Trại sáng tác văn học nghệ thuật: Đổi mới thế nào cho hiệu quả?

Thứ Bảy, 17/06/2017, 08:05
Theo số liệu vừa được công bố bởi Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), với 6 nhà sáng tác ở các địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng trên cả nước là Đại Lải (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu, chỉ tính riêng trong năm 2016 đã có tới 66 trại sáng tác văn học nghệ thuật được tổ chức (thông thường mỗi trại được tổ chức 15 ngày với 15 "trại viên"). 


Những con số... giật mình!

Tổng số tác giả tham gia trại viết là 995 người với số ngày tác giả dự trại là 14.052 ngày và số tác phẩm được "báo cáo" là 2.726 tác phẩm, thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật. Dự kiến trong năm 2017 này, khi nhà sáng tác Đà Nẵng mới được khánh thành đi vào hoạt động, sẽ có 74 trại sáng tác được tổ chức với sự tham gia của từ 1.000 đến 1.200 tác giả!

Và sắp tới, sẽ có những trại viết dành cho các tác giả được lựa chọn để "đầu tư chiều sâu" với thời gian dự trại không phải 15 ngày nữa mà có thể lên tới... 3 tháng!

Đây quả là con số khiến nhiều người... giật mình! Bởi lẽ, gần 3.000 tác phẩm văn học nghệ thuật được công bố là ra đời tại đây, thế nhưng từ tác phẩm được thai nghén, đến việc số tác phẩm được công chúng biết đến quả là đếm trên đầu ngón tay.

Hơn nữa, có bao nhiêu % số tác phẩm ấy được xuất bản, được dàn dựng hay đem lại các giá trị nghệ thuật khác phục vụ đời sống thì không ai thống kê được. Và vì thế, nếu đem so sánh với số tiền lớn mà Nhà nước đã bỏ ra đầu tư cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật tại các nhà sáng tác với hiệu quả của nó thì thấy có quá nhiều việc phải bàn.

Bởi lẽ, nếu chỉ tính riêng tiền Nhà nước đầu tư để duy trì 6 nhà sáng tác này nhằm phục vụ hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ (chưa tính tiền đầu tư cơ bản ban đầu, sửa chữa, duy tu...), mỗi năm Nhà nước đã phải đầu tư trên 10 tỉ đồng.

Bất cập lớn nhất của các trại sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay là sự thiếu vắng những gương mặt trẻ (ảnh minh họa).

Đến năm 2019 tới đây, sẽ có một dấu mốc quan trọng đối với hoạt động của các nhà sáng tác văn học nghệ thuật, đó là kỷ niệm 40 năm ngày ra đời Nhà sáng tác Đại Lải - cũng là nhà sáng tác đầu tiên. Phải ghi nhận rằng, trong gần 40 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã ít nhiều có những đóng góp nhất định trong việc hỗ trợ cho lực lượng văn nghệ sĩ cả nước sáng tạo tác phẩm của mình.

Vì thế, các nhà sáng tác được ví von là các "bà đỡ", là nơi khuyến khích sự sáng tạo, nơi giao lưu, học hỏi nghề nghiệp, nơi hâm nóng nhiệt tình sáng tác, nơi nghiền ngẫm, suy tư, trăn trở về đời, về nghề... của các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các Hội Văn học nghệ thuật đến nay vẫn chưa thực sự coi trọng việc nghiệm thu sản phẩm ban đầu là "đề cương tác phẩm" - vốn là điều kiện để cho phép một văn nghệ sĩ trở thành "trại viên".

Đồng thời, cũng không quan tâm hoặc xem nhẹ việc tổng hợp, đánh giá chất lượng các tác phẩm tiêu biểu, có giá trị qua các đợt hay các năm sáng tác. Chính vì thế, đã có nhiều nhận định cho rằng, công tác tổ chức các trại sáng tác còn mang tính đại trà, lạc hậu, là tàn dư của thời kỳ bao cấp!

Một số ý kiến khác cho rằng, các trại sáng tác này cũng chỉ thu hút được các văn nghệ sĩ đã già, đã nghỉ hưu, chỉ dành cho người “rỗi việc” tham gia với mục đích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tán gẫu... là chính. Vì thế, có nhiều người còn ví von sâu cay rằng: "Trại sáng tác gì mà cứ như trại dưỡng lão! Hành trang "đi trại" chủ yếu là... thuốc, các câu chuyện chủ yếu xoay xung quanh chủ đề "bệnh và thuốc" thì đòi hỏi gì được?!?". Tuy không phải là đa số, song thực trạng này cũng là câu chuyện đáng... báo động, đáng phải xem xét lại ở công tác tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Cách đây ít lâu, Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cũng đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của các văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác" và cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục, đổi mới để hoạt động này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Song, xem ra những hi vọng này vẫn còn... mông lung lắm!

Nhà báo, nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Trại sáng tác giúp ý tưởng sáng tạo không bị "băm" nát

Trại sáng tác như ở ta không phải là “có 1 không 2” mà hầu như nước nào cũng có, đó là nơi để văn nghệ sĩ ngồi sáng tác. Khác nhau là ăn, nghỉ, viết tại đó thì ai… cấp kinh phí?

Có nước thì tiền túi bỏ ra vì tác phẩm “bán” được, có thể đủ sống vài năm, vài chục năm. Có nơi thì Quỹ của Hiệp hội nghề nghiệp bỏ ra không phải tiền ngân sách. Còn ở ta thì lấy từ ngân sách vì nhuận bút rất hẻo. Hơn nữa, đây là mong muốn của Nhà nước muốn dân tộc có tác phẩm xuất sắc thì phải đầu tư như đầu tư các công trình phục vụ dân sinh vậy!

Văn nghệ sĩ có ý tưởng, có cảm hứng sáng tạo nhưng phải có điều kiện để “đẻ” ra đứa con tinh thần. Phụ nữ có bầu muốn con khỏe mạnh còn phải nào là khám thai định kỳ, vào nhà hộ sinh hay khoa sản chứ không đẻ ở nhà, lấy cái liềm cắt rốn như ở quê ta ngày xưa được. Văn nghệ sĩ thai nghén tác phẩm cũng tương tự, dù mọi so sánh đều có thể khập khiễng!

Thực tế, ở ta không có văn nghệ sĩ lấy sáng tác là một nghề mà họ đang làm những nghề khác ở các cơ quan khác nhau, thậm chí làm nghề tự do. Chưa nói đến những tác dụng lớn lao, ý nghĩa này nọ của hệ thống nhà sáng tác trên cả nước, chỉ 1 tờ giấy triệu tập tới trại sáng tác sau khi các tác giả có ý tưởng, đề cương được xét duyệt cũng là một “cứu cánh” để thoát khỏi những bộn bề thường nhật mà lo thai nghén, sinh nở ra tác phẩm. Cơ quan, vợ con biết ông vào “trại” là không có yêu cầu, bàn hỏi chuyện này chuyện kia. Bạn bè biết ông ra khỏi nhà là không có a lô kêu đến chỗ này chỗ nọ.

15 ngày ở trại là 15 ngày ăn ở miễn phí, tạm quên đi công việc cơ quan, công việc gia đình mà tập trung vào viết, tập trung vào chuyện “sinh nở” đứa con tinh thần!

Có trại, ý tưởng và cảm hứng sáng tạo không bị băm nát ra, hay thậm chí bị tiêu luôn bởi những bộn bề thường nhật. Thứ nữa, là 15 ngày ở “trại” với khoảng 15 đồng nghiệp ngồi ăn cùng, nghe cùng, trao đổi góp ý cùng cũng có thể tháo gỡ những bế tắc kiểu như “cờ ngoài bài trong” để có những tác phẩm có chất lượng hơn!

Tất nhiên 15 tác phẩm trong trại sáng tác không phải cái nào cũng tuyệt chiêu cả, mà thậm chí có cái còn dở ẹc! Lại tất nhiên, không phải không có văn nghệ sĩ tới trại sáng tác là để an dưỡng và nghỉ mát, nhưng số này ít lắm.

Văn nghệ sĩ giàu lòng tự trọng và khi gặp các đồng nghiệp tại trại, cái mục đích an dưỡng phơi ra ngay, lạc lõng ngay, mặt mũi nào nhìn bạn bè, đồng nghiệp. Để không có điều bất cập vừa rồi thì các Hội nghề nghiệp phải lấy mục đích là chọn tác phẩm, chứ không phải là chọn người để mời tới trại sáng tác. Chọn được lại cần phải có tâm và khả năng thẩm định đề cương tác phẩm, tránh nể nang...

Với tư cách cá nhân đã tham gia một số trại sáng tác, tôi cảm ơn các nhà sáng tác rất nhiều. Những tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của tôi hầu như đều được sinh nở tại các nhà sáng tác này.

NSƯT Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật: Phải "trẻ hóa" đội ngũ trại viên

Bạn hỏi tôi rằng tại sao không đưa các văn nghệ sĩ trẻ đi tham dự trại sáng tác nhiều hơn, thì thực sự đây không chỉ là băn khoăn của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật mà là còn là băn khoăn của các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương, các hội ở địa phương mà tôi - với tư cách một nghệ sĩ cũng luôn trăn trở.

Bởi lẽ, các bạn trẻ thì thường ai cũng có công việc ở cơ quan đoàn thể, vì thế họ chỉ đi được 2-3 ngày là cùng, không bao giờ bứt ra khỏi công việc chính để đi dự trại cả đợt 15 ngày được. Tôi thấy rằng các Hội cũng đã rất động viên, quan tâm như Hội Âm nhạc Hà Nội rất muốn các nhạc sĩ tuổi đời còn trẻ như Trọng Tuấn, Xuân Phương, Xuân Thủy... tham gia.

Nhưng anh Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội cũng nói rằng: "Các cậu ấy không thể nào đi được, cùng lắm là chỉ được 3-4 ngày thôi...". Để tiếp tục động viên đội ngũ sáng tác trẻ tham gia vào các trại viết, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc kỹ hơn với các Hội chuyên ngành và các Hội văn học nghệ thuật địa phương để làm thế nào khuyến khích được các văn nghệ sĩ trẻ tham gia các trại sáng tác, hoặc có những giới hạn nhất định về tuổi tác nhằm trẻ hóa đội ngũ, khắc phục tình trạng "già hóa trại viên" như những năm gần đây. Bởi vì họ mới chính là nơi lựa chọn thành viên tham dự.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã phê duyệt chủ trương xây dựng "Đề án công bố các tác phẩm và công trình nghệ thuật đã được sáng tác tại các nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức trong 5 năm (2011 - 2016)", nhằm quảng bá đến công chúng, tôn vinh những tác giả - tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác văn học nghệ thuật tại các nhà sáng tác trong năm nay và các năm sau nữa. Trong đó có hoạt động nổi bật như: Trưng bày một số tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật do các Hội chuyên ngành Trung ương và địa phương lựa chọn; tổ chức Gala "Đêm tôn vinh các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12-2017.

Nhà văn Chu Lai: Đừng biến trại sáng tác thành trại... an dưỡng!

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà văn Chu Lai, nghe nói ông vừa trở về từ một trại sáng tác được đầu tư chiều sâu để chuẩn bị cho sự ra đời một tác phẩm lớn. Xin ông bật mí đôi điều với độc giả của Văn nghệ Công an về việc tham dự trại sáng tác lần này?

+ Ấy chết, lớn gì đâu. Đã làm nghề cầm bút ai chả muốn mình có một tác phẩm lớn, nhưng cái gọi là lớn đó nó lại không phụ thuộc vào ý định của mình mà nhiều khi nó là cái duyên chiu chắt cả đời. Chót sinh ra là nông phu cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa hoang vu, cứ viết thôi, ai tạo điều kiện cho viết là viết. Như đợt đi ba tháng do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật quan tâm kia, rốt ráo cũng ra được vài trăm trang mà nếu ở nhà, dù tiện nghi có đầy đủ đến mấy nhưng thời gian cứ bị chặt vụn ra, không tập trung tối đa vào được.

- Nghe nói tiểu thuyết “Mưa đỏ” đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 và một vài tiểu thuyết khác nữa của ông cũng ra đời từ các trại sáng tác. Ông có thể chia sẻ việc thường xuyên tham gia các trại sáng tác có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp viết văn của mình?

+ Trại sáng tác là một thực thể có thật chứ không phải là một khái niệm. Nói đúng hơn, trại sáng tác là ân huệ cuối cùng của chủ nghĩa xã hội mà hầu như trên thế giới rất ít nơi có. Sáng tạo là cô đơn, càng cô đơn, sức suy tưởng càng mạnh, nhưng vào trại lại có một tác dụng khác, đó là "hơ lửa", xiết chặt đội hình, là tạo những cú hích cho nhau mà cô đơn quá, đầu óc dễ chây lười, ỷ lại.

Trong trại, có một cái hay là, nếu không viết thì không biết làm gì cả nên cái sự ngồi vào bàn là trở thành rất tự nguyện, như một kỷ luật sáng tạo. Nói cho cùng, không có kỷ luật sáng tạo thì không tạo được một năng lượng sáng tạo dồi dào. Đó cũng là cô đơn, cô đơn giữa chợ, ở ẩn giữa đám đông. Phải chăng vì thế mà tôi là kẻ rất hứng thú mở các cuộc “hành quân” vào các trại viết để mở đầu hay kết thúc một cuốn tiểu thuyết.

Cuốn "Mưa đỏ" dày 350 trang của tôi và cuốn "Chiến binh" vừa viết xong của tôi nếu không được đầu tư chiều sâu thì rồi chưa hiểu cho đến bây giờ cũng chưa chắc đã xong. Tập trung và liền mạch, đó là tác dụng vô đối của một trại sáng tác.

- Với cá nhân nhà văn Chu Lai, xem ra các trại sáng tác văn học đã giúp ông gặt hái được khá nhiều thành tựu. Nhưng cũng có một số người nói rằng, có nhiều văn nghệ sĩ đi trại sáng tác chủ yếu là để đi chơi, đi nghỉ dưỡng, thậm chí là đi để... “trốn vợ”. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

+ Chà, nhạy cảm đấy! Nhưng mà cũng có đấy, có điều không phải tất cả. Tác dụng của một trại viết phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của các trại viên. Gọi là trại nhưng lại không phải là "trại lính" nên chả ai có thể thiết quân luật, kiểm soát được ai. Nhất lại là một nơi tập trung những cá thể sáng tạo nên rất mơ hồ, tôi viết gì là ở tôi, anh thúc ép được à? Một tác phẩm viết xong một tháng không ai khen mà viết mười năm cũng không ai chê, miễn là hay hoặc dở. Cho nên rất dễ gài cái cá nhân của mình vào.

Tất nhiên, một trại 15 ngày chỉ thích hợp với thể loại sân khấu hay điện ảnh có độ dài 50, 60 trang. Hoặc trại chuyên truyện ngắn có 1, 2 chục trang hoặc trại cho nhiếp ảnh, tạo hình… còn trại cho tiểu thuyết chí ít vài ba trăm trang thì 15 ngày chỉ đủ cái mở đầu hoặc cái kết thúc. Cho nên, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác có đề ra chiến lược đầu tư chiều sâu, tức là sẵn sàng cho anh ngồi ba tháng, bốn tháng cho kỳ xong mới thôi là một chiến lược tuyệt vời. Hy vọng cách làm ấy có thể tạo ra được những tác phẩm ra tấm ra miếng.

-  Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, theo ông có biện pháp nào để nâng cao hiệu quả của các trại sáng tác, tránh việc Nhà nước đầu tư dàn trải, lãng phí mà không mang lại hiệu quả thiết thực?

+ Để tránh tình trạng biến trại sáng tác thành trại... an dưỡng, xả hơi, du lịch, gặp gỡ, tán gẫu... thì nên như Hội Nghệ sĩ sân khấu đã làm hồi tôi còn hoạt động ở đó, Thứ nhất, muốn tham gia trại, mỗi anh phải gửi kịch bản chi tiết lên để tuyển chọn, chứ chỉ đề cương thì các nhà biên kịch, với tài biến báo của mình, một ngày có thể làm ra 3-4 cái ngon ơ.

Chính kịch bản chi tiết này sẽ chống được cái gọi là những kịch bản cũ, kịch bản nhét trong ngăn kéo, giờ mang ra đăng ký. Thứ hai, có kịch bản chi tiết được chọn rồi, vào trại chia tổ đọc cho nhau nghe từng kịch bản, góp ý quyết liệt, sau đó dựa vào sự góp ý đó mà anh hoàn thiện. Hoàn thiện xong, vào cuối trại, sẽ tổ chức đọc lại xem anh nâng cao được bao nhiêu?

Như vậy suốt 15 ngày là 15 ngày căng thẳng trong tinh thần "luyện đan" và tự trọng. Kịch bản đọc ban đầu dở quá và đọc về cuối vẫn dở, chính tác giả sẽ bị tổn thương nên hết sức gồng mình lên mà nâng cao, không ai có thì giờ rong chơi hết. Tưởng như căng thẳng nhưng rất có tác dụng, đến nỗi có nhà viết kịch nói: "Tôi ở nhà, với chức năng trưởng phòng biên tập, mỗi ngày có thể kiếm vài triệu như không, nhưng tôi sẵn sàng bỏ để đi trại vì ở đây rõ ràng tay nghề được nâng lên!".

Tác giả khác nói: "Kịch bản này gai góc lắm, viết đọc cho vui thôi chứ chả ai dám dựng!”. Vậy mà sau khi góp ý, 2-3 đoàn xin dựng liền, lại toàn "gặt" huy chương vàng, bạc. Với cách thức dự trại như vậy đã đạt được tỷ lệ đáng khích lệ: 30 đến 40% các kịch bản dự trại đều được đưa vào dàn dựng, trong khi trước đó con số này rất thấp.

- Theo tổng kết, mỗi năm Việt Nam có từ 50 đến 70 trại sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng các trại này chủ yếu là nơi tập trung của các bậc văn nghệ sĩ cao niên, ít khi thấy bóng dáng người trẻ tuổi. Liệu có sự “phân biệt đối xử” giữa 2 thế hệ già - trẻ ở đây không, thưa ông?

+ Các hội khác không biết nhưng riêng Hội Nghệ sĩ sân khấu không bao giờ phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, miễn là có kịch bản hay. Vì để có được đội ngũ kế nhiệm trong khi đội ngũ đương đại đã quá cũ và già là một trách nhiệm lớn cho các tổ chức hội. Thế còn chỉ căn cứ vào bề dày kinh nghiệm và tuổi tác để mời dự trại, tất nhiên nó có cái lý đúng của nó, nhưng sẽ tiêu huỷ tài năng trẻ và sẽ bảo lưu được những cái cổ hủ, cũ kỹ không thay đổi được.

- Theo ông, đâu là lý do để chúng ta duy trì hoạt động của các trại sáng tác văn học - nghệ thuật? Trong khi đó, mô hình này được xem là “có một không hai” trên thế giới?

+ Tất nhiên mở trại là tốn kém, rất tốn kém nếu vin vào tiền thuế của dân. Ví dụ một người đi dự trại, mỗi ngày tiền ăn được hưởng 120 ngàn, tiền phòng mùa này có khi lên từ 500 đến 700 ngàn, nhân với 15 ngày là bao nhiêu?

Cũng khá đấy, chưa nói nếu ai được đầu tư chiều sâu tới 3 tháng liền mà không cho ra đời được cái gì nên hồn nên vía một chút là có tội. Bản thân mình cũng thấy bứt rứt không yên. Cho nên trại viết là vô cùng cần thiết cho các tư cách và năng lực sáng tạo nếu anh biết trân quý và tôn trọng nó. Và thực tế cũng có nhiều các tác phẩm đạt được thành tựu thông qua các trại này. Đến nỗi có lúc nghĩ, nếu không có các hệ thống trại sáng tác thì rồi không hiểu chất lượng của các loại hình văn học nghệ thuật sẽ đi về đâu?

- Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Chu Lai! 

Nguyệt Hà - Hà Anh (thực hiện)
.
.