Trào lưu Aparody: Nhại sạch thì ít, nhại bẩn thì nhiều

Thứ Bảy, 21/07/2018, 08:48
Parody là nhại, chế lại một MV, bộ phim hoặc chương trình nổi tiếng nhằm giải trí, gây cười hoặc châm biếm. Trào lưu này đang được giới trẻ hưởng ứng cuồng nhiệt. Hễ một sản phẩm ca nhạc, điện ảnh nào mới ra lò và tạo sự chú ý đặc biệt là ngày hôm sau đã có ngay phiên bản parody hài hước.

Những clip parody khiến nhiều người thích thú vì dù nhái lại nhưng nó có những biến tấu, sáng tạo hài hước theo góc nhìn riêng của mỗi chủ nhân. Những MV nổi tiếng như "Anh không đòi quà" của Only C; "Bùa yêu", "Mình yêu nhau đi" của Bích Phương; "Chạy ngay đi", "Nơi này có anh", "Em của ngày hôm qua" của Sơn Tùng; "Gửi người yêu cũ", "Cả một trời thương nhớ" của Hồ Ngọc Hà; "Ghen" của Min và Erik; "Đừng hỏi em" của Mỹ Tâm; "Em gái mưa" của Hương Tràm; "Có nên dừng lại - Talk to me" của Chi Pu… đều có hàng loạt phiên bản nhại. Không chỉ một bản nhại, có MV sở hữu năm, sáu bản parody khác nhau.

Với phim ảnh thì có "Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể" nhại "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Bỗng dưng nổi loạn - Hotboy muốn khóc" nhại "Hotboy nổi loạn" và "Bỗng dưng muốn khóc" - hai bộ phim đình đám của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Mảng gameshow cũng có clip "Giọng hát thiệt", chế lại chương trình "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên để bóc phốt tình trạng hát nhép, chào không ra tiếng, bệnh ngôi sao… của không ít ca sĩ.

Hình thức làm parody cũng lắm dạng nhiều trò. Ngoài việc ăn mặc và bắt chước giống y chang điệu bộ của ca sĩ, diễn viên trong sản phẩm gốc và làm lố lên theo tình huống gây cười, giới trẻ còn chế theo hướng để nguyên hình ảnh gốc mà chỉ thay đổi lời hát theo kiểu tả thực MV, ghép mặt nhân vật mình yêu thích vào clip, chế lại phụ đề hoặc lồng tiếng "bá đạo" cho phim…

BB Trần được đánh giá cao trong MV parody "Có nên dừng lại - Talk to me" khi khai thác chủ đề hậu trường showbiz.

Trào lưu parody nổi lên từ năm 2013 với những MV ca nhạc Âu Mỹ rồi lan sang MV Việt Nam khi các nghệ sĩ Việt ngày càng tạo được cơn sốt với người yêu nhạc. Vì bản chất của parody là gây cười vui vẻ nên được các bạn trẻ rất ưa chuộng.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh cùng chút năng khiếu là họ có thể nhại bất cứ nghệ sĩ nào mình yêu thích. Những nhóm như BB&BG, DamTV, Phở… nổi lên đều nhờ những clip parody hài hước, tinh nghịch với những diễn viên "át chủ bài" như BB Trần, Huỳnh Lập, Hải Triều, Tiến Công, Kim Nhã…

Không chỉ dừng lại ở việc "mua vui là chính", những năm gần đây, dòng parody ngày càng được đầu tư công phu về mặt hình ảnh lẫn sức sáng tạo về mặt nội dung. Chẳng hạn để làm nên "Em gái mưa" hay "Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể", Huỳnh Lập chi khá bộn tiền. Số tiền lên tới cả tỷ đồng, không thua kém gì sản phẩm gốc. Từ bối cảnh, trang phục, đạo cụ… đều được nhái lại lung linh y chang chính chủ. Các clip parody của BB Trần như "Có nên dừng lại - Talk to me", "Bùa yêu", "Cả một trời thương nhớ", "Bao giờ lấy chồng"… cũng không thua kém bản gốc. Anh chàng giả gái rất đẹp và chọn kỹ lưỡng trang phục.

Riêng phiên bản parody "Bùa yêu" của Quang Trung và những người bạn, nhóm mời được cả nhân vật nam chính Nhikolai trong MV gốc để đóng cùng mình. Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đầu tay này của Quang Trung đã nhanh chóng thu hút hơn một triệu lượt xem và tăng tốc những ngày sau đó. Đặc biệt, ekip sáng tạo những MV này đều tổ chức họp báo ra mắt hẳn hoi.

Để ý kỹ sẽ thấy những clip parody sở hữu lượt xem cao thường là các clip hài hước nhưng mang điều gì đó mới mẻ, ý nghĩa. Nhại "Có nên dừng lại - Talk to me" của Chi Pu nhưng BB Trần và Hải Triều không diễn lại kịch bản bị người yêu phụ tình như Chi Pu mà khai thác góc tối thị phi showbiz. Đó là trò dùng truyền thông để chơi xấu nhau, việc giành giật người yêu của các chân dài showbiz, đút lót để được đăng quang hoa hậu…

Trong MV parody "Ghen", BB Trần lại chú ý khai thác đến tác hại khủng khiếp của những người hay ghen bóng ghen gió, cuồng ghen vô cớ. Parody "Cả một trời thương nhớ" lại mượn chuyện tình yêu của Hồ Ngọc Hà và Kim Lý để làm cớ nói đến tình yêu đắng cay của người chuyển giới - đối tượng còn bị xã hội mang nặng định kiến.

Trái ngược hoàn toàn với kết thúc đầy nước mắt của "Em gái mưa" do Hương Tràm thể hiện, kịch bản "Em gái mưa" của Huỳnh Lập lại mở ra một cái kết có hậu: rằng tình yêu chân thành sẽ được đền đáp. "Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể" cũng mang đến cái nhìn thú vị, lạ lẫm cho khán giả khi Huỳnh Lập vào vai bà mẹ ghẻ và những tập sau giải thích vì sao bà mẹ ghẻ ấy lại trở nên độc ác, nham hiểm với Tấm. Người ta thấy đớn đau và cảm thông thay cho người vợ hai hiền thục, hết mực yêu chồng thương con bị miệng lưỡi độc ác của người đời làm cho phẫn uất và biến thành một bà mẹ ghẻ tàn độc.

Nhận thấy parody là mảnh đất màu mỡ dễ thu hút người xem, từ đó hái ra tiền, số người lao vào trào lưu này ngày càng nhiều. Nghệ sĩ nổi tiếng như Trường Giang, Trấn Thành, Thu Trang… đều có ít nhiều sản phẩm dạng này để chọc cười bạn bè và chiều lòng fan. Trào lưu parody nở rộ khiến cho vô số người vô danh tiểu tốt cũng nhảy vào thử sức. Kiểu ăn xổi cho kịp nóng sốt cộng với cách làm ẩu vô tội vạ đã cho ra lò loạt sản phẩm parody rác rưởi.

Nhóm của Quang Trung mời được nam chính trong MV "Bùa yêu" để đóng phiên bản parody.

Ở đây, không bàn đến chuyện quay dựng sơ sài mà chỉ bàn đến nội dung của nó. Tình trạng giả gái theo kiểu xấu tệ, bôi bác phụ nữ với những hành động đáng xấu hổ như móc mũi, xì hơi, bị rớt đồ độn ngực… trở nên bội thực.

Chẳng hạn trong một MV parody mang tên "Bùa phê" của nhóm Thằng Cuội nhại MV "Bùa yêu", người ta thấy hiện lên một nam thanh niên lùn tịt giả gái sơ sài, thô kệch và uốn éo nhép lại ca khúc. Mở đầu MV đã có một lô một lốc những câu từ phản cảm như: "Con đang thích một thằng, mà thằng đấy nó không thích con. Thầy có bán ngải không, bán cho con. Con chơi chết mẹ nó". Sau đó là một loạt câu văng tục, các trò gây cười bẩn tưởi như vén váy, rụng lông nách, lấy gỉ mũi và nước miếng chế tạo nên nước uống nhằm phạt người thua khiến cho khán giả thấy kinh tởm.

 Nhiều parody đem cả cảnh sexy, gợi dục của người đồng tính, chuyển giới theo hướng lố lăng khiến công chúng phải kêu trời: "Tui vốn không có ác cảm với giới LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) nhưng xem MV này tự dưng tôi thấy quá tội cho họ vì họ bị các bạn bôi bác, làm mọi người hiểu sai lệch".

Giới LGBT thường bị đem ra làm trò cười nhiều nhất trong các clip parody. Dù MV, bộ phim gốc có nhân vật chính là nam hay nữ thì diễn viên chính của parody luôn chọn cho mình vai nữ để "được" giả gái. Nếu Huỳnh Lập, BB Trần, Hải Triều giả gái đã chuyên nghiệp và đẹp về tạo hình thì hầu hết các diễn viên parody khác đều giả gái không tới hoặc cố tình bôi xấu hòng "thọc lét" khán giả một cách dễ dãi.

Đa phần các nghệ sĩ đều vui vẻ cho các diễn viên parody tha hồ nhại lại sản phẩm của mình vì những sản phẩm này càng thêm giúp tác phẩm gốc của họ lan tỏa đến công chúng. Thế nhưng mức độ nhại thế nào là điều khiến họ đau đầu vì nó có thể khiến hình ảnh của MV gốc bị tổn hại, tên tuổi nghệ sĩ bị lợi dụng để làm trò lố bịch, sốc nổi câu khách.

"Chúng tôi cố gắng làm bản parody với tiêu chí tôn trọng hết mức người nghệ sĩ và cài cắm thêm nhiều thông điệp hay ho bên cạnh việc chỉ chọc cười khơi khơi. Nếu chọc cười thì chúng tôi ghi rõ trong MV là: MV này chỉ có tính chất giải trí" - BB Trần cho biết.

Bên cạnh hình ảnh phản cảm, kiểu parody chế lời của MV hay phim điện ảnh thì những dạng văng tục, chửi thề, chuyện tế nhị phòng the, tiếng lóng đầu đường xó chợ được đem vào ti tỉ. Họ coi đó như một cách giải khuây, là kiểu bắt kịp thời thượng theo mốt của giới trẻ.

Điều đáng nói, các clip này không hề giới hạn độ tuổi người xem. "Nhiều người nghĩ chỉ việc đóng y chang bản gốc và làm điệu bộ hơi lố, thêm thắt các yếu tố như giả gái, ăn dơ, ở bẩn một chút là thành clip parody. Nếu làm như vậy thì sản phẩm đó chỉ để xem chơi và nhanh chóng rơi vào quên lãng chứ không được nhắc nhớ nhiều như các clip parody được đầu tư chăm chút, mang hàm lượng chất xám và thông điệp ý nghĩa" - diễn viên Tiến Công khẳng định.

Phan Thi Uyên
.
.