Trách nhiệm xã hội của “đại sứ thương hiệu” ở đâu?

Thứ Sáu, 24/11/2017, 08:12
Hàng loạt mỹ nhân trong showbiz Việt đã trở thành Đại sứ thương hiệu của các nhãn hàng. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với công chúng của các Đại sứ thương hiệu ở đâu khi quảng bá sản phẩm chưa rõ nguồn gốc?


Vụ việc lô hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá lên đến 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (TS. Group) bị các cơ quan chức năng thu giữ hồi đầu tháng 11 vì chưa xác định rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn là chủ đề được bàn tán nhiều trên các diễn đàn những ngày gần đây.

Hàng loạt mỹ nhân trong showbiz Việt đã trở thành Đại sứ thương hiệu của các nhãn hàng. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với công chúng của các Đại sứ thương hiệu ở đâu khi quảng bá sản phẩm chưa rõ nguồn gốc?

"Mỏi mắt" chờ Đại sứ thương hiệu lên tiếng

Trước khi vụ việc lô hàng không rõ nguồn gốc bị thu giữ, TS Group được biết đến là địa chỉ tin cậy, chuyên cung cấp mỹ phẩm có nguồn gốc 100% thiên nhiên, có tác dụng rõ rệt sau thời gian ngắn sử dụng được nhiều chị em tin dùng.

Có lẽ, tính đến thời điểm này, TS Group là đơn vị sở hữu nhiều Đại sứ thương hiệu nhất ở Việt Nam hiện nay. Có thể "điểm danh" những người đẹp Việt làm Đại sứ cho các sản phẩm làm đẹp của TS Group như: diễn viên Ốc Thanh Vân (Đại sứ thương hiệu thức uống phòng chống ung thư Gac day), diễn viên Bảo Thanh (Đại sứ thương hiệu SENSLIM - giảm cân an toàn, tăng cân tự nhiên), Á hậu Tú Anh (Đại sứ thương hiệu sản phẩm trắng da Beauty & Go), diễn viên Lã Thanh Huyền (Đại sứ thương hiệu Beauty 99).

Bảo Thanh, nữ diễn viên "hot" sau bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" là Đại sứ thương hiệu sản phẩm SENSLIM - giảm cân an toàn, tăng cân tự nhiên.

Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm, các Đại sứ thương hiệu còn tham gia những buổi tư vấn làm đẹp, chia sẻ bí quyết chăm sóc da, trả lời thắc mắc của khách hàng về sản phẩm. Ngoài các Đại sứ thương hiệu, rất nhiều người đẹp trong showbiz Việt như Ngọc Hân, Jennifer Phạm, Huyền Lizzie, Thúy Diễm, Trương Quỳnh Anh, Tâm Tít….cũng xuất hiện quảng cáo các sản phẩm của TS Group trên mạng xã hội. Nhiều nghệ sỹ Việt tham gia quảng bá sản phẩm của TS Group là vậy nhưng sau khi sự cố xảy ra, phần lớn nghệ sỹ lựa chọn giải pháp im lặng. Điều này khiến công chúng đặt câu hỏi rằng, trách nhiệm của nghệ sỹ khi quảng cáo cho các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc nằm ở đâu.

Á hậu Tú Anh và diễn viên Ốc Thanh Vân là hai trong số ít người đẹp lên tiếng về vụ việc. Diễn viên Ốc Thanh Vân là nghệ sỹ đầu tiên lên tiếng trên trang cá nhân. Cô gửi lời xin lỗi đến khách hàng đã mua sản phẩm Gacday do cô làm Đại sứ thương hiệu.

Nữ diễn viên chia sẻ rằng, cô đã tìm hiểu kỹ và có lý do chính đáng để nhận làm Đại sứ thương hiệu cho các sản phẩm của TS Group chứ không dựa vào yếu tố lợi nhuận. Kể từ khi có thông tin về các sản phẩm của TS Group không rõ nguồn gốc, cửa hàng mỹ phẩm của nữ diễn viên đã không còn bán sản phẩm nào liên quan đến TS Group. Ốc Thanh Vân cũng khẳng định rằng, không một nghệ sỹ nào muốn đánh đổi uy tín, danh dự vì các hợp đồng quảng cáo.

Gần đây nhất, trên trang cá nhân, Á hậu Tú Anh chính thức lên tiếng nói rằng, dòng sản phẩm Beauty & Go của TS Group do cô làm Đại sứ không liên quan gì đến lô mỹ phẩm đang bị thu giữ và có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời khẳng định, cô đã và vẫn đang sử dụng dòng sản phẩm này. Theo lý giải của Á hậu Việt Nam 2012, sở dĩ cô lên tiếng muộn là muốn chờ xác minh cụ thể từ cơ quan chức năng.

Chưa bàn đến chuyện các sản phẩm của TS Group là giả hay thật, nguồn gốc ở đâu vì điều đó phụ thuộc vào kết luận của các cơ quan chức năng nhưng rõ ràng, với tư cách là người "truyền tải thông tin quảng cáo", các nghệ sỹ cần lên tiếng để công chúng hiểu rõ hơn về vụ việc.  Điều này cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của một Đại sứ thương hiệu.

Trách nhiệm xã hội của nghệ sỹ

Đại sứ thương hiệu là việc các nhãn hàng lựa chọn gương mặt đại diện cho sản phẩm của mình, từ đó để quảng bá, thu hút sự quan tâm, tin tưởng của khách hàng. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc lựa chọn gương mặt đại diện là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, giúp các nhãn hàng đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sỹ thường là những người có nhan sắc, có lượng fan hâm mộ đông đảo và có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Định hướng thẩm mỹ, "gu" thời trang của người nổi tiếng có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ. Chính vì vậy, lựa chọn người nổi tiếng làm Đại sứ thương hiệu là phương thức truyền thông rất có hiệu quả của các nhãn hàng.

Sử dụng Đại sứ thương hiệu rút ngắn khoảng cách tiếp cận khách hàng tiềm năng mà các phương thức quảng cáo thông thường khó có thể thực hiện được. Nhiều người cho rằng, làm Đại sứ thương hiệu giúp nghệ sỹ kiến tiền dễ dàng hơn so với những hoạt động nghệ thuật khác. Điều này lý giải vì sao, ngày càng nhiều nghệ sỹ Việt nhận lời làm Đại sứ thương hiệu.

Suy cho cùng, khi nghệ sỹ nhận lời làm Đại sứ thương hiệu thì cả doanh nghiệp và nghệ sỹ đều được hưởng lợi. Với doanh nghiệp, tên tuổi, hình ảnh nghệ sỹ là kênh để quảng bá sản phẩm hiệu quả. Người hâm mộ thường có xu hướng yêu thích và tin tưởng một số sản phẩm, thương hiệu mà thần tượng của họ yêu thích hoặc hay sử dụng. Với nghệ sỹ, việc nhận lời làm Đại sứ thương hiệu giúp họ có thêm nguồn thu nhập nhưng đồng thời, tên tuổi, hình ảnh của nghệ sỹ cũng có điều kiện để được quảng bá rộng rãi hơn nhờ các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên truyền hình và các phương tiện truyền thông.

Không chỉ mời nghệ sỹ làm Đại sứ thương hiệu, quảng cáo trên mạng xã hội của các nghệ sỹ cũng vô cùng hiệu quả. Mạng xã hội của các nghệ sỹ luôn thu hút đông đảo người hâm mộ và đây là khách hàng tiềm năng để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm. Thực tế cho thấy, không ít nghệ sỹ Việt cho doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội với mức phí không hề rẻ.

Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm của các nghệ sỹ ra sao khi sản phẩm họ quảng cáo chưa rõ nguồn gốc không hề đơn giản. Nhiều người cho rằng, nghệ sỹ vô can trong trường hợp này bởi việc chứng minh chất lượng sản phẩm là trách nhiệm của nhãn hàng, công ty cung cấp sản phẩm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, bản thân nghệ sỹ cũng là bị hại. Tuy nhiên, nghệ sỹ chỉ được coi là bị hại khi hoàn toàn không biết về những vấn đề "mập mờ" trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến những người chịu trách nhiệm truyền tải thông điệp quảng cáo. Nếu như có đầy đủ căn cứ xác định người nổi tiếng biết rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mà vẫn nhận quảng cáo thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm chung với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Cứ cho rằng, các nghệ sỹ "vô can" trong việc chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhưng họ cần phải nhận thức được trách nhiệm xã hội của mình với công chúng. Công chúng tin tưởng, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc quảng bá, truyền thông. Người nổi tiếng cần tỉnh táo lựa chọn những thương hiệu lớn, uy tín, sản phẩm có xuất xứ rõ ràng trước khi quyết định nhận lời làm Đại sứ thương hiệu hoặc quảng cáo cho sản phẩm. Nghệ sỹ phải thực sự hiểu, trực tiếp sử dụng sản phẩm mà mình quảng cáo. Tránh tình trạng "quảng cáo chỉ là quảng cáo" trong khi bản thân không hiểu, không nhận thấy công dụng thực sự của sản phẩm.

Bên cạnh đó, khi sản phẩm bị phát hiện "có vấn đề" thì Đại sứ thương hiệu cần phải lên tiếng giải thích với người tiêu dùng. Đó chính là trách nhiệm của nghệ sỹ với khán giả, người tiêu dùng trong vai trò người đại diện thương hiệu. Đồng thời, nghệ sỹ cần nâng cao ý thức về việc giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình. Những hợp đồng quảng cáo thường có giá trị lớn nhưng việc giữ gìn hình ảnh, uy tín của một người lao động nghệ thuật chân chính mới là điều đặc biệt quan trọng.

Tường Phạm
.
.