên không có dấu ba chấm dành cho sự phán xét. Kết thúc rõ ràng, Thạch Sanh tốt bụng hay lam hay làm thì cưới được công chúa xinh đẹp. Lý Thông xấu tính, lừa thầy phản bạn thì bị sét đánh. Tự trẻ đọc (hoặc nghe kể) thì trẻ thừa biết nên làm theo hoặc học tập Thạch Sanh hay Lý Thông. Đơn giản, rõ ràng vậy thì có gì mà viển vông, vô lý, tô hồng?

Trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam chính thống, tôi đố bạn tìm và chứng minh được chuyện nào có tính viển vông, vô lý, tô hồng mà không hướng đến tư tưởng, triết lý nào. Có chăng là những chuyện cổ tích được viết lại hoặc phóng tác sai lệch, méo mó bởi người viết, người phóng tác trình độ kém. Không có lý do gì mà ta tước đi thế giới cổ tích của trẻ thơ nếu đó là những chuyện cổ tích đẹp của dòng cổ tích chính thống.

- Với quan điểm chuyện cổ tích có nhiều dị bản dân gian được thêm thắt tùy vào hoàn cảnh xã hội, gần đây đã xuất hiện chuyện cổ tích cải biên để cố gắng "logic hóa" những tình tiết vốn vô lý của chuyện cổ tích hoặc "hiện đại hóa" theo phong cách, ngôn ngữ @. Loại chuyện này đã bị lên án là phản cảm, bóp méo bản gốc dân gian vốn trong trẻo. Thế nhưng, không ít bản gốc bị cho là đầy rẫy yếu tố bạo lực, thậm chí là ghê rợn khiến nhiều phụ huynh e ngại khi cho con đọc.

+ Tôi không chấp nhận chuyện cổ tích cải biên. Ngữ pháp Việt Nam có nghệ thuật ẩn dụ, nghệ thuật so sánh… thì không cần phải cải biên chuyện cổ tích để phù hợp với thời hiện đại. Chỉ cần biết và hiểu tiếng Việt thì một đứa trẻ lên sáu cũng hiểu vì sao cô Tấm bị ức hiếp, vì sao chim vàng anh bay vào tay áo hoàng tử. Truyện "Tấm Cám" có ẩn trong bụi tre hay giếng làng một ngàn năm đi nữa thì cũng vẫn là truyện "Tấm Cám" với cái ác phải đền tội và ở hiền thì gặp lành. Như vậy thì hà cớ gì phải cải biên để mọi thứ bỗng rối như canh hẹ. Chuyện cổ tích là dòng chuyện dân gian, không có tác giả cụ thể. Nếu truyện cổ tích có tác giả và tác giả kiện tụng thì những người cải biên sẽ phải hầu toà vì tội xâm phạm và xuyên tạc giá trị tác phẩm. Người tử tế và yêu tiếng Việt không ai cải biên một tác phẩm đã nằm trong kho tàng văn học dân tộc.

Còn "yếu tố bạo lực" trong truyện cổ tích như giết người làm mắm (Tấm Cám) là các nhà có chữ cố tình gán ghép một cách võ đoán. Người xưa yêu ghét rõ ràng, tội ác trời không dung đất không tha của mẹ con Cám đáng bị "làm mắm" lắm chứ. Hàm ý ở đây là gieo nhân nào gặt quả đó. Chuyện bị làm mắm của Cám phải sao cho thật cân xứng với tội mẹ con Cám đã đày đoạ, giết chết Tấm. Theo tôi đây chỉ là những hành động, hình ảnh mang tính ẩn dụ để làm nổi bật chuyện cái ác phải đền tội. Không nên gán ghép chuyện ẩn dụ này vào cụm từ "yếu tố bạo lực" tỉnh như sáo!

Đã quá quen thuộc với người Việt Nam, mang đậm nét văn hoá truyền thống, theo tôi, chuyện cổ tích không nên có dị bản hiện đại. Như thế là bảo tồn giá trị truyện cổ tích. Người ta đã quen một cô Tấm giỏi giang, đằm thắm, chịu đựng, dịu dàng… thì không thể chấp nhận một cô Tấm có võ, dám đương đầu với cái ác trên mạng. Tác giả  muốn cô Tấm phải thật hiền để làm nổi bật cái ác của mẹ con Cám (có vậy mới "vừa" với cao trào Cám bị làm mắm). Đây cũng là giá trị tư tưởng (ở hiền gặp lành) của tác phẩm mà ông bà ta muốn gửi gắm. Nếu thích cho cô Tấm vùng lên một cách hiện đại thì người viết nên viết một truyện khác ký tên mình, chứ đừng dựa dẫm vào cốt truyện truyền thống để tung tẩy ý tưởng làm hư bột hư đường chuyện cổ tích.

- Chúng ta có nên chọn lọc dị bản chuyện cổ tích dân gian để phù hợp với thiếu nhi và cho trẻ đọc theo từng độ tuổi?

+ Tôi đồng ý với bạn về chuyện nên chọn chuyện cho trẻ đọc phù hợp với lứa tuổi, không riêng gì chuyện cổ tích. Có vậy, trẻ sẽ hiểu chuyện đúng đắn và thích văn hoá đọc hơn.

-Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Sẽ thật bất hạnh nếu tuổi thơ không có chuyện cổ tích

Như Bình ghi

- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh đánh giá thế nào về giá trị của kho tàng chuyện cổ tích?

+ Cổ tích là chuyện thần tiên dành cho con trẻ, thường tồn tại qua truyền miệng. Mẹ kể cho con. Con kể cho cháu. Cháu kể cho chắt… Cứ thế truyền hết từ đời này sang đời khác. Sau đó, các nhà sưu tầm mới gom nhặt lại, cho xuất bản thành sách. Hầu hết đó là chuyện dân gian. Tôi nói "hầu hết", vì còn có những nhà văn, trong đó có cả những tên tuổi lớn cũng đã nương theo hơi dân gian sáng tác truyện cổ tích cho các em và không phải chỉ cho các em, như nhà văn An Đéc Xen ở Đan Mạch, anh em Grim ở Đức, ở ta là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với truyện "Tìm mẹ", nhà thơ Phạm Hổ với tập "Chuyện hoa chuyện quả". Và còn rất nhiều, rất nhiều.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Chuyện cổ tích là một mảng văn chương rất đặc sắc, đã được bổ sung tinh lọc qua nhiều đời. Ở ta, mảng văn chương này khá đồ sộ. Chúng ta có 54 dân tộc. Dân tộc nào cũng có chuyện cổ tích. Mà chuyện cổ tích thì chuyện nào cũng hay. Nếu không hay thì không thể tồn tại được, vì người ta sẽ quên. Chúng ta có cả một kho tàng chuyện cổ tích vô cùng phong phú của 54 dân tộc anh em. Chúng ta còn có cả mảng cổ tích của các nước trên thế giới. Chỉ tính riêng Ả Rập, bộ "Ngàn lẻ một đêm" đã là một viên ngọc chói ngời mà chẳng có kỳ quan văn chương nào có thể sánh được.

Chuyện cổ tích có giá trị rất đặc biệt. Nó mở trí tưởng tượng cho các em, xây đắp tâm hồn các em, hướng các em tới cái thiện. Nó là những bài học đầu đời, những bài học vô cùng sâu sắc cho con trẻ. Ông bà dạy cháu, bố mẹ dạy con là dạy qua những câu chuyện cổ tích. Các cháu tiếp thu được những bài học vô cùng tuyệt vời. Tiếp thu một cách hồn nhiên mà không thấy mình bị "lên lớp". Nếu cứ "lên lớp", trẻ sẽ có những phản ứng bật ngược lại. Ngay cả một đứa trẻ cũng không thích sự áp đặt. Đó là quy luật của tự nhiên. Đấy là lý do vì sao các em không thích các môn Đạo đức, Luân lý, nếu ở đó có sự áp đặt một cách sống sượng, khiên cưỡng và khô cứng. Muốn vào được tâm hồn các em, những bài học về Đạo đức, Luân lý phải biến thành những câu chuyện cổ tích, những trò chơi mang phong vị dân gian. Cổ tích luôn gắn liền với tuổi thơ. Sẽ thật bất hạnh nếu tuổi thơ không có chuyện cổ tích.

- Nhà thơ có hình dung nếu một thế giới thiếu chuyện cổ tích, trẻ em sẽ lớn lên và phát triển ra sao? Tâm hồn của các em sẽ khác biệt như thế nào? Liệu có tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn khi giờ đây không ít diễn đàn đang cổ xuý cho các bậc phụ huynh không cho con đọc chuyện cổ tích?

+ Trẻ con không thể thiếu được những chuyện cổ tích. Nếu không còn cổ tích, các em cũng sẽ không có tuổi thơ. Và sẽ bất hạnh biết bao khi con người ta không còn tuổi thơ nữa. Nhà thơ Nguyễn Duy có hai câu thơ rất hay: "Mẹ ru cái lẽ ở đời - Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn". Và như thế, đứa trẻ nào lớn lên cũng được nuôi dưỡng bằng hai bầu sữa. Bầu sữa của mẹ. Đó là vật chất. Còn một bầu sữa nữa. Bầu sữa tinh thần. Đó là tiếng hát, bài thơ, những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ. Đó là hai cánh để đứa trẻ bay. Là đôi chân cho con người ta bước. Nhờ thế, ta có được sự cân bằng để phát triển. Thiếu một trong hai vế đều không ổn. Nếu thiếu vật chất, đứa trẻ ốm đau, còi cọc, ta có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường và khắc phục được ngay. Nhưng đứa trẻ sẽ què quặt bệnh hoạn ở trong tâm hồn, khi thiếu đời sống tinh thần thì làm sao mà nhìn thấy được. Đến khi nó hiện nguyên hình để ta nhìn thấy được thì nó đã thành những Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương… thành hàng loạt kẻ tội đồ đã mất hết nhân tính. Cháu giết bà. Con giết mẹ, rồi hàng trăm, hàng nghìn những chuyện đau lòng của các em ở lứa tuổi vị thành niên.

Hãy thử khảo sát những kẻ đã mất hết nhân tính ấy xem tuổi thơ họ đã sống ra sao? Họ đã được nuôi dưỡng, giáo dục như thế nào. Một đứa trẻ biết say mê những chuyện cổ tích, biết thương những người bất hạnh, nghèo khổ, biết yêu con chim, yêu cây lá cỏ hoa thì không thể làm được điều ác. Bây giờ, trong đời sống thực dụng, người ta quá coi trọng vật chất mà lại quên đi những vẻ đẹp của đời sống tinh thần. Đấy là điều rất nguy hiểm. Từ đó sẽ xuất hiện những trái tim nguội lạnh, vô cảm. Và rồi cái gì đến đã đến. Chúng ta đã phải trả những cái giá đắt đến như thế nào. Đau lắm. Nhất là đối với những ai còn có lương tri…

- Cảm ơn anh!

Trần Thị Mỹ Hà-Quỳnh Nga-Như Bình
.
.