Trả đũa nhau bằng âm nhạc

Thứ Sáu, 02/11/2018, 08:12
Không ưa nhau, giới ca sĩ có nhiều cách để phản pháo, đá xéo. Người lên mặt báo kể lể, kẻ "xù lông" trên Facebook. Cả gan hơn thì mặt đối mặt, đốp chát tay đôi. Nhưng có vẻ vì hoạt động trong giới nghệ thuật nên bây giờ họ ưa thích mốt mới: "đá đểu" bằng âm nhạc.


Kiểu châm chích nhau bằng âm nhạc có đủ muôn màu muôn vẻ nhưng thường thấy nhất là biến câu chuyện hiềm khích thành ca khúc hoặc đưa những hình ảnh, biểu tượng ám chỉ vào nội dung MV. Ra mắt mới đây, MV "Thu dẩm" nói về một cô gái tên Thu ham muốn đàn ông đến mức biến thái đã khiến dư luận dậy sóng.

Dậy sóng không chỉ vì tiêu đề sống sít, ca từ thô thiển, cợt nhả mà còn vì ca khúc này bị nghi đá đểu Chi Pu. Fan hâm mộ nhanh chóng "soi" ra vô số tình tiết ám chỉ Chi Pu. Đầu tiên, trái ngược với "Thu" là "Chi". Nếu xem MV sẽ thấy trên áo cô gái in chữ "M S P U" nghĩa là "Ms Pu" (tức cô Pu). Hình vương miện trên tai cô gái và trên nhẫn người đàn ông trong MV là biểu tượng hình ảnh nữ hoàng của Chi Pu trong MV mới nhất có tên "Đóa hoa hồng".

Logo trên trang phục cô gái in chữ PUSW - đây là thương hiệu thời trang mà Chi Pu làm gương mặt đại diện. Ca khúc có đoạn "Cô ta có hơn 2 triệu follow trên Instagram" quá khớp với thực tế Chi Pu có 2,6 triệu lượt theo dõi. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn là đồn đoán bởi tác giả không hề lên tiếng.

Rất nhiều sản phẩm âm nhạc của Chi Pu bị cho là trả đũa đồng nghiệp.

Chi Pu cũng là người có không ít sản phẩm âm nhạc đáp trả, nhắc khéo đồng nghiệp. MV mới nhất mang tên "Đóa hoa hồng" có nhiều chi tiết mà fan cho rằng Chi Pu chửi xéo Hương Tràm. Một hình ảnh khá kì lạ và đầy ẩn ý xuất hiện trong MV: tượng con gà ngồi trên tượng con heo trong ly nước. Trong khi đó Chi Pu tuổi Dậu và Hương Tràm tuổi Hợi.

Trước đó, mối quan hệ giữa cô và Hương Tràm trở nên căng thẳng khi Hương Tràm là một trong số những nghệ sĩ chê bai cô hát dở, không nên làm ca sĩ. Giữa làn sóng chê bai Chi Pu, ca sĩ Minh Quân đăng đàn trên Facebook kiến nghị cơ quan chức năng phải thanh lọc và cấp lại thẻ hành nghề cho những người cầm mic, hát trên sân khấu, kiếm tiền trên danh xưng của một ca sĩ.

Có vẻ để chắc chắn với phát ngôn quan trọng và cực kỳ nghiêm túc này, anh đã phải sửa dòng trạng thái đến 18 lần mới cho ra phát biểu chính thức. "Uốn lưỡi" 18 lần nhưng Minh Quân vẫn không tránh khỏi gạch đá.  Sau đó không lâu, Chi Pu ra mắt MV "Em sai rồi, anh xin lỗi em đi". Những người tinh ý sẽ thấy Chi Pu lặp đi lặp lại câu hát "Anh xin lỗi em đi" đúng 18 lần. Đa phần khán giả ngầm hiểu cô đang trả đũa Minh Quân.

Trường hợp của Chi Pu vẫn chỉ là ám chỉ, úp úp mở mở để dư luận tha hồ tranh cãi. Riêng Miu Lê thì giễu nhại thẳng thừng nhân vật cô không ưa: nhạc sĩ Dương Cầm. Đáp trả việc Dương Cầm chê bai giọng hát của mình, không dừng lại ở cuộc khẩu chiến trên báo chí, Miu Lê còn cùng nhạc sĩ Only C viết lời mới cho bài hát "Em chưa 18" để đả kích nhạc sĩ trong chương trình "Sao đại chiến". Cô đọc rap như nghênh chiến: "Em năm nay 18, nhưng em không thích chơi dương cầm, nhưng mà anh nào đọc rap em sẽ đổ cái rầm". Kết thúc phần trình diễn là hình ảnh cây đàn piano bị gạch chéo.

Không khác gì Miu Lê, ca sĩ Sơn Tùng M-TP từng giễu nhại trực tiếp nhạc sĩ Dương Khắc Linh và Phó Đức Phương với MV "Không phải dạng vừa đâu". Trong MV, Sơn Tùng vào vai một anh chàng chơi nhạc ở phòng trà và bị hai vị nhạc sĩ bắt chơi theo ý họ. Đáng nói, hai nhạc sĩ khó tính này được tạo hình y chang nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Khắc Linh.

Vì bị đè nén quá mức, cuối cùng chàng trai không chịu đàn theo ý hai nhạc sĩ mà ngẫu hứng chơi theo cách riêng của mình khiến hai người này tức điên. Người không hiểu chuyện sâu xa lắm cũng dễ dàng hiểu rằng Sơn Tùng đang mỉa mai Phó Đức Phương, Dương Khắc Linh vì họ là những người phê phán anh nặng nề nhất trong scandal ăn cắp beat nhạc nước ngoài. Dù phủ định việc cạnh khóe tiền bối nhưng chỉ vài ngày sau, ekip của Sơn Tùng buộc phải gỡ MV vì khán giả không thể chấp nhận một sản phẩm âm nhạc thiếu lễ độ và hỗn hào như thế.

Trong khi đó, Sơn Tùng lại trở thành nhân vật để nhóm MTV châm biếm trong MV "Đừng nhìn bề ngoài". Cụ thể, lời bài hát có nhiều đoạn trùng khớp với những scandal trước đó của Sơn Tùng. Đặc biệt, phần tạo hình na ná chàng ca sĩ gốc Thái Bình. Còn rất nhiều vụ sao cãi vã, châm chích nhau bằng âm nhạc như vụ Khánh My "đá đểu" người mẫu Ngọc Trinh về chuyện tranh giành đại gia khi mời "bản sao" Ngọc Trinh vào vai người thứ 3 trong MV của Khánh My.

MV "Điều em cần chỉ là anh" của Minh Hằng thì để nhân vật do Ninh Dương Lan Ngọc diễn xuất tuyên bố trước mặt bầu show: "Có chế đó thì không có cô Ba này" khiến khán giả nhớ ngay đến vụ Minh Hằng bị Hồ Ngọc Hà chèn ép khi được mời làm giám khảo gameshow "The Face - Gương mặt thương hiệu".

Việc trả đũa thâm thù cá nhân, châm biếm đối thủ bằng âm nhạc vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nó chỉ xuất hiện vài ba năm trở lại đây và đang bắt đầu trở thành trào lưu. Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, trên thế giới, hiềm khích cá nhân đi vào bài hát là chuyện bình thường.

Có thể kể đến "Bad blood" và "Look what you made me do" của Taylor Swift. Nếu "Bad blood" châm chích ca sĩ Katty Perry - người bạn thân một thời đã chen ngang vào mối tình của Taylor thì "Look what you made me do" lại tổng hợp danh sách những nhân vật mà Taylor ghét cay ghét đắng.

Riêng ca khúc "Dear John", Taylor Swift viết "tặng" bạn trai cũ John Mayer nhằm bóc trần thói trăng hoa của anh chàng. Các ca khúc đều trở thành hit (bài hát ăn khách) và mang về cho Taylor không ít giải thưởng âm nhạc bởi nếu dẹp qua chuyện cá nhân thì nó vẫn có tính sáng tạo cao, nội dung sâu sắc và khẳng định tài năng âm nhạc của Taylor.

Thực hiện MV "Điều em cần chỉ là anh", Minh Hằng úp mở chuyện cô bị Hồ Ngọc Hà chèn ép khi được mời làm giám khảo "The Face".

Nhìn lại ở Việt Nam, các bài hát mang chuyện cá nhân vẫn dừng lại mục đích "chửi cho đã" chứ chưa đạt tầm nghệ thuật. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng, dù có dùng âm nhạc như một phương tiện công kích nhau thì sau rốt, nó cũng là sản phẩm dành cho công chúng chứ không riêng nghệ sĩ. Do đó, họ không thể thỏa mãn cái tôi nhất thời mà không nghĩ đến điều công chúng nhận được.

Đương nhiên, âm nhạc luôn cần chất liệu đời sống. Việc đưa những câu chuyện bực bội, bức xúc của mình vào âm nhạc cũng không ngoại lệ. Nhưng nghệ thuật phải có sự vượt thoát, sáng tạo để từ những chất liệu đó tạo ra tác phẩm giá trị cao. Âm nhạc không thể là bãi rác để họ đổ trút sống sượng chất liệu ấy.

Nhiều bài hát không khác gì lời ăn tiếng nói bỗ bã hằng ngày và không hề có chút giá trị mỹ cảm, thông điệp tốt đẹp cho người nghe. Không hiếm nghệ sĩ cố tình đưa hiềm khích đời tư vào âm nhạc nhằm gây chú ý, đánh bóng tên tuổi. Bởi chuyện đời tư luôn khiến công chúng tò mò. Họ biến sản phẩm âm nhạc của mình thành một thứ tầm thường, biến thị trường âm nhạc như một cái chợ để "hòn bấc ném đi hòn chì ném lại". Do đó, hầu hết ca khúc trả đũa nhau của showbiz Việt chỉ nổi lên được thời gian rồi chìm nghỉm.

Khai thác cùng đề tài nhưng "Thật bất ngờ" của Mew Amazing lại thành công rực rỡ, trở thành câu hát cửa miệng của nhiều người. Ca khúc không chỉ chỉ rõ bản chất của showbiz mà còn có cách châm biếm đồng nghiệp rất hóm hỉnh, sáng tạo, thông minh: "Từng ngày vội vội vàng đi qua/ Câu chuyện ngày ngày càng đi xa/ Trên bản tin có lẽ anh hơi ngây ngô khi chia tay tôi, tôi không có lỗi/ Và màn hình tivi, đêm ngày trồng trọt vào trong trí óc/ Về một thế giới, như mơ, như thơ, như ly kem bơ ôi thật bất ngờ!".

"Thật bất ngờ" đưa tên tuổi ca sĩ Trúc Nhân lên hàng ngôi sao còn nhạc sĩ Mew Amazing liên tục gặt hái nhiều giải thưởng chuyên môn uy tín. Nó không dừng lại ở nội dung chỉ trích mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa với những bứt phát, tìm tòi mới về chất nhạc, thông điệp, độ thâm thúy...

"Đá xéo đồng nghiệp nhưng ca khúc hài hước, ý nhị, nhân văn thì nó mang một tầm giá trị mới, hoàn toàn khác kiểu châm chích, thóa mạ nhau đơn thuần. Đáng tiếc, các ca khúc Việt Nam đạt tầm như thế quá ít ỏi" - nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói.

Phan Thi Uyên
.
.