Văn hoá lễ hội

Trả lại những giá trị tốt đẹp cho lễ hội

Thứ Hai, 20/02/2012, 08:00
Phỏng vấn nhà sử học Lê Văn Lan.

- Thưa nhà sử học Lê Văn Lan, bàn về các lễ hội đầu năm, ông cho rằng những thay đổi cơ bản nào đang diễn ra, nếu so các hoạt động văn hóa này ở thì hiện tại và trong quá khứ?

+ Quan sát các lễ hội mà chúng ta đang tổ chức mỗi ngày một nhiều thì có thể thấy rằng, các lễ hội hôm nay đang bị biến tướng đi rất nhiều theo chiều hướng hiện đại hơn, giàu có hơn, phô trương hơn, chuộng vật chất và những cái hào nhoáng bên ngoài thay vì đề cao những yếu tố tâm linh, tinh thần như trong quá khứ.

- Xin ông nói cụ thể hơn về vấn đề này?

+ Thì các bạn cứ để ý mà xem, ngày xưa các cụ nhà ta lên chùa đầu năm thường mang theo một thẻ hương, một vài hoa quả ngon dâng Phật để cầu xin sự bình an, thì nay người ta đến những nơi linh thiêng với muôn vàn lễ vật hào nhoáng. Dường như người ta nghĩ muốn được Thần, Phật chú ý thì phải dâng thật nhiều lễ. Và người ta cũng cầu xin nhiều hơn, chủ yếu là các vấn đề thuộc về phạm trù vật chất chứ không phải tinh thần. Tâm lý thực dụng đang tràn lan trong các lễ hội, các chốn linh thiêng mà khởi thủy con người cần phải đến với tâm hồn thanh sạch, bỏ hết tham và dục.

- Theo nghiên cứu của ông, con người tìm đến với lễ nghi tôn giáo và các lễ hội mục đích chính là để làm gì?

+ Phong tục đi lễ chùa, lễ thánh đầu năm sở dĩ nó trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta hàng ngàn năm qua, vì nó mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Người ta đến những nơi này là để thực hành tín ngưỡng, tu dưỡng linh hồn mình, trải lòng trước các đấng thánh thần để hướng tới những điều tốt lành, an nhiên. Nay thì lễ chùa, lễ đền, lễ đình đã thành cầu chùa, cầu đình, cầu đền. Lẽ ra không gian người ta đến trong chay tịnh, lòng yên lành và thanh thản thì nay đã trở thành những chốn ồn ào, xin xỏ, thậm chí vay mượn thánh thần. Như thế là ý nghĩa linh thiêng đã mất đi phần nhiều rồi. Nếu các nhà làm văn hóa và quản lý văn hóa không quan tâm đến vấn đề này thì rồi những phong tục tốt đẹp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cha ông bao đời để lại sẽ không còn bóng dáng trong đời sống hiện đại ồn ã và thực dụng hôm nay nữa.

- Xin cảm ơn nhà sử học Lê Văn Lan

Hội Quân (thực hiện)
.
.