Trao giải văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”

Thứ Năm, 05/11/2020, 11:20
Ngày 28/10, Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV, giai đoạn 2017-2020.


Dòng chảy bền bỉ

Sau 4 lần tổ chức cuộc thi, Bộ Công an và Hội Nhà văn luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà văn sáng tác, như tổ chức các trại sáng tác thường niên, tổ chức các chuyến đi thâm nhập thực tế, tiếp cận hồ sơ vụ án, tiếp xúc với các nguồn tư liệu, các nhân vật... để có thêm thông tin, chất liệu xây dựng thành các tác phẩm.

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam trao giải A cho các tác giả đạt giải thưởng cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV, giai đoạn 2017-2020.
Trong suốt hơn 20 năm qua, thương hiệu cuộc thi đã dần trở nên gần gũi với giới sáng tác cũng như bạn đọc cả nước. Các cuộc thi đã trở thành những “bà đỡ” quan trọng cho sự ra đời của nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh sinh động các hoạt động của lực lượng Công an, góp phần xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ 4 cuộc thi ở các giai đoạn (1999 - 2002), (2007 - 2010), (2012 - 2015), (2017 - 2020), nhiều tác phẩm văn chương đã đến với bạn đọc, cán bộ chiến sĩ cả nước, tạo thành một dòng chảy bền bỉ, ngày càng rõ nét mang tên dòng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, hay còn gọi khác đi là dòng văn học về đề tài an ninh trật tự. 

Từ các cuộc thi này, nhiều cây bút mới sau khi tham gia cuộc thi đã vững vàng bước vào con đường văn chương, tạo lập được dấu ấn riêng của mình trong lòng bạn đọc. Còn những nhà văn có tên tuổi tham gia các cuộc thi này có thêm những tác phẩm ở một thể tài mới, làm phong phú thêm gia tài văn nghiệp của mình. 

Những cuộc thi sáng tác văn học như thế này là dịp để quần chúng nhân dân hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu, những gian khổ, hi sinh của người chiến sĩ Công an trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. 

Bên cạnh đó, định hình và phát triển vững chắc mảng đề tài văn học liên quan đến lực lượng CAND. Chính vì thế, có thể nói các cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức đã trở thành một địa chỉ nâng đỡ sức sáng tạo không ngừng của các cây bút trong và ngoài lực lượng Công an.

Sau lễ phát động cuộc thi diễn ra vào tháng 8-2017, trong gần 3 năm, Ban tổ chức đã nhận được 120 bản thảo hưởng ứng cuộc thi. Sau vòng sơ loại, có 88 tác phẩm được chuyển tới Ban Sơ khảo gồm 78 tiểu thuyết và 10 ký - truyện ký để chọn ra 39 tác phẩm vào vòng chung khảo. 

Hội đồng chung khảo sau một thời gian làm việc nghiêm túc, công tâm, khách quan, đã chọn ra những tác phẩm có chất lượng và xứng đáng nhất để vinh danh. Những phần thưởng này sẽ là nguồn động viên các tác giả không ngừng say mê sáng tạo thêm nhiều tác phẩm và công trình văn học có giá trị về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng, đồng chí Thiếu tướng Mã Duy Quân - Phó Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân nhấn mạnh: “Với những thành công đã đạt được, cuộc thi sẽ có tác dụng lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều các cây bút trong và ngoài lực lượng CAND tham gia, là tiền đề tốt, hứa hẹn những tác phẩm ra đời trong tương lai gần. Đây sẽ là một “cú huých sáng tác”, là sự cổ vũ cho say mê lao động nghệ thuật, hứa hẹn gặt hái những “mùa màng văn chương” mới. Chúng tôi tin tưởng rằng, văn chương về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã, đang và sẽ hòa vào văn học dân tộc nói chung, với giá trị nhân văn và nghệ thuật ngày càng được nâng cao hơn nữa... ”. 

(Thanh Xuân)

Giải thưởng cuộc thi:

3 giải A trong đó:

- Thể loại tiểu thuyết: 2 giải A, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng với 2 tác phẩm “Phận liễu” của nhà văn Chu Thanh Hương; “Rễ người” của nhà văn Đoàn Hữu Nam.

- Thể loại  truyện, ký: 1 giải A trị giá 30 triệu đồng cho tác phẩm “Đối mặt sói trắng” của tác giả Phan Thế Cải.

5 giải B trong đó:

- Thể loại tiểu thuyết: 3 giải B, mỗi giải trị giá 30 triệu đồng cho các tác phẩm: “Diều hâu” của nhà văn Nguyễn Trí; “Giáp mặt” của nhà văn Phạm Thanh Khương; “Kim tiền” của nhà văn Nguyễn Như Phong.

- Thể loại truyện, ký: 2 giải B, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng cho các tác phẩm: “Nắng Cam Ranh” của Bạch Lê Vân Nguyên, “Kể chuyện giới tuyến” của nhà văn Lương Sỹ Cầm.

5 giải C trong đó:

- Thể loại tiểu thuyết: 4 giải C, trị giá mỗi giải 15 triệu đồng cho các tác phẩm: “Đảo bạo bệnh” của tác giả Đức Anh; “Đỉnh phù vân” của nhà văn Đỗ Xuân Thu; “Gia tộc tướng cướp” của nhà văn Lại Văn Long; “Mê cung” của nhà văn Nguyễn Đăng An

- Thể loại truyện, ký: 1 giải C trị giá 10 triệu đồng cho tác phẩm “CM12 phía sau kế hoạch phản gián” của tác giả Nguyễn Khắc Đức

7 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích (chung cho cả 2 thể loại), trị giá 10 triệu đồng/giải cho các tác phẩm: “Chuyện làng” của nhà văn Phạm Quang Long; “Người lạ” của nhà văn Phong Điệp; “Động rừng” của nhà văn Nguyễn Duy Liễm; “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái” của nhà văn Trầm Hương; “Kẻ truy sát” của nhà văn Lê Ngọc Minh; “Phố núi” của Hồ Thủy Giang.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Thành viên Hội đồng chung khảo: Vẫn tin vào tương lai!

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái.

- Thưa Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, ông có thể phác họa một vài nét cơ bản về chất lượng các tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV mà ông đã tham gia với vai trò thành viên Hội đồng chung khảo?

+ Tôi từng tham gia cuộc thi này với nhiều tư cách: tác giả cuộc thi, người tổ chức và cuộc thi lần này tôi tham gia với vai trò Ban giám khảo nên cảm thấy có nhiều điều gắn bó, thấu hiểu.

Theo đánh giá của tôi, các tác phẩm tham dự cuộc thi lần này hầu hết mô tả đậm nét, khá thành công nhân vật người chiến sĩ Công an với những chiến công lặng lẽ, lòng dũng cảm, dấn thân và sự hi sinh thầm lặng trong đấu tranh phòng chống tội phạm và thế lực thù địch, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sự thành công đó được nhân lên bởi tính nhân văn, bởi góc nhìn đa chiều, góc cạnh của nhà văn thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm.

Cuộc thi nào cũng phải “đãi cát tìm vàng”, Ban Giám khảo chúng tôi lần này đã rất tỉ mỉ, trải qua nhiều lớp gạn lọc, công tâm và khách quan để tìm ra những tác phẩm hay, có tầm vóc, kết hợp được cái sinh động, phong phú của đề tài an ninh trật tự với tính văn chương nghệ thuật. Thành tựu này thêm một lần nữa khẳng định chỗ đứng, giá trị của mảng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” trong dòng chảy văn học Việt Nam và đời sống văn chương đương đại.

- Ông đánh giá thế nào về những điểm mới mẻ trong sáng tác của các nhà văn, các cây bút tham gia cuộc thi lần này?

+ Đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” mang tính chuyên biệt tương đối cao bởi tính bí mật của công tác nghiệp vụ, vì thế cần ở người viết rất nhiều vốn sống, kinh nghiệm và cái nhìn toàn diện, nhân văn về cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Đề tài ấy cũng “kén chọn”, cũng đòi hỏi ở các cây bút, các nhà văn phải có quá trình tìm tòi, “hóa thân” để sáng tạo, mới mẻ. Quả thực, ai đó phải yêu lắm, mê đắm lắm với ngành Công an thì mới dám “đánh đu” với đề tài này.

Khác với trước, nhân vật là chiến sỹ Công an, có thể gọi là “nhân vật trung tâm” của cuộc thi lần này được các nhà văn xây dựng “đời” hơn, nhất là trong quan hệ với gia đình như vợ con, người thân, đồng đội chứ không chỉ trong quan hệ với tội phạm. Có tiểu thuyết, nhân vật Công an tưởng ít xuất hiện trong các trang văn nhưng cuối truyện thì độc giả bị “vỡ òa”, bởi như lời thú nhận của nữ trùm buôn lậu nói rằng: Vì một cử chỉ, một lời nói ám thị của người chiến sỹ Công an mà suốt cuộc đời bôn ba trên làn ranh giới tội phạm đã níu “bà trùm” ở lại phía lương thiện. Đó là nét mới, cũng là “của hiếm” của một số nhà văn.

Tuy nhiên, những tác phẩm có những nét mới như trên tôi đã kể là chưa nhiều. Rất ít tác phẩm có sự đổi mới về sáng tác văn chương. Nhưng tôi luôn lạc quan nghĩ rằng, tác phẩm về đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, về hình tượng người chiến sĩ Công an sẽ còn hứa hẹn nhiều hấp dẫn nếu nó tiếp tục được đổi mới cách tiếp cận đề tài, sáng tạo về cách viết, văn phong. 

Bởi vì, bản thân đề tài này đã có sức hấp dẫn nhất định: nó chứa đựng những bí mật cần được khám phá, những mất mát, hi sinh thầm lặng cần được tôn vinh, cả những nhân vật điển hình của các giai đoạn lịch sử Công an Việt Nam với những cung bậc cảm xúc và vinh quang, cả cay đắng trong cuộc đời cần được chưng cất thành những trang sách quý lưu lại với mai sau...

- Là một nhà văn gắn bó sâu nặng với lực lượng Công an, ông chờ đợi điều gì khi một cuộc thi viết về đề tài an ninh trật tự sẽ được tổ chức tiếp theo?

+ Cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm bảo vệ nền an ninh, trật tự của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Vấn đề an ninh, an toàn, an sinh đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành mối quan tâm nóng bỏng toàn cầu. 

Ở cuộc thi này, theo quan sát của tôi thì nhân vật trung tâm, nhân vật điển hình còn hơi mờ, ngọn đuốc văn chương chưa đủ dẫn dụ người đọc. Người tốt, người anh hùng trong cuộc sống có nhiều nhưng vì sao điển hình văn học, hình tượng “anh hùng văn chương” chưa xuất hiện là điều tôi cảm thấy, băn khoăn, chưa tìm được câu trả lời. 

Chính vì thế, tôi cũng mong các cuộc thi sau sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các tác phẩm cập nhật hơn với đời sống, những tác phẩm văn chương giàu tính sử thi phản ánh sinh động, hấp dẫn cuộc đấu tranh của lực lượng Công an trong giai đoạn mới!

- Ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa của các tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi năm nay?

+ Cuộc thi sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã khép lại với hơn 30 tác phẩm được xuất bản đợt đầu, chúng ta có quyền tin vào tương lai của dòng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin rằng, những tác phẩm được đánh giá cao trong cuộc thi này sẽ được công chúng yêu văn học đón nhận!

- Xin cảm ơn Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái!

(Hà Anh - thực hiện)

Đại úy, nhà văn Chu Thanh Hương: Luôn muốn viết về số phận người phụ nữ

- Chào nhà văn Chu Thanh Hương! Tâm trạng của chị khi lần thứ 2 đoạt giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” có khác nhiều so với lần đầu đoạt giải A cách đây 10 năm không?

+ Đây là lần thứ ba tôi tham dự cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. 10 năm có lẽ không phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để tôi trưởng thành hơn theo năm tháng, chỉ có cảm xúc khi tác phẩm dự thi của mình được Ban giám khảo cuộc thi và độc giả ghi nhận, đánh giá cao là chưa bao giờ thay đổi. 

Giải thưởng của cuộc thi lần này càng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với tôi, bởi đây giống như là món quà tôi tự dành tặng cho 10 năm thanh xuân theo đuổi đam mê sáng tác, đồng thời cũng là niềm tự hào vì một lần nữa tôi lại được viết về những người đồng chí đồng đội của mình trong cuộc chiến chống tội phạm, bảo vệ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Nhà văn Chu Thanh Hương.

- Cả 2 tiểu thuyết “Hoa bay” và “Phận liễu”, Thanh Hương đều chọn nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm đều là nữ. Chị có thể chia sẻ lý do tại sao số phận của những người phụ nữ lại nhiều ám ảnh  với các trang viết của chị như vậy?

+ Trước khi là một tác giả, một người chiến sỹ CAND, bản thân tôi là một phụ nữ, có lẽ vì vậy mà tôi dễ rung động và có nhiều cảm xúc đối với những người phụ nữ mà tôi gặp trong cuộc sống. Nhiều câu chuyện có thật trong đời sống, trong các vụ án mà tôi đã có cơ hội tiếp xúc đã ám ảnh tôi. Trước câu chuyện, cuộc đời của họ tôi thường đặt bản thân mình vào đó để có thể hiểu được tâm tư, tình cảm cũng như khao khát của những người phụ nữ. Có lẽ vì vậy mà khi truyền tải câu chuyện và những cảm xúc đó đến độc giả cũng sẽ chân thật và sâu sắc hơn.

- Trước đây tôi từng rất tâm đắc với chia sẻ của Thanh Hương về tiểu thuyết “Hoa bay” rằng: “Các nhân vật và tình tiết trong truyện đều là hư cấu, nhưng nỗi đau khổ mà những người phụ nữ là nạn nhân của tội ác buôn bán người phải chịu đều là có thật”. Vậy còn đối với tiểu thuyết “Phận liễu” thì tỉ lệ “hư cấu - hiện thực” như thế nào?

+ Cũng giống như “Hoa bay”, các nhân vật và tình tiết trong tiểu thuyết “Phận liễu” đều là hư cấu, song đều dựa trên những câu chuyện và nguyên mẫu có thật. Tôi chỉ tổng hợp, chắt lọc những điều đắt giá, khái quát nhất để dựng lên thế giới “Phận liễu” của riêng mình. Có thể nói, may mắn là trong hiện thực, tôi chưa gặp người phụ nữ nào phải trải qua nhiều thăng trầm, trắc trở và bi ai như nhân vật Liễu Tiền Tấn trong truyện. Nhưng đáng buồn là vẫn có rất nhiều người phụ nữ đã phải chịu đựng nhiều thử thách, truân chuyên của cuộc đời. Có người kiên cường vượt qua, nhưng cũng có nhiều người đã phải gục ngã, rơi vào bi kịch. Đó cũng là một trong những lí do mà tôi luôn trăn trở, day dứt và muốn viết về số phận của những người phụ nữ trong tác phẩm của mình.

- Tiểu thuyết đầu tay “Hoa bay” của chị đoạt giải thưởng cao trong một cuộc thi, chị có gặp phải áp lực gì khi bắt tay vào viết những cuốn tiểu thuyết tiếp theo không?

+ Văn chương là người bạn đã đồng hành với tôi trong những năm tháng tuổi thơ, khi lần đầu tiên được in sách tại NXB Kim Đồng và trải dài cho đến tận hôm nay. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ mình có thể chạm đến điều vinh dự như được trao giải cao tại một cuộc thi uy tín như sáng tác tiểu thuyết truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức. Vì vậy khi biết “Hoa bay” giành được giải A của cuộc thi tổ chức năm 2007 - 2010, tôi thực sự đã rất hạnh phúc và cũng gặp khá nhiều áp lực. 

Tôi luôn tự hỏi rằng, phải chăng đó là may mắn hay chỉ là một khoảnh khắc thăng hoa nhất thời? Sau tác phẩm này liệu mình còn có thể sáng tác một tác phẩm chất lượng nữa không? Thật may là khi “Hoa bay” giành giải, tôi đã có cơ hội được biết đến những nhà văn tên tuổi và thường xuyên được các cô chú, anh chị động viên, khích lệ. Đồng thời, tôi luôn xác định mình là người chiến sĩ Công an cầm bút, được viết về những người đồng chí đồng đội của mình và cuộc chiến chống tội phạm vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống đã là niềm hạnh phúc. Vậy nên tôi đã có đủ niềm tin để hoàn thành các tác phẩm tiếp theo.

- Là một cán bộ công tác trong lực lượng Công an, Thanh Hương thấy mình có thuận lợi và khó khăn gì khi theo đuổi dòng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”?

+ Bản thân tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì là tác giả trong lực lượng CAND.  Người viết trong lực lượng CAND cũng có điều kiện đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, từ đồng đội trực tiếp làm công tác điều tra khám phá án, đến các nạn nhân và đối tượng phạm tội. Tất cả những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để các nhà văn, tác giả trong lực lượng Công an làm giàu hơn cho vốn sống của bản thân, vừa là nguồn tư liệu quý giá và động lực để giúp họ sáng tác nên những tác phẩm chân thực, sâu sắc hơn về những người đồng đội của mình và những mảnh đời phía sau từng vụ án. 

Hạn chế duy nhất của tôi có lẽ công việc chuyên môn hiện nay yêu cầu phải tập trung cao độ thời gian và công sức, cộng thêm điều kiện gia đình nên thời gian để sáng tác không còn được dồi dào như trước. Tôi gần như đã dành toàn bộ thời gian nghỉ trưa, buổi tối sau khi cả gia đình yên giấc và đặc biệt là các ngày lễ, ngày nghỉ để viết “Phận liễu”. Có những lúc cảm xúc bùng nổ, tôi đã dành nguyên một đêm để viết gần 15 trang bản thảo, nhưng cũng có những khi bận rộn, cả tuần không thêm được chữ nào. Chính vì vậy mà tôi phải mất gần 1 năm mới hoàn thành tác phẩm “Phận liễu”.

- Xin cảm ơn nhà văn Chu Thanh Hương!

(Nguyệt Hà - thực hiện)

Thanh Xuân - Nguyệt Hà - Hà Anh
.
.